(PL)- Nếu chỉ triển
khai các biện pháp gia tăng quân đội gây sức ép, trong khi Trung Quốc duy trì
chiến lược vùng xám thì Washington khó ngăn Bắc Kinh gây hấn ở biển Đông.
Hải quân Philippines tập trận chung với hải quân Mỹ tháng 6-2014 ở biển Đông. Ảnh: AFP |
Hôm 28-8, hải quân
Mỹ xác nhận khu trục hạm USS Wayne E. Meyer đã tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong vòng bán kính 12 hải lý quanh các đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc (TQ) chiếm giữ
trái phép.
Trang tin USNI News dẫn lời phát ngôn viên
Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen, khẳng định: “Các lực lượng Mỹ
hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều đặn mỗi ngày, bao gồm
cả khu vực biển Đông. Mọi chiến dịch đều được thực hiện theo đúng luật pháp
quốc tế và là bằng chứng cho thấy Mỹ sẽ hoạt động ở bất kỳ đâu luật pháp quốc
tế cho phép”.
Mỹ gia tăng hiện diện quân sự
Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào TQ trong
bối cảnh Bắc Kinh cử đội tàu Địa chất hải dương 8, bao gồm các tàu khảo sát địa
chấn, tàu cảnh sát biển, tàu cá hộ tống, xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ
quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công
ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trong vòng một năm qua, Mỹ đã tiến hành sáu chương
trình tuần tra tự do hàng hải tại biển Đông nhằm vào các tuyên bố phi pháp của
Bắc Kinh. Hôm 26-8, Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông cáo chỉ trích trực diện Bắc Kinh:
“TQ gần đây đã tái diễn các hoạt động can thiệp cưỡng ép đối với hoạt động thăm
dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Động thái này của Bắc Kinh
hoàn toàn đi ngược với cam kết Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đưa ra ở
Đối thoại Shangri-La đầu năm 2019, rằng TQ sẽ đi theo con đường phát triển hòa
bình”.
Một ngày sau đó (27-8), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Mark Esper cho biết các thách thức từ TQ và Nga buộc Mỹ phải đề ra chiến lược
đối phó mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ xem xét mở
thêm các căn cứ quân sự mới “ở những điểm trọng yếu” tại khu vực. Tháng 6-2019,
Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ sẽ tăng cường cam kết với các liên minh và đối tác,
đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác mới có chung quan
điểm tôn trọng chủ quyền, thương mại công bằng và cùng có lợi cũng như luật pháp
quốc tế.
Cho đến hiện nay, nhận thức của giới lãnh đạo
Washington về năng lực quốc phòng của TQ rất rõ ràng: Quân đội TQ là mối đe dọa
nghiêm trọng đối với an ninh khu vực, trong đó bao gồm vấn đề tự do hàng hải mà
Mỹ rất quan tâm. Thế nên Mỹ vẫn đang rất tập trung vào vấn đề quân sự trong
việc đối trọng với các hành động của TQ tại khu vực.
Cần thêm mặt trận khác
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM mới đây,
chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á
(AMTI), nói rằng “chiến lược của TQ rất rõ ràng: Họ muốn dùng sự bắt nạt và đe
dọa để từ từ đẩy các nước láng giềng ra khỏi biển Đông, đồng thời thiết lập sự
thống trị đối với vùng biển và không phận tại đây mà không gây chiến tranh. Cả
chính quyền Tổng thống Donald Trump và cựu tổng thống Barack Obama đều không có
những phản ứng hiệu quả đối với chiến lược đó, bởi vì cả hai nhà lãnh đạo đã
phụ thuộc quá nhiều vào Bộ Quốc phòng Mỹ”.
Chuyên gia Poling khẳng định vấn đề cốt lõi ở biển
Đông không phải là quân sự và năng lực quân đội không thể giải quyết được những
mâu thuẫn đang xảy ra ở biển Đông. “Vấn đề biển Đông đòi hỏi những nỗ lực cấp
cao từ Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vốn vẫn còn chưa tương xứng” - chuyên gia
Poling nhận xét.
Đồng tình với chuyên gia Poling, ông Murray
Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế
(CSIS), cũng cho rằng Mỹ và các đồng minh cần triển khai nhiều biện pháp đấu
tranh. Đó là đấu tranh cả về kinh tế lẫn ngoại giao để Bắc Kinh hiểu ra rằng
càng tiếp diễn hành vi ngang ngược ở biển Đông, TQ sẽ thiệt hại càng nhiều.
Viết trên tờ The Wall Street Journal ngày
28-8, hai chuyên gia Poling và Hiebert cho rằng: “Đối phó các hành vi ngang
ngược của TQ, Mỹ không thể chỉ đấu tranh trên mặt trận quân sự. Nếu Washington
muốn kìm hãm cơn khủng hoảng bùng nổ trong tương lai và chứng minh cam kết đảm
bảo tự do hàng hải của mình, nước này phải có đối sách ngoại giao và kinh tế
phối hợp với các đối tác trên thế giới hiệu quả hơn. Mục tiêu là phải khiến TQ
trả giá cho những hành vi cưỡng ép trên biển Đông và cho lãnh đạo Bắc Kinh thấy
rằng họ sẽ thiệt hại càng nặng nếu cứ tiếp diễn”.
Để thực hiện một chiến lược như vậy, hai chuyên gia
khuyến nghị Mỹ nên mời các nước châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc cùng tham gia
nhằm tạo áp lực buộc TQ phải chấp hành luật pháp quốc tế. “Liên kết càng nhiều
nước thì rủi ro mất uy tín của Bắc Kinh càng cao” - hai ông nhấn mạnh.
Ở khía cạnh kinh tế, hai chuyên gia khuyến nghị Mỹ
và đồng minh nên mạnh tay hơn với chiến thuật của TQ: Sử dụng các lực lượng dân
sự và bán quân sự để cưỡng ép các nước láng giềng. Washington cần nhận diện và
công bố bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào thừa lệnh TQ tham gia hoạt động cưỡng ép
nước khác. Sau đó chặn các đối tượng này tiếp cận làm ăn ở Mỹ hay các thị
trường quốc tế khác thông qua một đạo luật, chẳng hạn như Đạo luật Chế tài (về
hành xử ở) biển Đông.
Các hành động đơn
phương trong những tuần qua tại biển Đông đã dẫn tới những căng thẳng gia
tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải, điều này thể hiện một mối
đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực.
Người phát ngôn
Cơ quan ngoại giao EU, theo phái đoàn EU tại Việt Nam
Mỹ quan ngại sâu sắc việc TQ tiếp tục can thiệp
vào các hoạt động của Việt Nam trong EEZ của Việt Nam. Việc triển khai tàu
khảo sát của TQ là sự leo thang nhằm đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi
việc phát triển tài nguyên ở biển Đông.
Người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Mỹ MORGAN
ORTAGUS
phát biểu hôm 22-8 |
ĐỖ THIỆN - VĨ
CƯỜNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire