HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ðại Hội lần thứ 13 của đảng CSVN sẽ khai mạc vào sáng Thứ Hai, 25 Tháng Giêng (giờ Hà Nội) và theo dự trù kéo dài tới 2 Tháng Hai, 2021, với mục đích cuối cùng là chính thức hóa 4 ghế “tứ trụ” sau những màn sắp xếp, cạnh tranh trong nội bộ.
Để bảo đảm an ninh cho Ðại Hội 13, hàng chục con đường ở Hà Nội sẽ bị đóng,
gây khó khăn cho đời sống của người dân. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)
Theo truyền thông tại Việt Nam, đại hội diễn ra trong sự canh gác chặt chẽ của hàng chục ngàn nhân viên an ninh các loại và quân đội, cứ 5 năm một lần, bầu bán lãnh đạo mới cho 5 năm kế tiếp.
Tin cho hay, có khoảng gần 1,600 “đại biểu” gồm đảng viên cấp cao từ trung ương tới địa phương, tham dự đại hội chỉ được phép “nhất trí” thông qua những gì đã được chuẩn bị sẵn.
Đầu tiên là “bầu” ra 200 ủy viên trung ương đảng. Một số đảng viên quá tuổi hoặc bị đẩy về vườn cho người mới lên thay. Các ủy viên trung ương đảng mới này sẽ bầu ra bộ chính trị, gồm từ 14 đến 19 ủy viên. Tương tự như trung ương đảng, một số ủy viên bộ chính trị đương nhiệm quá tuổi bị đẩy về vườn, một số mới được thay thế vào.
Chỉ ở cái cơ chế cao nhất này, tức bộ chính trị, mới có cái “ngoại lệ” cho một hay vài người quá tuổi nghỉ hưu nhưng được ngồi lại.
Hai kỳ họp đảng trước, chỉ có một trường hợp ngoại lệ duy nhất là ông Nguyễn Phú Trọng ngồi lại bộ chính trị. Nếu ông Trọng vẫn ôm cái ghế tổng bí thư thêm nhiệm kỳ thứ ba như đồn đoán, thì cái “ngoại lệ” này chỉ có từ thời Lê Duẩn.
Ngoại giao đoàn được cho tới quan sát tại kỳ họp đại hội đảng CSVN hồi năm
2016. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Sau khi đã có bộ chính trị khóa mới, từ đây sẽ lọc ra “tứ trụ” gồm tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Ông Trọng, như tin tức đồn đoán không chính thức, sẽ rời ghế chủ tịch nước mà ông ta nắm khi Trần Đại Quang qua đời từ Tháng Chín, 2018.
Những tin tức rò rỉ ra tuần trước được giới báo chí quốc tế nói rằng vì ông Trần Quốc Vượng, 66 tuổi (người miền Bắc, gốc Thái Bình), người mà Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy lên ghế tổng bí thư không đạt được đồng thuận cao trong bộ chính trị, thua phiếu Nguyễn Xuân Phúc (gốc Quảng Nam, cũng 66 tuổi) nên ông Trọng đã quyết định ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nữa dù nay đã 77 tuổi lại đau yếu sau vụ đột quỵ.
Rất có thể ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ ôm ghế chủ tịch nước trong khi cựu tướng công an Phạm Minh Chính, 62 tuổi, sẽ nắm ghế thủ tướng, dù không có bao nhiêu hiểu biết điều hành kinh tế tài chính vĩ mô.
Cũng có thể Vương Đình Huệ, 63 tuổi gốc Nghệ An, được đẩy vào ghế thủ tướng hoặc làm chủ tịch quốc hội, thay cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân nay đã quá tuổi nghỉ hưu.
Dân thất nghiệp tại Hà Nội đốt củi sưởi ấm trong khi chờ người gọi đi làm,
kiếm sống qua ngày. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)
Trên lý thuyết thì là bàu bán “dân chủ” nhưng xưa nay cái ghế tổng bí thư thường là người miền Bắc “có lý luận” bảo thủ giáo điều nắm chặt, nên Nguyễn Phú Trọng mới đẻ ra quy chế “ngoại lệ” tuổi tác để ngồi lại nhiều hơn một nhiệm kỳ.
Tại kỳ họp đại hội đảng là các bản báo cáo chính trị và chương trình kinh tế xã hội của khóa mới được công bố, vẫn với cái đuôi tiến đến “xã hội chủ nghĩa” dù chính ông Nguyễn Phú Trọng từng công nhận cả trăm năm nữa không biết thấy hay chưa.
Trong khi kinh tế CSVN thoát khỏi suy thoái nhờ đối phó được đại dịch COVID-19 với bàn tay sắt, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp càng ngày càng bị siết chặt. Các vụ bắt giữ và bỏ tù những ai lên tiếng đả kích chế độ “độc tài đảng trị” diễn ra liên tiếp mấy ngày gần đây. (TN) [kn]
Jan 24, 2021
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-dai-hoi-dang-13-theo-kieu-binh-cu-ruou-cu/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire