30/07/2021

Chuyện xưa, chuyện nay

Thiện Tùng

30/7/2021

Kỷ niệm 39 năm ngày mất của ông Kim văn Nguộc, bí danh Kim Ngọc, cựu bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, ngày 26/5/2018, báo Thể thao & Văn hoá viết: Sáng kiến ‘khoán hộ’ hay "Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" năm 1966 của Kim Ngọc đã dẫn đến "khoán 10" hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988", tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu thốn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới”.

Chắc chắn sẽ có người nói: thằng cha Tùng mắc ôn nầy, chuyện dịch bịnh đang cháy mày không lo mà ở đó soạn lại bổn cũ xa vời. Thưa rằng, có lửa mới có khói, chuyện cũ mang yếu tố lịch sử còn mờ ám, nay sẵn dịp có người khui ra,   tìm hiểu thêm xem đâu là sự thật, nó thành chuyện mới ?.


Việc “cấm chợ ngăn sông” theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ  trong mùa dịch bịnh nầy , phóng viên K.Nam của báo Tuổi Tre Onlin đăng ý kiến ông Lâm Minh Thành, chủ tịch tỉnh Kiên Giang,  kế đến,  Hương Khuê viết bài “Có một ông Kim Ngọc ở Kiên Giang” đăng trên báo điện tử Dân Quyền.VN, nhầm ngợi ca cả ông Thành (nay), ông Ngọc (xưa). Câu kết  bài viết của Hương Khuê: Mong sao có nhiều ông Kim Ngọc, ông Minh Thành trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang

Ông Thành nói những gì mà 2 nhà báo K.Nam và Hương Khuê ngợi ca như thế?-  Ông Thành nói, báo Tuổi Trẻ Online đăng có đoạn:

 “Tôi đề nghị không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì !... ;

"Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ  phường bán thứ này,  chợ xã này bán thứ kia, chỗ khác bán thứ khác… , cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân”..v.v… (hết trích)

Phát biểu vừa trích đoạn của chủ tịch tỉnh Kiên Giang, ít nhiều chỏi lại chỉ thị 16 một cách có lý, có tình, mang tính chất “xé rào”?.

Cũng như Hương Khuê, tôi ngưỡng mộ cả ông Ngọc, ông Thành. Chuyện ông Thành thì rõ rồi, còn chuyện ông Ngọc “khoán 10” trong nông nghiệp mà báo Thể thao và Văn hoá viết như nêu trên nặng về cảm tính, thổi phồng, xa sự thật. Vì sợ “mưa dầm thấm sâu cây cối  còn non yếu oi nước ngủm củ tỏi, tôi có những ý kiên về “khoán 10” của ông Kim Ngọc như sau:

Trong thời chiến, tỉnh Vĩnh Phú (1) kết nghĩa với tỉnh Bến Tre. Tôi là người gốc tỉnh Bến Tre, ngụ ở tỉnh Tiền Giang. Tuy không ở Vĩnh Phú, nhưng khi miền Nam bắt đầu tiến hành “Cải tạo Nông nghiệp(1977)  tôi có đến đó để nghiên cứu học hỏi về “Hơp tác hoá nông nghiệp”. Vì vậy tôi cũng biết ít nhiều về “khoán 10” ở đó.

Ông Kim Ngọc sinh ngày 10/10/1917, mất ngày 26/5/1979 tại bịnh viện Việt-Đức Hà Nội.

Những năm 60 của thế kỷ XX, nông thôn miền Bắc “trăm hoa đua n” về Họp tác xã (HTX) nông nghiệp. Theo quy định chung, hộ nông dân phải đưa 95% đất vào hợp tác xã làm ăn tập thể, 5% đất để lại cho từng hộ sản xuất phụ. Do HTX nông nghiệp làm ăn kém hiệu quả, bỡi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chi phối nhứt được thể hiện qua 2 câu chua cay dầu tôi cố nhưng không thể quên:

- “Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài (radio) mua xe” 

- “Mỗi người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân”.

Thế là “cha chung không ai khóc”, đối với HTX họ lao động cầm chừng, chú tâm chăm lo 5% đất mỗi hộ được giữ lại.

Trước khốn khó của xã viên, ông Ngọc bàn với Tỉnh uỷ, thống nhứt để thêm cho mỗi hộ nông dân 5% đất nữa thành 10%, coi như giao khoán cho hộ 10% đất vốn của mình để canh tác cải thiện cuộc sống, gọi đó là “khoán 10”- chỗ sai là tự ý để thêm cho mỗi hộ dân 5% đất.

Khi được sử dụng 10% đất, cuộc sống của người dân phần nào được cải thiện, nhưng hợp HTX có nguy cơ tan rã vì xã viên  nặng riêng, nhẹ chung. 

Ngày 10-9-1966, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức cuộc họp mở rông, 100% người tham dự nhất trí thông qua nghị quyết với tên gọi “Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay. Nghị quyết nầy mang số 68/NQ-TU, do Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là Trần Quốc Phi ký. Nội dung chính của nghị là “chia (trả) đất HTX lại cho hộ nông dân rồi khoán sản lượng”.

Cuộc họp Thường vụ tỉnh uỷ Vĩnh Phúc mở rộng ngày 10/9/1966

Việc chia đất HTX cho từng hộ dân rồi khoán sản lượng  trên diện tích đất vừa dự định thực hiện. Dư luận bàn tán xôn xao, Trung ương cử đoàn Thanh tra đến điều tra rồi ra lịnh đình ngay và cách chức Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc về tội “Chống lại chủ trương Hợp tác hoá Nông nghiệp”. Từ đó ông Kim ngọc bị cấp trên bạc đãi. Sau khi bị cách chức, ông Ngọc đề xuất được Tỉnh uỷ đồng ý cho ông ra ở một cái gò, trước vốn là khu nghĩa địa cũ cạnh đầm Vạc. Tự tay ông vẽ kiểu nhà cấp bốn và cho thợ xây lên ở cho đến chết (26/5/1979).

Vậy là Trung ương đâu đã chấp nhận “khoán sản phẩm trong Nông nghiệp” của tỉnh uỷ Vĩnh Phúc nói chung, ông Kim Ngọc nói riêng? – Nó đã chết từ trong trứng nước?.

*

Trung ương Đảng CSVN luôn xem Hơp tác hoá Nông nghiệp với mô hình HTX là một phần linh hồn của Chủ nghĩa Xã hội. Sau 30/4/1975, Trung ương xuống lịnh cho miền Nam (từ vị tuyến 17 trở vào Nam) từng bước tiến hành cải tạo “Nguỵ quân, nguỵ quyền”, cải tạo “Tư sản mại bản”, cải tạo “Công/thượng nghiệp” và  cải tạo “Nông nghiệp” với mô hình HTX theo mẫu miền Bắc, chỉ có khác là không để cho hộ nông dân 5% đất để sản xuất phụ như miền Bắc mà phải đưa hết đất vào HTX, làm  ăn tập thể, tính công điểm.

Cùng một thời điểm, triển khai chủ trương cải tạo Nông nghiệp trên toàn cõi Nam VN từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Nhưng Trung ương chọn tỉnh Tiền Giang làm trước 1 bước. Tỉnh Tiền Giang chọn xã Tân Hội – xã Anh hùng trong chiến tranh, làm Hợp Tác Xã (HTX) thí điểm của tỉnh. Cách tiến hành theo mẫu miền Bắc.

Nông dân ở xã Tân Hội nầy, hầu như ai cũng có công ít nhiều với Cách mạng. Khi đụng vào ruộng đất của họ, họ chẳng sợ gì ai, phản ứng không chừa cặn.

Ngoài cố vấn từ miền Bắc kè bên, cán bộ tỉnh, huyện đều là võ tướng, văn tướng quầng như trâu đạp lúa mà chẳng ăn thua, đến mức phải khai trừ răng đe 26 đảng viên trong xã mà vẫn không cải thiện được tình hình.  Sau “hội chẩn”, Tỉnh ủy Tiền Giang quyết định dời thí điểm đến ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công – Vùng trọng điểm Bình định của Việt Nam Cộng hòa trước đây, giao cho Tùng tôi trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Có lẽ Tỉnh ủy nghĩ rằng, dân vùng địch hậu họ sợ, sẽ ngoan ngoãn vâng theo. Chẳng biết có phải do họ sợ không, vận động họ đưa đất vào HTX nông nghiệp làm ăn tập thể không mấy khó, nhưng với lý nầy, cớ nọ, họ lao động chiếu lệ, sau một mùa vụ cũng đổ vỡ.

Trên lãnh địa Gò Công  lúc bấy giờ có 5 HTX (cả HTX thí điểm Phú Quới), tôi bàn được Bí thư Đoàn Trần Nghiệp (Chín Nghiệp) được ông đồng thuận, ngưng làm HTX nông nghiệp, tiến hành làm đại trà Tổ Đoàn Kết Sản xuất” nông nghiệp, ổn định được đời sống nông dân, đủ sản phẩm nông nghiệp giao nộp cho Nhà nước theo qui định. Thấy huyện Gò Công vùng đất nhiểm mặn mà “ăn nên làm ra”, ông Võ văn Kiệt, Bí thư đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đến Gò Công để tham quan, ông hỏi tôi: “Đoàn kết sản xuất là làm thế nào?”. Tôi tr lời: “Thì cũng bắt chước các anh làm Vần Đổi Công” thời chống Pháp” . Ông Kiệt vỗ vai tôi nói: “Thì ra…”.

Có lẽ để nung các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang làm HTX nông nghiệp chẳng ra hồn gì, thế mà Trung ương chỉ đạo tỉnh Tiền Giang mở Đại hội công bố “Hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp”. Khách mời gồm những đoàn đại biểu các Tỉnh, Thành thuộc khu vực Nam bộ, có Báo giới, Văn giới và 6 Ủy viên Trung ương Đảng CS VN đến tụ hội. Làm chẳng ra đâu, nhưng tổng kết nghe cũng khá, từng hồi từng chập pháo tay nổ giòn. Do “sinh non”, những “đứa con” nào sinh ra trước chết trước…, không lâu sau, chúng chết phủi tay.

Có thể nói, trong chiến tranh Nông dân nhiệt tình đi theo Đảng bao nhiêu thì giờ đây họ nhiệt tình chống lại chủ trương Hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng bấy nhiêu – từng nơi, từng lúc, họ phản ứng gần như tử thủ, thí mạng cùi giữ đất như người điên loạn.

Hơp tac xã cứ lần lượt rã không đợi lịnh, hộ nông dân lấy lại toàn bộ phần đất của mình không đợi cho. Không còn cách nào hơn, từng địa phương phải mặc nhận. Không giữ được HTX đành phải chuyển sang chủ trương khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Tuỳ chất lượng đất (tốt xấu) khoán sản lượng tính trên trên đầu mẫu (ha) – 100% đất trở về tay hộ nông dan nên xem đây là “khoán 100%”.  

Nói khoán sản phẩm chớ khoán cái nỗi gì, sản xuất nông nghiệp bao giờ cũng phụ thuộc ngoại cảnh như thời tiết, sâu rầy chẳng hạn, kiểm tra sản lượng được giao chi cho mất công, nếu họ làm không đạt sản lượng theo giao kèo, bằng lý nầy cớ nọ , họ đổ lỗi khách quan thì rầy rà hay phạt vạ gì họ được, chỉ còn cách thu mua sản phẩm nông nghiệp, nhất là 2 mặt hàng Lúa và Heo. Lúa thì qui định để laị cho mỗi khẩu nông nghiệp 15 giạ, Heo thì bán hết cho Nhà nước (cấm giết mỗ). Giá lúa và heo do Nhà nước qui định – mua như ăn cướp, bán lại như cho. Để đối phó với sự bất công ấy, nông dân khai gian sản lượng, tìm cách bán chui (lậu) nông sản. Để ngăn chặn việc mua lùi bán lậu nông sản. Để ngăn chặn mua lúi bán lậu, Trung ương lịnh cho các địa phương mở nhiều trạm kiểm soát trên các tuyến đường thuỷ-bộ. Nông sản không lưu thông được, tạo mất cân đối về lương thực, thực phẩm giữa các vùng, nhất là giữa thành thị và nông thôn, gây rối loạn. Về lương thực, thực phẩm ở nông thôn cung lớn hơn cầu, ở thành thị cầu lớn hơn cung. Công nghiệp và nông nghiệp không còn là thị trường của nhau. Công Nông liên minh vốn có lâu đời giờ đây bị rạn nứt, giữa họ với nhau không còn khắn khít.

Tôi xin đưa vào đây chuyện thật như đùa, xem coi nên cười hay mếu:

Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức Thủ tướng sau nầy), ông Đỗ Mười, công du Tây Nam bộ về, trên xe có chở 1 bao gạo, trạm xét, lôi bao gạo xuống xe. Lái xe nói: “Gạo người ta cho ông Đỗ Mười đang ngồi đàng trước. Người ở trạm cười nói: “Đỗ Mười Một chúng tôi cũng tịch thu”.

Khi biết được các địa phương Nam bộ mặc nhận cho “HTX tự rã thầm lặng, trả 100% đất về về lại cho hộ Nông và khoán sản lượng trong nông nghiệp”, Trung ương cử đoàn cán bộ vào Nam bộ họp “kiểm điểm” rồi kết  luận đại ý “Làm thế là sai đường lối kinh tế XHCN, nhưng tháo gở được khó khăn, miễm truy cứu trách nhiệm, nhưng phải xem đây là thí điểm”.

Thí điểm cái ông cố nội tôi, kinh tế thị trường bung ra như nước vỡ bờ, nó lan truyền từ hẹp đến rộng như địch COVID 19 hiện nay.  

Ấy thế mà lúc bấy giờ, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, còn nói trên diễn đàn: “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp là bước thụt lùi cần thiết”. Khi nghe ông Thọ nói thế, tôi liên tưởng đến vở “Tiếng Trống Mê Linh”, lúc tướng Tàu thách thi bắn tên, các nữ tướng hăng hái vào cuộc thi. Trưng Trắc nhắc khéo các nữ tướng :“Con Hổ trước khi vồ mồi nó thu hình lại”. Vậy có phải ý ông Thọ nói lùi để tiến bạo hơn chớ không phải lùi luôn?. Nếu vậy, ông Thọ ngầm nhắc nhở mọi người kiên định lập trường XHCN chớ gi?.

Khi ông Lê Duẫn lâm bịnh nặng, ông Trường Chinh tạm thay quyền Tổng Bí thư Đảng CSVN. Ông Chinh vào Nam bộ thấy nơi đây áp dụng Kinh tế Thị trường “ăn nên làm ra”,  Ông về chỉnh lại dự thảo Báo cáo Chính trị  trình Đại hội Đảng CSVN lần thứ 6 năm 1986, đưa ra đường lối “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” – Do Đại hội chưa nhứt trí cao với đường lối “Kinh tế Thị trường” nên cho thòng thêm đuôi “Định hướng XHCN” cho toại lòng nhau (Tôi chỉ nghe nói thế, không thể kiểm chứng).

Vậy thì việc khoáng sản phẩm trong nông nghiệp thành công không phải xuất phát từ Trung ương và cũng không phải xuất phát  từ Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc mà do Nam bộ “xé rào”. Bằng chứng là:

- Sau 1975, Trung ương còn quyết tâm áp dụng Hơp tác hoá Nông nghiệp ở các tỉnh Nam vị tuyến 17, nhưng nhiều cán bộ miền Nam ngầm “xé rào”. Tuy không nói ra, nhưng Trung ương xem như những người ngầm “xé rào” là “những phần tử “xét lại chồng CNXH” – nếu không bị kỷ luật, cho nghỉ việc cũng “chậm lớn”.

- Trả lại 100% đất cho hộ nông dân rồi tuỳ thuộc chất lượng đất khoán sản lượng là sự trùng hợp ngẫu nhiên đối với đự kiến của Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc?. Song song với khoán 100% đất cho hộ nông dân, Nam bộ còn khôi phục lại kinh tế thị trường vốn có ở miền Nam .

 Chuyện đã rồi, Trung ương chỉ còn tìm cách vớt vác để bảo vệ uy tín. Bằng chứng:

- Đến năm 1995, khi Kim Ngọc đã thác xuống mồ ma, Đảng và Nhà nước mới truy tặng “Huân chương độc lập” cho ông ấy.

- Đến năm 1988 Bộ Chính trị Đảng CSVN mới  chính thức ban hành chủ trương khoán hộ ở tầm thấp là “khoán 10”, làm một việc mà Kim Ngọc làm trược đó 20 bị “đì” đến chết,  và ít nhứt cũng cả Nam bộ đã “khoán 100%” đất cho hô nông dân từ lâu?. Vậy mà cứ xem việc “khoán hộ ruộng đất trong nông nghiệp” là sáng kiến của Trung ương ! .

**

Dịch Sars CoVi2 bùng phát phạm vi toàn cầu, gây thiệt hại về người và kinh tế không thua kém  cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Đây là sự kiện lịch sử mang tính chất toàn cầu, dĩ nhiên trong đó có Việt Nam?.

Dịch nầy xâm nhập vào Việt Nam đầu năm 2020, tính đến nay (30/7/2021) đã tròn 19 tháng, nó đang hoành hành dữ dội, gây thiệt hại mọi mặt đáng lo ngại.

Khi dịch xâm nhập vào thủ đô Hà Nội, ngày 31/3/2020, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hộc tốc ra chỉ thị số 16/CT-TTg, một mệnh lệnh cấp bách và mạnh mẽ nhứt, đến nay nó vẫn có hiệu lực như một phương tiện duy nhứt chống dịch Sars CoVi2.

Qua quá trình thực hiện cho thấy: “Chỉ thị 16 nặng về biện pháp hành chính (bạo lực) nhẹ về khoa học”. Đối với virus dịch, tập trung lực lương tấn công khác nào đem người nạp mạng. Cuộc chiến chưa tàn, địch (dịch) đang khinh khỉnh tấn công ngày một sâu rộng, còn quân ta tỏ ra mõi sức mòn hơi, đang có hiện tương rối loạn.

Chỉ thị 16 đang từng bước bị vô hiệu hoá, một số không ít địa phương, vì lý do nào đó, ra công văn gọi là “vận dụng một cách sáng tạo” chỉ thị 16 cho phù hợp với địa phương mình. Nếu Trung ương không kịp thời điều chỉnh chỉ thị 16 cho phù hợp với tình hình thực tế khó tránh khỏi “loạn sứ quân”?!. Dầu có cố tình “bốc thơm” như thường làm, chỉ thị 16 cũng không thể xem là giải pháp phòng chống dịch tối ưu, nếu nó  được ghi vào lịch sử sẽ còn nhiều tranh cãi.

Lịch sử được ghi những gì không ngoài sự thật. Thế hệ sau dựa vào lịch sử để “gạn đục khơi trong”- làm theo việc tốt, tránh xa việc không tốt. Lịch sử mà viết sai sự thật nó trở thành “lch sử”. Sử mà viết sai lch sự thật tránh sao khỏi sai lầm nối tiếp sai lầm ?.

Tật tôi lớn lắm: Những gì tôi biết rõ mà ai nói sai sự thật tôi sẽ cãi. Tôi biết chớ, “thẳng mực tàu đau lỏng gỗ. Nhưng biết sao bây giờ khi ta cần những tấm ván có mặt phẳng. “Mưa đầm thấm sâu”, cứ cố tình nói “lệch sử” rất hại cho muôn đời sau?.  -/-

------

Chú thích

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire