08/06/2020

“Hạnh phúc của dân tộc” đi đâu cả rồi?


Con lãnh đạo làm lãnh đạo
là hạnh phúc của dân tộc?
(Ảnh minh hoạ: VOV2)
Xuân Dương: "Sẽ là vội vàng nếu kết luận lớp thanh niên ngày nay ít quan tâm đến lý tưởng song không thể phủ nhận một thực tế là một bộ phận khá đông, trong đó có nhiều người là con cái các vị lãnh đạo trung, cao cấp đã chọn cho mình con đường ra nước ngoài sinh sống hoặc chọn thương trường chứ không phải chính trường."


Một vị từng là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có câu nói “bất hủ” được nhiều báo điện tử trích dẫn:

Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.


Để góp phần vun đắp “hạnh phúc của dân tộc”, tỉnh Quảng Ngãi có “Đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với kinh phí là 150 tỷ đồng.

Riêng tiền chi cho bộ phận triển khai dự án là 1,5 tỷ đồng!

Trong số những người được Quảng Ngãi đưa đi bồi dưỡng có con một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, cụ thể là:
Nguyễn Lê Ngọc Hà, con ông Nguyễn Chín - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi;

Phạm Thị Mỹ Hạnh, con ông Phạm Thanh Hải - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;

Huỳnh Thị Lan Viên, con ông Huỳnh Chánh - Giám đốc Sở Tài chính;

Phạm Thành Việt, con ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi.

Sau thời gian đào tạo, cả bốn “hạt giống” này không quay về thực hiện nghĩa vụ đã cam kết và tỉnh Quảng Ngãi đã phải ra văn bản thu hồi gấp hai lần số tiền ngân sách đã chi ra cho 4 người du học, cụ thể là gần 10 tỷ đồng.

10 tỷ là gấp 2 lần số tiền ngân sách bỏ ra, vậy chính xác thì tỉnh Quảng Ngãi đã chi gần 5 tỷ đồng cho 04 con của các lãnh đạo chủ chốt nêu trên du học, bình quân mỗi học viên thuộc diện con “các đồng chí” này được chi khoảng 1,2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Nếu tình nguyện quay về, khả năng một vị trí việc làm trong cơ quan công quyền Quảng Ngãi đối với 04 người này khó ra khỏi tầm tay.
Không nói ai cũng biết, ngân sách không phải tiền trúng sổ số, đó là tiền thuế người dân, doanh nghiệp phải nộp theo quy định của pháp luật.

Để cho công bằng, để cho minh bạch, để cho cả mọi phía đều tâm phục, khẩu phục, người viết hy vọng cộng đồng mạng có thể tìm vài dẫn chứng con một bác nông dân, con một cô giáo tiểu học, con một anh thợ xây dựng,… (không liên quan gì đến “4C” hay “Ngũ ệ”) được ngân sách chi cho 1,2 tỷ đồng du học nước ngoài trong 2 năm.

Con cái du học bằng tiền thu được nhờ “bán chổi đót, chạy xe ôm”, từ “lao động đến thối cả móng tay” hay từ lương công chức của bố mẹ, mà dư luận nói đùa là lương “công và chức”, học xong không trở về quê hương “cống hiến” - như một vị Thứ trưởng tâm sự - thì dư luận cũng đành “ngậm hột thị” bởi cho đến nay, chưa cơ quan bảo vệ pháp luật nào công bố tiêu chí nhận diện nhóm lợi ích “chổi đót, xe ôm”!

Thế nên với các thành viên “chổi đót, xe ôm”, chuyện họ và con cái họ quan tâm hay không quan tâm đến “hạnh phúc của dân tộc” là điều động vào thì phải chuẩn bị sẵn khẩu trang giống như thời đại dịch Covid-19.
Các “Phó thường dân” thường nghĩ đơn giản thế này, cơ quan, địa phương lựa chọn người tài trong đó có con các đồng chí lãnh đạo cử đi học nước ngoài là nhằm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn, một trong những công việc hết sức quan trọng cho việc chuẩn bị thế hệ lãnh đạo kế cận.

Dựa trên “lý luận” của bà cựu Phó Bí thư nọ, việc đưa con lãnh đạo đi bồi dưỡng kiến thức ở nước ngoài chẳng phải là ví dụ nghe thấy, nhìn thấy về việc người ta đang vun trồng “hạnh phúc của dân tộc” đó sao?

Du học xong không trở về làm cán bộ theo hợp đồng đã ký (nghĩa là không muốn làm lãnh đạo tương lai) chưa hẳn là họ không quan tâm đến “hạnh phúc của dân tộc”.

Vấn đề nằm ở chỗ mấy đồng chí lãnh đạo chủ chốt bỏ bao tâm huyết lo cho con cái, rồi còn các đồng chí phê duyệt nhân sự, rồi cộng thêm các đồng chí ở bộ phận triển khai dự án (được chi 1,5 tỷ đồng) sau vụ này có nên “quyết tâm nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc”?

Còn nhớ ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh giải thích lý do đưa con trai đang làm ăn bên ngoài về với “nhà nước” như sau: “Tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước”!

Chẳng biết mấy đồng chí chủ chốt ở Quảng Ngãi có con “chạy làng” có quan tâm đến “hạnh phúc của dân tộc”, nếu có thì sao không kiên quyết yêu cầu con cái “quay về hướng nhà nước”?

Còn nếu mà các đồng chí ấy phụ họa với con, đồng ý cho con “chạy làng”, không muốn con lãnh đạo tiếp tục làm lãnh đạo thì có nên cho rằng họ chính là người không quan tâm đến “hạnh phúc của dân tộc”?

Hay là còn một khả năng khác, có phải họ đã nhận thấy “nghề lãnh đạo” bây giờ “gang không mật mỡ” nên lẳng lặng để con cái quay về hướng thị trường?

Sự quay ngoắt 180 độ của mấy vị chủ chốt hoặc từng là chủ chốt ở Quảng Ngãi so với cựu Bí thư Quảng Nam có phản ánh sự thay đổi tầm nhìn chiến lược của họ, rằng “nghề lãnh đạo” bây giờ nguy hiểm lắm, gần 100 “cựu đồng chí” diện trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật hoặc ngồi tù là tấm gương tày liếp, tội gì để con cái bị cuốn vào!

Nếu không phải là các vị phụ mẫu có tên nêu trên “tự diễn biến, tự chuyển hóa” (vì nghe nói họ luôn luôn kiên định lập trường, tuyệt đối trung thành kể cả khi đã cầm sổ hưu) thì phải chăng sức nóng từ chiếc lò Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhen lửa đã khiến cho các cậu ấm, cô chiêu nhà họ tự động biết sợ, chủ động tránh xa “nhà nước”, không muốn “Gần lửa rát mặt”?

Ở Quảng Ngãi, đâu phải chỉ mấy đồng chí có con nhận tiền du học rồi chào tạm biệt, cuối tháng 4/2020, Ủy ban Kiểm tra trung ương sau khi xem xét đã kết luận:

“Hai ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và Trần Ngọc Căng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật”.

Nhà dột từ nóc là thảm họa, nếu dui, mè, đòn tay mục ruỗng và ở nước ngập lênh láng dưới nền thì phận con sên, cái kiến biết chạy đi đâu?

Chuyện “nhà dột từ nóc” báo hại “con sên, cái kiến” có thể tìm thấy vô số ví dụ được truyền thông chính thống tường thuật:

Tại tỉnh Khánh Hòa, vào tháng 12/2019, Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của ông Lê Đức Vinh, xóa tư cách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, cách chức Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đào Công Thiên, cảnh cáo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trần Sơn Hải,…

Thế nhưng chỉ hai tháng sau, dư luận không khỏi ngỡ ngàng vì câu chuyện cái lều vịt ở Thành phố Hồ Chí Minh được lặp lại ở Khánh Hòa.

Ông Phạm Văn Khoát và bà Nguyễn Thị Nhung là thương binh trú tại phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa bị thu hồi 5.000 m2 đất cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Cầu Nha Trang làm dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, giá đền bù là hơn 18 triệu đồng và hai vị thương binh này không chịu nhận.

Họ tiến hành dựng một chiếc chòi cột gỗ, vách mái tôn trên diện tích đất bị thu hồi và kết quả là ngày 10/02/2020, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa - ký quyết định phạt gia đình ông Khoát 55 triệu đồng.
Cái chòi bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử phạt 55 triệu đồng (Ảnh: Nhiệt Băng)
Sau đó hơn một tháng, ngày 20/03/2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phạt Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang 40 triệu đồng vì công ty này “chiếm dụng đất với tổng diện tích hơn 2.890m2 để xây dựng trái phép nhiều hạng mục công trình” trên đảo Hòn Tằm!!!

Tại Thừa Thiên – Huế “Cha mẹ liệt sĩ bị thu hồi đất làm dự án”: Đền bù hơn 182 triệu đồng” (cho hơn 1.800 m2 đất). [1]

Tại Sóc Trăng, “Vụ gia đình liệt sĩ hơn 30 năm đi đòi đất: “Quả bóng” trách nhiệm chưa có điểm dừng!” [2]

Tại Bình Định, “Vụ cưỡng chế hủy hoại nhà ở, nơi thờ cúng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng lấy đất bán đấu giá”. [3]

...

Hạnh phúc của các gia đình liệt sĩ, người có công với nước, của các thương binh như ông Khoát, bà Nhung có phải là một phần “Hạnh phúc của dân tộc”?

Khi câu chuyện doanh nghiệp được ưu ái hơn gia đình liệt sĩ, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng diễn ra từ Bắc vào Nam, khi hàng loạt “diễn đàn” chỉ nói đến chuyện kiếm tiền thì tác động đến tâm lý và hành động của giới trẻ là khó tránh khỏi.

Hậu quả là chuyện du học bằng tiền ngân sách không trở về không phải chỉ xảy ra ở Quảng Ngãi.

Thành phố Đà Nẵng đã phải khởi kiện 07 “nhân tài”, buộc hoàn trả hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách do vi phạm hợp đồng khi tham gia “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” nhưng quá hạn cam kết không trở về nước công tác.

Sẽ là vội vàng nếu kết luận lớp thanh niên ngày nay ít quan tâm đến lý tưởng song không thể phủ nhận một thực tế là một bộ phận khá đông, trong đó có nhiều người là con cái các vị lãnh đạo trung, cao cấp đã chọn cho mình con đường ra nước ngoài sinh sống hoặc chọn thương trường chứ không phải chính trường.

Vậy chuyện con một số vị lãnh đạo du học xong không “quay về hướng nhà nước” có nên xem là một trào lưu bình thường trong nền kinh tế thị trường?

Tài liệu tham khảo: 

[1] http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/boi-thuong-ho-tro-hon-182-trieu-dong-cho-dat-da-thu-hoi_55911.html

[2] https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-gia-dinh-liet-si-hon-30-nam-di-doi-dat-qua-bong-trach-nhiem-chua-co-diem-dung-20190508200307508.htm

[3] https://baophapluat.vn/ban-doc/vu-cuong-che-huy-hoai-nha-o-noi-tho-cung-liet-si-me-vnah-lay-dat-ban-dau-gia-492934.html
18/05/2020

Xuân Dương


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire