07/07/2016

ĐÓNG FORMOSA HÀ TĨNH ĐỂ GIÚP DÂN, CỨU BIỂN


Phạm Trần

 


Chưa bao giờ trong lịch sử lãnh đạo mà đảng Cộng sản Việt Nam đã dại đột và sai lầm như chịu nhận 500 triệu Mỹ kim, tương đương hơn 11.500 tỷ đồngtiền đền bù để  cho Formosa thoát vạ lâu dài trong vụ cá chết và ô nhiễm môi trường biển miền Trung.

Giải pháp tốt nhất bây giờ là dứt khóat đóng cửa Formosa Hà Tĩnh(TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa,FHS) để giúp dân, cứu biển.




Sau đây là những lý do:

Thứ nhất, tại cuộc họp báo công bố thủ phạm làm cá chết của Formosa ngày 30/06/2016,
khi trả lời câu hỏi mức đền bù 500 triệu USD dựa trên cơ sở nào, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói:”Số tiền đền bù dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường. Còn có những tổn thương lớn hơn, ví dụ như tổn thương đến tâm lý của người dân mà chưa thể tính toán hết. Vì vậy, Formosa Hà Tĩnh sẽ phải chuyển đổi công nghệ để không bao giờ xảy ra sự cố tương tự.” (Trích Cổng thông tin Chính phủ)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh  bổ túc nói rõ tiền này
dành đền bù “thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam.”


Thứ hai, phía Việt Nam cho biết Tập đoàn Formosa Đài Loan hứa sẽ  làm 3 việc quan trọng:

1.-“
Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.”

2.- “Phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế.”

3.-“Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

(Theo Cổng thông tin Chính phủ)

Thứ ba,
trả lời cho “việc bảo đảm tính an toàn của hải sản và nước biển tại các tỉnh miền Trung hiện nay”, tin Chính phủ viết:” Đại diện Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý, các sở y tế tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân, tập trung xét nghiệm hải sản sống. Trong 3 tuần đều tiến hành các xét nghiệm hằng ngày, cập nhật thông tin cho người dân, đăng tải trên website của bộ. Tất cả thông tin về hải sản xét nghiệm đã được công bố minh bạch.”

Tuy nhiên, ngoài đảng và nhà nước, ít có người dân nào dám tin vào lời nói của Bộ Y tế về mức độ an toàn của ngư sản và nước biển hiện nay.

 

Bởi lẽ sự yếu kém khả năng kiểm soát an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam của Bộ này trong nhiều năm qua là một bắng chứng của sự bất tín này.

Những điều hứa hẹn chấp hành của Formosa chỉ là việc làm của họ trong tương lai không ai dám bảo đảm có được hay không. Canh bạc mà đảng và nhà nước Việt Nam đang đánh cược  với tập đòan Formosa rất nguy hiểm cho môi trường vì phía Việt Nam không chủ động những việc làm của Formosa.

 

HIỂM HỌA LÂU DÀI

 

Như vậy, khichỉ biết đánh gía “mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân” ngay sau cá chết để nhận một phần của “số tiền đền bù”  500 triệu đô  là sai lầm và không thực tế.

 

Sai lầm vì chưa có cơ quan nào của Việt Nam thực hiện cuộc điều tra đầy đủ và có chứng cớ  được cống bố cho dân biết về mức độ thiệt hại  trước khi Chính phủ xè tay  nhận tiền bồi thường.

 

Không thực tế vì nạn nhân không phải chỉ có ngư dân trong số ước khỏang trên 5 triệu người bị thiệt hại vì cá chết. Trong họ còn có những người sống nhờ vào biển làm nghề muối, mắm, nước mắm,  du lịch, khách sạn, nhà hàng, trạm xăng, buôn thúng bán bưng, chạy xe ôm, nhà nông, làm vườn sống nhờ vào tôm cá và hải sản khác.

 

Liệu những người sống theo ngư dân và sống nhờ vào biển có được chia chác đồng nào không ?Nhà nước cũng chưa cho dân biết những ai sẽ được bồi thường và mức độ bồi thường dựa trên tiêu chuẩn nào.

Chỉ biết trước  ngày Formosa nhận lỗi và công bố 500 triệu dollars tiền bồi thường thì Trung ương đã  cử cán bộ về 4 Tỉnh làm cuộc điều tra thẩm định mức độ thiệt hại của dân, nhưng không rõ sự đánh gía này chính xác ra sao và liệu có được sử dụng để đổi lấy 500 triệu dollars hay không ?.

 

Mọi người chỉ biết dân vùng cá chết đã khốn khó qúa 3 tháng rồi. Nhiều gia đình lâm cảnh túng quẫn hiểm nghèo. Thanh niên trai tráng đã bỏ làng xóm và gia đình đi kiếm việc sống qua ngày.

 

Một “vùng đất chết” đã xuất hiện ở Hà Tĩnh và nhiều nơi khác nhưng không ai biết sẽ có hay không ngày hồi sinhcủa biển vì nhiều câu hỏi chưa được trả lời.


Câu hỏi quan trọng nhất là bằng cách nào, phải mất bao nhiêu lâu và với ngân khỏan bao nhiêu mới đủ để biển miền Trung  trở lại mức an tòan như trước ngày 6/4/2016, khi cá chết hàng loạt được phát giác ?

Có hai luồng ý kiến của giới khoa học và chuyên môn môi trường biển trước vấn nạn này.  Nhóm thứ nhất rất bi quan vì chất độc hại tụ ở đáy biển phải mất nhiều năm, có thể lên đến 50 năm, mới tan hết

Theo  ý kiến của Tiến Sỹ Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học thì:” Chất thải chứa độc tố như phenol, xyanua kết hợp với hidroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) theo dòng hải lưu lan rộng mà Formosa thải ra môi trường liệu có tự phân hủy được không, TS Nguyễn Tác An cho rằng chất độc này từ sơ cấp đã chuyển thành thứ cấp. Chất độc sẽ kết tủa, lắng xuống đáy, tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển. Nó tồn tại ở đấy đến khi có dịp gì đó sẽ lại bùng lên. Những chất độc này tồn tại rất lâu, nguy hiểm, không đơn giản vài tháng vài năm là hết.”  (Trích báo Người Lao Động, 01/07/2016)

 Người Lao Động viết tiếp:”  Về cách khử các chất độc, TS An cho rằng nếu khử độc này thì lại gây hậu quả, cá lại tiếp tục chết. Khu vực chịu ảnh hưởng là cả vùng biển kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong khi công nghệ xả thải này (Formosa - PV) khá mới. Do đó, rất khó phục hồi 
hệ sinh thái như trước đây.

Riêng việc tái tạo các rạn san hô, sinh vật biển có thể làm được nhưng thời gian kéo dài, vô cùng tốn kém và đòi hỏi các chuyên gia có trình độ cao.”

Theo TS An, việc cá chết chỉ là phần nổi tảng băng, điều nguy hiểm hơn chính là nền tảng sự sống, hệ sinh thái đáy bị hỏng. Điều này để lại di chứng từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Việc phục hồi lại hệ sinh thái sinh vật đáy như: cá biển, san hô, sinh vật nhỏ bé, vi sinh vật sẽ rất mất thời gian, kéo dài có thể vài chục năm. Trong khi đó, ngư dân miền Trung sinh kế chủ yếu vào tài nguyên biển mà cá đáy, sinh vật đáy, nền tảng sinh vật đáy đóng vai trò đến 90%. Kinh tế biển miền Trung bị một cú đấm rất mạnh khi người dân có nguy cơ mất sinh kế, du lịch bị ảnh hưởng…”

50 NĂM MỚI HỒI PHỤC ?


Phát biểu  của Tiến sỹ  Nguyễn Tác An đã biến mất trên báo Người Lao Động sau vài ngày luân lưu nhưng phía Nhà nước không có ai dám phản bác. Cả Đảng, Chính phủ và Quốc hội đều cố ý sinh hoạt bình thường như không có chuyện nan giải ở miền Trung. Ngay cả khi khai mạc Hội nghị Trung ương 3 Khóa XII ngày 4/7/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không nói đến một chữ “cá chết”, hay điếm xỉa gì đến thảm họa môi trường của Formosa.



Hành động đãng trí cố ý của ông Trọng không có gì mới vì chính ông đã đi thăm vùng Vũng Áng và khu nhà máy Fomosa chỉ sau vài ngày cá chết hàng loạt được phát giác hồi tháng 4/2016 mà ông cũng không nói được nửa lời an ủi dân.


Như vậy, nghi ngờ thỏa hiệp ngầm giữa nhà nước Việt Nam và Formosa Đài Loan trong vụ đến bù 500 triệu dollars nhất định phải có bàn tay của ông Trọng cũng không phải là điều oan ức.


Nhưng liệu thái độ “ngậm miệng ăn tiền Formosa” của đảng CSVN có bị mắc họng không ?


 


Hãy đọc báo Tiền Phong viết ngày 04/07/2016:”Khảo sát đáy biển nhiều nơi thuộc bốn tỉnh Bắc Trung bộ sau sự cố môi trường nghiêm trọng, các nhà khoa học phát hiện hơn nửa rặng san hô ở những nơi đó đã bị chết, các loài tôm cá điển hình của vùng này cũng không còn. Họ đánh giá, phải mất khoảng 50 năm, hệ sinh thái biển ở đây mới có thể phục hồi hoàn toàn.”

Nếu phải mất nửa Thế kỷ để tìm lại sự sống cho cá tôm và sinh vật biển thì nhân dân miền Trung có còn biển để sống nữa không ? Tương lai mù mịt này ai chịu trách nhiệm trước lịch sử, Formosa hay đảng CSVN ?

Trước khi có thể mỗi người tìm được câu trả lời thì nên đọc tiếp Tiền Phong:”Từ ngày 4 đến 15/5, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (được giao nhiệm vụ tìm nguyên nhân cá chết) khảo sát quần thể sinh vật cũng như rặng san hô ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

San hô chết, tôm cá vắng bóng

Tại Hà Tĩnh, các nhà khoa học khảo sát tại Mũi Ròn Mạ và Hòn Sơn Dương, nơi cách họng xả thải của Công ty Formosa 7,5 km. Ở Mũi Ròn Mạ, hình ảnh chụp được cho thấy, nhiều tập đoàn san hô mới chết trong khoảng một tháng, san hô thưa thớt không tạo thành rạn.

Hòn Sơn Dương, san hô chết khoảng 35-40%, tỷ lệ san hô còn sống dưới 10%. Cả hai điểm này vắng mặt các loại cá kinh tế có kích thước lớn hoặc nhóm cá thuộc họ cá san hô điển hình, chỉ có một vài con xuất hiện với mật độ rất thấp, kích thước cơ thể nhỏ và không có giá trị kinh tế. Đặc biệt ở Hòn Sơn Dương, không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ cá Bống trắng - loài cá sống ở môi trường sạch.

Quảng Bình, các nhà khoa học khảo sát ở cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm (đảo Yến) ngày 7/5. Ở Hòn Nồm, san hô phân bố thưa thớt, kích thước các tập đoàn nhỏ. Có hiện tượng san hô chết rải rác. Vắng bóng các loài cá điển hình cho vùng rạn sạn hô. Hòn La cũng ghi nhận hiện tượng san hô chết.

Trong khi đó, tại Cửa Tùng, Quảng Trị, các nhà khoa học phát hiện loài hàu chết còn lại xác, phần thịt đã bị phân hủy, miệng bị mở. Ngoài ra, khá nhiều vỏ hàu nằm rải rác trên nền đáy. Không phát hiện thấy ấu trùng tôm hùm con ở các hốc đá, mặc dù theo ngư dân, đây là thời điểm khai thác tôm hùm con tốt nhất trong năm. Nền đáy khu vực này  còn bị bao phủ bởi lớp bùn mỏng màu vàng cho tới nâu vàng, nước biển vẩn đục nhiều.

Tại Thừa Thiên Huế, nơi cuối cùng của dòng chảy độc tố, các nhà khoa học khảo sát ở hai địa điểm, đều ghi nhận san hô chết và rất ít gặp các loài cá kinh tế và điển hình cho sinh cảnh rạn. Đáng chú ý, trước đây, một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, điểm rạn Bãi Chuối, Bắc Hải Vân của Huế từng có mật độ cá con và ấu trùng cá rất cao, là bãi đẻ chủ đạo của khu vực. Đặc biệt là họ cá Khế Carangidae (dân địa phương gọi là cá Vẩu) nhưng giờ, kết quả quan trắc không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ này nữa.”

Với sự tàn phá như thế mà chỉ có 500 triệu dollars thôi sao ? Ai là người của phía Việt Nam đã ngửa tay ra nhận đồng tiền nhơ bẩn này của Formosa ?

Dù bây giờ chưa ai biết nhưng lịch sử rồi sẽ có câu trả lời cho nhân dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Báo Tiền Phong cho biết thêm:”Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tìm nguyên nhân cá chết,  50% diện tích san hô khu vực biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã bị phá hủy (trên tổng số 800 ha).

Theo TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia về thủy sản, vùng rạn đá, san hô là nơi có chức năng tái tạo hệ sinh thái biển. Các loài cá, cua, ốc… khi sinh sản tìm về đây vì vừa có nguồn thức ăn lại có nơi trú ẩn. Nếu rặng san hô bị chết, tôm, cá, cua, ốc không còn nơi sinh sản đồng nghĩa với việc các loài hải sản sẽ không còn sinh sống ở đây, hệ sinh thái bị mất đi.”


BAO GIỜ SAN HÔ KHÔI PHỤC ?

Theo ước tính của  TS Vũ Đức Lợi thì:”Khoảng 50 năm, các rặng san hô mới có thể phục hồi, vì đây là loài phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ lớn lên 1-2 cm. Các nhà khoa học tính toán, trong điều kiện phát triển bình thường, phải mất khoảng 50 năm, các rặng san hô, bãi san hô mới có thể phát triển được bằng thời điểm trước khi sự cố môi trường  nghiêm trọng xảy ra.”

Báo chí Việt Nam cũng trích lời TS Vũ Đức Lợi phỏng định:"Khoảng cuối tháng 7, Hội đồng sẽ công bố kết quả và đây sẽ là cơ sở các nhà quản lý và khoa học trả lời khi nào biển an toàn và đưa ra các phương án khắc phục môi trường biển".

Trước mức phá hoại môi trường biển rộng lớn và nghiêm trọng của Formosa, dân chài miền Trung chỉ biết ngửa mặt lên trời kêu than cho số phận hẩm hiu của vùng đất “cầy lên sỏi đá” này.

Vậy mà 500 Đại biểu của dân trong Quốc hội vẫn có thể ngậm miệng bồ hòn được thì không phải họ là những hình nộm thì là thứ người  gì sống trên đất nước Việt Nam  ?

Họ hãy banh tai ra mà nghe ngư dân Đặng Thành Vinh (Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nói với báo Tiền Phong (04/07/2016) :”Dù Formosa vô tình hay cố ý thì đất nước, người dân ven biển vẫn chịu thiệt hại, tổn thất lớn. “Chúng tôi là người sống ven biển, những người dựa vào biển để nuôi sống gia đình, thiệt hại không thể lường được”.

Theo ông Vinh thì:” Từ ngày 6/4, khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường đến nay, không ai dám mua và ăn cá nữa. Ông điều hành một hợp tác xã kinh doanh thu mua sứa, có 15-20 hộ gia đình làm cùng. Hộ bình thường thiệt hại khoảng 100 triệu, nhà ông 200 - 300 triệu. Nghề đi biển tê liệt hoàn toàn.”

Ông Vinh chán ngán kể tiếp:”Kể cả bây giờ được nhận đền bù từ số tiền 500 triệu USD của Formosa, cũng không thể bù đắp được mất mát lớn lao của người dân. “Họ thú nhận rồi nhưng cũng không ai dám đi biển”.

Bây giờ Chính phủ cần điều động nhà khoa học, mời chuyên gia của thế giới để xác định rõ chất độc còn tác hại đến bao giờ. Phải tìm ra nguyên nhân, xem tác hại lâu dài thế nào, chứ không đi làm biển rồi, ăn cá nhỡ có độc, tương lai con em mình ra sao?”.

Với một vùng đất không còn tương lai như miền Trung nhiễm độc như thế thì giữ Formosa Hà Tĩnh để làm gì ?

Tại sao không đóng quách nó đi để giúp dân và cứu biển hơn là giữ nó để  hủy họai Tổ quốc ? -/-

 

Phạm Trần

(07/016)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire