18/11/2020

Bà Phạm Chi Lan: “Tôi lo nhiều hơn mừng khi VN ký RCEP"

16 tháng 11 2020


Việt Nam là một trong các nền kinh tế đang phát triển và có độ mở khá cao trong hội nhập ở khu vực - Chụp lại hình ảnh - Nguồn hình ảnh, Ge

Hiệp định thương mại RCEP ký kết giữa khối Asean và năm quốc gia đối tác ở khu vực mà Việt Nam tham gia chính thức sau sự kiện hôm 15/11/2020 có yếu tố hai mặt, lợi và hại đi kèm đối với Việt Nam dù là một diễn biến mới, theo một chuyên gia kinh tế từ Hà Nội.


Chia sẻ cảm nhận ban đầu với BBC News Tiếng Việt hôm 16/11 về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực liên quan Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói:

"Thực sự tôi tiếp cận thông tin này với cảm giác nửa mừng, nửa lo và có lẽ lo còn lớn hơn mừng, bởi vì đối với tôi RCEP tất nhiên có thể mang lại một số lợi ích cho Việt Nam và cũng vì có lợi ích nhất định cho nên Việt Nam mới tham gia.


"Nhưng tham gia RCEP gia vào lúc này đồng thời cũng có thể gây ra một số vấn đề cho Việt Nam theo hướng phát triển mới, và vì vậy nó tạo cho tôi một số mối lo lắng.

"Ở đây, vấn đề chính là Việt Nam tham gia RCEP vào lúc Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc thực hiện hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tìm kiếm đối tác mới, Việt Nam có cơ hội để được chọn lựa nhiều hơn, tham gia nhiều khâu tạo giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế, thay thế một phần nào đó, dù là một phần nhỏ theo chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

"Thế thì Việt Nam đang rất kỳ vọng vào việc này, bởi vì nó cũng phù hợp với nhu cầu của Việt Nam là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, phải vượt lên để tham gia những giá trị toàn cầu với một vị trí tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho nền kinh tế và nhất là giúp tăng cường hội nhập của Việt Nam, để thoát ra khỏi vị thế phụ thuộc quá nặng vào một số đối tác trên thế giới, ví dụ như phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguồn cung cho hầu hết đầu vào của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, cũng như một số hàng nội địa của Việt Nam, hay là phụ thuộc vào thị trường của Trung Quốc trong việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, hay phụ thuộc quá nhiều vào thị trường của Hoa Kỳ trong việc xuất khẩu một số sản phẩm khác."

RCEP có thể ảnh hưởng tới động lực về lâu dài của Việt Nam?

Việt Nam đang muốn vươn lên về kinh tế trong khu vực và quốc tế, nhưng chiến lược và cách đi như thế nào cho hợp lý vẫn còn là một vấn đề cần được tiếp tục cân nhắc, theo giới chuyên gia  - Chụp lại hình ảnh, Nguồn hình ảnh, Getty IMAGE

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người từng là thành viên ban nghiên cứu, tư vấn chính sách cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam những thời kỳ trước đây, việc tham gia vào RCEP cũng có thể có tác động đến một số động lực khác của Việt Nam khi nước này đã đang trong quá trình hội nhập qua một số hành lang hiệp định thế hệ mới, tiến bộ đã ký kết được.

Bà nói:

"Bài học về đứt gẫy của chuỗi cung ứng về phía Việt Nam trực tiếp cho thấy Việt Nam có nhiều vấn đề, thế nhưng mong muốn vươn lên khỏi vị thế gia công, thì Việt Nam có từ lâu rồi, tuy nhiên chưa cập được những mong muốn tương tự từ những nước đối tác.

"Bây giờ, khi các nước đối tác quan trọng như Liên minh châu Âu (EU), như Nhật Bản hay một số nước thành viên của CPTPP như Úc chẳng hạn, cũng đang mong muốn thay đổi chuỗi cung ứng của mình, thì nó tạo cho Việt Nam cơ hội để cùng với các đối tác đó bàn bạc những cách thức tạo ra những dòng đầu tư mới vào Việt Nam và thay đổi vị thế của Việt Nam.

"Thế thì khi RCEP được đưa ra vào cùng lúc này thì có thể nó lại làm cho một số động lực trong việc tham gia những quan hệ hợp tác mới, nâng cao hơn với Liên minh châu Âu hoặc với các nước trong CPTPP, sẽ bị phần nào đó những lợi ích trước mắt của RCEP làm cho Việt Nam có thể không tập trung vào những cố gắng về lâu dài, thì đấy là điều đầu tiên gây cho tôi lo lắng."

Liệu RCEP có thể giúp Việt Nam giảm nhập siêu?


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vỗ tay khi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (phải) ký xong thỏa thuận RCEP hôm 15/11/2020 - Chụp lại hình ảnh, Nguồn hình ảnh, Getty Images

Một vấn đề khác mà chuyên gia lo lắng, đó là giải quyết bài toán và tình trạng nhập siêu vốn đã tồn tại nhiều năm qua của Việt Nam từ Trung Quốc và từ một số đối tác ngày trong RCEP, bà Phạm Chi Lan nói tiếp:

"Điều thứ hai là Việt Nam từ lâu nay, nhập siêu rất cao từ Trung Quốc, từ Hàn Quốc, một số thành viên chủ yếu của RCEP và cả Asean nữa, vậy liệu tham gia RCEP có giúp cho Việt Nam giảm được nhập siêu từ các nước này không?

"Hay là với một cơ chế thương mại mới theo nội vùng như thế này, thì Việt Nam lại tiếp tục nhập siêu và có khi nặng nề hơn từ các nước này, rồi đẩy sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam vào thị trường bên ngoài tiếp tục rơi vào một số đối tác như tôi vừa kể trên, thì đấy cũng là một mối lo lắng.

"Còn về xuất khẩu cũng vậy, nhiều khi có cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng chưa gì đã thấy có một số người bình luận là thị trường của các nước như RCEP và như Trung Quốc có phần nào dễ tính hơn, nên thuận lợi hơn cho Việt Nam.

"Nhưng tôi đặt câu hỏi ra là sự dễ dãi, dễ tính đó có giúp cho Việt Nam về dài hạn hay không, hay là vì ham làm với những thị trường dễ tính mà các doanh nghiệp Việt Nam, các ngành kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp v.v... của Việt Nam sẽ không chịu đầu tư nghiêm túc để vươn lên làm những sản phẩm đạt chuẩn mực cao hơn của các thị trường khó tính hơn như EU, như Hoa Kỳ, như Nhật Bản, để từ đó nâng cấp bền vững, lâu dài các ngành xuất khẩu của mình, thay vì là chỉ cứ làm gia công mãi, hoặc là làm những sản phẩm với giá trị gia tăng rất thấp.

"Thì đó là một số mối lo lắng của tôi như vậy, cho nên tôi cảm thấy lo nhiều hơn là mừng, khi mà có thông tin về RCEP."

Lễ ký Hiệp định Thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được triển khai tại Hội nghị Cấp cao Asean được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội hôm 15/11/2020 - Chụp lại hình ảnh, Nguồn hình ảnh, Getty Images


Như BBC News Tiếng Việt đã đưa tin, hôm Chủ Nhật, 15 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký hiệp định thương mại được cho là lớn nhất thế giới, trong đó 10 thành viên khối Asean cùng năm nước đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do này với qui mô hứa hẹn tạo ra tăng tốc kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP được ký kết theo hình thức trực tuyến sau 8 năm đàm phán, bao gồm mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Các thành viên chiếm gần một phần ba dân số thế giới và chiếm 29% GDP toàn cầu và khu thương mại tự do mới được cho sẽ có quy mô lớn hơn cả Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada và Liên minh châu Âu hợp lại.

Ấn Độ từng tham gia đàm phán RCEP, nhưng đã rút lui vào năm ngoái, do lo ngại rằng mức thuế thấp hơn có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, quốc gia mà ngay trước khi bàn giao chức Chủ tịch luân phiên Asean cho Brunei hôm 15/11, đã phát biểu về Hiệp định mới được ký kết:

"Tôi tin tưởng hiệp định sẽ sớm đước các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi, góp phần đưa vào phục hồi kinh tế sau đại dịch và góp phần phát triển các nước thành viên trong thời gian tới."

Truyền thông quốc tế nói gì về RCEP?


Có ý kiến cho rằng hiệp định RCEP được ký kết là một thắng lợi không chỉ về mậu dịch mà còn về ngoại giao và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc vào thời điểm hiện nay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Chụp lại hình ảnh, Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hôm 16/11, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson được BBC dẫn nguồn đưa ra ước tính cho rằng thỏa thuận RCEP mới ký có thể làm tăng thu nhập quốc dân toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích được BBC tiếp cận cho rằng thỏa thuận này có khả năng mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn các quốc gia thành viên khác.

Một ngày trước khi Trung Quốc ký kết Hiệp định, tờ Hoàn cầu Thời Báo, một phụ trương Anh ngữ thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng một bài bình luận cho rằng "RCEP sẽ chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương."


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng tham gia ban nghiên cứu và cố vấn chính sách cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam các nhiệm kỳ trư đây - Chụp lại hình ảnh, Nguồn hình ảnh, BBC News Tiếng Việt

Trong khi đó, báo Mỹ New York Times, hôm 15/11 có bài báo với tựa đề "Hiệp định do Trung Quốc dẫn dắt được ký kết, một thách thức với Hoa Kỳ", bài báo đặt vấn đề:

"Hiện chưa rõ Hoa Kỳ sẽ đáp lại hiệp định mới ký này như thế nào, và trong lúc ông Joe Biden có thể tiếp quản nhiệm sở vào tháng 01/2021, thì những vấn đề về Trung Quốc và mậu dịch đã có thể trở nên nguy kịch."

Hiệp định CPTPP đã từng là một tranh cãi nảy lửa giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Hoa Kỳ vì những quan ngại là kinh tế Hoa Kỳ có thể bị tổn thương trước cạnh tranh nước ngoài, trong khi ông Joe Biden được cho là vẫn chưa khẳng định liệu ông có đưa nước Mỹ trở lại với CPTPP hay không, một điều mà một số ý kiến từ giới quan sát cho rằng có thể chưa hẳn là một ưu tiên với tân chính quyền Mỹ tới đây, vẫn theo New York Times.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54962226

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire