16/04/2016

GIỚI TRÍ THỨC BÌNH LUẬN VỀ VIỆC HÀ NỘI LOẠI BỎ NGƯỜI TÀI ĐỨC



 

 

PHẢI SỬA LUẬT BẦU CỬ

Luật sư Lê Văn Luân

Bốn ứng cử viên thuộc diện tự ứng cử sáng giá ở Hà Nội đã bị rơi rụng hàng loạt sau vòng hiệp thương thứ 3 chỉ vì lý do "do cơ cấu và số lượng có hạn" nên phải "so bó đũa, chọn cột cờ" và từ đó loại họ mà chẳng còn lý do nào nữa.


Những người tài, có nhân tâm và tiến bộ rồi cứ chơ vơ trong cuộc đời này với những tiếng thét gần như vô vọng.

Điều đầu tiên và cốt yếu là phải thay đổi Luật Bầu cử đại biểu quốc hội, theo đó phải quy định bỏ cơ chế đảng cử dân bầu, nới rộng tỷ lệ người tự ứng cử từ 40 đến 50%, bỏ cơ chế cơ cấu và hiệp thương, người tự ứng cử được tự do vận động tài chính, vận động nhân sự, tìm sự ủng hộ trực tiếp của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc, diễn thuyết, tranh luận trước toàn dân chúng, chỉ có như vậy thì mới mong đất nước có người tài đại diện cho dân và đưa đất nước đi lên.

Chúng ta, là người đại diện cho chính mình trên đất nước của mình, cho tương lai con cháu mình, nên phải có một bản Hiến pháp mới mà ở đó chỉ có nhân dân và tổ quốc là tối cao, chứ không một ai, một tổ chức nào được lãnh đạo tuyệt đối nhà nước hay tạo lập nên chính thể cai trị.

Đất nước pháp trị, cần pháp luật văn minh, nhưng chúng ta đang sống trong một rừng luật và thay đổi từng ngày, từng năm.

Và tôi sẽ có văn bản kiến nghị để sửa luật bầu cử, để dành cơ hội cho tất cả mọi người đều được lựa chọn theo tài năng thực sự của mình để cống hiến cho đất nước, kiến tạo nên những giá trị cho tương lai và thiết lập nên cuộc sống an toàn cho xã hội.

Ảnh (lần lượt): Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Nhà báo Trần Đăng Tuấn (chương trình từ thiện Cơm có thịt), Chủ tịch HĐQT nhà sách Alphabooks, Kỹ sư trẻ Nguyễn Đình Nam (Giám đốc Cty Công ty VP9).


ĐƯỜNG MỘT CHIỀU
Ứng cử viên độc lập Nguyễn Đình Nam (Hà Nội)
Khi có một số người lọt qua vòng lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đạt 100% số phiếu (vòng 2) là tôi đã thấy trước được kết quả tiếp sau (vòng 3) như thế nào rồi.

Và đến hôm nay, 95% người tự ứng cử đã bị loại ở Hà Nội sau khi MTTQ họp kín để chốt danh sách trước khi đưa ra bầu cử ngày 22.05.2016, kể cả những người được biết đến rộng rãi và ủng hộ nhiều nhất, cũng không là ngoại lệ.

Một cuộc chơi không của dân chúng, bởi tạo ra cuộc chơi là họ (tổ chức và áp đặt luật chơi), sắp đặt cuộc chơi là họ (hiệp thương cơ cấu, truyền thông báo chí, cử tri nơi cư trú) và giải quyết cuộc chơi cũng là họ (hiệp thương danh sách, khiếu nại kết quả bầu cử). Vì vậy, những con người chỉ đi bên lề đường bằng tay không cùng với niềm tin tự mình được khích lệ thì như vậy đã là điều may mắn theo cách được "dẫn dắt và ban phát" rồi.

Lấy một vài chục người để đại diện cho toàn bộ cử tri cả nước, trong khi đại biểu quốc hội là đại diện cho nhân dân, cho toàn dân, vậy mà cơ chế bầu cử ấy đã giết chết cơ hội cho người tài và cả người được dân chúng lựa chọn thực sự.

Đã đến lúc, tất cả những người hiểu biết, có tài năng, tri thức, cả dân chúng nữa, cần phải lên tiếng về những gì đã thấy, đã làm và đã trực tiếp lĩnh lấy nó vào mình.

Nếu không, tri thức và những lòng tốt ấy cũng sẽ trở thành mớ giấy lộn suốt đời hoang phí chứ chẳng thể nào giải quyết được điều gì đáng giá cả, ngoại trừ làm con cừu non chăm chỉ kiếm tiền cho bản thân mình.

Vì, nếu không tự kiến tạo nên cuộc đời mình, thì chắc chắn rằng, nó sẽ được vẽ lên theo cách nhìn của một hoặc một vài nhóm người khác.


Các anh không thích người ngoài "hệ thống" thì các anh cứ loại em thôi. 99% dân tín nhiệm không quan trọng bằng cơ cấu của các anh grin emoticon.


Thế là họ không muốn mình cống hiến cho đất nước với tư cách đại biểu quốc hội. Rất tiếc vì sự trông đợi của anh chị em cô bác đã bị vứt bỏ 1 cách dễ dàng như vậy. Xin một giọt nước mắt cho nền dân chủ của chúng ta, tôi nghĩ đáng ra dân nên có quyền được lựa chọn.


Cá nhân tôi thì rất mừng là mình có thể sống tự do khoan khoái theo phong cách riêng như trước khi tham gia ứng cử. Sẽ không ai có thể chê trách sao tôi không đóng góp nhiều hơn cho đất nước.


XÓA QUY ĐỊNH HIỆP THƯƠNG VÀ HỘI NGHỊ CỬ TRI
TS. Nguyễn Quang A


70-80 người tước quyền của các cử tri nên phải xóa bỏ quy định hiệp thương và hội nghị cử tri trong Luật bầu cử.

Tại cả Hội nghị cử tri lẫn Hiệp thương lần 2 (để lên danh sách sơ bộ những người ứng cử) và Hiệp thương lần 3 (quyết định danh sách cuối cùng) đều chỉ có 70-80 người dự. Họ là những ai?

- Cử tri được ĐCS mời (MTTQ chỉ là cánh tay của ĐCS)
- Đại diện của MTTQVN (ở trung ương và tỉnh thành phố)

Bảy tám chục người này chả có quyền gì để tước quyền bỏ phiếu thực sự của hàng triệu cử tri (chí ít vài ba trăm ngàn trong một đơn vị bầu cử).

Những quy định này của Luật bầu cử là VI HIẾN, phản dân chủ!

Bạn nào thạo làm kiến nghị thu thập chữ ký hãy lập một petition (thí dụ qua
change.org) để thu thập chữ ký đòi loại các quy định này khỏi Luật Bầu cử.
  



Luật sư Trần Vũ Hải:

4 doanh nhân trí thức Hà nội, với các lứa tuổi khác nhau A Nguyen Quang, 70 tuổi, Trần Đăng Tuấn, 59 tuổi, Nguyễn Cảnh Bình, 44 tuổi, Nam Nguyen-Dinh (Nguyễn Đình Nam) 34 tuổi đã ứng cử đại biểu Quốc hội lần này và đã bị loại khỏi danh sách chính thức các ứng cử viên Quốc hội tại Hà nội, với những cách thức loại khác nhau theo kiểu "dân chủ của Việt nam". Nhưng đối với nhiều người, họ mới là người chiến thắng và người chiến thắng lớn nhất là tiến sỹ triệu phú đô la Nguyễn Quang A, người ứng cử duy nhất dám công khai tài sản của mình và phát động phong trào tự ứng cử dù biết trước kết quả (như hiện nay).

Những vị thất bại chính là các vị lãnh đạo Hà nội, dù cố ý hay vô ý, họ đã chứng minh những trí thức doanh nhân có tài có tâm này, cũng như nhiều doanh nhân, trí thức khác khó được trọng dụng ở đất Hà nội thời nay. Nếu các vị nghĩ khác, các vị hãy chứng minh đi!

Người dân giờ đây đã hiểu rõ, trong thời đại internet và FB, "dân chủ Việt nam đến thế là cùng".

Cá nhân tôi khẳng định, hầu hết các ứng cử viên Quốc hội trong danh sách chính thức 38 vị của Hà nội khó có thể so sánh với 4 trí thức doanh nhân này về đức, tài, sự dấn thân và thành tựu cá nhân cũng như sự đóng góp cụ thể cho sự tiến bộ xã hội. 4 vị này là những tinh hoa đúng nghĩa của Hà nội. Nếu bạn nào nghĩ tôi nhận định không chính xác, xin hãy chỉ ra!


Họa sĩ Đỗ Đức:

THỜI SỰ BÌNH LUẬN

Khác với trường hợp Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, dù là những trí thức thực sự có tầm nhưng với chính quyền cảm thấy gai góc khó nhai, bị họ loại là không khó hiểu. Nhưng đến Trần Đăng Tuấn , con người đầy năng lực và là chủ thớt "cơm có thịt" đầy uy tín mấy năm nay giúp hàng nghìn thân phận trò nghèo từ núi rừng...Anh cũng là một nhà báo lớn, từng là một nhà bình luận chính trị quốc tế sắc sảo của VTV1, được đào tạo vững vàng và từng có vị trí cao trong bộ máy truyền thông rồi rút lui khỏi bộ máy trong hòa bình khi thấy công việc không phù hợp. Là người tử tế, không có gì gọi là tì vết, là một trí thức hàng đầu, ứng xử chuẩn văn hóa và pháp luật nhưng khi không nằm trong mảnh ghép của cái mô hình dân chủ quái đản kia thì cuối cùng cũng bi nó loại!


Có người nghĩ Trần Đăng Tuấn thất bại!, nhưng ở góc nhìn của tôi, đây là thất bại của chính quyền. Thất bại đáng xấu hổ và quá ê chề . Họ sợ mặt trời, nhưng lại sợ cả ánh trăng dịu dàng Trần Đăng Tuấn.Họ yêu bóng tối của họ. Cái bộ máy tham mưu cho bầu cử đã làm cái việc loại bằng được người tử tế ra khỏi bộ máy của nó vì sự run sợ nếu để tự do rồi có lúc nó không kiểm soát được.


Ứng cử tự do của Trần Đăng Tuấn là một phép thử tuyệt đối chính xác thứ dân chủ đầu lưỡi! Cuối cùng đã lộ rõ bộ mặt thật giả của hai chữ dân chủ bán rao mãi bấy lâu nay.


Nhà báo Nguyễn Thông:

1. Nghe tin bác nhà báo Trần Đăng Tuấn, một người mà mình rất kính trọng bởi cái tâm và cái tài của bác ấy, bị MTTQ TP.Hà Nội loại, không cho ứng cử đại biểu quốc hội, mình chán đời quá, chả muốn làm gì nữa, nhà chẳng quét, bát chẳng rửa, chẳng muốn mở mồm nói chuyện với ai. Lòng thì thầm nghĩ, MTTQ đúng như mình nghĩ lâu nay.

2. Trường hợp nguyên ứng cử viên Tuấn “cơm có thịt”, mình nói phát này nữa rồi thôi: Bác ấy được 100% dân ủng hộ ở vòng 1, vòng 2; sang vòng 3 là vòng cán bộ, đảng viên, mặt trận thì bác ấy bị văng gần như tuyệt đối. Điều ấy nói lên cái gì? Ở xứ này, người mà dân thích thì đảng ghét; thứ dân coi là tốt thì với đảng chả ra gì. Dân và đảng không thể chung suy nghĩ dù chưa đến mức không đội chung nón bài thơ.
 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire