Trong khi
người châu Phi cáo buộc bị người Trung Quốc phân biệt đối xử thì người Trung
Quốc làm ăn tại châu Phi cũng nơm nớp lo lắng bị thành nạn nhân của làn sóng bài
Hoa tại lục địa Đen. CNN có bài viết nói về tình cảnh người Trung Quốc ở
Zambia. Một Thế Giới xin dịch lại bài viết này.
Vết máu bên ngoài cửa nhà kho là dấu hiệu đập vào mắt cho
thấy một vụ giết người đã xảy ra tại đây. Đoạn video từ CCTV bị cảnh sát thu
giữ nhưng phóng viên CNN đã kịp xem cho thấy đã xảy ra một bi kịch tàn khốc.
Từ một bi kịch
Vào giữa trưa Chủ nhật, ngày 24.5, ba kẻ tấn công người
Zambia với thanh sắt trong tay đã đột nhập vào một nhà kho dệt thuộc sở hữu của
người Trung Quốc ở thủ đô Lusaka. Cảnh sát cho biết chúng đóng vai như khách
hàng nhưng ba kẻ đó không phải đi làm ăn.
Trong 17 phút tiếp theo, đoạn video từ CCTV cho thấy, chúng
đã đánh hai người đàn ông và một phụ nữ đến chết trong sân, trước khi kéo xác
họ vào nhà kho liền kề. Theo cảnh sát, những kẻ tấn công sau đó đã đốt các thi
thể và thiêu rụi tòa nhà. Vụ cháy nghiêm trọng đến nỗi chính quyền Zambia phải
mất ba ngày để lấy các thi thể từ đống đổ nát. Trước khi chạy trốn, những kẻ
tấn công đã lục lọi khu nhà để lấy đồ có giá trị. Một con dao rựa dính máu đã
được cảnh sát tìm thấy.
3 nạn nhân là Cao Guifang, 52 tuổi, vợ của chủ kho dệt -
người ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc và hai nhân viên nam Bao Junbin, 58
tuổi và Fan Minjie, 33 tuổi. Vụ giết người khủng khiếp xảy ra trong bối cảnh
làn sóng chống Trung Quốc ở thủ đô Zambia đang gần đến điểm sôi.
Trong những ngày trước khi xảy ra vụ án mạng, Thị trưởng thủ
đô Lusaka Miles Sampa đã cáo buộc các ông chủ Trung Quốc đã tái bóc lột nô lệ,
phân biệt chủng tộc và nhắc nhở công chúng trong một video đăng trên Facebook
cá nhân rằng "Người gốc Zambia vốn không có coronavirus. Nó có bắt nguồn
từ Trung Quốc".
Ước tính có khoảng 22.000 người mang quốc tịch Trung Quốc
sống ở Zambia, điều hành 280 công ty, chủ yếu ở khu vực giữa Lusaka và thành
phố Copperbelt ở phía bắc. Bắc Kinh sở hữu khoảng 44% nợ của Zambia, điều này
dẫn đến nỗi sợ hãi của một số người Zambia rằng Trung Quốc có quá nhiều quyền
kiểm soát đối với đất nước của họ.
Cảnh sát không coi vụ giết người hôm 24.5 có liên quan tới
làn sóng chống Trung Quốc. Dù vậy, vụ án dã man này như một lời nhắc nhở về
nguy cơ đáng báo động mà một số người Trung Quốc phải đối mặt khi sống ở
Zambia, một đối tác quan trọng của Trung Quốc dọc theo dự án Vành đai và Con
đường.
Eric Shen, một doanh nhân Trung Quốc sống ở Zambia hơn một
thập kỷ cho biết "Ngay cả một số người đã ở đây hơn 20 năm, họ cũng bị sốc
bởi các hoạt động tội phạm như vậy".
Giam giữ hay cách ly bắt buộc
Zambia đã ghi nhận các trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên
vào ngày 18.3. Đó là một cặp vợ chồng vừa trở về sau chuyến đi đến Pháp đã
nhiễm virus. Cũng như phần lớn châu Phi, các ca nhiễm ban đầu không đến từ
Trung Quốc, mà là châu Âu.
Quốc gia khu vực Trung Phi đã thực hiện phong tỏa một phần,
đóng cửa biên giới, ngưng các hoạt động kinh doanh và thực hiện các quy tắc
giãn cách xã hội.
Khi đại dịch gây thiệt hại cho nền kinh tế của Zambia, bắt
đầu xuất hiện các báo cáo về một số doanh nghiệp Trung Quốc không đếm xỉa các
biện pháp cách ly. Chẳng hạn bằng cách tiếp tục phục vụ khách hàng Trung Quốc,
hoặc bằng cách cách ly nhân viên Zambia trong khu vực của họ.
Thị trưởng Sampa bắt đầu một chiến dịch phơi bày những trường
hợp như vậy. Vào ngày 18.5, Sampa đã đóng cửa một nhà hàng Trung Quốc, nơi đã
từ chối khách hàng Zambia mà chỉ phục vụ khách Trung Quốc vì sợ lây COVID-19 từ
người... Zambia. Đồng thời, cửa hàng này bày bán các sản phẩm được dán nhãn
bằng tiếng Trung Quốc chứ không phải tiếng Anh theo quy định của luật pháp
Zambia. Vài ngày sau, Sampa thu hồi giấy phép của một cửa hàng cắt tóc Trung
Quốc vì "phân biệt đối xử với người da đen".
Sau những cuộc truy quét đó, Sampa đã đăng tải đoạn video về
chiến dịch quay cảnh tại một nhà máy lắp ráp xe tải, nơi các công nhân được cho
là sống tại chỗ trong đại dịch. Các công nhân bản địa không trở về với gia đình
mà làm việc tại chỗ vì giới chủ Trung Quốc muốn cách ly họ trong thời gian
COVID-19
Sampa viết trên Facebook: "Chúng tôi phát hiện các công
nhân Zambia ngủ trong một chiếc thùng containter (6 người trong một thùng) với
nệm đặt trên sàn nhà".
Trong video, một người quản lý Trung Quốc trả lời:
"Chúng tôi không cho phép họ về nhà vì vấn đề coronavirus".
Sampa trả lời: "Chinaman... không có lý do gì để bắt họ
làm nô lệ".
Cùng ngày, Sampa đã đến thăm một nhà máy xi măng, nơi ông nói
rằng các công nhân đã bị giam giữ trong hai tháng.
Trong video Sampa đăng lên Facebook, khi ông chủ người Trung
Quốc giải thích về việc tất cả các công nhân không thể ra ngoài, Sampa trả lời:
"Điều đó là bất hợp pháp. Ông đang giữ họ làm con tin. Đó là nô lệ."
Một nhân viên Zambia tại nhà máy xi măng nói với CNN:
"Chúng tôi được các ông chủ (Trung Quốc) yêu cầu ở lại và làm việc từ đây
cho đến khi đại coronavirus kết thúc vì họ sợ chúng tôi có thể nhiễm bệnh từ
cộng đồng và mang nó đến nơi làm việc.
Họ cung cấp thức ăn, mùng và nệm nơi chúng tôi ngủ. Chúng tôi
ngủ như trong trại... nhưng một số đồng nghiệp từ chối sinh hoạt như vậy đã bị
sa thải và họ (người Trung Quốc) sẽ có mặt sau khi công ty mở cửa làm
việc".
Một công nhân Zambia khác trong nhà máy xi măng tuyên bố rằng
ông chủ người Trung Quốc còn đe dọa sẽ đánh nếu mình không chịu ở lại.
"Chúng tôi đã bị các ông chủ Trung Quốc ép buộc và họ đe dọa sẽ đánh bạn
nếu bạn từ chối. Đó là cách họ khiến một số người trong chúng tôi bỏ trốn -
ngay bây giờ, chúng tôi chỉ muốn chính phủ giúp đòi lại lương mà chúng tôi chưa
được trả".
Khi CNN liên lạc với nhà máy, phía nhà máy đã phủ nhận cáo
buộc sai phạm. "Chúng tôi không giam giữ họ theo kiểu tù nhân - chúng tôi
chỉ bảo vệ họ khỏi căn bệnh coronavirus này. Các công nhân còn được trả thêm
tiền cho việc ngủ tại nhà máy"
Phía nhà máy không nói trả thêm bao nhiêu nhưng một nguồn tin
nói rằng các công nhân thường được trả 1.600 Zambian kwacha (95 USD) mỗi tháng.
Nhắc lại quá khứ buồn
Sự hiện diện của Trung Quốc tại Zambia đã gây tranh cãi trong
nhiều thập kỷ.
Vào năm 2005, vụ nổ tại một mỏ gần Chambeshi, đã giết chết
hàng chục công nhân Zambia. Năm năm sau, hai nhà quản lý Trung Quốc đã nổ súng
vào các công nhân Zambia đang phản đối tình trạng lao động tồi tệ tại mỏ than
Collum. Năm 2012, công nhân Zambia đã sát hại một quản đốc người Trung Quốc tại
cùng khu mỏ.
Các sự cố đã thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu và
thường được coi là bằng chứng về tiêu chuẩn lao động nghèo nàn của Trung Quốc -
không chỉ ở Zambia mà trên khắp lục địa châu Phi.
Vì vậy, khi vấn đề công nhân Zambian bị buộc phải cách ly bởi
các ông chủ Trung Quốc xuất hiện trong đại dịch, "nó gợi lại một số ký ức
về người lao động Zambia đã chống lại ông chủ người Trung Quốc", Kanenga
Haggai, giảng viên Khoa Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Zambia phân tích.
"Nếu vấn đề không được xử lý tốt, thì nó có khả năng hủy hoại mối quan hệ
của Trung Quốc với Zambia, trước hết là từ tình cảm người dân".
Ngày nay, Trung Quốc giao dịch với Zambia nhiều hơn bất kỳ quốc
gia nào khác ở châu Phi, trừ Kenya. Năm 2018, thương mại song phương đã vượt
quá 5 tỉ USD.
Xuất khẩu Zambia sang Trung Quốc khá lớn, chủ yếu nhờ xuất
khẩu đồng. Nhưng những gì đập vào mắt nhiều người Zambia là sự xuất hiện của
người Trung Quốc và các công ty Trung Quốc trên nước họ. Các dự án cơ sở hạ
tầng lớn bao gồm sân bay, đường cao tốc và đập thủy lợi ở Zambia đã được xây
dựng bởi các công ty nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc cũng hoạt động trong lĩnh vực khai thác quan
trọng, cũng như các công ty nước ngoài khác. Thậm chí, một công ty được Bắc
Kinh hậu thuẫn - mặc dù không thuộc sở hữu - đã mua 60% cổ phần của đài truyền
hình nhà nước Zambia. Phương tiện truyền thông địa phương thường xuyên chạy các
tiêu đề gây nhức nhối, chẳng hạn như "Làm thế nào Trung Quốc đang dần xâm
chiếm nền kinh tế Zambian".
"Người Zambia cảm thấy rằng Trung Quốc đang dần chiếm
lấy đất đai, việc làm ăn của họ và bây giờ người Trung Quốc được các quan chức
chính phủ đối xử đặc biệt. Chúng tôi đã thấy rất nhiều người Trung Quốc đang có
được những mảnh đất khổng lồ".
Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng là một vấn đề chính trị nhạy
cảm ở nước này. Năm 2018, một chính trị gia ở Lusaka đã đề xuất xây dựng một
Thành phố Trung Quốc, nơi người Trung Quốc tập trung kinh doanh tại đó. Kế
hoạch nhằm để đối phó với việc nhiều người Zambia phàn nàn về việc người nước
ngoài tham gia vào các ngành nghề của họ từ nuôi gà đến điều hành nhà hàng và
tiệm ăn, giành mất miếng ăn truyền thống của người bản địa.
Trước đó, vào năm 2006, cố chính trị gia Zambia Michael Sata
tuyên bố rằng 80.000 người Trung Quốc (số người Trung Quốc thực tế ở Zambia
thấp hơn nhiều) đang "xâm phạm" Zambia khi ông tranh cử tổng thống
trong một chiến dịch bài ngoại, dẫn đến các cuộc tấn công mang màu sắc chủng
tộc vào nơi làm việc của Trung Quốc. Các chủ cửa hàng Trung Quốc đã phải dựng
rào chắn bảo vệ cửa hàng của họ chống lại các cuộc tấn công của những kẻ cướp
bóc. Trước khi nhậm chức Sata đã đe dọa công nhận Đài Loan là một quốc gia độc
lập, nhưng khi trở thành Tổng thống, ông đã chấp nhận Trung Quốc là "người
bạn tạm thời của Zambia" và từ bỏ lời hứa trong chiến dịch tranh cử của
mình.
Thị trưởng Sampa là cháu trai của Sata và ông có khả năng
hiểu được một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc sẽ tác động với cử tri như
thế nào.
Trong thời kỳ căng thẳng chủng tộc gia tăng trên toàn cầu như
lúc này, Haggai nói rằng Sampa nên thận trọng trong ngôn từ mà ông sử dụng khi
nói về sự hiện diện của Trung Quốc để không gây ra làn sóng bài ngoại.
"Tất nhiên, ông ta có nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra
những gì đang diễn ra trong các công ty và nhà máy trong khu vực điều hành của
mình, nhưng ông ta phải cẩn thận với những gì mình nói vì điều này vốn là một
vấn đề rất nhạy cảm có thể gây ra sự phẫn nộ hơn nữa đối với người Trung
Quốc", ông Haggai nói.
Sau khi được các cơ quan chính quyền trung ương nhắc nhở và ý
thức được sự phụ thuộc kinh tế của Zambia vào Trung Quốc, ông Sampa đã đưa ra
lời xin lỗi tới cộng đồng người Trung Quốc.
06/06/2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire