01/05/2020

HÒA HỢP CÁI GÌ-HÒA HỢP VỚI AI ?


Võ Văn Kiệt :”Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.
Phạm Trần


Mỗi năm đến ngày 30 tháng 04, vấn đề “hòa hợp, hòa giải dân tộc” lại được đặt ra, nhưng năm nay, sau 45 lần nhắc nhở, chuyện “hòa giải” đã bị đảng Cộng sản dẹp bỏ để chỉ nhắc đến chuyện “hòa hợp” vào với  họ.



Tại sao như thế ? Vì người Cộng sản Việt Nam (CSVN) cho  rằng, sau 45 năm họ thắng chiến tranh, thống nhất đất nước về với đảng  thì không có lý do gì họ phải “hòa giải” với  bên thua trận Việt Nam Cộng Hòa.


LÝ DO XA MẶT CÁCH LÒNG

Nhưng vấn đề không đơn giản như họ nghĩ để buộc người miền Nam phải làm theo vì không còn  lựa chọn nào khác. Trong 45 năm qua, ai cũng biết nhà nước CSVN đã đối xử kỳ thị và bất xứng với nhân dân miền Nam trên nhiều lĩnh vực. Từ công ăn việc làm đến bảo vệ sức khỏe, di trú và giáo dục, lý lịch cá nhân của người miền Nam đã bị “phanh thây xẻ thịt” đến 3 đời (Ông bà, cha mẹ, anh em) để moi xét, hạch hỏi và làm tiền.

Những người miền Nam có liên hệ xa, gần với  chế độ cũ VNCH, luôn luôn bị canh chừng, bị làm khó trong mọi hoàn cảnh. Cho nên, trong đời sống hàng ngày, sự quan hệ giữa người dân miền Nam với cán bộ, đảng viên Cộng sản, nhất là đối với những cư dân có gốc gác di cư từ Bắc vô Nam năm 1954, luôn luôn có những bất công và thiếu trong sáng.

Ngay cả giữa Cộng sản Bắc và Cộng sản Nam cũng có những đối xử cách biệt với nhau, huống chi người dân hai miền. Đây là sự thật không ái dám phủ nhận, nhưng cũng ít ai dám công khai nói ra trong xã hội Việt Nam bây giờ, sau 45 năm thống nhất.



Vì vậy, cứ mỗi lần gặp khó khăn, người dân miền Nam lại nhớ và tiếc nuối cho những gì đã có dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Nhà nước CSVN, dù đã tuyên truyền và vận động mỏi cổ “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, vẫn thất bại ê chề trong nỗ lực đoàn kết với dân Nam thua trận.

Bởi vì người miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa và con cháu họ sau ngày 30/04/1975, đã mất nhiều tình tự dân tộc cùng chung dòng máu với nhiều thành phần người dân miền Bắc, những người đã bị coi là thành phần “chiếm đóng” hay “cai trị”  miền Nam, từ sau 1975.

Vì vậy, đảng CSVN sẽ  bị lên án kéo dài chia rẽ và hận thù dân tộc nếu lãnh đạo cứ khư khư ôm tính kiêu ngạo Cộng sản, ngủ say trên vòng nguyệt quế, tự mãn, say sưa thành tích, như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cảnh giác trong cuộc phỏng vấn  của báo Quốc Tế, ra ngày 31/03/2005.

Có nhiều bằng chứng để nói về thái độ vênh mặt của người  CSVN.

Tỷ  dụ như Nhà nghiên cứu, doanh nhân, luật sư Nguyễn Trần Bạt đã nói: “Vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi. Hòa giải là phải có hai bên, vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải. Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30-4-1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ, là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam”.  (báo Quân đội Nhân dân, ngày 26/04/2020)

Nhưng điều được gọi là “thành tựu chính trị” là thành tựu gì, nếu không phải là hành động dùng mọi thủ đoạn và cơ hội để thâu tóm quyền lực cho riêng người Cộng sản từ năm 1946, bắt đầu từ chủ trương khủng bố các thành phần không Cộng sản trong Chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng ?

Theo lập luận “Hòa giải là phải có hai bên”  của ông Nguyễn Trần Bạt, nhưng vì bên miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) đã thua, do đó,  “bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải” nữa. Nói cách khác, theo cách nghĩ của ông Bạt, là không cần bàn đến nữa, dẹp đi, chỉ còn lại chuyện những người thua cuộc phải “hòa hợp” vào với đảng cầm quyền Cộng sản mà thôi.

Nhưng “hòa hợp” để làm theo chủ trương, chính sách của đảng Cộng sản cầm quyền, phải phục tùng lãnh đạo của đảng thì “hòa hợp” là “hòa tan”, không còn thực thể chính trị nào trong guồng máy nhà nước nữa.

Nói cách khác, “hòa hợp” kiểu này là tự hóa thân, hay đã tự biến thành con thiêu thân để nhập cuộc với chế độ độc đảng.

Nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người cũng được báo QĐND phỏng vấn về ngày 30/04, sau 35 năm, đã so sánh khập khễnh giữa chế độ 1 đảng và đa đảng như thế này:” Chế độ một đảng mà làm tốt công tác chống dịch Covid-19 hơn hẳn các nước đa đảng, để toàn thế giới khâm phục, ca ngợi nước ta rất nhân văn, khi họ nhìn rõ Đảng, Nhà nước ta chống dịch rất hiệu quả, là bởi tạo sức mạnh đồng thuận toàn dân tộc. Tốt đẹp như thế thì vội vã thay đổi theo một số người, liệu có đưa xã hội tử tế hơn hiện thời không, hay lại tan nát, thậm chí loạn lạc, chiến tranh như ở Đông Âu hay Trung Đông đấy thôi?” (báo QĐND, ngày 27/04/020)

So sánh như thế là sai. Chỉ lấy thành công trong việc phòng ngừa bệnh dịch Vũ Hán (Covid-19) để tung hô chế độc tài, độc đảng lên tận mây xanh là hời hợt. Chuyện chống dịch chỉ là nhất thời. Chuyện người dân có tự do, dân chủ, có được hạnh phúc, có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội như đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp hay không mới là quan trọng và cần được đem ra so sánh với các chế độ khác bên ngoài Việt Nam.

Cũng với quan niệm nịnh chủ lệch chỗ, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ví von sai bét rằng:”Theo dõi đất nước gần đây tôi thấy, Đảng và Nhà nước ta đã làm được nhiều việc có ý nghĩa thiết thực, ra sức chấn chỉnh từ trong Đảng đến chính quyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, cầu người hiền tài như những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu để chuẩn bị Đại hội Đảng sắp tới. Điều này cũng tác động rất lớn vào vấn đề hòa hợp dân tộc. Nó làm người dân cả trong và ngoài nước thêm tin tưởng, đồng thuận ở Nhà nước, chính quyền Việt Nam.”

Nếu ai cũng nhẹ dạ tin vào  lời đường mật rẻ tiền rằng nhờ vào chủ trương xây dựng đảng, chống tham nhũng và chiêu hiền đãi sỹ của ông Nguyễn Phú Trọng mà sẽ “tác động rất lớn vào vấn đề hòa hợp dân tộc”  là không thực tế. Lý do vì những người mà đảng CSVN muốn “hòa hợp” với muốn nhìn thấy những việc làm thực  tâm và thật lòng trong công tác “hòa hợp dân tộc” của nhà nước, thay vì những lời nói và hành động tuyên truyền bánh vẽ như đã và đang xẩy ra sau 16 năm thi hành Nghị quyết 36 (NQ/TW (26/03/2004)  “về Người Việt Nam ở nước ngoài”.

Người tiếp theo nói về chuyện hòa giải, hòa hợp là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.


Ông được hỏi:”Sau 45 năm, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc nhưng lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế. Theo Thượng tướng đâu là vấn đề còn tồn tại ?

Đ: “ Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Riêng cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm nên hậu quả của nó để lại rất nặng nề. Đến khi miền Nam được giải phóng, cái được lớn nhất là đất nước giành được độc lập, non sông được nối liền một dải. Nhưng về phía bên kia, họ bị mất rất nhiều. Chính vì vậy nó gây ra một tiềm thức ăn sâu không dễ gì một sớm một chiều mà quên đi.

Đấy là tôi chưa nói đến sự hy sinh, mất mát của cả hai phía, bởi chiến tranh nào cũng gây ra nhiều sự hy sinh, mất mát to lớn. Từ những hậu quả như vậy nên có rất nhiều tầng lớp có những nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, số người nuôi giữ hận thù chỉ là thiểu số. Họ không đại diện cho một thế hệ hay cho dân tộc Việt Nam. Còn đại đa số người dân Việt Nam, kể cả trong nước và ngoài nước, họ đều nhận thức được đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, cái nào là thật, cái nào giả.”

Nhưng trong suốt 45 năm qua, và sau 16 năm thi hành Nghị quyết 36, đảng CSVN đã làm gì để hàn gắn vết  thương dân tộc ? Đảng đã thật lòng muốn hòa giải và hòa hợp chưa hay chỉ muốn lợi dụng để tuyên truyền, mồi chài kiều hối mỗi năm ngót 20 Tỷ dollars và tìm cách tiêu diệt những tiếng nói đối lập, hay đòi tự do và dân chủ ở trong nước ?

NGỤY QUÂN-NGỤY QUYỀN


Cuối cùng, ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9, được hỏi:


Có ý kiến cho rằng: Muốn hòa hợp dân tộc phải từ bỏ chế độ XHCN, phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, bỏ cụm từ ngụy quân, ngụy quyền. Thậm chí họ còn đòi Đảng, Nhà nước ta phải xin lỗi vấn đề cải tạo người chế độ cũ, xin lỗi vấn đề thuyền nhân… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


- Ông Nguyễn Túc: “Tư tưởng bao dung, nhân nghĩa thấm đượm từ ngàn đời trong nhân dân ta, tinh thần bao dung, nhân nghĩa đó được Bác Hồ kế thừa và phát huy. Tôi nhớ mãi trong bức thư Bác Hồ gửi đồng bào Nam bộ thể hiện quan điểm đối với những người lầm đường, lạc lối thì chúng ta bằng tình thương để giúp đỡ họ, cảm hóa họ.

Thực hiện tư tưởng đó của Người, sau năm 1975, chúng ta tập trung để cải tạo, cảm hóa, giúp đỡ hàng loạt ngụy quân, ngụy quyền, quan chức chế độ cũ. Việc làm đó nhằm giúp họ hiểu được đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời nhằm tránh xảy ra những việc đáng tiếc, khi ở miền Nam mỗi gia đình đều là một nghịch cảnh. Rất nhiều gia đình miền Nam do ngụy quân, ngụy quyền, thực hiện chính sách của Mỹ, bằng các chiến lược, trong đó có “Việt Nam hóa chiến tranh”, “thay màu da trên xác chết”, họ đã thực hiện những việc “trời không dung, đất không tha” như: Tố cộng, Luật 10/59…. nếu ta thừa thắng xông lên, không khoan dung thì nhất định sẽ xảy ra đổ máu sau chiến tranh và đó là điều rất đáng tiếc…”

“…Thế nhưng những năm gần đây, nhất là dịp 30-4 vẫn có một số người chống đối, rắp tâm để phá chế độ này, đòi cái nọ, đòi cái kia, đòi không được gọi ngụy quân, ngụy quyền. Bản chất anh là ngụy quân, ngụy quyền, thì người ta gọi. Bác Hồ cũng nói từ trong chiến tranh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Anh là ngụy thì người ta phải gọi là ngụy thôi. Anh là tay sai cho đế quốc thì người ta gọi là tay sai, người ta không nói gì sai cả…


Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là nguyện vọng ngàn đời của dân tộc ta. Có độc lập dân tộc, nhân dân ta mới có cuộc sống như hiện nay. Thế mà lại đòi xóa bỏ CNXH, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng… thì không được.”

Những lời tuyên truyền, ngụy tạo, đổi trắng thay đen của ông Nguyễn Túc về quyết định gọi là tập trung để cải tạo, cảm hóa” hàng trăm ngàn quân-cán-chính Việt Nam Cộng hòa sẽ được lịch sử để lại cho đời sau. Không ai biết đích xác số người đã chết trong các trại lao động khổ sai từ Nam ra Bắc sau ngày 30/4/1975, nhưng ai cũng biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói dối Chính phủ Pháp rằng nguyên Phó Thủ tướng, Luật sư Trần Văn Tuyên vẫn còn sống mạnh khỏe, trong khi ông đã chết trong trại tù khổ sai tại Hòa Bình ngày 26/10/1976.

Ngoài Luật sư Tuyên, còn có hàng ngàn trí thức khác, kể cả nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát đã chết trong tay người Cộng sản sau ngày 30/04/1975.

Miệng lưỡi Cộng sản Nguyễn Túc cũng còn sỉ nhục những người của VNCH khi ông ta tiếp tục gọi họ  là “ngụy quân, ngụy quyền”, trong khi Bộ sách Lịch sử mới của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chính thức đổi là “chính quyền Sài Gòn quân đội Sài Gòn”.

Nhưng ngay cả cách gọi này cũng xách mé, không nghiêm chỉnh vì trước năm 1975,  Quốc tế và Liên Hiệp Quốc đã công nhận tên gọi  Việt Nam Cộng hòa, và Quân đội Việt Nam Cộng hòa.

NGUYỄN ĐÌNH BIN-VÕ VĂN KIỆT

Ngoài ra, nhân dịp 45 năm kỷ  niệm ngày 30/04/1975, hãy cùng đọc lại những lời tâm tư của ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao CSVN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (VNVNONN).

Ông Bin đã giải bầy tâm sự của mình trong bài viết kỷ niệm 15 năm ra đời Nghị quyết 36 NQ/TW (26/03/2004 – 26/03/2019) do ông đóng vai chính hình thành.

Ông viết:”Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn: vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành!!! Với các nước ngoài đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác tầy trời, biết bao đau thương, mất mát, hậu quả khủng khiếp, nặng nề… mà nhân dân ta vẫn còn phải gánh chịu, với truyền thống khoan dung, hòa hiếu, chúng ta đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… vì tương lai của mỗi quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Vậy mà, vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, thì lại chưa hòa giải được với nhau?

Cuối cùng nguyên Thủ tướng CSVNN  Võ Văn Kiệt cũng đã dạy người Cộng sản rằng:”Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.”  (Phỏng vấn của báo Quốc Tế, 31/03/2005)

Giờ đây, sau 45 năm ngày 30/04/1975, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hàng ngũ lãnh đạo đảng CSVN hãy tự hỏi xem ai muốn hòa hợp với những người độc tài và mị dân như họ ? -/-
 
Phạm Trần
(30/04 -- 1975-2020)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire