Gần đây, có dấu hiệu đáng lo ngại là Trung Quốc đang tăng cường
đầu tư vào các dự án ở Việt Nam để khống chế dự án để từ đó mở rộng thao túng
kinh tế Việt Nam lẫn chiến thuật “lấn đất”.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, hết tháng 4/2017, Trung
Quốc tiếp tục là 1 trong 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam, đặc biệt số
dự án góp mua và chờ mua doanh nghiệp (DN) Việt khi lên sàn của đối tác này đang
tăng rất mạnh. Lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp, nhà đầu
tư Trung Quốc đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 530 triệu USD so với cùng kỳ năm
trước, tỷ lệ tăng vốn đạt trên 140%.
Cho vay tín dụng cũng là một phương thức khống chế và từ đó dẫn
đến thao túng kinh tế và cả chính trị của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia.
Một phân tích của tác giả Brahma Chellaney trên trang Project
Syndicate, 23/01/2017, do Tạp chí Nghiên cứu quốc tế dịch và đăng tải đã làm
rõ: Thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD,
Trung Quốc đang hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát
triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường là bằng cách cung cấp các khoản vay
khổng lồ cho chính phủ các nước này. Từ đó, các nước ngày càng sa vào bẫy nợ
khiến họ trở nên dễ bị chi phối trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Gánh nặng nợ nần đè lên vai các nước nhỏ càng lớn thì ảnh hưởng
của Trung Quốc với các nước đó càng tăng. Sri Lanka là một trường hợp điển hình
nhất. Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và là chủ nợ hàng đầu của
Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai, qua đó có được ảnh hưởng ngoại
giao lớn đối với nước này.
Còn nhiều ví dụ khác như Nepal, Venezuela, Lào, Campuchia… mà
Trung Quốc đã từng bước khống chế được qua cơ chế cho vay mượn tín dụng.
Việt Nam không hề là ngoại lệ trong số nhiều nước đang phát triển
phải chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc. Không được các nhà đầu tư tổ chức
quan tâm, Việt Nam và một số nước đã không tìm được nguồn vốn cho các dự
án cơ sở hạ tầng lớn. Thế nên khi Trung Quốc xuất hiện, hứa hẹn các khoản đầu
tư rộng lượng với tín dụng dễ dàng, các nước này đều nhận lời. Chỉ sau này thì
mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn rằng mục đích thực sự của Trung Quốc chính là
thâm nhập thương mại và gây ảnh hưởng chiến lược, nhưng khi đó thì mọi chuyện
đã quá trễ, và các nước này bị dính vào một vòng luẩn quẩn với các món nợ từ
Trung Quốc.
Trong quan hệ Việt - Trung, nếu lấy mốc từ năm 2001 theo một thống
kê của Việt Nam, thì từ năm đó đến năm 2016, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc với
quy mô không ngừng tăng qua các năm với tốc độ chóng mặt, từ 200 triệu đô la Mỹ
năm 2001 lên gần 37 tỉ đô la Mỹ năm 2016, tức tăng đến 180 lần (chưa kể con số
nhập siêu 20 tỷ USD từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch).
Trong suốt giai đoạn 2003-2013, Trung Quốc đã thống trị nhóm sản
phẩm ở 4 trong 5 ngành chính là thủy điện, nhiệt điện, xi măng, bauxite, và
sàng tuyển than tại Việt Nam. Hệ quả là mỗi năm, Việt Nam phải nai lưng nhập khẩu
đến 10 tỉ đô la Mỹ cho nhóm sản phẩm máy và thiết bị đồng bộ, trong khi tỉ lệ nội
địa hóa là cực kỳ thấp.
Nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc, từ đó tạo ưu thế
cho Trung Quốc đặt ra các điều kiện như phải mua thiết bị từ chính thị trường của
họ. Thậm chí nếu phía Trung Quốc không “chủ động gợi ý” thì một số doanh nghiệp
Việt Nam cũng quá hiểu là doanh nghiệp Trung Quốc có chế độ bao thư phong bì
thuộc loại nặng nhất thế giới.
Minh Quân/(VNTB)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire