(Khoa học) - Trung Quốc tuyên bố xả nước trên sông Mekong để giúp các quốc gia láng giềng đối phó khô hạn, nhưng đến nay thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp.
Ngày 27/3, báo cáo về diễn biến nguồn nước sông Mekong, Viện
Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, trong tuần không có mưa hoặc có mưa nhỏ
một vài nơi, mực nước phụ thuộc vào nước đến từ thượng nguồn và chu kỳ triều.
Tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt |
Mực nước các trạm đầu nguồn Tân Châu và Châu Đốc hiện ở mức
thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,21-0,22m so với cùng thời kỳ. Nội vùng
đồng bằng, mực nước các trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận thấp hơn trung bình nhiều năm
0,04-0,08m.
Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất trong tuần (từ ngày 21/3/2020
đến ngày 27/3/2020) có xu thế giảm, tuy nhiên ở sông Vàm Cỏ, sông Tiền và sông Hàm Luông
vẫn duy trì và tăng nhẹ với ranh 4g/l xâm nhập tại các cửa sông.
"Nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn
nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 thấp hơn so
với trung bình và thấp hơn so với năm kiệt 2016", Viện Khoa học Thủy lợi
miền Nam đánh giá.
Đáng lưu ý, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ngày 20/2
Trung Quốc tuyên bố xả nước trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng
đối phó với khô hạn, nước từ đập Cảnh Hồng về đến Chiang Saen chỉ mất 2-3 ngày
nhưng đến nay vẫn chưa có sự gia tăng xả này. Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả
thấp.
Vận hành gia tăng từ các đập thủy điện Trung Quốc đã chậm hơn
khoảng 40 ngày so với ở năm 2018-2019 và 34 ngày so với bình quân những năm gần
đây.
Bởi vậy, Viện dự báo lưu lượng bình quân tháng 3 thấp, mặn
sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 3, đỉnh mặn tháng 3 xuất hiện trong
tuần 7/3-15/3 và 22/3-28/3, mặn sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa đầu tháng 4.
Ngoài ra, dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm
2019-2020, nước về ít ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường đã xảy ra sớm ngay từ
đầu tháng 12 và có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm
nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng.
Vì vậy, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng chống
hạn mặn với trường hợp ở năm hạn mặn lịch sử.
Riêng vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước đến hiện tại được xem là có
khó khăn do đầu nước thấp, cần chủ động điều tiết nước và bơm tát, các giải pháp cấp nước
cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên.
Vùng giữa ĐBSCL, đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu
lượng về thấp, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ
mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Giảm diện tích các vùng ven biển nơi chưa đảm
bảo nguồn nước.
Chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ
động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kì khan hiếm nước, hạn
chế tiêu thoát nước. Mặn duy trì cao đến cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4, cần
bảo vệ các nguồn nước hiện hữu (bổ sung đập tạm), kiểm tra thường xuyên nguồn
nước, tích nước ngay khi có thể, có biện pháp giảm thiểu bốc thoát hơi nước cho
cây trái (giữ ẩm gốc, tỉa bớt lá).
Vùng ven biển ĐBSCL: nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt
cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1 và 2 và duy trì cao
trong tháng 3 và kéo dài hết nửa đầu tháng 4. Do đó, cần chủ động các giải pháp bơm
trữ nước và cấp nước sinh hoạt.
Như vậy, với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến
hiện nay, thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp và kéo dài trong tháng 3, mặn nền
cao tiếp tục duy trì đến cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4, Viện Khoa học Thủy
lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương vận hành hệ thống công trình hợp lý,
kiểm soát mặn thường xuyên ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm
bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước trong thời kỳ mặn lịch sử này. Cập nhật
các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn
biến nguồn nước.
Minh Thái
Nguồn: Báo Đất Việt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire