ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (trái) và ĐBQH Nguyễn Quang Dũng - Ảnh: VPQH |
Tại hội trường Quốc hội, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và ĐB Nguyễn Quang
Dũng (Quảng Nam) đã tranh luận với nhau về hoạt động của ngành kiểm sát.
Chiều 4.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án;
công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, theo Hiến pháp, pháp luật thì Viện KSND có 2
chức năng tối quan trọng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư
pháp. Về lý luận và thực tiễn cho thấy Nhà nước đang đặt 2 trọng trách, 2 trái
núi lên vai ngành kiểm sát trong khi TAND mới là cơ quan nắm quyền lực tư pháp.
“Nhiều cử tri trao đổi rằng, người đứng đầu ngành kiểm sát nhân dân còn
chịu sự lép vế trong sắp xếp bố trí nhân sự. Ở địa phương, Viện trưởng Viện
KSND, Chánh án TAND rất khó “có chân” trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ở Trung
ương, Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, trong khi
đó người đứng đầu hệ thống mà Viện KSND thực hành quyền công tố và kiểm sát
hoạt động tư pháp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Do đó, việc
phối hợp khó khăn 5-6 thì việc kiểm sát khó gấp bội phần”, ĐB Nhưỡng nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu đây là một nguyên nhân làm cho Viện KSND
“yếu đuối” thì Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nghiên cứu để cải
thiện ngành kiểm sát nhân dân.
ĐB Nhưỡng cho rằng, yếu tố chủ quan mới là có tính quyết định nếu như tình
trạng hiện nay cử tri đánh giá hoạt động của Viện KSND chưa ngang tầm nhiệm vụ
được giao. Có thể nói vị thế của ngành Kiểm sát giảm sút nhiều so với những năm
trước đây.
Vì thế, theo ông Nhưỡng, phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, nhận diện và
quyết tâm hơn và chú ý 2 vấn đề:
Thứ nhất, trong thực hành quyền công tố, Viện KSND tránh trở thành khớp nối
trung chuyển cho oan sai, bức cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm, phải truy tố
đúng người đúng tội, không dễ dãi xây dựng cáo trạng trạng truy tố trên các kết
luận điều tra trái pháp luật, thiếu tin cậy. Cần phúc tra đầy đủ, nghiêm túc để
thể hiện quyền lực công tố của nhà nước, tránh tình trạng chịu rắc rối, lép vế
trong tranh tụng hoặc tha bổng cho các hoạt động vi phạm pháp luật trong hoạt
động tư pháp.
Thứ hai, trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát cần
quyết liệt xem xét, xử lý các vụ việc kể cả sử dụng quyền điều tra xử lý tội
phạm đối với cán bộ, nhân viên hoạt động tư pháp, không nên đẩy các sai phạm đó
về cho các cơ quan xử lý nội bộ, theo kiểu dĩ hòa vi quý”, ông nói và cho rằng
nếu chỉ cần làm tốt mấy việc đó, Viện KSND xứng đáng là khớp nối an toàn, hiệu
quả của chuỗi các hoạt động tư pháp.
ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại Đà
Nẵng đã giơ biển tranh luận với ĐB Nhưỡng.
Ông Dũng nói cảm thấy rất buồn vì những phát biểu của ĐB Nhưỡng về ngành
kiểm sát. Theo ĐB Dũng, những phát biểu của ĐB Nhưỡng là mang tính hồ đồ, xúc
phạm ngành kiểm sát. Trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước thì hoạt động của
Quốc hội, Chính phủ, VKSND tối cao, TAND tối cao hoạt động tuân theo nguyên tắc
hiến định và có sự phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan để thực hiện
các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
“Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo sự phân công và
không thể nói rằng có sự lép vế giữa cơ quan này với cơ quan khác trong hệ
thống tổ chức bộ máy nhà nước của chúng ta”, ông Dũng nêu.
ĐB Dũng cũng thừa nhận như trong báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê
Minh Trí có nói ngành kiểm sát còn một số tồn tại, hạn chế, nhưng ĐB Dũng cho
rằng không thể vì một số tồn tại, hạn chế ấy mà phủ nhận đi tất cả những công
lao, nỗ lực của ngành”.
Sau giờ giải lao, ĐB Nhưỡng đã giơ biển tranh luận lại. Ông nói không có ý
định trao đổi lại nhưng nếu không trao đổi lại thì có nhiều băn khoăn, nhiều
ĐBQH khác cũng băn khoăn. ĐB Nhưỡng cho rằng, đánh giá của cá nhân ông là có
tình có lý, phát biểu mang tính xây dựng, không quy chụp.
ĐB Nhưỡng cho biết thêm, ông cũng “hiểu tâm tư của ĐB Quang Dũng, vì là
người của ngành kiểm sát. “Tôi chia sẻ điều đó, nhưng cá nhân tôi thì không
buồn, cử tri và Quốc hội sẽ đánh giá tôi”, ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo ĐB Nhưỡng, nghị trường Quốc hội không phải nơi họp ngành, mà là mái
nhà chung của Tổ quốc. Ở đây, các đại biểu phải mang lợi ích chung cho Tổ quốc
để bàn luận. Đồng thời, nghị sĩ là người được lựa chọn thì không nên bức xúc
quá. Vì nếu không thì “ngoài kia người ta sẽ đánh giá”. Chốt lại, ĐB Nhưỡng
nói: “Quả thật, tôi xin nói với Quốc hội, tôi không buồn”.
Lam Thanh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire