Thiện Tùng
30/11/2021
“Văn hóa còn là dân tộc còn”- lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp về Văn hoá hôm 24/11/2021 - Ảnh báo Kinh tế & Đô thị
Hôm 24/11/2021, trong cuộc hội nghị trực tuyến bàn sâu về mục Văn hoá đã ghi trong nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rất dài, nhiều lần nói đến 2 chữ Văn hoá mà ông không nói rõ (định nghĩa) Văn hoá là gì. Cuối cùng Ông kết luận mơ hồ, khô khan, ngắn gọn: “Văn hoá còn là dân tộc còn”.
Vậy Văn hoá còn hay đã mất ? Ông Trọng hay ai đó nói rõ cho dân tộc yên tâm.
Sau cuộc cuộc họp nầy, có nhiều người “hưởng ứng” viết bài nói về Văn hoá mà tôi được đọc, cũng chẳng thấy ai định nghĩa Văn hoá là gì, người thì nói khía cạnh nầy người nói khía cạnh khác, khiến cho 2 từ Văn hoá vốn bao la càng bao la hơn !.
Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) cũng chỉ nói khái niệm bao quát về Văn hoá, nguyên văn:
<<Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người.[1]
Trong cuộc sống hằng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh... Các "trung tâm văn hóa" có ở khắp nơi chính là cách hiểu này. Một cách hiểu thông thường khác: văn hóa là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và cả đức tin, tri thức được tiếp nhận... Vì thế chúng ta nói một người nào đó là văn hóa cao, có văn hóa hoặc văn hóa thấp, vô văn hóa. Trong nhân loại học và xã hội học, khái niệm văn hóa được đề cập đến theo một nghĩa rộng nhất. Văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ vốn là một bộ phận trong đời sống con người [2]. Văn hóa không chỉ là những gì liên quan đến tinh thần mà bao gồm cả vật chất.>>
Không ai định nghĩa 2 từ “Văn Hoá” thì tôi cứ tự tạm định nghĩa để cho riêng mình xài: “Văn Hoá là sản phẩm tinh thần do Văn học Nghệ thuật (Văn Nghệ) đem lại”.Văn Nghệ (Văn học Nghệ thuật) bao gồm nhiều bộ môn, thể loại. Bộ môn như Điện ảnh, Sân khấu, Mỹ thuật… Thể loại như truyện, thơ, ca, hò, vè…” Chức năng của Văn Nghệ là sử dụng các hình thức, thể loại quyến rủ, lôi kéo, dẫn dắt con người hướng về chân, thiện, Mỹ… - tức là loại bỏ dần tính hoang dã, nâng cao tính người để xã hội sớm có nhiều người tử tế.
Nhiệm vụ của Văn Nghệ là đào luyện cho xã hội, càng nhiều càng tốt, những “nhân văn”- những con người có Văn hoá (theo nghĩa rộng).
Người có Văn hoá là người có kiến thức, đức độ… ; phải biết lựa chọn cách sống, lối sống, lẽ sống…theo tinh thần “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” như Hồ Chí Minh thường nhắc nhở ; phải nằm lòng những câu tiền nhân để lại: ”Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” “Chị ngã em nâng”, “Lá lành đùm lá rách”, thậm chí “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.v.v…
Chẳng biết có phải không, khi đã cầm quyền, Đảng CSVN xem thường Văn Nghệ, Văn hoá, thiếu quan tâm bồi dưỡng, giáo dục Văn hoá cho đội ngũ đảng viên của mình nên tính người trong đảng viên bị giảm sút, sinh ra nhiều tệ nạn trong Đảng. So với số lượng, tỷ lệ hư hỏng trong Đảng cao hơn nhiều so với trong dân?.
Tuy đã quá muộn, thấy tốt hơn không, hôm 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai hội bàn về Văn hoá, tuy không kịp thời nhưng cần thiết.
Cũng chưa đến nỗi nào, như chúng ta đã thấy, trong đại nạn dịch chưa qua nầy, nhìn chung trong dân chúng, họ còn giữ được nếp sống Văn hoá, thể hiện rỏ ràng những câu: “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”… như đã nói trên. Chỉ cần Đảng cầm quyền nâng chất đội ngũ đảng viên của mình có tâm có tầm về kiến thức, đức độ, đừng ở đó mà “rắc muối rắc hành”, thì việc trên dưới một lòng, tuy hơi khó, nhưng còn có tính khả thi.
Kinh tế sụp đổ 5 hoặc 10 năm có thể khôi phục lại được, chớ còn Văn Hoá sụp đổ thì phải qua nhiều thế hệ mới có thể khôi phục được. Bởi vì, trên lãnh vực Tư tưởng, Văn Hoá chỉ có giáo dục thuyết phục (mềm) chớ không thể áp dụng biện pháp hành chính (cứng). Ép quá họ ừ hử cho toại lòng nhau.
Tóm lại
Nên ví mỗi con người như viện “Bảo tồn, Bảo tàng”- Bảo tồn là giữ cho còn, Bảo tàng là tàng trữ báu vật.
Xem Óc là Bảo tồn, có chức năng (nhiệm vụ) tìm thu gom sản phẩm từ những bộ môn, thể loại do Văn Nghệ sản sinh để chuyển về Tim.
Xem Tim có chức năng lưu giữ (tàng trữ) những báo vật do Não chuyển về- đó là vốn Văn hoá thuộc sở hữu riêng cho từng ngưới.
Nếu Não người không làm nhiệm vụ thu gom sàn phẩm từ Văn Nghệ thì Tim người trống không, sẽ thành con người không Văn hoá - vô dụng (hết xài).
Nếu Não người có làm nhiệm vụ nhưng không nhiệt tình, thu gom được ít sản phẩm từ Văn Nghệ thì Tim người chỉ lưu giữ chừng ấy sản phẩm thôi, sẽ thành con người có Văn hoá thấp - tạm dụng.
Nếu Não người làm nhiệm vụ cật lực, thu gom được tất cả hoặc đại đa số sản phẩm từ Văn Nghệ thì Tim người đầy ắp sản phẩm, sẽ thành con người có Văn hoá cao - tận dụng.
Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự - Ảnh báo Nhân dân (ĐCSVN) |
Có một số thầy, cô giáo than phiền: “Học trò bây giờ không thích văn, học lấy có, học để đối phó…”. Chắc chắn đúng như thầy, cô nói, bởi vì, chẳng những Văn nghệ mà cả Báo Chí chỉ làm công việc minh hoạ cho đường lối, chính sách… của Đảng và Nhà nước. Ngành Văn hoá quanh năm chỉ chú trọng việc “cờ đèn, kèn trống”. Báo Chí viết theo định hướng, thiếu tôn trọng sự thật. Đọc các tác phẩm Văn học như đọc Văn kiện, nuốt không trôi. Văn mẫu được đưa vào sách Giáo khoa nếu không cũ mèm cũng khô như rơm… lũ trẻ nuốt sao vô, nếu chúng thích học môn Văn mới là chuyện lạ.
Văn nghệ “Quốc doanh” thời nay viết bằng “bút lông”, không có “hồn thiêng sông núi”, thiếu dũng khí, không dám bảo vệ cái đúng đả phá cái sai, nói ma ma phật phật… đọc giải trí cũng không đạt được yêu cầu. Còn văn nghệ viết bằng “bút thép” chỉ có “chui” lên mạng En-tẹc mà có khi bị “lôi đầu hỏi thăm sức khoẻ !”. Sản phẩm viết bằng bút thép là những “mặt hàng” khan hiếm, ăn khách. Tiện đây, tôi giới thiệu một số trích đoạn mà người ta ưa thích:
1/ Tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết không sai về thân phận Trí thức trong quá khứ và hiện tại, với bài thơ tựa đề “Trí, Phú, Địa, Hào”:
<< Bốn anh Trí, Phú, Địa, Hào,
chỉ thương anh Trí lao đao đến giờ.
Đảng thương anh Trí ngu ngơ,
cho Công, Nông, Trí chung cờ liên minh,
trông lên Liềm, Búa hai hình,
Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu,
quay sang tìm Phú, Địa, Hào,
Thấy ba bụng phệ đã vào Đảng ta >>.
*
2/ Viễn Châu ( Bảy Bá), một trí thức yêu nước theo Việt Minh Chống Pháp. Lúc bấy giờ Việt Minh áp dụng câu “Trí, Phú, Địa, Hào đào tân góc tróc tận rễ”, ông từ giả chiến khu về thành, viết lời ca cổ sinh nhai, bút danh soạn giả Viễn Châu, một soạn giả có một không hai ở Việt Nam. Khi qua đời, ông Châu để lại khoảng 2 ngàn lời bài ca Vọng cổ gợi cảm, gợi suy, gieo vào lòng người tình yêu quê hương đất nước. Với bài “Nhựt Ninh quê tôi”, Ông viết câu 1 có nội dung:
<< Chiều xuống hoàng hôn pha sắc tím, cánh Cò chở nắng bay xa về tận cuối chân trời… , dõi mắt trông theo vời vợi tầm nhìn … Cành Cò khuất dần chỉ còn màu xanh ở lại, điểm phất sương chiều sao gợi nỗi bâng khuâng …Bất chợt tôi nhớ về em, về miền Hạ Nhựt Ninh quê em ở đó. Không biết giờ nầy em đi cấy dậm về chưa hay còn lam lũ trên ruộng biền chờ tiếng kêu con Cúm Núm >>.
Viễn Châu yêu quê hương đất nước viết như thế, còn Nguyễn Du viết diễn tả nỗi buốn của người dân mất nước: “Buồn trông cửa bể chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh bườm xa xa. Buồn trông ngọn nước mới sa, hoa rơi man mác biết là về đâu…?!.
Có lẽ giờ nầy “linh hồn” hai ông Châu & Du đã kết bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ?
*
3/ Nhà văn Trang Thế Hy (Tư Sâm). Nói theo thuật ngữ bóng đá, ông dẫn bóng và ghi bàn ngoạn mục. Nói theo ngành Y, ông chích nhiều mũi rất đau bằng truyện ngắn. Dưới đây là 1 mũi mang tên “Xử tội Hà Bá”, có nội dung tóm tắt:
<<Bà mẹ đưa tiền và bảo Thới ra chợ mua nước mắm về ăn cơm trưa. Khi ra đến ngả ba lộ, Thới thấy người tụ tập đông xem đoàn “Sơn đông mãi võ” đang làm ảo thuật và quảng cáo bán thuốc Đông y. Người dẫn chương trình vừa nói vừa chỉ tay: “Cụp liệt nhứt là tiết mục cuối cùng xử tội con Hà Bá đang trùm trong chăn đó”. Vì muốn biết con Hà Bá hình thù ra sao, Thới trụ lại xem. Chờ mãi không thấy Thới về, người mẹ đi tìm, khi gặp được con cũng là lúc người dẫn chương trình nhắc lại việc xử tội Hà Bá. Bà cũng nán lại xem, nhưng khi tới tiết mục xử tội Hà Bá, một người trong đoàn vấp té nhăn mày nhíu mặt, người bán thuốc chạy lại đỡ dậy, giơ cao hủ thuốc nói: “Không sao, đây là thần dược, loại thuốc đại tài, đau đâu xức đó hết ngay tức thì”.
Bà mẹ hất hàm nói với Thới: “Họ nói gạt để bán thuốc chớ không có xử Hà Bá đâu con, ta đi mua nước mắm về ăn cơm, đã đứng trưa rồi!”. Vừa đi, Thới ngước lên hỏi mẹ:
- Hà Bá có thật không mẹ?
- Có đấy, đó là bọn nói mà không làm.>>.
*
4/ Nhà văn Phùng Quán, một trong nhóm “Nhân văn Giai phẩm” bị đì. Ông làm mấy câu thơ khêu gợi tính thẳng ngay:
<< Yêu ai cứ bảo là yêu.
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dầu ai cầm dao doạ giết,
cũng không nói ghét thành yêu.
Dầu ai ngon ngọt nuông chìu,
cũng không nói yêu thành ghét. >>
*
5/ Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1983, tôi đến nghĩa trang Tỉnh đốt nhang cho 4 người bạn gia đình chưa nhận mộ. Trong khi đoàn lãnh đạo tập trung tại khu tượng đài làm lễ tưởng niệm, có một bà lủi thủi cầm bó nhang nghi ngút khói, đi cấm từng cây trước mỗi ngôi mộ. Thấy vậy tôi đến xem coi ai, thì ra là Má Tư, Mẹ Chiến sĩ. Trong chiến tranh, phía Cách mạng có phong danh hiệu “Mẹ Chiến si” cho những bà nhiệt tình chăm sóc, nuôi dưỡng cán bộ chiến sĩ. Đã là “Mẹ Chiến sĩ” thì người theo kháng chiến bất kỳ ai, nhỏ hay lớn đều gọi bằng Mẹ.
Tôi thay bà cấm số nhang còn lại rồi dẫn bà ra cỗng, mua vé xe cho bà về quê vì trời sắp mưa. Ra đến lộ, bà quay lại, lặng nhìn nghĩa trang, vỗ nhẹ vào vai tôi rồi lên xe. Chỉ thế thôi mà sao lòng tôi bùi ngùi xúc động.
Một tỉnh bạn phát động cuộc thi viết lời ca cổ về thương binh liệt sĩ, tôi viết 8 câu Phụng hoàng và 5 câu Vọng cổ gởi dự thi. Năm ngày sau khi gởi, đại diện Ban Giám khảo điện thoại cho tôi, nói: “Chúng tôi đã nhận và đọc bài gởi dự thi của anh. Chúng tôi không thể đưa bài của anh vào dự thi. Đưa nó vào dự thi thì chắc chắn Ban giám khảo cho anh đoạt giải, chỉ là cao hay thấp mà thôi. Nếu bài anh đoạt giải thì chúng tôi giãi chết ! Xin anh hiểu thông cảm cho chúng tôi”. Câu 6 của bài Vọng cổ tôi gởi dự thi tựa đế“nỗi lòng người mẹ” với ngữ cảnh người đang sống nói với người đã chết, có nội dung:
<< Các con ơi !… Có người mẹ nào chằng xót đau khi thấy trong đám con mình đứa thì đi rồi, đi mãi ; đứa thì tật nguyền sống với chuổi ngày dầu dãi nắng sương; đứa thì bị cầm giam trong bốn bức tường bởi can tội chi chi đó ; đứa thì tham giàu phụ khó, chẳng còn nghĩ chi đến tình nghĩa riêng chung mà bấy lâu chúng ta đã dày công xây đắp vun bồi. Thôi, tình nghĩa mẹ con bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Giả biệt các con quê nghèo mẹ trở lại. Xin van vái với đất trời hãy phò hộ cho những đứa con tôi .>>.
Bị khoanh vì dịch COVID, nằm mãi cũng chán, tôi viết ba điều bốn chuyện vừa giải khuây, vừa tham khảo -/-
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire