Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
____________
TP Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 06 năm 2021
KIẾN NGHỊ
V/v: Cân nhắc hủy bỏ việc xây dựng sân golf và không xây dựng khu phức hợp tại khu vực rừng thông thuộc thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai
Nếu dự án làm sân golf được triển khai, rừng thông sẽ bị san phẳng. |
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai
Chúng tôi ký tên dưới đây, là các cá nhân và tổ chức xã hội quan tâm đến môi trường, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan, đồng kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét lại và cân nhắc hủy bỏ việc xây dựng sân golf và không xây dựng khu phức hợp tại khu vực rừng thông thuộc thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, vì những lý do sau đây:
1.Nguy cơ đe dọa nguồn nước của cộng đồng địa phương và làm nghiêm trọng hơn tình hình hạn hán ở huyện Đak Đoa.
Các báo cáo của tỉnh Gia Lai nhiều năm nay cho thấy nguồn nước ngầm Gia Lai đang có nguy cơ giảm xuống do diện tích rừng suy giảm. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đak Đoa lại là một trong những địa phương thiếu nước sản xuất và thường xuyên bị hạn hán. Hiện nay, hoạt động sản xuất của người dân ở Đak Đoa chủ yếu dùng nước giếng đào, mà theo phản ánh của người dân địa phương cũng như các chuyên gia nông, lâm nghiệp đã được báo chí ghi nhận thì những năm gần đây giếng ngày càng phải đào sâu vì nguồn nước ngầm suy giảm. Tại Đak Đoa đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp vào các năm 2015, 2016, 2019, 2020. Mới đây nhất, theo Báo Gia Lai phản ánh, vào cuối tháng 3/2021, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Đak Đoa đã có hiện tượng thiếu nước cục bộ, chính quyền phải triển khai các biện pháp phòng chống hạn.
Trong khi đó, theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án sân golf Đak Đoa do Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 23.08.2019: “Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của dự án công suất 890m3/ngày đêm, Hệ thống xử lý nước có lẫn hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật công suất 860m3/ngày đêm.” Như vậy, ước tính nhu cầu sử dụng nước chỉ riêng dự án sân golf có thể lên tới 1.750m3/ngày đêm. Theo quy hoạch, ngoài việc nâng cấp các trạm cấp nước hiện tại, chính quyền còn phải mở rộng đường ống các giếng khoan hiện có và sử dụng nước từ đập thủy lợi 3-1 Tân Bình hiện đang dùng cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực để phục vụ dự án.
Với nguồn tài nguyên nước vốn đã khan hiếm lại càng nghèo kiệt hơn nếu mất rừng, việc xây dựng một khu phức hợp sân golf và khách sạn, khu nghỉ dưỡng, v.v. với nhu cầu sử dụng nước khổng lồ chắc chắn sẽ gây xung đột nguồn nước, làm trầm trọng thêm tình hình thiếu nước sản xuất cho người dân địa phương.
2. Nguy cơ ô nhiễm môi trường mà trước hết là nguồn nước và đất.
Theo Quyết định số 4191/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa ban hành ngày 24/12/2018 Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng sân golf thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, tỷ lệ 1/500, các tác động của dự án đối với môi trường không khí, đất và hệ sinh thái chỉ được đánh giá trên quy mô thời gian ngắn hạn. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra các tác động tiêu cực lâu dài về môi trường và sức khỏe của sân golf, đến từ việc sử dụng lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ lớn hơn gấp nhiều lần so với lượng thường dùng trong nông nghiệp.
Khu vực rừng thông Đak Đoa được quy hoạch để làm sân golf hiện nay nằm sát bên cánh đồng An Mỹ, nơi canh tác lúa và hoa màu của người dân các thôn 1, 2, 3 xã Tân Bình. Đồng thời, như báo chí đã phản ánh, quanh rừng thông lại có những mạch nước ngầm nằm gần mặt đất mà người dân địa phương gọi là giọt nước. Các giọt nước này là nguồn nước uống của một bộ phận không nhỏ người dân xã Glar và xã Tân Bình, đặc biệt là đồng bào dân tộc Bahnar. Nếu phá bỏ rừng thông để xây dựng sân golf, lượng hóa chất dùng cho sân golf chắc chắn sẽ gây ô nhiễm cả diện tích đất trồng trọt lẫn nguồn nước giọt của cộng đồng địa phương. Việc phê duyệt dự án đã tính đến những ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm lên đời sống và sức khỏe người dân Đak Đoa hay chưa?
3. Có bằng chứng về việc cố ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng bất hợp lý để thực hiện dự án đầu tư và cho thấy bản chất đây là một quá trình tư nhân hóa cảnh quan công cộng.
Mặc dù hiện nay, rừng thông cổ thụ gần 50 tuổi là rừng trồng và được phân loại là rừng sản xuất, tuy nhiên, thực tế cho thấy khu rừng này có vai trò đặc biệt trong phòng hộ nguồn nước cộng đồng địa phương. Rừng thông không chỉ góp phần rất lớn trong việc cung cấp nước sạch cho nhiều bà con đồng bào qua các giọt nước, mà còn đảm bảo duy trì nguồn nước ngầm đang được dùng hoàn toàn cho việc canh tác nông nghiệp của người dân địa phương hiện nay. Cũng theo thông tin báo chí đã phản ánh, người dân địa phương khẳng định rừng thông được trồng với mục đích phòng hộ, với các tác dụng quan trọng như chống xói lở và duy trì nguồn nước.
Cùng với nguy cơ xảy ra xung đột nguồn nước lớn tại địa phương nếu sân golf Đak Đoa được xây dựng, thực tế trên cho thấy việc chuyển đổi đất rừng hiện nay để xây dựng khu phức hợp bao gồm sân golf là bất hợp lý.
Ngoài ra, việc giao đất rừng thông cổ thụ gần 50 năm với đồi cỏ hồng nổi tiếng cũng cho thấy dấu hiệu đang diễn ra việc tư nhân hóa cảnh quan công cộng; quyền lợi của người dân với tài sản công có nguy cơ bị xâm phạm. Đây là một di sản thiên nhiên tuyệt đẹp, bao gồm vườn cỏ hồng độc đáo đặc trưng của vùng đất này. Việc chuyển đổi đất rừng sang làm sân golf và dự án khu biệt thự nhà ở thực chất là phá bỏ giá trị đa dạng sinh học ở đây (dù có di thực cây cổ thụ), và thực tế nó sẽ chỉ phục vụ cho một nhóm người có điều kiện kinh tế.
4. Trong bối cảnh chất lượng và diện tích rừng của huyện Đak Đoa nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung đều thấp, rừng thông Đak Đoa cần được giữ lại làm rừng phòng hộ.
Theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân huyện Đak Đoa Khóa 10, Kỳ họp thứ 9 ban hành ngày 26/04/2019 về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch huyện Đak Đoa, cả ba địa bàn thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar hoàn toàn không còn được quy hoạch diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Số liệu năm 2017 cho thấy khu vực thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar hiện chỉ có hơn 601 ha rừng trồng, trong đó rừng thông chiếm 543 ha. Tuy nhiên, đến nay đã có
395 ha rừng được đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 156 ha rừng thông đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho sân golf, và hơn 89 ha rừng thông được chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án xây dựng biệt thự, nhà ở giai đoạn 1.
Theo quy hoạch, dự án Khu phức hợp Đak Đoa có quy mô hơn 517 ha, với hiện trạng đất chủ yếu là đất rừng thông do người dân trồng theo chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc từ năm 1976. Như vậy nếu quy hoạch này thành hiện thực, dự kiến sẽ có khoảng 500 ha rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, đồng nghĩa với việc hơn 83% tổng diện tích rừng trên địa bàn bị xóa sổ.
Mặt khác, theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tháng 4.2020, tỷ lệ che phủ rừng ở Gia Lai đạt 40,2% (cả nước là 41,89%), dựa trên tổng diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng sản xuất chiếm tới 72% tổng diện tích các loại rừng nói trên, chủ yếu là cây keo tai tượng, keo lai và bạch đàn E.Urophylla với chu kỳ khai thác là 7 năm. Điều này có nghĩa là chất lượng rừng của Gia Lai, bao gồm hệ sinh thái và các giá trị đa dạng sinh học, rất thấp. Như vậy, việc xóa bỏ một khu rừng thông đã 50 năm tuổi và hệ sinh thái đi liền với nó sẽ chỉ góp phần làm suy giảm cả số lượng và chất lượng rừng vốn đã thấp trên toàn tỉnh.
Trong khi đó, theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 16/11/2018, Chương II, Mục 1, Điều 6, rừng thông Đak Đoa đáp ứng tiêu chí số 2 về rừng phòng hộ - Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư: “Khu rừng trực tiếp cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư tại chỗ; gắn với phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, được cộng đồng bảo vệ và sử dụng.” Đồng thời, theo Kết quả rà soát và điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Gia Lai năm 2017, thông ba lá hiện cũng là một trong những loài cây chủ yếu được trồng cho rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở Gia Lai. Việc giữ lại rừng thông Đak Đoa theo diện rừng phòng hộ là phù hợp với chức năng của khu rừng và cần thiết cho địa phương.
5. Quá trình tham vấn cộng đồng địa phương thiếu tính thực chất và minh bạch.
Thực hiện một dự án phát triển tại địa phương trước nhất phải đem lại lợi ích cho cộng đồng ngay tại địa phương đó, và phải có được sự ủng hộ, tham gia tích cực từ cộng đồng, bởi lẽ người dân địa phương hiểu rõ hơn ai hết các điều kiện về khí hậu, môi trường, kinh tế góp phần quyết định sự thành bại của dự án. Họ cũng là người trực tiếp chịu tác động tiêu cực từ dự án, nếu có. Việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư cũng đã được quy định bắt buộc tại Điều 21, Luật Bảo vệ Môi trường 2014.
Thế nhưng, ở dự án này, có dấu hiệu người dân địa phương phản đối dự án sau đó bị tác động để thay đổi quan điểm. Đơn cử, theo Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam phản ánh trong bài “Người dân không đồng tình chuyển đổi 174 ha rừng thông thành khu thể thao” ngày 18/12/2020: Ông Bluk, Trưởng thôn 4, xã Glar cho biết, khu vực rừng thông phần lớn là người đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống, họ không biết xây dựng khu thể thao để làm gì. “Chắc chắn việc xây dựng khu thể thao sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân trong vùng”, ông Bluk nói và cho biết, huyện về lấy ý kiến nhiều lần nhưng người dân trong thôn không đồng tình. Theo ông Bluk, rừng thông nơi đây quanh năm có không khí trong lành. Đây cũng như một điểm nhấn văn hoá khi nhiều người dân tụ tập về để biểu diễn cồng chiêng và các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên chỉ một ngày sau đó, Truyền hình tỉnh Gia Lai trong bài “Gia Lai không để mất rừng khi xây dựng dự án Sân Golf Đăk Đoa” ngày 19/12/2020 lại đăng phát biểu mới của ông Bluk như sau: Ông Bluk – Trưởng thôn Bối, xã Glar, huyện Đak Đoa chia sẻ “Khi có chương trình xây dựng sân golf ở đây, người dân rất phấn khởi và ủng hộ, mong dự án sớm
được triển khai để kinh tế địa phương phát triển tốt hơn.”
Tường thuật của báo chí sau khi phỏng vấn người dân địa phương cũng cho thấy những ý kiến phản đối dự án và các lo ngại về nguồn nước, ô nhiễm, mất không gian công cộng v.v. của người dân không được giải quyết. Với các dấu hiệu nêu trên, cần đình chỉ dự án và thực hiện lại quá trình tham vấn một cách công khai, minh bạch và khách quan để đảm bảo người dân được nói lên ý kiến của mình, và được quyền từ chối dự án nếu họ thấy lợi ích mà dự án mang lại không thể bù đắp cho những nguy cơ đối với đời sống của họ.
6. Cam kết không làm mất rừng là không đáng tin cậy.
Theo Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án tại xã Glar, xã Tân Bình và thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà đầu tư FLC cam kết “đảm bảo giữ lại ít nhất 50% diện tích rừng hiện trạng.” Tuy nhiên, theo Quyết định số 4191/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa ban hành ngày 24/12/2018 Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng sân golf thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai tỉ lệ 1/500, tỉ lệ diện tích đất rừng thông trong quy hoạch chỉ là 0.54%. Quan sát phối cảnh dự án hiện nay do FLC thực hiện cũng cho thấy việc giữ lại 50% diện tích rừng là không khả thi.
Cam kết di thực cây của tập đoàn FLC cũng dấy lên nhiều lo ngại. Thông tin về di thực cây chỉ có trong phát biểu của các cán bộ tỉnh Gia Lai được trích dẫn trên báo chí chứ không có trong các văn bản quyết định pháp lý đã được công khai liên quan đến dự án. Ngay cả nếu di thực, những cây thông bonsai ở Đak Đoa có kích thước lớn, tán xòe rộng, khi đánh chuyển, phần lớn tán cây sẽ phải bị cắt, để khôi phục lại chức năng phòng hộ hoặc cảnh đẹp sẽ mất nhiều năm. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển khi di thực sẽ rất lớn, vì với kích thước cây thông như ở rừng thông Đak Đoa, một xe cẩu chỉ chở được 1-2 cây mỗi lần. Nếu di thực cây, rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về quá trình thực hiện và giám sát việc di thực sẽ diễn ra như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát, trong thời gian bao lâu, cam kết tỉ lệ cây sống đến sau khi di thực là bao nhiêu, tính đến thời điểm nào v.v.
Về phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, theo tham khảo một số Quyết định ban hành mức đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác mà các UBND tỉnh từng ban hành, như Quyết định 27/2019/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Bình hay Quyết định 20/2018/QĐ-UBND của tỉnh Hải Dương, đơn giá hiện nay chỉ dao động trong khoảng 85-90 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá trị một cây thông cổ thụ đã 50 năm tuổi có thể lên tới vài chục đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến giá trị về cảnh quan, môi trường sinh thái mà một cây non mới trồng không thể nào so sánh được.
Quan trọng hơn, thực tế cho thấy tập đoàn FLC đã từng có nhiều sai phạm làm mất rừng ở các dự án sân golf khác, được báo chí phản ánh, như xóa sổ rừng phòng hộ và chiếm dụng đất trái phép tại dự án FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa; chiếm đoạt hàng trăm ha đất rừng, trong đó có cả rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại dự án FLC Hạ Long. Với một chủ đầu tư từng có nhiều sai phạm như vậy, làm sao chính phủ và địa phương có thể tin tưởng để FLC tiếp tục thực hiện dự án tại Gia Lai?
7. Sân golf không phải là bài toán kinh tế tối ưu cho ngân sách nhà nước
Theo Quyết định số 1147/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành ngày 16/11/2018 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đak Đoa thì giá trị nhà đầu tư FLC đề xuất nộp ngân sách nhà nước chỉ là
13,228,000,000 đồng cho thời gian sử dụng đất là 50 năm.
Để khai thác rừng thông Đak Đoa vào mục đích kinh tế mà vẫn gìn giữ được cảnh quan, tỉnh Gia Lai hoàn toàn có thể thực hiện phương án biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái, mở cửa cho du khách đến cắm trại có thu phí. Ước tính khiêm tốn, nếu thời gian du khách đến cắm trại chỉ 90 ngày/năm, trong đó mỗi ngày chỉ có 100 lượt khách, với mức phí thuê địa điểm 100.000 đồng/ngày cho một lều cắm trại, tỉnh đã có thể thu được 900,000,000 đồng/năm, tức 45,000,000,000 đồng cho cùng khoảng thời gian 50 năm.
8. Ý nghĩa văn hóa và lợi ích từ du lịch cộng đồng của đồi cỏ hồng và rừng thông
Đak Đoa
Từ năm 2017 đến nay, hàng năm huyện Đak Đoa đều tổ chức Ngày hội cỏ hồng và Phiên chợ nông sản Đak Đoa tại đồi thông Glar, với các gian hàng nông sản sạch, sản phẩm thủ công truyền thống, thi biểu diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng và các môn thể thao như kéo co, đẩy gậy, cà kheo. Theo thống kê chính thức của tỉnh Gia Lai, năm 2020, chỉ trong 3 ngày, lễ hội cỏ hồng đã thu hút đến 6.000 lượt du khách. Như vậy, lễ hội này đang làm tốt chức năng giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa truyền thống, hình ảnh đất và người Đak Đoa với du khách gần xa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Đak Đoa. Nếu hoạt động tổ chức lễ hội này được kết hợp với một chiến lược phát triển du lịch bền vững, như ví dụ nêu ở mục 7., chắc chắn tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa còn đem lại được nhiều lợi ích cho huyện Đak Đoa nói riêng và tỉnh Gia
Lai nói chung.
9. Việc xây dựng sân golf và quy hoạch khu phức hợp Đak Đoa đã và đang gây sốt đất, tạo hệ quả lâu dài lên đời sống xã hội.
Theo báo chí phản ánh, tình trạng sốt đất đã diễn ra tại huyện Đak Đoa từ năm 2018 khi tập đoàn FLC được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án, và nóng lên sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Điều này không nằm ngoài thực tế là Việt Nam hiện đã có tới 75 sân golf nhưng phần lớn thua lỗ và hoạt động cầm chừng, và đã có thông tin trên báo chí cũng như cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về việc bất chấp thực trạng kinh doanh thua lỗ, các chủ đầu tư vẫn muốn đầu tư vào sân golf để đầu cơ kiếm tiền từ bất động sản. Nếu dự án sân golf và khu phức hợp Đak Đoa được thực hiện, giá đất tăng quá cao so với thu nhập của người dân sẽ khiến những người địa phương đối mặt với nguy cơ bị mất đất đai, mất đi phương tiện sản xuất, phải tha hương đi nơi khác tìm sinh kế, gây những đổ vỡ lâu dài trong đời sống xã hội.
10. Phê duyệt việc xóa bỏ một khu rừng để thực hiện dự án đầu tư là đi ngược lại với xu hướng bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên ngày một khốc liệt, và đi ngược lại với cam kết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế của chính phủ Việt Nam.
Như giới khoa học đã cảnh báo lâu nay, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Trồng cây và bảo vệ diện tích cây xanh sẵn có là một trong những biện pháp ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những diện tích cây xanh lớn và lâu năm như rừng thông Đak Đoa. Chính phủ Việt Nam đang có những động thái tích cực thể hiện cam kết này, như với
Quyết định Số 524-QĐ-TTG Về việc Phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ngày 01/04/2021 khi còn là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định Số 525-QĐ-TTG Về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cũng trong ngày 01/04/2021 có thể khiến dư luận đặt câu hỏi về sự nhất quán của chính sách, cần phải được rà soát lại và điều chỉnh, nhất là với tất cả những vấn đề của dự án mà chúng tôi đã nêu ra trên đây.
Vì những lý do trên, chúng tôi kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và Chủ tịch
Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai:
Thứ nhất, công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf Đak
Đoa theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2014 vẫn còn giá trị hiện hành.
Thứ hai, hủy bỏ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đoa Đoa và không phê duyệt chủ trương đầu tư khu phức hợp Đak Đoa, hủy bỏ việc xây dựng sân golf và khu phức hợp.
Thứ ba, chuyển đổi rừng thông Đak Đoa từ rừng sản xuất hiện tại thành rừng phòng hộ.
Thứ tư, nghiên cứu và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch sinh thái bền vững tại khu vực rừng thông.
Thứ năm, Bộ TN&MT đang trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2022). Đề nghị các văn bản này cần đảm bảo yêu cầu công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo thực chất quyền được tham vấn của người dân trong cộng đồng địa phương.
Danh sách đại diện kí kiến nghị (theo thứ tự ngẫu nhiên)
1. Nguyên Ngọc, Nhà văn;
2. Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế độc lập;
3. Nguyễn Thị Hậu, Tiến sĩ khảo cổ học;
4. Lê Xuân Thuyên, Tiến sĩ địa chất biển, chuyên gia địa chất, sinh thái, môi trường;
5. Doãn Mạnh Dũng, Kĩ sư, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư kí Hội Khoa học Kĩ thuật và Kinh tế Biển TP.HCM (2006 - 2019);
6. Lê Anh Tuấn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia về thuỷ học môi trường và biến đổi khí hậu;
7. Phạm Xuân Yêm, Giáo sư Vật lý, Paris;
8. Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Ngữ văn, Hà Nội;
9. Phan Hoàng Oanh, Tiến sĩ hóa học, Sài Gòn
10.Nguyễn Đình Nguyên, Tiến sĩ Y khoa, Australia
11.Nguyễn Mai Oanh, Thạc sĩ Kinh tế Phát triển, Sài Gòn
12.Trương Văn Vinh, Tiến sĩ, chuyên gia lâm nghiệp
13.Hoàng Thị Minh Hồng, Nhà hoạt động bảo vệ môi trường;
14.Ngụy Thị Khanh, Người Việt Nam đầu tiên đoạt giải môi trường quốc tế Goldman;
15.Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), Nhà hoạt động xã hội, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống Bền vững (Quỹ Sống), Top 50 phụ nữ ảnh hưởng
nhất Việt Nam 2019 do Tạp chí Forbes bình chọn;
16.Đặng Hoàng Giang, Tiến sĩ, chuyên gia về phát triển;
17.Ngô Thị Bích Đào, Tiến sĩ quy hoạch - sinh thái;
18.Trần Lương, Họa sĩ - giám tuyển;
19.Nguyễn Thùy Linh, Thạc sĩ chính sách công;
20.Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống Bền vững (Quỹ Sống).
Bản điện tử của Kiến nghị này đã được đưa ra công chúng tại đường dẫn http://bit.ly/kndakdoa vào lúc 20h ngày 14/06/2021 và đến 09h ngày 17/06/2021 đã nhận được hơn 15,000 chữ kí ủng hộ.
Mọi phản hồi xin gửi về:
Địa chỉ: Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống Bền vững (Quỹ Sống), Lầu 6, Số 67 Lý
Chính Thắng, Phường 8, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Email: savedakdoa@gmail.com
-----
Phụ lục kèm theo Kiến nghị
Thông tin tóm tắt về dự án Sân golf Đak Đoa
● Thông tin từ Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa:
○ Nhà đầu tư: Công ty cổ phần tập đoàn FLC
○ Tên dự án: Sân golf Đak Đoa
○ Địa điểm thực hiện dự án: Thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai
○ Mục tiêu: Đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế
○ Quy mô dự án: Diện tích khu đất là 174,01 ha; trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện Dự án
○ Vốn đầu tư của dự án là: 1.142,075 tỷ đồng, trong đó:
■ Vốn chủ sở hữu: 172,912 tỷ đồng (chiếm 15,14% tổng vốn đầu tư)
■ Vốn vay: 969,163 tỷ đồng (chiếm 84,86% tổng vốn đầu tư) ● Thông tin từ trang web của chủ đầu tư FLC:
○ Tên dự án: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Gia Lai
○ Địa điểm: Thị trấn Đak Đoa, Xã Glar và xã Tân Bình, Huyện Đak Đoa,
Tỉnh Gia Lai
○ Tổng diện tích: Khoảng 500 ha (Giai đoạn 1: 197 ha)
○ Tổng vốn đầu tư: Khoảng 3.631 tỷ đồng (Giai đoạn 1)
○ Hạng mục đầu tư: Sân golf, trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, khu nhà ở biệt thự và liền kề, khu vui chơi, thể thao ngoài trời, công viên, trường học liên cấp, safari.
○ Thời gian dự kiến khởi công: Quý IV/2021, thời gian dự kiến hoàn thành: Năm 2022.
Các bài báo liên quan trên báo chí trong nước:
● Thông tin về tình hình hạn hán và thiếu nước sản xuất ở Đak Đoa: ○ Trên trang thông tin điện tử chính thức của huyện Đak Đoa:
https://dakdoa.gialai.gov.vn/chuyenmuc/News/Kinh-te-chinh-tri/%C4%90a k-%C4%90oa-Mua-lon-tren-dien-rong-giai-quyet-nuoc-tuo.aspx?page=26; https://dakdoa.gialai.gov.vn/chuyenmuc/News/Kinh-te-chinh-tri/TIEP-TUCTRIEN-KHAI-CAC-BIEN-PHAP-PHONG,-CHONG-UNG.aspx ○ Trên Báo Gia Lai:
https://baogialai.com.vn/channel/722/201603/thi-tran-dak-doa-chuyen-doicay-trong-de-tranh-han-2428356/index.htm
○ Trên trang thông tin điện tử của tỉnh ủy Gia Lai: http://tinhuygialai.org.vn/moi-truong/han-han-tren-dien-rong-cay-kho-nguoi -khat/vi-VN-37146-385.html
○ Trên Báo Công An TPHCM:
http://congan.com.vn/doi-song/bac-tay-nguyen-dan-khat-cay-trong-kho-he o-vi-han_16273.html
● Thông tin về ý kiến của cộng đồng địa phương, quá trình tham vấn, và những bất cập về quy hoạch rừng, quy hoạch phát triển kinh tế liên quan đến dự án:
○ Trên Báo Nông Nghiệp Việt Nam: https://nongnghiep.vn/nguoi-dan-khong-dong-tinh-chuyen-doi-174-ha-rung
-thong-de-xay-san-golf-d279890.amp
○ Trên Báo điện tử Truyền hình tỉnh Gia Lai:
http://gialaitv.vn/tin-tuc/tin-dia-phuong/gia-lai-khong-de-mat-rung-khi-xay-d ung-du-an-san-golf-dak-doa/ ○ Trên Báo Người Đô Thị:
https://nguoidothi.net.vn/du-an-san-golf-dak-doa-phap-phong-noi-lo-28613 .html
○ Trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn https://www.thesaigontimes.vn/td/316651/tu-san-golf-dak-doa--phai-chang
-muon-phat-trien-thi-phai-hy-sinh-rung.html
● Thông tin về nguy cơ núp bóng dự án sân golf để kinh doanh bất động sản:
○ Trên Báo Giáo dục Việt Nam:
https://giaoduc.net.vn/kinh-te/kinh-doanh-san-golf-o-vn-lo-dai-sao-van-cudau-tu-post118188.gd, ○ Trên Báo Dân Trí: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhap-nhang-cac-du-an-san-golf-2021041 2070754484.htm
● Thông tin về ý nghĩa văn hóa và lợi ích du lịch của đồi cỏ hồng và rừng thông Đak Đoa:
○ Trên Báo Gia Lai:
https://baogialai.com.vn/channel/8210/201911/gia-lai-khai-mac-ngay-hoi-c o-hong-5658553/; https://baogialai.com.vn/channel/12400/201712/rung-thong-dak-doa-giau-t iem-nang-du-lich-sinh-thai-5561008/
○ Trên trang web chính thức của tỉnh Gia Lai: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/hon-6000-luot-du-khach-den-tham-quan-trai-ng hiem-doi-co-hong-glar.66698.aspx
● Phản ánh của báo chí về sai phạm làm mất rừng ở các dự án sân golf trước đây của tập đoàn FLC:
○ Trên Báo Người Lao Động:
https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/xoa-so-rung-phong-ho-xay-san-golf-r esort-20151205222631751.htm
○ Trên Tạp chí Kinh Tế Môi Trường:
https://kinhtemoitruong.vn/flc-va-nhung-lum-xum-xin-dat-rung-lam-du-an-5
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire