Thụy My
06/02/2021
Chiến hạm USS John S. McCain (P). Ảnh chụp năm 2017
tại eo biển Đài Loan. Roslan RAHMAN AFP
Hải quân Hoa Kỳ hôm 05/02/2021 thông báo khu trục hạm USS John McCain tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải đầu tiên tại Biển Đông của chính quyền Joe Biden.
Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ khẳng định chuyến tuần tra của khu trục hạm USS John McCain nhằm « bảo vệ quyền tự do hải hành gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Quân đội Trung Quốc nói rằng « lực lượng hải quân và không quân theo sát tình hình, và đã ra lệnh cho chiến hạm Mỹ phải rời khỏi khu vực ». Đồng thời lên án Hoa Kỳ « vi phạm trầm trọng chủ quyền của Trung Quốc », « làm ảnh hưởng đến hòa bình khu vực ».
Trong một thông cáo, Hải quân Mỹ phản bác tuyên bố của Bắc Kinh. Trung úy James Adams, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định chiến hạm USS John McCain « chưa bao giờ bị xua đuổi khỏi lãnh thổ một nước khác ». Ông nhấn mạnh rằng khu trục hạm Mỹ « sẽ tiếp tục các hoạt động thường lệ trong vùng biển quốc tế ».
Bản tin của Reuters nhắc lại, Trung Quốc đã cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, sau trận hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Bắc Kinh đã quân sự hóa quần đảo, biến Phú Lâm, đảo lớn nhất ở Hoàng Sa thành căn cứ quân sự kiên cố nhất trên Biển Đông. Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa.
Hôm thứ Năm 04/02 Bắc Kinh cũng đã lên án việc chiến hạm USS John McCain đi qua eo biển Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc luôn dòm ngó.
Trong một diễn biến khác, các nhà quan sát hình ảnh vệ tinh ghi nhận hàng không mẫu hạm Mỹ USS Nimitz bắt đầu băng qua eo biển Malacca để tiến vào Biển Đông.
Sau luật Hải Cảnh, tàu Trung Quốc xâm nhập Senkaku
Tại Biển Hoa Đông, tàu Trung Quốc lần đầu tiên đã xâm nhập vùng biển Nhật Bản kể từ khi luật hải cảnh mới có hiệu lực. Hãng tin Kyodo cho biết hai tàu tuần duyên Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các tàu này hướng về phía hai chiếc tàu đánh cá Nhật gần đó, khiến tuần duyên Nhật Bản phải đến bảo vệ. Ngoài ra còn hai tàu tuần duyên Trung Quốc khác đi gần vùng tiếp giáp, trong đó một chiếc dường như trang bị đại bác.
Hôm thứ Tư 03/02, Tokyo đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc, cho phép hải cảnh Trung Quốc bắt giữ các tàu nước ngoài tại những vùng biển mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
https://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20210206-quan-dao-hoangsa-chienham-my-tuan-tra-lan-dau-tien-tu-khi-biden-nham-chuc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire