Giáo sư
Charles Lieber của Đại học Harvard bị truy tố vì tham gia kế hoạch "Vạn
nhân tài" của Trung Quốc, nhưng che giấu quan hệ này.
Bồi thẩm đoàn liên bang ở Boston ngày
9/6 cáo buộc Lieber, 61 tuổi, chủ nhiệm khoa Hóa Sinh Đại học Harvard, khai man
về mối liên hệ giữa ông với chương trình "Vạn nhân tài" Trung Quốc.
Lieber bị cơ quan điều tra bắt ngày 28/1 và bị Đại học Harvard cho nghỉ phép vô
thời hạn.
Cáo trạng cho thấy bắt đầu từ năm 2011,
Lieber trở thành "Nhà khoa học chiến lược" tại Đại học Công nghệ Vũ
Hán (WUT), Trung Quốc, và ít nhất từ 2012-2015, ông này tham gia kế hoạch
"Vạn nhân tài" của Bắc Kinh.
Các công tố viên cho hay Lieber được WUT
trả 50.000 USD/tháng và sinh hoạt phí tới 158.000 USD. Ông cũng được trao hơn
1,5 triệu USD để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu tại WUT.
Đổi lại, Lieber có nghĩa vụ phải làm việc
cho WUT ít nhất 9 tháng mỗi năm, trong thời gian đó, ông phải viết báo, tổ chức
các hội nghị quốc tế và thay mặt WUT xin cấp bằng sáng chế. Khi Lieber bị các
điều tra viên Bộ Quốc phòng Mỹ thẩm vấn vào tháng 4/2018, ông phủ nhận mình
tham gia chương trình Vạn nhân tài.
Cáo trạng cho hay Lieber tiếp tục khai man
lần thứ hai vào tháng 11/2018, khi Viện Y tế Quốc gia hỏi Đại học Harvard về
mối liên hệ giữa Lieber với WUT và chương trình Vạn nhân tài. Song Lieber bác
bỏ, nói rằng ông không liên quan đến WUT và chưa bao giờ tham gia chương trình
tuyển mộ trên của Trung Quốc.
Lieber làm việc tại Đại học Harvard từ năm
1992, dẫn đầu một nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard từ năm 2008. Công việc
của ông là nghiên cứu về khoa học và công nghệ nano, đã nhận tài trợ hơn
15 triệu USD từ Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ. Những khoản tài trợ
liên bang này yêu cầu người nhận tiền phải giải trình tất cả các nguồn hỗ trợ
nghiên cứu, xung đột lợi ích tài chính tiềm tàng và mối quan hệ hợp tác
với nước ngoài.
Nếu bị buộc tội, giáo sư này có thể đối mặt
mức án đến 5 năm tù, ba năm quản chế và phạt tiền 250.000 USD.
Chương trình "Vạn nhân tài" do
Bắc Kinh thành lập năm 2008, chiêu mộ những người tài được giáo dục hoặc
làm việc ở nước ngoài bằng các khoản tài trợ cho nghiên cứu và
sinh hoạt, trong tham vọng xây dựng nền kinh tế định hướng sáng tạo của Chủ
tịch Tập Cận Bình.
Mỹ ngày càng cảnh giác với chương trình
này, cho rằng nó tiềm ẩn nguy cơ gián điệp và đánh cắp công nghệ. Giới
chức Mỹ đã điều tra và truy tố nhiều nhà khoa học tham gia "Vạn nhân
tài" nhưng không khai báo trung thực.
Mai Lâm (Theo NBC)
Thứ tư, 10/6/2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire