Tùng Dương
GDVN- Hơn 1 năm mà doanh thu 4000 tỷ đồng ở 62 tỉnh thành. Nhưng chỉ Công ty Việt Á thì không thể bòn rút tiền người bệnh Covid-19 như thế! Phải có “người” đằng sau họ.
Ngày 07/01/2022, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin về kết quả điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan. Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 29/12/2021, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa vụ án Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp.
Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt: Việt đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Công an đang tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm ngăn chặn và loại bỏ “Biến thể Việt Á” trong tương lai.
Ai giúp Việt Á trúng thầu cung cấp kit test cho nhiều địa phương? Ảnh: BCA |
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19.
Đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. [1]
Theo thông tin đăng tải trên Báo điện tử Chính phủ, thực hiện quyết định 489 ngày 2/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài cấp quốc gia "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)" đã họp, đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 2 bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit).
Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Đến ngày 4/12/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5071/QĐ-BYT cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Cũng tại Quyết định trên, Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại One-Step RT- PCR COVID-19 Kit Thai Duong Multiplex-3 target genes Version 1.0 của Công ty cổ phần Sao Thái Dương. [2]
Đáng lưu ý, trước đó, ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải bài viết: "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận".
Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Ngày 20/12/2021, trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã bị gỡ bỏ. [3]
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên chia sẻ quan điểm: “Có thể nhận định, cách làm của “nhóm” người này vô cùng lắt léo, thủ đoạn.
Nếu số tiền chi hoa hồng cho đối tác đúng như lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt đã được người phát ngôn Bộ Công an trao đổi với báo chí thì dư luận đặt rất nhiều hoài nghi, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ làm rõ trong số này có tiền hối lộ? Muốn thực hiện hành vi này thì có thể gửi tiền vào giá, nâng giá cao lên, chứ giá bình thường thì lấy đâu ra tiền mà lại quả. Tất cả đều cấu thành giá, và người tiêu dùng phải chịu.
Nhưng, người tiêu dùng của Việt Á là người tiêu dùng đặc biệt, là người có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 và người đã nhiễm bệnh.
Đồng tiền làm cho “nhóm người” này tối mắt lại. Chỉ một ông giám đốc CDC của một tỉnh khi đại dịch chưa qua mà đã kiếm chác gần 30 tỷ đồng từ một doanh nghiệp Việt Á. Gần 30 tỷ đồng gấp bao nhiêu lần lương công nhân 5 triệu đồng/1 tháng đang thất nghiệp vì dịch bệnh phải tháo chạy về quê tránh dịch?"
Bà Lê Thị Túy cho rằng: "Dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi: Làm sao chỉ trong một thời gian ngắn mà công ty này có thể cung cấp cho rất nhiều các tỉnh thành trên cả nước giữa dịch bệnh Covid-19 và doanh thu đến 4000 tỷ đồng với một doanh nghiệp mà người dân ít biết tên tuổi, uy tín, thương hiệu? Liệu rằng có những con "mối chúa" đứng đằng sau chống lưng? Việc này cơ quan chức năng cần phải làm rõ".
Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá, nhà văn Nguyễn Ngọc Sơn, đã nêu quan điểm: “Ngành chức năng tỉnh Bình Phước sẽ lập hội đồng ghi nhận việc Giám đốc CDC Bình Phước nộp lại “quà” của Công ty Việt Á".
Khôi hài hết chỗ nói.
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng đồng bào bị Covid-19 chết chóc tang thương, mà nhận "quà" của Việt Á bán kít test thì nói trắng ra là nhận "lại quả".
Nếu Giám đốc Việt Á, Giám đốc CDC Hải Dương, Nghệ An... không bị bắt giam điều tra thì Giám đốc CDC Bình Phước có báo cáo trả lại quà không? Trả quà, sao không trả ngay mà đến khi giám đốc CDC nhiều nơi bị điều mới trả?
Thế mới biết lúc ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội bị tuyên án tù 10 năm vì vụ thổi giá, nâng khống giá Hệ thống máy Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 thì có 2 giáo sư và hơn 30 giám đốc CDC các tỉnh thành xin tòa xử trắng án, hoặc giảm án cho ông Cảm CDC Hà Nội là... không có gì lạ. Bài học trước mắt là vậy mà họ thấy tiền vẫn tối mắt mắt lại.
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, đồng bào bị dịch Covid-19 càn quét, cả xã hội và nhân dân còn gặp nhiều khó khăn mà họ lại thông đồng thổi giá, móc túi, chia chác tiền bạc trên lưng đồng bào.
Có rất nhiều câu hỏi dư luận vẫn còn băn khoăn, chỉ hơn 1 năm mà họ doanh thu hơn 4000 tỷ đồng ở 62 tỉnh thành. Kinh doanh thế nào để được như thế?”, ông Sơn đặt câu hỏi.
Ông Sơn cho rằng: “Trong lúc dịch Covid-19 bời bời, người dân bệnh tật, lo lắng, hãi hùng, tính mạng gặp nguy hiểm, nhưng chỉ 1 ông giám đốc CDC Hải Dương, chỉ một vụ kit mà đã nhận lại quả gần 30 tỷ đồng khiến xã hội phẫn nộ.
Từ năm ngoái đến nay có nhiều quan chức y tế, nhiều giám đốc thiết bị y tế bị bắt, bị vào tù vì ăn chặn, thổi giá, tham nhũng liên quan đến bệnh nhân, đến Covid-19, mà sao vẫn họ vẫn không sợ? Tiền bạc đã làm họ mất đi liêm sỉ.
Tôi cho rằng, dù đau đớn thế nào thì cũng phải đưa ra ánh sáng tất cả những kẻ liên quan đến vụ công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19”.
* Tài liệu tham khảo:
1. http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/bo-cong-an-thong-tin-ve-ket-qua-dieu-tra-lien-quan-den-cong-ty-co-phan-cong-nghe-viet-a-d22-t30828.html
2. https://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=456704
3. https://cand.com.vn/phap-luat/ai-chiu-trach-nhiem-ve-tinh-liem-chinh-cua-thong-tin-khoa-hoc--i638871/
14/01/2022 06:44
Tùng Dương
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire