Tiêu Dao Bảo Cự
(Đọc sách “Sử Tính và
Ý Thức – Một triết học cho sử Việt” của Nguyễn Hữu Liêm. NXB Sống, Hoa Kỳ,
tháng 11/2016)
Sự hình thành cuốn
sách của Nguyễn Hữu Liêm khá lạ lùng. Theo tâm sự của tác giả, anh định dùng 5
năm để viết một cuốn sách lớn cho đời mình nhưng do một cơ duyên đặc biệt, cuốn
sách hơn 500 trang chỉ được viết xong trong đúng 33 ngày. Ấy là do sau một cuộc
gặp gỡ, trao đổi và tranh luận với “nhóm Đà Lạt”, anh bỗng thấy phấn khích lạ
lùng và một sự thôi thúc mãnh liệt phải viết ngay cuốn sách. Thế là anh quyết
tâm ngồi trong hai tháng để đọc thêm 20 cuốn sách, sau đó bắt tay vào bản thảo
và cơn lũ suy tư đã tràn qua trang giấy.
Có thể sự khác biệt
quan điểm và tranh luận một cách thẳng thắn, biết lắng nghe và tương kính đã
kích thích tư duy, làm chắc chắn thêm những gì cần khẳng định hay bác bỏ. Có
thể mạch ngầm suy tưởng từ lâu đã gặp cơ hội để bùng lên mặt đất thành ngọn
suối phun trào. Dù sao cuốn sách cũng đã được hoàn thành. Và điều kỳ lạ nữa là
một cuốn sách nghiên cứu, về một lãnh vực khó, triết sử, nhưng lại có sức hấp
dẫn, cuốn hút như một trường thiên tiểu thuyết nhiều kịch tính. Điều này trước
tiên do bản thân lịch sử Việt Nam là một bản trường ca bi tráng mà mỗi người
Việt Nam yêu tổ quốc khi nhìn lại, đắm mình vào quá khứ ít ai ngăn được mình
“khóc cười theo mệnh nước”.
Mặt khác nội dung cuốn
sách không phải vừa mới bắt đầu mà đã khởi nguồn từ rất lâu trong tâm thức tác
giả. Đó là khát vọng, nung nấu của tri thức qua quá trình viết những cuốn sách
khác trước đó (Dân chủ Pháp trị; Thời tính, Hữu thể và Ý chí…). Nguyễn Hữu Liêm
là một luật sư, đồng thời là tiến sĩ triết, giáo sư dạy triết nhiều năm ở San
Jose City College. Có thể nói cuốn sách mới này là một “tập đại thành”, cô đúc
những gì đã chiêm nghiệm nhưng chưa viết ra hết.
Đây là một cuốn sách
nghiên cứu về triết học lịch sử nên có thể hơi khó đọc, trên phương diện ngôn
từ, đối với những người “ngoại đạo” về triết, nhất là tác giả lại dùng một số
từ và khái niệm chuyên biệt, có khi mới sáng tạo ra, mặc dù ngay từ đầu sách
tác giả đã chú thích song ngữ Việt – Anh. Thí dụ: Thời, Thời Lý, Thời Ý, thời
tính, thời thể, Sử Lý, Sử Ý, Sử Tính, Sử Mệnh, Nhân Thức, Quốc Thể… Tuy
nhiên mạch văn cuồn cuộn và ý tưởng rõ ràng, sắc sảo đã làm cho việc đọc không
khó khăn lắm.
Để đi vào một luận đề
triết học cho sử Việt, trong phần dẫn nhập, tác giả đề nghị: “Trên cơ sở triết
học của chữ Thời, chúng ta hãy cùng nhau bước lên một tầm cao hơn nhằm nhìn lại
lịch sử của chính mình, để không bị vướng mắc và giam hãm trong ý thức và tâm
lý chính trị giới hạn, để thông hiểu cái logic đằng sau những biến cố thăng
trầm trên chuyến tàu lịch sử của cái ta Dân tộc hiện nay vẫn còn đang nỗ
lực khai sáng năng lực tự ý thức cho mình” (trang 16,17).
Trước khi đi vào phân
tích cụ thể về các giai đoạn trong Việt sử qua 2000 năm, tác giả dành 4 chương
đầu tiên để nêu những vấn đề khái quát về triết sử và sử tính Việt. Tác giả
cảnh báo: “Con người là sinh vật Sử Tính, và họ là nạn nhân của Lịch sử khi họ
đứng quá gần với biến cố thuần trên căn bản của sự kiện và những yếu tố thực
nghiệm để rồi bị đắm chìm trong chuyện đã xảy ra, nhận diện chính mình
trên một bình diện biến cố, tức cho mình một quan điểm về sự thật sự kiện, vững
cứ trên một số nguyên tắc đạo đức, hay niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, mang một
lập trường thiên vị về một góc độ tình cảm nào đó cho chuyện quá khứ. Từ sự
định hình tình cảm về Lịch sử, nhất là những chuyện vừa xảy ra khi mà cuộc đời
của họ hay gia đình, thân thuộc đã nhúng tay vào một phe phái thời cuộc, thì
Lịch sử không còn nằm ở phạm trù khái niệm mà là của tình cảm và xúc động cá
nhân. Trên cương vị bình thường là một con người trong một quốc gia hay thời
đại, ít ai có thể vượt qua. Nhưng đó là điều mà người học triết cần bước qua.
Đây là viễn kiến và chủ đích của triết học lịch sử. Vượt qua thiên kiến và
những điều kiện tâm lý cá nhân nhằm thông hiểu Lịch sử trên cơ sở khái niệm của
một chiều cao vừa đủ.” (trang 21, 22).
“Á Đông và Việt Nam,
dù rằng ý thức về lịch sử - trường hợp Trung Hoa trên góc độ niên biểu của
vương triều – đã có trước Tây Âu, nhưng cho đến gần đây, vẫn chưa có triết học
lịch sử, và do đó không có triết sử gia. Riêng về trường hợp Việt Nam, khi mà ý
thức về Sử Tính còn vừa mới được đánh thức và chưa trưởng thành, giới sử gia
Việt vẫn còn suy thức ở mức độ bình luận về quá khứ trên một số quan điểm về
chính trị, luân lý, xã hội và văn hóa. Việt Nam có sử ký nhưng chưa có triết
sử. Suốt cả thế kỷ qua, triết sử duy nhất cho Việt Nam là Marxism, vốn trở
thành một ý hệ chính trị và cách mạng, một giáo điều cưỡng bách, hơn là một hệ
thống siêu hình khai mở cho ý thức Sử Lý. Việt Nam có sử ký, ít nhiều sử luận,
nhưng tất cả chưa đạt đến tầm mức triết học lịch sử. Về bình diện siêu hình
học, metaphysics, thì hoàn toàn chưa có”. (trang 29, 30).
Nghiên cứu về lịch sử,
nhất là lịch sử Việt Nam trong thời kỳ sơ khai, kể cả các triều đại sau này,
khi các sách lịch sử còn quá ít, với nhiều nghi vấn, khác biệt thì sử liệu là
một vấn đề nan giải. Để giải quyết vấn đề này, tác giả nêu rõ quan điểm của
mình về vấn đề sử liệu: “Tầm mức truy cứu sử liệu cho đề án triết học siêu hình
này không muốn đào sâu vào chi tiết lịch sử. Đây không là một luận án sử học,
hay một công trình nghiên cứu về sự kiện lịch sử. Chúng ta chỉ muốn nhìn dữ
kiện từ sử liệu trên một mức độ tổng quan vốn liên hệ đến tiền đề triết học. Và
hầu hết những sử liệu nêu lên ở đây vốn đã trở thành kiến thức cơ bản và phổ
thông cho hầu hết người đọc sử Việt. Vì thế ngày tháng, niên biểu, tên gọi,
nhân vật, chẳng hạn, sẽ không là quan trọng nếu chúng không mang ý nghĩa quan
yếu đến mệnh đề và giả định triết học. (trang 40).
Trên phương diện lý
luận, để làm rõ cứu cánh lịch sử, tác giả đã dành nhiều trang để phân
tích những điều cốt tủy của Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và quan điểm của các
triết gia nổi tiếng như Niezsche, Heidegger để làm rõ nguồn gốc bi kịch Sử Tính
nằm trong mâu thuẫn giữa cá thể và đại thể, giữa luân lý và đạo đức để rút ra
quy tắc về công việc phán đoán cho Sử Lý: “Hãy đánh giá Lịch sử với những biến
số và thuộc tính liên đới, theo đúng phạm trù tương ứng. Điều này có nghĩa
rằng, một hành động, chính sách của một nhân vật hay triều đại lịch sử có thể
rất là vô đạo đức trên bình diện cá nhân, nhưng nó đã là rất cần thiết và phù
hợp với luân lý của Thời Tính, của quốc gia, của nhu cầu Sử tính ở giai đoạn
đó.” (trang 64) Điều này đã được tác giả áp dụng triệt để khi điểm lại từng
thời kỳ và nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật anh hùng, trong suốt cuốn
sách.
Do đó, theo tác giả,
chúng ta không thể luận anh hùng theo tiêu chuẩn Thiện – Ác cá nhân.
“Số phận của người
hùng của dân tộc quốc gia nào định nghĩa được cho số phận lịch sử quốc gia, dân
tộc đó. Bản chất anh hùng là tính thị hiện từ căn nghiệp dân tộc. Anh hùng ở
đây không chỉ mang ý nghĩa tích cực – mà ngược lại. Nếu theo tiêu chuẩn đánh
giá bằng thước đo đạo đức cá thể thì hầu hết những nhân vật làm nên lịch sử đều
là những tội đồ nhân loại, những kẻ sát nhân hàng loạt, làm tiêu vong sự nghiệp
quốc gia, phá nát văn hóa truyền thống. Tuy nhiên lịch sử tiến bước ngay cả
bằng những hành động đầy tội ác – vì trên góc độ luân thường đại thể, kẻ gây
chiến tranh tang tóc chính là cánh tay Thời Ý khi mà Thời Quán tự ý thức của
một dân tộc cần được sang trang. Giết một người trong thời bình thì bạn là kẻ
sát nhân; giết một vạn người trong chiến tranh thì bạn là anh hùng quốc gia.”
(trang 73)
“Quốc gia nào càng
nhiều anh hùng từ chiến tranh cách mạng thì số phận lịch sử của họ càng nhiều
tang tóc.” (trang 74) Đáng buồn thay, đây lại là trường hợp của Việt Nam.
Về bản sắc sử tính
Việt Nam, nhận xét của tác giả có thể gây sốc cho nhiều người khi tác giả khẳng
định đó là “một tâm thức phủ định và nô lệ”:
“Sử tính Việt Nam khởi
đi bằng ý chí vươn thoát Trung Hoa. Tuy nhiên từ trong Sử Tính đầy bất khuất
tích cực đó mà Sử Tính Việt đã được tô đậm bởi một tâm lý phủ định: tâm lý hận
thù và nhục nhã. Đây là một tâm thức nô lệ. Mỗi lần bị đô hộ là một lần quốc thể
đã bị chết – nhưng đó cũng là cơ hội tái sinh cho một tổ quốc thực hữu tốt hơn,
mạnh hơn, độc lập và tiến hóa cao hơn. Và vì vậy mà cho dù bao lần chết đi,
sống lại, tâm ý Việt vẫn bị giam hãm bởi thực tế nghiệt ngã của một nước nhược
tiểu bị kềm kẹp bởi người Tàu. Mặc cảm tự ty – cũng như hận thù – đối với Trung
Hoa dần dần nô lệ hóa ý chí Việt. (trang 87)
Chương IV, Sử Tính
Việt qua các thời kỳ, là một chương tổng quan rất hay và súc tíchvới các tiểu
đoạn: Từ trong ý chí khai quốc – Một năng ý tình cờ. Các thời kỳ thực nghiệm
của sử Việt. Khi Trời, Người, Đất là Một. Biện chứng Chủ - Nô: Năng lực ly tâm
khỏi Hán tộc. Trên bàn cờ sinh tử. Bản chất văn minh Hán tộc và ý chí Việt tộc.
Phật Việt chống Nho Tàu. Tuy nhiên độc giả chỉ có thể đọc trực tiếp vào sách để
cảm nhận hết nội lực của một sức suy luận chứ khó lòng giới thiệu khái quát hay
trích dẫn.
Cũng xin lưu ý là các
đoạn trích như trên hay sẽ có sau đây thật ra đã bị tách khỏi bối cảnh suy luận
và văn bản, có thể làm người đọc hiểu không đầy đủ khi mà cách diễn
đạt của tác giả luôn sôi trào và hòa quyện ý tưởng. Dù sao cũng khó có thể làm
khác hơn và đối với những người chưa đọc sách, có lẽ trích dẫn nhiều cũng là
cách để người đọc dễ tiếp cận với tư tưởng tác giả và đặc trưng ngôn từ diễn đạt
từ nguyên bản, dù có thể có khiếm khuyết. Do đó phần kế tiếp sau đây chủ yếu là
những trích dẫn quan trọng lần theo bề dày cuốn sách cũng là chiều dài của sử
Việt.
Phân tích những Thời
Quán Anh Hùng, tác giả bắt đầu với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm
39 CN. “Trưng Nữ Vương là hiện thân của hai vế đại thể và cá thể ở nơi cái Ta
của người phụ nữ - Bà hoàn tất cơ sự làm người, cả về cá thể lẫn đại thể, lần
đầu tiên trong Sử Lý Việt Nam.” Tiếp theo tác giả phân tích Thời Quán Anh Hùng
trong 10 thế kỷ nô lệ mà Đạo Phật đã đến với tâm thức Việt như một con đường
cứu rỗi cho khổ đau, trước khi khai sinh quốc gia với Ngô Quyền và Đinh Tiên
Hoàng.
“Ngô Quyền khai mở
Thời Quán của trí tuệ chiến tranh năm 938 với trận chiến trên sông Bạch Đằng
bằng chiến thuật cọc nhọn đóng ngầm ở cửa biển để đánh giặc theo thủy triều lên
xuống. Chiến thắng Bạch Đằng giang là điểm đồng quy giữa sự thức tỉnh của Ngã
thể Việt, vốn là tinh thần của giang sơn, và trí tuệ Phật giáo, vốn kết thành
từ năng ý phủ định tự - Ngã. (trang 173)
Năng ý lập quốc cho
các định chế trật tự quốc gia được bắt đầu từ Ngô Quyền nhưng hoàn tất lần đầu
30 năm sau, năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh chính thức lập quốc Đại Cồ Việt. Họ Đinh
rất tôn sùng và trọng dụng giới tăng sĩ Phật giáo, bổ nhiệm Khuông Việt làm quốc
sư nhưng lại là người đưa ra hình phạt vạc dầu sôi và hổ báo xé xác trong hình
luật. Tác giả ghi lại và bình luận câu chuyện về Đinh Tiên Hoàng trong Khâm
Định Việt Sử: Khi họ Đinh đang đánh nhau với vua Ngô, họ Đinh đem con
trai ruột là Đinh Liễn ra hiến làm con tin để hoãn binh và sẵn sàng bắn chết
con mình chứ không chịu đầu hàng nên cuối cùng vua Ngô phải rút lui.
“Khi lịch sử quốc gia
chưa hoàn thành thì đại thể tính đứng thế ưu tiên trong chọn lựa sinh tử giữa
cái Ta cá nhân và cái Ta dân tộc… Hi sinh thân mạng, gia đình, con cái là một
thiết yếu tính, một điều kiện cần thiết cho cứu cánh đại thể. Đó là một phần
của đạo lý quốc thể, của quy luật thiên nhiên, là quy trình tạo hóa. Và vị Vạn
Thắng Vương đã làm chủ được mình trong nguyên lý chính trị tàn khốc này.”
(trang 180, 181).
Từ việc Lê Hoàn, tức
vua Lê Đại Hành , cướp ngôi nhà họ Đinh vào năm 980, rồi sau đó suy bại dưới
thời Lê Long Đĩnh, tiếp theo nhà Lý cướp ngôi nhà Lê, tác giả đưa ra một nhận
xét gần như là tiền đề sẽ chi phối suốt lịch sử: “Khởi nguyên của một sự thật
trong Sử Tính Việt: Việt Nam có thể đánh thắng quân xâm lược ngoại bang nhưng
không thể tránh khỏi và ổn định được nội loạn. Chân lý Sử Tính này đã được lặp
đi lặp lại cho suốt chiều dài lịch sử Việt – cho đến hôm nay, hơn một ngàn năm
sau. (trang 212).
Nhận định về các triều
đại và những anh hùng gắn liền với các triều đại đó dưới góc nhìn triết sử là
điểm độc đáo và sáng tạo của Nguyễn Hữu Liêm. Những nhận định này có thể gây ra
những ý kiến trái chiều vì phần lớn khác hay ngược với những quan điểm phổ biến
hay chính thống lâu nay. Sau đây là những trích dẫn quan trọng:
Về nhà Trần và câu
chuyện Trần Thủ Độ: Tội ác từ Đại thể tính.
“Trường hợp tội ác và
hung bạo của Ngọa Triều Lê Long Đĩnh là một hiện thân của bệnh lý tâm thần.
Nhưng khi đến chuyện Trần Thủ Độ tiêu diệt nhà Lý để dựng nhà Trần thì ta sẽ
thấy được tính biện chứng về ý thức tự-Ngã của dân Việt đã biến hóa và tiến hóa
như thế nào”. (trang 233)
Toàn Thư chép năm
1224, Huệ Tông bị bệnh nặng, truyền ngôi cho công chúa là Chiêu Hoàng lúc đó
mới 6 tuổi. Thủ Độ đã dàn cảnh để Chiêu Hoàng lấy cháu mình là Trần Cảnh, 8
tuổi, rồi truyền ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó Thủ Độ ép Huệ Tông tự tử chết và ra
tay giết hết tôn thất nhà Lý, bắt tất cả thần dân mang họ Lý đổi ra họ Nguyễn.
Tác giả nhận định: “Ở
nơi Thủ Độ là hiện thân của cái Ngã thể Việt của thời loạn. Ông là một người
hùng lịch sử trong tất cả cái ưu, khuyết của năng thức tự-Ngã trong biện chứng
đại thể tính đang mang tính thiết yếu cao độ. Nói như Lê Thành Khôi , trên
phương diện đạo đức cá nhân thì “sự độc ác của Thủ Độ ‘vượt mọi giới hạn của
luật tự nhiên’, tuy nhiên ông cũng là người kiến tạo đích thực cho sự nghiệp
lớn lao của nhà Trần.” Từ việc kết hôn với Thái hậu Trần Thị Dung, vợ Huệ
Tông, bức tử Huệ Tông dù ông này đã xuống tóc đi tu, đến tàn sát vương triều họ
Lý, bắt dân chúng họ Lý đổ sang họ Nguyễn, đặt ra chế độ nội hôn cho phép người
cùng họ được lấy nhau để bảo vệ máu huyết họ tộc, và nhiều chuyện triều đình
khác vô tiền khoáng hậu.
Nhưng chính Trần Thủ
Độ, trên phương diện đại thể quốc gia đã là một anh hùng cứu quốc và kiến quốc.
Chỉ riêng tay mình, Thủ Độ chỉnh đốn tình thế hỗn loạn của đất nước, từ trong
vương triều đến giặc loạn các phe phái nổi lên khắp nơi. Ông đã xây dựng một
chính quyền hiệu năng và một quân đội đủ hùng mạnh để có thể đánh lui được đoàn
quân bách chiến bách thắng của giặc Mông” (trang 235)
“Thủ Độ là hiện thân
toàn diện trong Sử Lý Việt Nam của một anh hùng kiểu Machiavellian figure
khi cá nhân ông bị ý chí chính trị đại thể nuốt hết những yếu tố cơ bản về đạo
đức cá nhân…Thủ Độ, cũng như bao nhiêu anh hùng Việt Nam khác cũng là những
người ít học hay không được giáo dục chính thức, đã làm nên lịch sử.” (trang
236)
“Từ Thủ Độ mà nhà Trần
được kiến tạo và quốc gia Việt Nam được cứu thoát khỏi nanh vuốt của giặc Mông.
Ở Thời Quán đó, Việt Nam là thủ Độ, như lời tuyên bố của vua Pháp Louis XIV, “Quốc
gia chính là ta!” Đây là một công lao huy hoàng cho Sử Tính Việt. Tuy nhiên
khi nhìn tới bình diện đức lý nội tại của dân tộc, tức chân lý chủ thể cho đại
tính Việt Nam thì Thủ Độ là một khởi đầu của một truyền thống băng hoại về ý
thức tự-Ngã cho ý chí Việt.” (trang 237)
Cũng với cách suy luận
dựa vào cơ sở triết học như trên, Nguyễn Hữu Liêm đã tiếp tục phân tích một
cách sắc sảo về các nhân vật Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần
Thì Kiến, Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Mạc Đăng Dung, Nguyễn
Kim, Trịnh Kiểm, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Phúc Ánh. Đặc biệt, đối với
những nhân vật mà số phận gắn liền hay đối địch nhau, tác giả đã có những cách
soi sáng và so sánh độc đáo.
Khi trí thức đồng hành
cùng nhà Nho: Nguyễn Trãi và Lê Lợi.
“Ta hãy nhìn công cuộc
kháng chiến chống Minh suốt 10 năm của Lê Lợi và sau đó là triều đại nhà Lê
bằng một góc nhìn đến kẻ sĩ Nguyễn Trãi – một hình ảnh trí thức trong đại thể
đầy bi tráng. Ông không phải là trí thức đầu tiên dấn thân tham chính, tuy
nhiên, có thể Nguyễn Trãi là người đầu tiên tham chính với tư cách và tâm thế
của một trí thức đúng chuẩn mực. Nếu không có Lê Lợi thì đứa con trai của
Nguyễn Phi Khanh từ biệt cha và trở về từ biên giới Việt Hoa sẽ chỉ là một kẻ
sĩ không ai biết đến. Ngược lại, nếu không có Nguyễn Trãi thì Lê Lợi cũng có
thể đã không đưa cuộc kháng chiến 10 năm đến thành công. Ở hai cái Ta của Lê và
Nguyễn là một năng động biện chứng Quân – thần (Vua – Tôi) đi song song
với biện chứng chủ-nô của hai cái Ta của Việt và Hoa. Hai tầng biện chứng song
hành này đã quyết định thành bại cho kháng chiến và sau đó là bản sắc chính trị
cho triều Lê.” (trang 266, 267)
“Nhưng ý chí thôi thì
chưa đủ. Phải có lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn chiến lược lớn đi đôi với mưu mô
chiến thuật ngắn hạn. Lãnh đạo đó là Lê Lợi vốn cần có đầu óc của trí thức
Nguyễn Trãi. Lê Lợi là hardware, Nguyễn Trãi là software của bộ
máy tính chiến tranh cứu quốc thời thuộc Minh. Khi hai cái Ta này kết hợp thì
biện chứng vua-tôi đã đồng quy vào một cái Ta “văn võ toàn tài, quân thần
đồng đức”. Đây là lúc Sử Tính Việt bước vào một Thời Quán ý thức mới mà
trong đó chức năng người trí thức bắt đầu trở thành một yếu tố và điều kiện cơ
bản và hữu cơ trong ý chí kiến quốc.” (trang 270)
Sử Lý Nguyễn Huệ và
Nguyễn Ánh.
“Ngoại trừ tài cầm
quân tốc chiến, Nguyễn Phúc Ánh là một tài năng cao hơn Nguyễn Huệ trên nhiều
mặt. Từ năng khiếu ngoại giao cầu viện, đến chiến thuật hải quân theo gió mùa
thiên nhiên, đến khả năng xây dựng định chế hành chánh công quyền, ổn định dân
sinh trong những vùng chiếm được ở phía Nam, cho đến ý chí quyết tâm cho cứu cánh
với một lòng kiên nhẫn, bất khuất, ngoài Lê Lợi ra, có lẽ Phúc Ánh là một anh
hùng có một không hai. Tuy nhiên Phúc Ánh chưa bao giờ tồn tại trong ký ức tập
thể Việt tộc một hình ảnh anh hùng vĩ đại và sáng ngời như Nguyễn Huệ. Khi so
sánh Nguyễn Huệ với hai anh hùng quân sự cùng đẳng cấp thì Trần Hưng Đạo và Lý
Thường Kiệt chỉ là hai vị tướng của một triều đình, họ bước đi vào con đường Sử
Tính trên cơ bản của nhà Lý và nhà Trần, đối diện với một kẻ thù ngoại bang mà
ý chí chiến thắng đã là một chân lý giao sẵn. Nguyễn Phúc Ánh thì khác. Ông là
một anh hùng vĩ đại hơn Nguyễn Huệ trong chiều dài kiến quốc với vương triều
nhà Nguyễn tồn tại ngót 150 năm. Từ chiều sâu Sử Tính, từ cơ nghiệp quốc gia,
cho đến trên góc độ cá thể, Phúc Ánh là một cây cổ thụ lớn, tỏa rộng tàng lá và
gốc rễ rộng và sâu. Trong khi đó Nguyễn Huệ là một cây thông mọc thẳng lên cao
vào không gian lớn, đơn độc, với vòm cây nhỏ bé, gốc rễ ngắn và cạn, không bắt
sâu vào Sử Tính quốc gia và tâm ý nhân gian. Nguyễn Ánh là ngọn đuốc lâu tàn
của Sử Lý; Nguyễn Huệ là cây pháo bông rực rỡ phút chốc, nhưng gây ấn tượng sâu
đậm và lâu dài trong ý thức và ký ức của cái Ta dân tộc.” (trang 310, 311)
Chuyển sang thời kỳ
cận đại, thời kỳ mà Nguyễn Hữu Liêm gọi là “Khi Dự Án Khai Sáng Đến Việt Nam”
“Đã đến lúc môt nền
văn minh mới, hiện thân của một cái Ta mới, một cơn bão ý thức mới, cập bến.
Cái Ta đến từ trời Tây này trước hết mang một chức năng hủy diệt. Với ý chí và
công tác phủ định, nó không hiền lành, lễ độ, hay biết tôn trọng tha nhân với tinh
thần tương kính. Nó là một con quỷ hung bạo, nanh vuốt sắc nhọn, miệng nhuốm
máu người, hung hăng, thô bạo – vì nó là một Thời Quán thiết yếu trên bàn cờ
biện chứng lịch sử. Cái Ta cũ phải bị giết đi – vì nó không có khả năng tự tử
nhằm có thể tái sinh. Nó phải chết bằng hành động sát nhân cuồng bạo bởi tha
nhân, bởi cái Ta hung bạo và văn minh hơn. Chỉ có một cái chết kinh khủng nhất
– như Chúa Jesus đã chết trên thập tự giá – thì một cái Ta mới hòng được phục
sinh. Tiếng súng của hải quân Pháp bắn vào Sơn Trà, Đà Nẵng, ngày 1 tháng 9,
năm 1858, báo hiệu giờ phút đóng đinh trên thánh giá cho thân xác Việt.” (trang
357)
“Cao trào thực dân
Pháp (The French colonialism) dưới triều Napoléon III ( Charles-Louis Napoléon
Bonaparte) là một hiện tượng vô thức của cái Ta quá khứ Đã Là còn sót lại từ
cuộc Cách mạng 1789 được khách thể hóa – the negated “I” externalized –
vào một không gian Sử Lý mà ở đó đang có một cái Ta khác vốn “đồng thanh
tương ứng, đồng khí tương cầu” đang chờ đợi. Cánh tay phải cho cái Ta vô thức
của thực dân Pháp là cái Ta của tín đồ Công giáo mà hiện thân là các giáo sĩ,
các thừa sai mang ý chí thiết lập một vương quốc Công giáo ở Á châu. Đó là một
bản sắc cái Ta của Alexandre de Rhodes (Lịch Sơn Đắc Lộ) hay Pierre Pigneau (Bá
Đa Lộc), của Pierre Poivre, hay là Saint Phalles.” (Trang 365)
Chúng ta nhớ rằng các
nhà truyền đạo Công giáo, như Đắc Lộ, đã đến Việt Nam rất sớm, từ đầu thế kỷ
XVII, trước khi Pháp nổ súng xâm lăng Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, gần hai thế
kỷ. Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đã có 300 ngàn giáo dân ở miền Bắc và hơn
60 ngàn khắp các vùng khác. Nhưng “Lịch sử thực dân ở Việt Nam không thể
tách rời ra khỏi lịch sử truyền giáo của giáo hội Công giáo Pháp và Âu Châu. Cả
hai mặt của cái Ta truyền giáo và thực dân đều là của một ý chí đế quốc, của
một di sản Cách mạng 1789 khi Dự Án Khai Sáng đánh bật cái Ta thượng cổ của văn
minh Pháp ra khỏi đất nước họ - để rồi cái Ta mất thế đó đi tìm nơi cư trú mới
cho vương quốc đức tin và vô thức của mình.” (trang 368)
“Thằng thực dân là nấc
thang của những đẳng cấp thấp hèn của văn minh Pháp, nhưng nó là cần thiết để
cho cái Ta của nàng mộng ruộng Việt Nam được giải phóng ra khỏi sự áp chế muôn
đời của làng xã và truyền thống Khổng giáo.” (trang 371)
“Đừng nghĩ rằng, hay
gán đổ trách nhiệm vào các giáo sĩ đạo Chúa muốn vào Việt Nam truyền giáo, hay
là thực dân Pháp mang tham vọng lãnh thổ đế quốc xâm lăng Việt Nam. Tư duy như
thế là chỉ nằm trên bình diện hiện tượng. Lịch sử Việt Nam vốn có rất nhiều,
quá nhiều, đối tượng để ta trách cứ và lên án. Những Bá Đa Lộc, hay Đắc Lộ, hay
De Genouilly, hay Napoléon III, hay Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đều đã không
biết họ đã làm gì. They knew not what they were doing. Họ chỉ là những
cơ năng vô thức trên bàn cờ bao la vĩ đại của Thời Ý. Tất cả những gì đã xẩy ra
ở Thời Quán chuyển luân trong thế kỷ XIX, giữa Pháp và Việt, đều phát xuất từ
tiếng khóc trong vô thức xin cứu rỗi của nàng Kiều muốn được thoát ra khỏi vòng
định mệnh khắc nghiệt của truyền thống và xã hội.” (trang 377)
Đây là thời kỳ mà
tác giả gọi là “Biện chứng chủ-nô vòng mới” với Thực dân Pháp và Đức Tin Công
giáo. Trong Thời Quán này, người Việt nam yêu nước đã lựa chọn một trong ba con
đường.
Con đường thứ nhất có
thể gọi là “Ngọn lửa cuối cùng của cái Ta nhà Nho” với các đại thần nhà Nguyễn
như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, phong trào Cần Vương, Văn Thân mà đại
diện cho anh hùng tính này là vua Duy Tân, một vị hoàng đế trẻ, lên ngôi khi
mới 12 tuổi, giữ được khí tiết trọn vẹn của một anh hùng trong nô lệ, với câu
nói bất hủ “Tay bẩn thì lấy nước mà rửa, Nước bẩn thì lấy Máu mà rửa”.
Con đường thứ hai là
của các nhà Nho có tân học nhìn thấy trong nền đô hộ của Pháp một cơ hội tiến
hóa mới, một chọn lựa thực dụng vừa phải nhưng tối ưu trong hoàn cảnh. Đó là
những Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… mà Trương Vĩnh Ký có
thể xem là “Một linh hồn Công giáo cho cái Ta nàng Kiều” với nhiều bi kịch.
Trương Vĩnh Ký là trường hợp của “Một tâm phải thờ hai Chúa” với “Thế nan giải
cho cái Ta tân tòng” cho đến khi chết. “Trên phần mộ của Petrus Ký ở Chợ
Quán là hàng chữ Latin trích từ Cựu Ước, Sách của Job, 19: Miseremimi mei
saltem vos amici mei. (Xin hãy thương tôi hỡi những người bạn [hiểu được]
tôi). Đó là điếu văn cuối cùng trong tiếng kèn của đám ma cho một cái Ta trong
buổi giao thời.” (trang 420)
Con đường thứ ba là Hồ
Chí Minh và phong trào Cộng sản.
“Chủ nghĩa Cộng sản và
cái Ta mới cho Việt tộc.
Ở đây Ta chọn Hồ Chí
Minh (HCM) để làm khuôn thức cho năng lực tự ý thức cho cái Ta dân tộc. Không
ai xứng đáng hơn HCM khi đóng vai trò hiện thân biểu trưng và đại diện này. Đã
có nhiều anh hùng chống Thực dân cũng đã phần nào đại diện cho cái Ta dân tộc trong
giai đoạn giải Thực để giải phóng đất nước. Những Nguyễn Thái Học, Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh, hay các vị tướng của triều Nguyễn, đều đã là những ngọn
lửa được thắp lên, nhưng rồi tất cả đã bị dập tắt để trở nên những hoài niệm
đẹp trong ký ức tập thể của người Việt – hơn là một năng lực Sử Tính có ý nghĩa
hiện thực. Ta cũng không quan tâm đến những chi tiết về câu chuyện đời tư của
HCM, tích cực hay tiêu cực, huyền thoại hay bi kịch hóa. Thay vào đó, Ta chỉ
nhìn đến con người này như là một nhân vật biểu trưng, một thể tính anh hùng
dân tộc, với ưu và khuyết điểm của một con người và một lãnh tụ cách mạng và
chính trị vốn đã quyết định sinh mệnh Thời tính Sử Lý Việt Nam suốt gần thế kỷ
qua. Sai lầm của nhiều sử gia, hay người đọc sử, mang tâm chất nhà báo, ưa đánh
giá anh hùng lịch sử như là HCM trên bình diện đạo đức và giá trị cá nhân. Ông
là một tính thể Sử Lý vượt qua những ưu khuyết điểm của một con người bình
thường – dù rằng, nếu Ta biết rõ, ông cũng đã tỏ ra một con người rất bình
thường với những ưu khuyết điểm của một nhà cách mạng tài ba liêm khiết, một
chiến lược gia sâu sắc, một thanh niên biết kỷ luật bản thân, nhưng cũng với
đầy mưu mô, hiểm độc, dối trá, gian hùng. Nhưng trên tất cả những gì thuộc về
cá nhân riêng rẽ, a private person, thì trên bình diện đại thể, HCM đại
diện cho cái Ta ở trong nội dung Thời Ý đó – the Spirit of the Time – đã
mang thiết yếu tính và cứu cánh tính trên vai. Điều quan trọng nhất là ông đã
thành công, dù tốt đẹp hay xấu xa.
Sử Lý là một
trường biện chứng của đúng và sai – và với bước chân Sử Tính, cái sai hôm qua
trở thành cái đúng hôm nay, và ngược lại. Tất cả phải tùy vào Thời Tính cho mỗi
Thời Quán chân lý hay sai lầm. Khi Ta đang ở vào thời điểm bước sâu vào thế kỷ
XXI, khi nhìn lại lịch sử mà HCM đã hành hoạt ở giai thời đó, xa xỉ Thời gian
sẽ làm cho ta quên đi rằng, ở mỗi giai đoạn của lịch sử quốc gia, kẻ chiến
thắng trở nên chân lý cho Sử Tính ở Thời Quán liên hệ. Không có chân lý nào là
tuyệt đối vì ý thức và khuôn mẫu kiến lập nên chân lý cũng phải được chuyển hóa
để thay đổi theo Thời Ý mới.”(trang 428-430)
Từ những nhận định
trên đây, tác giả đã đi vào phân tích những vấn đề gây tranh cãi lâu nay như
câu hỏi HCM là một cán bộ cộng sản quốc tế hay là người yêu nước muốn giải
phóng dân tộc; những cựu đảng viên Cộng sản, cán bộ Mặt Trận Giải Phóng hay
những trí thức thiên tả, thân Cộng trước đây có nên sám hối về những gì
đã làm cho Cộng sản trong quá khứ hay không; tại sao phe Quốc Gia thất bại; vấn
đề “giải phóng Miền Nam” là những đề tài gai góc gây chia rẽ người Việt lâu
nay.
Sau năm 1975, khi Đảng
Cộng Sản chủ trương “tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ Nghĩa Xã Hội” thì “Đảng Ta”
đã bắt đầu đi vào con đường suy thoái.
“Đảng Ta giải phóng
dân tộc ra khỏi thể trạng nô lệ của dân tộc, nhưng thay vì để cho cái Ta dân
tộc được làm chủ ông, Đảng Ta nắm lấy hết đại thể tính nhân dân để biến dân tộc
thành nô lệ. Bi kịch của tên nô lệ dân tộc này nằm ở chỗ là hắn được tôn vinh
làm ông chủ, còn Đảng Ta thì tự nhận là tên đầy tớ. Biện chứng chủ-nô bị đảo
ngược trên bình diện hình thức, nhưng nội dung thì ông chủ là Đảng Ta, và tên
nô bộc là dân tộc.” (trang 459)
Rồi đến “Khi Đảng Ta
đổi mới: Hô to khẩu hiệu cho lúa đơm bông”, tiếp đến “Khi ông chủ là đồng tiền”
“Kinh tế quốc gia đi qua một Thời Quán tư bản hoang dã, rừng rú, với những tập
đòan mafia quyền lực từ nhỏ đến lớn, từ trung ương đến địa phương, kết cấu nhau
trong những liên minh ma quỷ giữa công quyền và tư nhân vung tay làm giàu” thì
Đảng Ta bắt đầu tự hủy hoại mình và hủy hoại đất nước.
“Đất nước bây giờ là
bãi chứa rác tanh thối và độc hại từ nền công nghệ hoang dã vô ý thức, vô trách
nhiệm. Từ đại dương đến sông ngòi, đồng ruộng, phố xá, từ tinh thần tự trọng,
nhân phẩm, lòng chân thật, trách nhiệm xã hội, từ giang san địa lý đến tư duy
trí thức, hầu hết đều đã bị cái Ta của Đảng bức tử. Đây là lúc mà ý chí lịch sử
của Đảng Ta đã đi đến vũng lầy thấp nhất, dơ bẩn nhất trong quá trình hiện thân
cho cái Ta theo chủ nghĩa duy vật. Khi thủy triều rút xuống thì bờ sông trở
thành bãi rác. Hoa huệ càng thơm đẹp bao nhiêu khi tươi thì sẽ càng xấu và hôi
khi tàn. Hành trình Sử Tính cho ý thức về cái Ta của dân tộc Việt trong suốt
gần thế kỷ đã đi vào một mê hồn trận huy hoàng và bi tráng. Sẽ không có phép lạ
nào cứu rỗi linh hồn của Đảng Ta nữa. Cái Thời của Đảng đã đi qua.” (trang 474,
475).
Đây chính là “Ngày tàn
của ý chí quốc gia” vì “Cộng sản và Thực dân tuy hai mà một” nên “Đảng Ta đã
gần như thành công cái mà Thực dân Pháp cũng như đế quốc Tàu đã thất bại
– đó là chủ trương tiêu diệt ý chí tổ quốc và tinh thần yêu nước của dân Việt.
Đảng Ta và Thực dân Pháp là hai khuôn mặt của một đồng tiền đã mất đi giá trị
tập thể và Sử Tính” (trang 477)
“Vở kịch mà HCM đạo
diễn đang hát những câu hạ màn. Bài điếu văn cho Đảng Ta cũng đang được viết
trên ngàn trang giấy bởi cái Ta dân tộc đang chuyển mình” (trang 484).
Liên hệ đến tận sự
kiện Formosa nóng bỏng hiện nay, tác giả hạ bút: “Và khi mà cả đại dương miền
Trung Việt bị đầu độc toàn triệt, mội trường sống trên hầu hết giang sơn đều bị
ô nhiễm bởi một nhà nước thoái hóa và thiếu khả năng, bởi sự lãnh đạo của Đảng
Ta nay vốn đã tiêu thụ hết năng thức luân thường và ý chí Sử Tính dân tộc, thì
biện minh lịch sử cho sự cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã không
còn. HCM và Đảng Ta của ông nay đã chết theo những xác cá rữa thối trên bãi
biển nước nhà. (trang 485).
Có thể những ý tưởng
trên không mới nhưng với cách nhìn triết sử và lối diễn đạt đầy chất lửa và
mang tính văn chương, những câu trên có thể tạo nên một sự rung cảm và sức lay
động kinh hoàng nơi người đọc.
Những nhận định và
đánh giá của Nguyễn Hữu Liêm trên đây có tính cách xuyên suốt về Đảng Cộng Sản
Việt Nam, nhưng cuốn sách của ông sẽ không hoàn chỉnh nếu không nhắc đến Việt
Nam Cộng Hòa ở Miền Nam, sự can thiệp của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt
Nam 1954 – 1975 và cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản ở hải ngoại, vì thế mà
có thêm một chương lớn Khi Nguyễn Văn Trỗi gặp McNamara, trước khi kết thúc, dù
kết cấu cuốn sách ở đây có vẻ hơi lạc nhịp.
“Phe Quốc gia và 20
năm tồn tại.
“Thật bất công cho
người Quốc gia nếu ta bỏ qua họ khi thảo luận về cơ trình tự ý thức về cái Ta
của dân tộc Việt. Trên bình diện nội dung của một bản sắc tự-Ngã, phe Miền Nam,
người Quốc gia chống Cộng đã đại diện và đóng góp được gì cho cứu cánh tính Nhân
thức?
“Trên cơ bản cứu cánh
cho Sử Lý, thì Miền Nam, dưới hai chế độ Cộng Hòa, dù là trong một giai thời ấu
trĩ và đang phát triển, cũng đã cống hiến ít nhiều cho khả thể tiến hóa của
năng lực tự ý thức của cái Ta dân tộc vốn không bị hủy thể bởi cái Ta của Đảng
Cộng Sản ở miền Bắc. Chế độ chính trị của miền Nam, của phe Quốc gia, là của
một cái Ta tân tòng, khai sinh bởi hiện đại tính Âu châu, trong dư lực của Dự
án Khai sáng từ Tây phương. Đây là một Thời Quán mà ý niệm cá thể bắt đầu nẩy
sinh từ những đơn vị ý thức cá nhân, khi mà các phạm trù khái niệm chính trị về
tự do, công lý bắt đầu được nẩy mầm trong những đầu óc và trái tim còn non trẻ
của Việt tộc. Trong khoảng thời gian vừa hé mở từ sự thoái trào của thực dân,
người Quốc gia đại diện cho cái tàn dư nhưng đầy trong sáng của nhà Nho, của
tinh hoa Công giáo dân tộc, của nhà Phật đang chấn hưng với thời đại. Thêm vào
đó là bản chất trong sáng, chân thật của người miền Nam, nay được tiếp sức bởi
tính sắc sảo, cần cù siêng năng của người Bắc di cư, và cá tính của người miền
Trung quyết liệt, tất cả đã đồng quy làm nên một Sài Gòn đầy hi vọng – một hòn
ngọc cho một cái Ta ưu tú của dân tộc, kết tụ được cái Lành, cái Trong, và cái
Thiện cho đại thể tính luân thường của Thời Đại.
Tuy nhiên với tất cả
duyên lành từ dư lực Thực dân, và cá tính nhân bản của con người vùng đất phì
nhiêu, phép lạ Sài Gòn đã làm sai nhịp bước Sử Tính bởi chế độ Ngô Đình Diệm.
(trang 490-491)
“Bi kịch Sử Tính của
Việt nam lại gia tăng cường độ khi năng lực đế quốc của Hoa Kỳ bước vào vũng
lầy Việt Nam trong một chiến lược chống Cộng toàn cầu mới. Khác với Thực dân
Pháp, người Mỹ vào Việt Nam không mang tham vọng cai trị hay nô lệ hóa dân tộc.
Cái Ta của người Mỹ mang giòng máu Đế quốc mới này chỉ mang trong mình niềm
hãnh tiến của chủ nghĩa dân chủ tự do trên bình diện cá thể. Người Mỹ nghĩ rằng
họ là ngọn đuốc mới cho năng lực chân lý Thời tại, và phe Cộng sản do Liên Xô
và Trung Cộng lãnh đạo là mối nguy toàn cầu cần phải được ngăn chặn. Việt Nam
là một tiền đồn mà người Mỹ phải dấn thân đem sinh mạng vào cho cuộc chiến sinh
tử mới cho lý tưởng tự do.” (trang 493)
“Khi quân đội Mỹ xâm
lăng Đà Nẵng vào tháng Ba năm 1965, bản chất thô bạo và sống sượng của đoàn
quân Đế quốc nhân danh lý tưởng chống Cộng đã làm cho ngọn lửa chính nghĩa của
HCM và Đảng Ta càng thêm rực rỡ và sáng ngời. Những trận oanh tạc miền Bắc,
những sư đoàn binh lính Mỹ tham chiến ở miền Nam là những gáo xăng
dầu đổ vào lửa ý chí quyết chiến của HCM, Lê Duẩn, Quân đội Nhân dân, và Mặt
Trận Giải Phóng Miền Nam. Sự can thiệp quân sự của Mỹ chỉ kéo dài tuổi thọ của
miền Nam được 10 năm, 1965-1975. Biện chứng chủ-nô trong 10 năm máu lửa đó đều
chỉ được đốt cháy trên các trận tuyến của máu xương và thân mạng. Cuối cùng thì
chủ nhân ông mới là người Mỹ cũng phải công nhận rằng họ không thể chiến thắng
tên nô lệ cũ thời Pháp thuộc, Đảng Ta, nay đã là chủ nhân ông của đất nước Việt
Nam. (trang 494)
“McNamara và nguyễn
Văn Trỗi đã gặp nhau trên ván cờ định mệnh của ý chí lịch sử như hai nhân vật
đối đầu trong biện chứng sinh tử bi tráng. Cả hai, McNamara và Trỗi, là hai
năng lực tự ý thức về Ta mang hai bản sắc chân lý Thời tính khác nhau. Họ đều
muốn – trong năng lực vô thức của Thời Ý – mang cái Ta dân tộc ra khỏi nhà tù
quá khứ Đã Là bằng ý chí Sẽ Phải Là cho Việt Nam. Một bên là tham vọng Đế quốc
của một cái Ta chủ nhân ông đầy tự tin và cao ngạo. Đằng kia thì với đầy hận
thù, cảm thức nhục nhã của một cái Ta anh hùng, bất khuất trong nô lệ. Nếu nhìn
sâu vào tận đáy sâu của Sử Lý, McNamara và Trỗi thực ra và đáng lẽ ra phải là
hai đồng chí, gặp nhau mừng rỡ bắt tay nhau, chia sẻ chuyện con người và lịch
sử với vài chai bia trong quán nhậu bên cầu Công Lý – nay là cầu Nguyễn Văn
Trỗi – thay vì đã phải gặp nhau trong ý chí phủ định bằng thân mạng. Sử Lý Việt
Nam là gì nếu không phải là một bài học về màn vô minh siêu hình bao phủ lấy
thân phận của những anh hùng dân tộc? (trang 502-503)
Nguyễn đi và Nguyễn sẽ
về: Cộng đồng người Việt khắp thế giới.
“Khi chiếc trực thăng
cuối cùng di tản lính và nhân viên sứ quán Mỹ ra khỏi Sài Gòn cuối tháng Tư
1975, thì Sử Tính của dân tộc Việt đã bước sang một chương mới. Đây là lúc mà
bóng tối của áp chế, hãnh tiến và thô tục của chế độ Cộng sản ập đến cho dân
chúng thành thị, thân Pháp, thân Mỹ ở miền Nam. Khi mà chiến thắng huy hoàng
như là huyền thoại của Đảng Ta đã chứng minh ý thức hệ duy vật bách chiến bách
thắng, vô địch, thì cũng là lúc mà cái Ta của dân tộc lần nữa phải trải qua một
giai thời khổ nạn đầy thử thách. (trang 503)
“Khi thế giới bên
ngoài bao vây cô lập kinh tế ngoại thương, Tàu đánh phía Bắc, Khmer Đỏ đánh
phía Nam, bên trong thì Đảng Ta bỏ tù cải tạo sĩ quan, công chức Cộng Hòa, tiêu
diệt tư sản mại bản, đánh Hoa kiều, tập thể hóa sản xuất nông nghiệp để tiến
nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Những chọn lựa chính sách duy ý chí từ dư
lực chiến thắng trong chiến tranh đã tạo ra những cơn khủng hoảng trầm trọng
cho đất nước. Cả dân tộc lại trở về với “đói nghèo trong rơm rạ” trong cơn sốc
thực tại mới. Hàng hàng lớp người vượt biển, vượt biên tỵ nạn khắp thế giới.
Đây là một cuộc di dân, những đợt Exodus vĩ đại và bi tráng nhất trong
lịch sử dân tộc. Chưa bao giờ người Việt lại thi nhau bỏ nước, liều chết đi ra
biển để tìm tự do như thế. Có đến một nửa số người vượt biển bị chết và mất
tích trên biển Đông hay ở các bãi mìn vùng biên giới. Số còn lại thì phần lớn
bị cướp bóc và hãm hiếp bởi hải tặc…”
Nhưng trong cái rủi có
cái may. “Lần đầu tiên vũng lầy của cái Ta dân tộc với đầy những giới hạn ung
thối đã được khai thông mạch nước với thế giới bao la, với cái Ta đại Ngã của
nhân loại, của văn minh, tự do và tiến bộ.” (trang 504-505)
“Nguyễn ra đi để rồi
Nguyễn lại trở về. Cái Ta dân tộc tha hương nhưng vẫn còn mang nặng bản sắc dân
tộc, với chút ít tâm tư nàng Kiều và Duy Tân còn sót lại, vẫn lưu luyến với quê
cha, đất tổ. Sự trở về của cái Ta Việt kiều hoàn tất thêm lần nữa vòng quay Sử
Lý nhằm khai mở thêm một tầm mức mới, cao hơn cho khả năng tự ý thức của cái Ta
đại thể dân tộc.” (trang 506)
Những giới thiệu và
trích dẫn khá nhiều về những điểm nổi bật trên đây cũng chưa phải là toàn bộ
tác phẩm. Bàng bạc và hòa quyện qua các trang sách là những phân tích triết học
về Khổng, Phật, Thiên chúa Giáo và nền văn minh cũng như các triết gia nổi
tiếng phương Tây một cách thấu đáo, đôi khi với những kiến giải riêng độc sáng,
để khắc họa cho triết lý của Sử Việt. Có những trang phân tích, liên hệ với số
phận của một số quốc gia đã tiêu vong như Phù Nam, Chân Lạp, Chiêm Thành, đối
chiếu với trường hợp Tây Tạng, Nhật Bản thời Minh Trị để chứng minh và khắc họa
chân lý Sử Việt. Cũng có những phân tích về các lãnh vực văn hóa xã hội, các
tác phẩm và tác giả thơ văn từ bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý thường Kiệt đến
Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi, đến thơ Đặng Trần
Côn, Đoàn Thị Điểm, Chế Lan Viên… và nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du cho đến
nhạc Chàm bằng một cái nhìn mới mẻ, nhiều hứng thú. Tác giả cũng không ngại
liên hệ phê phán các sử gia ngày trước như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên và cả các sử
gia ngày hôm na. Nghĩa là tác giả không ngại hay né tránh bất cứ vấn đề gai góc
nào.
Về cách diễn đạt,
ngoài lối phân tích rốt ráo và sắc bén của một người nghiên cứu triết học, tác
phẩm còn có những ẩn dụ, hình ảnh gây ấn tượng như “Một tâm phải thờ hai
Chúa: Thế nan giải cho cái Ta tân tòng”, “cuộc cưỡng hôn giữa thằng Tây Thực dân
và nàng Kiều Việt”, “Khi Đắc Lộ gặp Kiều như định mệnh”, “Cái chết của Sử
Lý: Từ Chế Lan Viên đến Formosa Hà Tĩnh”, “Nguyễn Văn Trỗi gặp Robert McNamara
trên cầu Công lý”… cùng với sự sôi trào của nguồn mạch tư duy làm cho một tác
phẩm đáng lý khô khan trở nên hấp dẫn.
Tóm lại, đây là một
tác phẩm độc đáo, uyên bác, đầy trí tuệ và bản lãnh về một lãnh vực mới mẻ, có
thể là tác phẩm đầu tiên có tầm vóc về triết sử Việt Nam.
Nguyễn Hữu Liêm là một
cây bút trước đây đã từng gây nhiều sóng gió trên Net vì những bài viết có quan
điểm “nghịch chiều” với số đông, thậm chí có lúc anh đã từng bị “ném đá tơi
bời”. Tuy nhiên, với tác phẩm này, một tác phẩm công phu và tâm huyết, dù đồng
ý hay không, việc phê phán cũng đòi hỏi tầm trí tuệ tương xứng chứ không thể nhặt
đá cục ven đường mà liệng được. Mặt khác, hình như qua tác phẩm có tính
tập đại thành này, độc giả cũng có thể hiểu thêm vì sao tác giả có những bài
viết nghịch chiều trước đây.
Cuốn sách đã soi rọi
Cái Đã Là và Cái Đang Là. Tác giả chưa đưa ra được điều gì rõ ràng cho Cái Sẽ
Là ngoài lời khuyên phải kiên nhẫn. Tuy nhiên tác phẩm đã khẳng định được những
quy luật và chân lý lịch sử Việt. Điều này giúp mỗi người có thể an tâm làm
những việc mình cần làm, nhất là những anh hùng của Thời Quán mới, để giúp mở
sinh lộ cho dân tộc đang ở cuối một đường hầm lịch sử.
19/2/2017
Tiêu Dao Bảo Cự
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire