Phạm Trần
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa ở trong Nam, chuyện tranh luận giữa Chính quyền và
người dân về những ưu, khuyết điểm của chế độ chính trị là việc bình thường.
Các Dân biểu và Nghị sỹ tại lưỡng viện Quốc hội có quyền chất vấn Thủ tướng và
các Bộ trưởng Chính phủ bất kỳ lúc nào thấy cần.
Nhưng ở Việt Nam Dân chủ Công hòa miền Bắc trước năm 1975 thì khác. Phê bình
đảng cầm quyền là tự mở cửa vào tù. Đại biểu Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân
các cấp chỉ biết làm việc theo lệnh của Bộ Chính trị và cấp trên.
Sự khác biệt này đã có lịch sử chứng minh, không cần phải cãi cối cãi chầy, hay
ngụy biện để xuyên tạc. Thế mà ở nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa do đảng
Cộng sản độc quyền cai trị bây giờ, tuy nói là “của dân, do dân và vì dân” mà
lại do đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý thì có vớ vẩn không ?
Tuy nhiên trong đảng vẫn có luận điệu:“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền dân
chủ XHCN của chế độ ta không ngừng được củng cố và mở rộng cả về bề rộng lẫn
chiều sâu. Thành tựu về xây dựng và phát huy dân chủ XHCN dưới sự lãnh đạo của
Đảng ta thời gian qua là một trong những tiền đề quan trọng, góp phần xây dựng
nền tảng chính trị vững chắc cho thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, tạo động
lực mạnh mẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội: “Dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. (Tạp chí Cộng sản
(TCCS), ngày 06-06-2021)
Nhưng “dân chủ Xã hội Chủ nghĩa” do đảng chỉ huy là thứ dân chủ của ai,
do ai và vì ai. Xin đáp ngay cho khỏi mất thời giờ vàng bạc của độc giả : đó là
của Đảng, do Đảng và vì Đảng”, chấm hết.
Tại sao lại ăn xuôi nói ngược thế nhỉ ? Tại vì đảng đã lý luận vắt chầy ra nước
rằng:” Địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là ý chí chủ
quan của một cá nhân hay của một lực lượng chính trị nào, mà đó là kết quả quá
trình “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử, sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam.” (trích
dẫn đã nêu)
Nhưng lịch sử nào đã “sàng lọc” và những ai trong “dân tộc” đã
ủy thác, đề cử hay bỏ phiếu cho đảng CSVN lãnh đạo đất nước ? Chả cần phải rông
dài hay quanh co thì lịch sử cũng đã chứng minh: Sau khi Việt Nam bị chia
đôi ở Vỹ tuyến 17 bởi Hiệp định Geneve 1954 thì miền Bắc thuộc quyền cai trị
của đảng Cộng sản do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, có tên gọi là Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Miền Nam thuộc về Chính phủ Quốc gia Việt Nam với Vua Bảo Đại là Quốc
trưởng. Sau đó, Thủ tướng Ngô
Đình Diệm đã
tổ chức cuộc Trưng cầu dân ý năm 1955 để truất phế Bảo Đại. Từ đây, “Quốc
gia Việt Nam” được đổi tên thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) vào
ngày 26
tháng 10 năm 1955, với Ngô
Đình Diệm là
Tổng thống đầu tiên” (theo Bách khoa Toàn thư mở)
Nếu chỉ đơn sơ như thế và ai ở nhà ấy thì làm gì có cảnh nồi da xáo thịt thêm
20 năm nữa giữa đồng bào cùng một dòng máu đỏ da vàng ? Nhưng đáng tiếc và nhục
nhã thay, với tham vọng phủ hết Cộng sản lên cả nước, đảng của ông Hồ, với sự
trợ giúp lương thực và chiến cụ của khối Cộng sản do Nga sô lãnh đạo, đã xâm
lăng VNCH để thống nhất đất nước dưới là Cờ đỏ Sao vàng năm 1975.
Sau cơn hồng thủy tang thương
này, với hàng triệu người Việt của hai miền đất nước bị tiệu diệt, 25 triệu
người dân VNCH đã bị đảng CSVN cai trị và đầy đọa đến nỗi nhà tù mọc lên nhiều
hơn trường học. Trên 2 triệu người đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có
hàng chục ngàn người dân vô tội đã phải tức tưởi bỏ mình trên Biển Đông.
Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã
quyết định đổi tên nước là “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
do đảng CSVN độc quyền cai trị không do dân bầu.
DÂN
CHỦ KIỀU GÌ ?
Như vậy là dân chủ kiểu gì ? Trơ trẽn nhất là đảng đã
tự phong “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội “, như ghi trong
khoản 1, Điều 4 Hiến pháp sửa đổi 2013, theo đó: “Đảng Cộng sản Việt Nam -
Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân
lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp
công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và
tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội.”
Ngoài ra, chuyện đảng “lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí
Minh làm nền tảng tư tưởng” thì đó
là việc riêng của đảng, nhưng đảng lại lạm dụng quyền lực để áp đặt lên toàn
dân thứ Chủ nghĩa ngoại lai đã bị hầu hết các Quốc gia trên Thế giới tẩy chay
và ghê tởm vì đã giết hại hơn 100 triệu người. Bằng chứng là một Tượng
đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ
nghĩa Cộng sản đã được
khánh thành tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 12 tháng 6 năm 2007 bởi Tổng thống Mỹ George W. Bush "để lịch sử
về sự tàn bạo của cộng
sản sẽ được dạy
cho các thế hệ tương lai".
TOÀN HỨA CUỘI
Nhân khi nói về
Hiến pháp thì đảng CSVN còn nói bừa và và hứa cuội như ghi trong Điều 25
rằng :“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,
hội họp, lập hội, biểu tình.”, nhưng lại thòng theo câu :” Việc thực
hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Cho đến nay, hai Dự luật “lập hội” và “biểu tình” liên tục bị trì hoãn, ít
nhất 3 lần từ Quốc hội khóa XIII mà không cho biết lý do. Riêng chuyện lập đảng
chính trị đối lập với đảng Cộng sản đã bị ngăn cấm. Trong khi quyền tự do tư
tưởng và tự do báo chí của dân bị kiểm soát, ngăn chặn và tư nhân không được
quyền ra báo.
Tất cả những phản biện hay góp ý chân thành của những Trí thức, từng một thời có địa vị cao trong Đảng, về mở mang dân trí, dân chủ hóa chế độ hay cạnh tranh chính trị minh bạch giữa đảng cầm quyền và nhân dân đều bị gạt thẳng tay hay bị cáo buộc, vu khống là của “các phần tử cơ hội, bất mãn, biến chất, mất định hướng, suy thoái tư tưởng, phản động”, hay do “các thế lực thù địch” giật giây có mục đích “phủ nhận, bác bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam” (TCCS dẫn thượng)
Bước sang lĩnh vực đất đai, tuy là của dân, nhưng nhà nước lại “quản lý” thì
cũng như đảng làm chủ. Bằng chứng như viết trong Điều 53 Hiến pháp:” Đất
đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời,
tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài
sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất
quản lý.”
Như thế thì dân là
ông chủ hay kẻ làm thuê trên đất của mình mà đảng cứ chích chòe mãi cho điếc lỗ
tai ? Người Cộng sản còn lý giải về quyền làm chủ đất nước của dân khôi
hài thế này :”Nhân dân làm chủ trực tiếp thông qua quyền bầu cử, quyền ứng
cử; thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác; thực hiện quyền đối
thoại dân chủ trực tiếp giữa nhân dân với chính quyền (theo quy định của pháp
luật tiếp công dân); góp ý trực tiếp đối với các dự luật (qua Cổng thông tin
điện tử Dự thảo online - Quốc hội.” (vẫn theo Tạp chí Cộng sản (TCCS), ngày
06-06-2021)
Nghe qua thì mùi đấy, nhưng đừng “tưởng bở” mà mắc
bẫy. Chuyện bầu cử và ứng cử của nhà nước CSVN đều do đảng quyết định hết nên
bàn dân thiên hạ mới có câu “đảng cử dân bầu”. Muốn được tín nhiệm ra ứng cử,
ưu tiên số một phải là đảng viên do các Tổ chức đảng đưa ra, hay được cảm tình
của đảng và phải được Mặt trận Tổ quốc tán thành theo phương pháp gọi mầu mè là
“hiệp thương”. Những người ngoài đảng, hay tự ứng cử thì như trứng chọi đá,
mười phần chết 9 còn 1 là may.
Về quyền bỏ phiếu thì phần đông cử tri sợ bị công an địa phương hạch xách nên
phải đi bỏ phiếu cho xong việc, nhưng lại không được quyền không đi bỏ phiếu.
Người dân cũng không được phép tò mò thắc mắc tài sản của ứng cử viên, hay của lãnh đạo như lấy đâu ra mà giầu nứt mắt ra thế. Lương bổng trung bình đủ ăn mà có con du học nước ngoài mỗi năm tốn từ 50 đến 60 ngàn Dollars thì có trời biết tiền từ lỗ nào chui lên. Cho nên điều dân có quyền gọi là “giám sát và phản biện xã hội” mà phải “thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác” do đảng kiểm soát thì ngăn sông, cấm chợ có lợi cho ai ?
Qua vấn đề góp ý với Quốc hội thì hơi đâu mà làm cái việc “công dã tràng” này cho mệt. Bằng chứng hầu hêt các ý của dân cũng đều “một lòng một dạ” hay “đồng tình” là chính với các Dự thảo luật của nhà nước, hay việc làm của Đảng, vì nói ngược là ăn đòn. Tất cả các ý kiến trái chiều đòi dân chủ, tự do và quyền con người đều bị ngăn chặn hay hủy bỏ nếu may mắn lọt qua sàng lọc của Công an.
Vì vậy tất cả những thứ dân chủ hình thức này chi nhằm
tô son điểm phấn cho chế độ một đảng cầm quyền nhưng không giúp phát triển dân
chủ ở Việt Nam. Đảng đã đưa ra nhiều lý do để bênh vực chế độ một đảng cầm
quyền như ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010,
khi ấy với tư cách Chủ tịch Quốc hội. Ông nói:” “Không phải có nhiều đảng
thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện
lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân
dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để
ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất” (trích
từ TCCS nêu trên)
Nhưng trước hết, sau 35 năm đổi mới (từ 1986), đất nước tuy có phát triển nhưng
vẫn còn chậm và không đủ sức cạnh tranh với các nước láng giềng, ngay trong
khối Đông Nam Á (ASEAN), ngoại trừ Cao Miên, Lào và Miền Điện. Khả năng lao
động và trình độ kỹ thuật của công nhân Việt Nam vẫn là thứ yếu so với các nước
khác. Tình trạng cách biệt giầu nghèo và giáo dục ở Việt Nam mỗi ngày một
giãn ra giữa dân và những gia đình có chức có quyền và giữa thành thị và nông
thôn.
Vấn đề “ấm no, hạnh phúc” của dân Việt Nam bây giờ (2021), nếu so với dân các nước Thái Lan, Malaysia,Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei trong khối Đông Nam Á thì vẫn còn đì đẹt phía sau nhiều năm, nói chi đến Nam Hàn và Nhật Bản cho xa vời.
Hơn nữa, điều quan trọng khác là lòng dân hai miền Nam-Bắc, tuy sống trong một nước đã thống nhất 46 năm mà trong xã hội vẫn còn những hố sâu thẳm kỳ thị và mất đoàn kết Nam-Bắc do chính sách chia để trị của đảng CSVN, từ sau 1975.
Như vậy thì “dân chủ” một chiều của chế độ “một đảng câm quyền” ở Việt Nam có thật sự đã nâng cao dân trí, hay chỉ nhằm “ngu dân” để cho đảng viên và những kẻ có chức có quyền tiếp tục độc tài cai trị và bóc lột ? -/-
Phạm Trần
(6/021)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire