22/01/2022

Triển vọng hợp tác của ASEAN chống lại Trung Quốc ở Biển Đông

Phân tích của Mai Hải Oanh

Hình minh hoạ: Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm căn cứ hải quân ở Natuna hôm 8/1/2020 - AFP

Sáng kiến tập hợp của Indonesia

Các hành động hung hăng nhằm mở rộng sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã khiến nhiều nước Đông Nam Á cảm thấy lo lắng. Cục trưởng Cục An toàn Hàng hải Indonesia mới đây tuyên bố sẽ mời cục trưởng hàng hải năm nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam – tổ chức hội nghị vào tháng 2/2022 để thảo luận về những biện pháp ứng phó chung có thể áp dụng đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông (1).


Danh sách những nước được Indonesia mời họp đang thu hút sự chú ý của quốc tế. Ba trong số đó có Malaysia, Philippines và Việt Nam, hiện đang kiểm soát một số đảo san hô ở quần đảo Trường Sa. Brunei chưa bao giờ chính thức tuyên bố chủ quyền đối với hai thực thể địa lý nằm bên trong EEZ của nước này, song việc “đường 9 đoạn” của Trung Quốc nằm sát bờ biển của Brunei thực sự “chướng tai gai mắt”. Jakarta là một bên trong tranh chấp vì “đường 9 đoạn” gây tranh cãi của Trung Quốc trùm lên EEZ của Indonesia. Singapore không phải là một bên tranh chấp, song có lẽ đã được mời với tư cách là trung tâm trung chuyển chính. Nước này có lợi ích nhất định đối với sự ổn định ở Biển Đông và dòng chảy tự do của thương mại hàng hải.

Trung Quốc tăng cường đe doạ trên Biển Đông

Mặc dù các nước Đông Nam Á và Trung Quốc duy trì trao đổi kinh tế-thương mại chặt chẽ, nhưng họ vẫn lo ngại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các quốc gia Biển Đông ngày càng bị Trung Quốc áp dụng các chiến thuật “vùng xám” đe doạ. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông và xây dựng đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông luôn xảy ra va chạm với Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần vi phạm quyền chủ quyền của các nước láng giềng bằng cách triển khai hàng trăm tàu đánh cá, tàu khảo sát và giàn khoan vào EEZ của các nước này, thường được hộ tống bởi lực lượng tuần duyên hoặc hải quân của Trung Quốc.

Philippines, quốc gia thường xuyên xảy ra tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, gần đây đã ký hợp đồng đặt mua hai tàu chiến mới từ Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai của Hàn Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hải quân nước này để ứng phó với thách thức tranh chấp ở Biển Đông. Do sức mạnh quốc gia suy giảm, sức chiến đấu của hải quân Philippines trong những thập kỷ gần đây giảm dần, thậm chí nước này vẫn đang sử dụng các tàu chiến của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mãi đến năm 2010 khi ông Benigno Aquino lên làm Tổng thống, Philippines mới thúc đẩy hiện đại hóa hải quân. Hai khinh hạm Manila đặt mua từ Hàn Quốc lần này sẽ chủ yếu dùng để bảo vệ các tàu của Philippines khỏi bị tấn công. Trước đó, Philippines cũng đã đặt hàng hai tàu tuần duyên và ba tàu đổ bộ từ Australia. Mới đây Philippines đã tuyên bố sẽ bỏ ra 520 triệu USD để mua tên lửa Bramos của Ấn Độ để nâng cao khả năng phòng thủ trên biển (2).

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát sinh nhiều tranh chấp biển với Indonesia trong năm năm qua. Indonesia chỉ trích Trung Quốc thường xuyên điều nhiều tàu cá lớn tiến vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia gần quần đảo Natuna dưới sự hộ tống của lực lượng hải cảnh và dân quân biển. Trong những tháng cuối năm 2021, Trung Quốc và Indonesia xảy ra đối đầu ở mức độ thấp do Jakarta tiến hành khoan thăm dò một mỏ dầu ở gần quần đảo Natuna. Phía Trung Quốc yêu cầu Indonesia ngừng thăm dò dầu mỏ và khí tự nhiên ở khu vực này, tuy nhiên Indonesia từ chối và hoàn thành dự án thăm dò trong thời gian sáu tháng. 

Để ứng phó với tình hình Biển Đông, Malaysia cũng tăng cường sức mạnh chiến đấu và có ý định mua 33 máy bay chiến đấu F/A-18C/D Hornet đã qua sử dụng. Cuối tháng 5/2021, biên đội 16 máy bay quân sự bao gồm Y-20, IL-76 của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển thuộc quyền tài phán và vùng thông báo bay Kota Kinabalu của Malaysia, khiến chính phủ và phe đối lập cũng như quân đội Malaysia đều chỉ trích động thái này của Trung Quốc, đồng thời cũng khiến Malaysia phải nâng cao năng lực chiến đấu của hải quân.

Năm 2020, Việt Nam đã buộc phải trả khoảng 1 tỷ USD cho các công ty năng lượng quốc tế sau khi phải hủy các hợp đồng thăm dò dầu khí ngoài khơi do sức ép của Trung Quốc (3).

Chính vì lẽ đó, một cuộc thảo luận về cách các lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực có thể ứng phó hiệu quả với chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh sẽ rất hữu ích. Hội nghị do Indonesia chủ trì vào tháng 2 tới đây có thể sẽ củng cố lập trường của sáu nước đối với Trung Quốc.

Cảnh sát biển Việt Nam quan sát tàu Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa hôm 14/5/2014. Reuters

Liệu nỗ lực này có thành công?

Năm 2014, Philippines - lúc đó đang thách thức về mặt pháp lý “đường 9 đoạn” tại Tòa trọng tài - đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp của bốn bên tranh chấp. Tuy nhiên, vào giờ chót, Brunei đã “hèn nhát” rút lui. Không rõ ba quốc gia còn lại đã thảo luận những gì, song sau đó các nước này không ngồi lại với nhau thêm một lần nào nữa.

Mặc dù các quốc gia Biển Đông của Đông Nam Á đang cùng phải đối mặt với một vấn đề, nhưng sự hợp tác của các quốc gia này rất kém. Có ba lý do chính để giải thích cho sự hợp tác kém cỏi này.

Thứ nhất là các yêu sách lãnh thổ chồng lấn chưa được giải quyết và biên giới biển giữa các quốc gia này chưa được phân định. Ở Trường Sa, Việt Nam tuyên bố chủ quyền với tất cả các đảo nhỏ do Malaysia và Philippines chiếm đóng, trong khi hai nước này cũng tuyên bố chủ quyền với các đảo san hô của nhau. Dù đã đạt được một số tiến bộ trong những năm gần đây, song các chính phủ Đông Nam Á vẫn chưa phân định được các EEZ chồng lấn. Tranh chấp giữa các nước này dù không còn gay gắt như trong những năm 1990, song vẫn là một trở ngại cho sự hợp tác.

Thứ hai là việc các bên tranh chấp Đông Nam Á đang áp dụng cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề Biển Đông. Việt Nam có đường lối cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc và đã thể hiện rõ quyết tâm phản kháng khi cần thiết. Philippines “loanh quanh” giữa việc đứng lên chống lại Bắc Kinh (dưới thời Tổng thống Ramos và Benigno Aquino) và cố gắng lấy lòng nước láng giềng “khổng lồ” này (dưới thời Tổng thống Arroyo và Duterte). Malaysia tìm cách giảm nhẹ tình huống tranh chấp trong khi Brunei chủ yếu im lặng. Thái độ của Indonesia trước các hành động của Trung Quốc trên biển cũng không rõ ràng.

Thứ ba là tâm lý quan ngại chung rằng bất kỳ nỗ lực phối hợp nào cũng có thể gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn các bên tranh chấp thảo luận với nhau và đưa ra lập trường chung, thay vào đó muốn “chia để trị” – tức là đàm phán song phương. Thậm chí, Bắc Kinh còn thúc đẩy “gác tranh chấp cùng khai thác” - một phương án hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho các quốc gia Biển Đông khác.

Triển vọng phối hợp của các quốc gia Biển Đông trong thời gian sắp tới

Liệu sau kỳ họp lần này, năm quốc gia Biển Đông này sẽ có thể tập hợp lại thành một “liên minh” để chống lại sự cưỡng ép và đe doạ của Bắc Kinh?

Thái độ của Indonesia trong năm 2021 đối với các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với vùng Bắc Natuna của nước này có rất nhiều điều khó hiểu. Tuy nhiên, trước sự đe doạ ngày càng lớn của Trung Quốc, có thể Jakarta cuối cùng đã nhận thấy mình phải tìm kiếm sự liên kết trong việc chống lại các đe doạ này.

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Ian Storey, đại diện của năm quốc gia này sẽ thảo luận điều gì? Một mặt trận thống nhất phản đối các tuyên bố của Trung Quốc sẽ gây ra phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Liệu các quốc gia Biển Đông có đủ “can đảm” để đối mặt điều này? Tuy nhiên, có thể có các cuộc đàm phán về việc nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, chia sẻ các phương pháp hữu hiệu nhất và thậm chí là tổng hợp thông tin tình báo (4).

Còn nếu những quốc gia được mời không hồi đáp hoặc không tham dự, điều đó chẳng khác nào một chiến thắng cho Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tăng cường chiến lược “chia để trị” của họ để tiếp tục làm suy yếu sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề này.

Chính vì vậy, đây cũng là dịp mà các quốc gia Biển Đông, cần phải thể hiện và tận dụng sức mạnh của sự đoàn kết để có thể cùng nhau chống lại được sự đe doạ từ Trung Quốc trên Biển Đông.

2022.01.20

Nguồn: Theo RFA

______________

Tham khảo:

1. https://www.benarnews.org/english/news/indonesian/indonesia-china-south-china-sea-12282021153333.html

2. https://www.9news.com.au/world/philippines-buys-brahmos-anti-ship-missile-south-china-sea-tensions/74552b82-897b-4d39-8998-ce1864a5b8ed

3. https://www.chathamhouse.org/2022/01/new-alignments-are-looming-south-china-sea

4. https://www.thinkchina.sg/south-china-sea-dispute-why-cant-southeast-asian-countries-stand-united-against-chinas-claims

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/future-of-asean-cooperation-to-cope-with-china-in-scs-01202022112221.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire