13/03/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi
người dân phải là “pháo đài” phòng chống dịch bệnh giữa bối cảnh số ca nhiễm
virus corona được xác nhận tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong một tuần
qua, lên đến 47 người tính đến tối 13/3.
Trong số 3 ca nhiễm mới được Bộ Y tế
Việt Nam xác nhận vào ngày 13/3, có 2 ca ở Hà Nội (1 người là tiếp viên hàng
không trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam, 1 người là giúp việc của bệnh nhân
thứ 17) và 1 ca ở TPHCM (là nam thanh niên có tiếp xúc với bệnh nhân số 34 tại Bình
Thuận).
“Pháo đài”
Tại cuộc họp ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại tuyên bố trước đó của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, nói rằng Việt Nam đã bước vào “giai đoạn 2” của việc phòng chống dịch, sau khi giai đoạn 1 được các lãnh đạo đánh giá là “giành chiến thắng”, với toàn bộ 16 ca nhiễm bệnh đều được chữa trị thành công và xuất viện.
“Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi
khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói,
đồng thời cảnh báo thêm rằng nếu chậm trễ, “dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng
ta”.
Lời kêu gọi của ông Nguyễn Xuân Phúc
được đưa ra khi Việt Nam chỉ trong vòng một tuần qua đã công bố thêm 31 ca
nhiễm bệnh, tăng gần gấp đôi so với 16 ca bệnh được xác nhận trước đó kể từ đầu
dịch.
Ca bệnh thứ 17 được xác nhận khi Việt
Nam đã bước sang ngày thứ 22 không có ca nhiễm mới và chuẩn bị để công bố “hết
dịch”.
Nhận định về nỗ lực của chính phủ Việt
Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19, blogger Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội cho
rằng giới hữu trách đã “làm hết khả năng” của mình, duy chỉ có một điều là
thông tin trong giai đoạn trước khi công bố ca nhiễm thứ 17, theo ông, là
“không rõ ràng, minh bạch”.
Ông Nguyễn Chí Tuyến giải thích thêm với
VOA:
“Cứ
đứng mãi ở con số 16. Nhiều người dân nói rằng tình hình dịch bệnh không thể
nào cứ đứng mãi thế được. Nhiều người nói thẳng là có những người có thể có rất
nhiều khả năng [mắc bệnh], ví dụ có những người đột tử, thậm chí là đột tử giữa
đường. Nôm na người ta nói rằng chính phủ vẫn chưa công khai minh bạch, rõ ràng
tất cả, đầy đủ cho dân cùng biết”.
Thu phí điều trị với người nước ngoài
Cũng trong cuộc họp ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ thu phí điều trị Covid-19 đối với người nước ngoài, sau khi có một số ý kiến trên mạng vào tuần trước tỏ ý lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành “bệnh viện miễn phí” cho dân của những nước giàu nếu như vẫn tiếp tục áp dụng chính sách chữa trị miễn phí cho tất cả những người bị nhiễm dịch bệnh Covid-19.
“Việt Nam không khéo sẽ trở thành vùng
trũng của những người ngoại quốc đến trốn bệnh và chữa bệnh không mất tiền”,
nhà báo Nguyễn Công Khế viết trên trang Facebook cá nhân.
Đề cập đến chính sách này, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/3 khẳng định người nước ngoài nếu mắc bệnh thì phải trả
phí điều trị, nhưng không phải trả chi phí cách ly và xét nghiệm. Trong khi đó,
người dân Việt Nam vẫn được hưởng chính sách miễn phí điều trị Covid-19.
“Tôi
hoàn toàn đồng ý như thế”,
blogger Nguyễn Chí Tuyến nói. “Ngay cả các nước như Mỹ, châu Âu... thì không phải
nước nào cũng miễn phí hết cho công dân và người nước ngoài. Trong khi đó, Việt
Nam đâu phải là nước giàu có gì, cho nên trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ
có rất nhiều bệnh nhân, trong đó có người nước ngoài, nên một số dịch vụ sẽ
phải tính tiền”.
Tính cho đến ngày 13/3, Việt Nam hiện
đang theo dõi, cách ly gần 29.000 người, trong đó có 440 người cách ly tại bệnh
viện, hơn 11.500 người cách ly tập trung tại các cơ sở và gần 17.000 người cách
ly tại nhà và nơi lưu trú.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-x%C3%A1c-nh%E1%BA%ADn-ca-covid-19-th%E1%BB%A9-47-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-d%C3%A2n-l%C3%A0m-ph%C3%A1o-%C4%91%C3%A0i-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch/5327670.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire