07/07/2020

Quyền lực và bầu cử


Nguyễn Đình Cống


Trong NQ của ĐCSVN về cán bộ có nội dung chống lại những người có tham vọng quyền lực và chạy chức chạy quyền(gọi chung là tham quyền). NQ yêu cầu loại bỏ ra khỏi cơ quan lãnh đạo người tham quyền, không bầu cho người có biểu hiện tham quyền. Nghe qua tưởng là hay, là đúng, nhưng thực chất đây là sản phẩm của những đầu óc quá kém trí tuệ, chỉ thấy một phần hiện tượng mà không hiểu bản chất. 


Đây  là một quy định phản khoa học. Họ đã đồng nhất tham quyền với những hành động xấu xa, bỉ ổi là lợi dụng quyền lực để vinh thân phì gia, để thực hiện những mưu đồ đen tối. Người ta không thấy được mặt tốt, tích cực của việc “mong ước có được quyền cao chức trọng”.

Nếu lên án tham quyền thì những nhân vật chính trị lớn của thế giới, những người tranh cử làm tổng thống, thủ tướng ở các nước đều có lòng tham đó. Ở các nước dân chủ phát triển không nơi nào lên án tham vọng đó, không người nào có lương tri chống lại tham vọng đó. Gần đây nhất  ở Malaysia, ông Mahathir ngoài 90 tuổi còn ra tranh cử chức thủ tường và thắng cử ( 2018), ở Mỹ,  ông Trump, trên 70 tuổi, là doanh nhân thành đạt, trước  năm 2016 chưa tham chính bao giờ, năm 2016 tranh cử tổng thống và thắng cử, năm 2020 tiếp tục tranh. Ở Nga, ông Pu Tin, năm 2020 vận động thông qua sửa đổi hiến pháp, bỏ điều khoản hạn chế nhiệm kỳ TT. Họ là những dẫn chứng điển hình về mong ước có quyền cao.

Ở VN  người ta cố tình dùng chữ THAM, chữ CHẠY  để làm mờ mắt và ù tai những người yếu bóng vía. Thực ra tham vọng là sự nối tiếp của mong muốn, mong ước, thích thú, ham thích, nguyện vọng, ước mơ. Để làm được việc gì quan trọng, có được thành công người ta phải có ước mơ mạnh mẽ, ước mơ cháy bỏng, kiên trì với ước mơ đó. Tham vọng chẳng qua là một cách nhìn khác của ước mơ mạnh mẽ và kiên trì.

Cho rằng tham quyền là xấu, vậy phải chăng bản chất quyền lực là xấu. Không phải !. Bản chất quyền lực không tốt cũng không xấu. Tốt hay xấu là do phẩm chất của con người sử dụng nó và do cơ chế vận hành. Có phương châm rất hay rằng : “Muốn biết phẩm chất một người hãy trao cho họ quyền lực và xem cách họ dùng nó”

Với những kẻ cơ hội, có sẵn lòng tham lam và nhiều thủ đoạn, gặp được cơ chế độc quyền toàn trị thì họ sẽ ra sức chuyên quyền thống trị, tham nhũng công quỹ, bòn rút và áp bức dân lành, ra sức làm giàu cá nhân bằng mọi thủ đoạn. Phải chống, phải loại bọn này.

Một số  người  tài năng, có tư tưởng tiến bộ cũng rất cần có quyền lực. Chỉ khi có thực quyền họ mới phát huy được trí tuệ, thể hiện được năng lực. Xin lấy thí dụ trong trường đại học. Bạn là thầy giáo có tài, muốn cải cách đào tạo. Bạn chỉ có thể thực hiện ý tưởng rất hạn chế trong vài tiết học. Muốn ý tưởng được dùng rộng hơn bạn phải đưa nó ra Bộ môn, trình lên Khoa rồi báo cáo với Ban Giám hiệu và chờ. Hoặc bạn phát biểu ý tưởng ở một hội nghị nào đó và chẳng biết có ai nghe hay không. Phần lớn những đề xuất từ dưới như vậy rất dễ bị quên lãng hoặc bác bỏ, một số ý tưởng được thay đổi chút ít và biến thành sản phẩm của người có chức quyền hoặc của tập thể. Trong nhiều trường hợp xảy ra cảnh  sau : Ý tưởng của bạn, đề xuất của bạn được dùng, nhưng thân bạn bị loại. Chỉ khi bạn có quyền lực, càng cao càng tốt,  thì mới có điều kiện để thực hiện những ý đồ tốt đẹp.

Trong  tổ chức, trong đất nước, một ý đồ dù hay đến bao nhiêu, dù tốt đẹp như thế nào thì cũng chỉ có thể thực hiện đạt  kết quả khi ý đồ đó biến thành nhận thức và tình cảm  của người lãnh đạo cao nhất (của tổ chức, của đất nước) và từ đó mới tạo nên quyết tâm chung.

Tại sao ý tưởng của bạn được dùng mà thân bạn bị loại, lắm khi bị diệt. Đó là vì ý tưởng rất tốt, rất hay, nhưng cấp trên không ưa bạn. Vì sao không ưa ?. Vì rất nhiều thứ. Người có tài thường hay có  tật nào đó, người có tài thường không biết xu nịnh, cậy nhờ, dựa dẫm, họ trung thực, ít xã giao, bị gán cho khuyết nhược điểm là xa rời quần chúng, coi thường lãnh đạo, là tự cao tự đại, là nặng về chuyên mà kém hồng v.v…Là vì trong lý lịch họ có chỗ nào đó chưa rõ ràng, là vì không ít người trên họ là loại kém tài năng, không ưa những người dưới giỏi hơn.



Có ba loại người rất muốn có quyền lực.

 Loại A gồm người có tài năng và liêm khiết. Họ cần quyền lực để thực hiện ý đồ tốt đẹp, tư tưởng tiến bộ. Họ không hoặc rất ít vì danh vì lợi cá nhân.

Loại B có tài năng nhưng kém liêm khiết. Họ dùng tài năng để làm lợi cho cộng đồng, trên cơ sở đó làm tăng danh và  lợi cá nhân.

Loại C- Bọn cơ hội, có nhiều mưu mô, thủ đoạn. Chúng dùng quyền lực chủ yếu để mưu lợi cá nhân và trong nhiều trường hợp làm hại người khác, làm hại cộng đồng.

Phải chống lại, phải loại bỏ bọn cơ hội chứ không chống tham vọng chức quyền chung chung. Chống như thế làm người ta nhầm tưởng chống cả người loại A và B. Việc này làm cho người loại A không dám vận động cho mình,  làm cho những mầm mống tài năng bị vùi dập rất sớm.

Chạy chức chạy quyền là cách nói võ đoán, áp đặt cho việc vận động tranh cử. Vận động này có hai dạng tích cực (hoặc nghiêm chỉnh) và tiêu cực (hoặc xảo trá).

Vận động tích cực là sự tự ứng cử, tự giới thiệu, là sự tranh cử với chương trình hành động, với lời hứa  và cam kết. Đó là sự vận động công khai, minh bạch nhằm thu hút sự tín nhiệm của cử tri. Những người có tài năng, trung thực và tự tin mới dám dùng cách vận động này

Vận động tiêu cực gồm những hành động xảo trá, bí mật, dùng tiền tài để mua chuộc, dùng quyền uy để áp đặt, dùng tuyên truyền dối trá để lừa bịp. Bọn cơ hội chủ yếu dùng cách này.

Chạy chức chạy quyền là cụm từ dùng cho trường hợp vận động tiêu cực, nhưng vì trình độ soạn thảo văn bản quá kém mà làm cho nhiều người hiểu nhầm với việc vận động tranh cử chung chung. Với QĐ này người ta loại bỏ hoặc hạn chế việc tự ứng cử và vận động trong tranh cử, vì người ta hiểu nhầm rằng đó là một biểu hiện  của chạy chức chạy quyền. Đây là điều  phản dân chủ.

Một cuộc bầu cử dân chủ, nghiêm túc thì danh sách ứng viên chủ yếu phải là tự ứng cử và họ phải trải qua tranh cử. Nếu không tổ chức được như vậy thì đề ra việc chống tham quyền lực, chống chạy chức chỉ là trò hề và lừa dối.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire