Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội hôm 10 tháng 9 năm 2021. AFP |
Hôm 18 tháng 1 năm 2022, nhân 72 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ gửi đến nhân dân Trung Quốc bài phát biểu chúc mừng thông qua Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam, trong đó có nhà báo, nhà quan sát, nhà sử học… đều nhận định với RFA rằng đây là động thái rất lạ của chính quyền Việt Nam trong quan hệ giữa hai nước.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã nêu quan điểm của ông:
“Đây là lần đầu tiên họ để một Bộ trưởng Y tế làm việc đó. Như vậy là hạ thấp mối quan hệ đó. Họ có sự khôn ngoan, tức là vẫn giữ mối quan hệ nhưng hạ thấp đi.”
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:
“Người chúc mừng thường là lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội hoặc Bộ trưởng ngoại giao. Trong các nước công sản thì là người đứng đầu đảng hoặc là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung.
Nếu ông Long không phải Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung mà đưa ra lời chúc mừng như thế là hết sức bất bình thường.”
Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950. Ngày 19 tháng 1 năm 1974, một trận hải chiến xảy ra ở vùng biển Quần đảo Hoàng Sa giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân VNCH. Ngày 20 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát tất cả các đảo từ phía VNCH.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đem quân tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Hai nước trở thành kẻ thù của nhau.
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đưa tàu hộ vệ tên lửa và quân tấn công, đổ bộ xâm lược cụm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Quân Trung Quốc bắn chìm hai tàu của Việt Nam và thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam rồi chiếm đá Gạc Ma.
Đến năm 1991, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Tuy tuyên bố coi nhau như ‘bạn vàng’ nhưng Trung Quốc liên tục cưỡng chiến Biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) cùng với bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Trung Sa).
Năm 2014, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm đang do nước này chiếm hữu, thuộc quần đảo Trường Sa thành các căn cứ hậu cần quân sự, đường băng đáp máy bay… Bốn năm sau, tổng diện tích các đảo hoàn toàn nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa đã lên tới hơn 13,21 km2, tập trung chủ yếu trên 3 bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập.
Vào tháng 7 năm 2019, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với một công ty dầu khí của Nga.
Tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. AFP
Với động thái đưa Bộ trưởng Y tế phát biểu chúc mừng nhân dân Trung Quốc nhân kỷ niệm 72 năm hai nước quan hệ ngoại giao, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định:
“Thông thường, khi quan hệ hai nước hục hặc nhưng vẫn giữ nguyên tắc ngoại giao thì phải là Bộ trưởng ngoại giao chúc mừng kỷ niệm ngày kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước. Lần này đã đặt ra một câu hỏi cho giới quan sát là vì sao một bộ trưởng y tế lại thay mặt trung ương đảng, chính phủ phát biểu chúc mừng?
Khi đặt ra câu hỏi đó thì chúng ta phải nhìn tổng thể mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong nhiều năm qua. Chúng ta thấy mối quan hệ này ngày càng xấu đi mà nguyên nhân xuất phát từ phía Trung Quốc. Họ hung hăng đưa tàu chiến, đưa tàu ngư chính, đưa tàu khảo sát quấy phá vùng biển Việt Nam, o ép các lô dầu khí mà Việt Nam đang ký kết với nước ngoài để thăm dò và khai thác…
Chính vì những hành động đó đã đưa đến mối quan hệ rất xấu giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Bên cạnh những hành động bắt nạt nước nhỏ mà Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ đối với Việt Nam, cuối năm 2021, Trung Quốc còn ban hành quy định sẽ phạt nặng các ngư dân nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà nước này cho là thuộc quyền tài phán của mình.
Quy định mới có tên gọi “Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển”, được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc và Hải cảnh Trung Quốc ban hành. Theo đó, ngư dân nước ngoài có thể bị phạt tới 500.000 nhân dân tệ (tương đương 78.500 USD) nếu bị phát hiện có hoạt động đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà không được nước này đồng ý. Những ngư dân này cũng có thể bị hải cảnh Trung Quốc xua đuổi và tịch thu ngư cụ.’
Trước đó, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sang thăm chính thức Việt Nam chủ trì Phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Tại phiên họp, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc là tài sản quý báu của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa đạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
2022.01.19
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-did-the-minister-of-health-speak-on-behalf-of-the-gov-to-celebrate-72-yrs-of-dipl-relations-between-vietnam-china-01192022132350.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire