18/11/2020

Quan ăn của rừng, dân rưng rưng nước mắt

canhco

Năm 2020 có lẽ là năm mà người dân các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt tạo ra nhất. Chưa ai có thể thống kê chính xác tài sản và con người của miền trung thiệt hại bao nhiêu nhưng có điều chắc chắn hơn cả là người dân đã thấm đòn, một loại đòn thù do thiên nhiên trả lại cho con người khi nó phá hoại hệ sinh thái mà thiên nhiên đã ban tặng: Phá rừng.


Nói đến phá rừng có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới cho phép phá rừng ở phạm vi rộng nhưng lại rất khắc khe với người dân phá rừng trong phạm vi nhỏ hẹp vì nghèo túng hay không biết sự nghiêm trọng của phá rừng là gì. Điển hình là câu chuyện của Hồ Thị Thêm, dân tộc M’Nông bị xét xử về tội “hủy hoại rừng”

Theo hồ sơ tố tụng, tháng 2-2018, chị Thêm đang đi hái rau rừng thì phát hiện khu rừng tự nhiên tại khu vực Khe Nước Lá thuộc thôn 6, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức. Có đất sản xuất luôn là ao ước bấy lâu nên chị có ý định phát dọn rừng để lấy đất trỉa lúa, trồng keo. Thêm thuê Hồ Thị Này, Hồ Văn Xưng, Hồ Thị Đào, Hồ Văn Thống, Hồ Văn Xét đi phát dọn rừng và trả công bằng hình thức trao đổi ngày công lao động.

Cơ quan chức năng xác định diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá trái phép lên tới 12.224 m2 tức 1 mẩu 2 rừng nghèo. Tổng giá trị thiệt hại gần 230 triệu đồng, trong đó thiệt hại về môi trường hơn 170 triệu đồng. Thêm bị TAND huyện Hiệp Đức tuyên phạt 12 tháng tù về tội hủy hoại rừng.

Đối với dân nghèo thì xử phạt nghiêm khắc như thế, còn đối với nạn phá rừng tràn lan trên diện rộng của các tập đoàn, công ty lòn tay dưới gầm bàn thì có tòa án nào thụ lý hay chưa?

Cho tới nay chưa có một vụ án nào xử các hồ thủy điện vừa và nhỏ mặc dù chúng luôn là nguồn cơn gây lũ lụt hàng năm. Báo chí có những phóng sự thuyết phục, dẫn chứng từ các chuyên gia thủy lợi cho thấy sự tàn phá rừng để lập các hồ thủy điện nhỏ và vừa trên toàn bộ Tây nguyên và các tình miền Trung đã dẫn đến những tai nạn thảm khốc cho người dân khi có lũ lụt xảy ra.

Tàn phá rừng đầu nguồn, kể cả vườn quốc gia để lập thủy điện cộng với lâm tặc có bảo kê từ kiểm lâm là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi. Nhiều bằng chứng cho thấy mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu. Vì mất rừng mà những cơn lũ đổ thẳng từ thượng lưu xuống hạ lưu mà không có gì ngăn cản được.

Báo chí vạch ra cánh rừng phòng hộ huyện Đức Cơ đang từ gần 15.000 ha, chỉ chưa đến chục năm (từ 2011- 2019) đã chỉ còn một nửa. Không chỉ riêng ở Đức Cơ mà hàng chục ngàn ha rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và cả Tây Nguyên đã biến mất bởi nạn phá rừng, bởi những dự án thuỷ điện…

Thủy điện An Khê - Ka Nak là điển hình cho sự tính toán sai lầm của các quan ký giấy cho nó được phép phá rừng để thành lập. Khi đi vào hoạt động nó đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng đối với hạ lưu sông Ba, khiến trên 6.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; gần 7.000 ha cây trồng bị hạn.

Những bạt ngàn cao su, cà phê, hồ tiêu từng mọc lên trên khắp các nông trường của tập đoàn, công ty này nọ cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc phá rừng được hợp thức hóa. Các đơn vị chủ quản như Bộ Tài nguyên- Môi trường không hề thấy rằng các mảng xanh của cà phê, cao su, hay hồ tiêu không thể thay thế cho rừng phòng hộ chứ chưa nói đến rừng nguyên sinh. Các loại cây công nghiệp không có bộ rễ đủ dày để ngăn lũ chưa nói việc thải khí của chúng không thể là môi trường cho các loại động vật khác sinh sống dưới táng lá của chúng.

Năm 2017 người dân ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La… liên tiếp bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hay các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… trong năm nay phải oằn mình hứng chịu sự tàn phá của gió bão đều do phá rừng đầu nguồn gây ra.

Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp có lẽ là bông hoa duy nhất tại Quốc hội dám thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà về các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Câu trả lời mà bà nhận được hoàn toàn thiếu vắng một trách nhiệm dù nhỏ nhất của người đứng đầu bảo vệ thiên nhiên. Ông Hà khẳng định, ông không nói thủy điện là nguyên nhân hay không phải là nguyên nhân gây ra bão lũ, sạt lở miền Trung những ngày vừa qua mà muốn nói con người là nguyên nhân khi quyết định công trình thủy điện thân thiện với môi trường hay không.

Câu trả lời huề vốn và đổ tội cho…nhân dân của ông Hà chưa làm cho người ta cười cợt ông bằng câu: “Sắp tới, đối với rừng phòng hộ đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải thu hồi lại rừng. Và phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên”.

Học sinh lớp Năm cũng đã hiểu rừng nguyên sinh là loại rừng gì, chúng có thể phục hồi hay không nhưng một Bộ trưởng của Bộ tài nguyên Môi trường lại không hiểu chữ “nguyên sinh” thì làm sao ông ta hiểu sự nguy hiểm của nạn phá rừng để làm thủy điện?

Và vì vậy làm sao tòa án có thể đem những cái đầu phá hoại này ra xét xử như đã xét xử người dân hiền lành ngu dốt như chị Hồ Thị Thêm chỉ một héc ta rừng đã chịu cảnh ngồi tù 12 tháng?

Những hồ thủy điện vừa và nhỏ khiến nhóm lợi ích ngày càng mập mạnh, trong khi người dân miền Trung thì rưng rưng nước mắt hiện nay có gì dính líu tới nhau hay không?

Thứ Bảy, 11/14/2020 - 12:55

*       canhco's blog

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire