Nguyễn Đình Cống
Ngày 9 tháng 9 Bauxitvn đăng bài Mênh mông thế sự số 114 của GS Tương Lai với đầu đề “Nghĩ về hai chữ bản lĩnh”. GS ca ngợi bản lĩnh vững vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số lãnh đạo của nhà nước Việt Nam trong nội trị và đối ngoại trước đây, đồng thời phê phán bản lĩnh hèn yếu của TBT Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo của ĐCSVN gần đây.
Hiện nay, bản lĩnh quá kém của lãnh đạo Đảng và chính quyền đã làm cho đất nước gặp nhiều bất trắc, không mong muốn trong đối ngoại và đối nội (đặc biệt là quan hệ với Trung cộng và chống dịch covid).
GS Tương lai bắt đầu như sau: Nói một cách đơn giản mà súc tích thì bản lĩnh là “cái nền gốc của nhân cách” như định nghĩa của Từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh. Cụ Đào còn cẩn trọng ghi tiếp: “Tài lực và kỹ năng”.
Theo GS, nguyên nhân chủ yếu làm cho bản lĩnh của ông TBT Trọng và các cán bộ ĐCSVN hiên nay quá kém là :”Hệ lụy của việc thiếu nhân tài do không trân trọng trí thức, trân trọng người có tài năng, trọng chính trị (hồng) hơn tài năng (chuyên). Nói rộng ra hơn, đây là sản phẩm của một thể chế toàn trị phản dân chủ, một gánh nặng đè lên vai cả dân tộc cần phải trút bỏ. Một bộ máy quản lý được hình thành từ một hệ thống đào tạo lấy “chính trị làm thống soái” đương nhiên không trọng trí tuệ và tài năng, lấy lập trường và sự trung thành ý thức hệ làm điểm tựa để lựa chọn cán bộ, thì chỉ có thể chọn những “ngu trung” và những kẻ cơ hội bất tài”.
Riêng về ông Trọng, GS nhận xét: “Cam chịu lệ thuộc vào Trung Quốc vì Nguyễn Phú Trọng không đủ bản lĩnh, do anh ta chưa từng được thử thách và rèn luyện trong hoạt động thực tiễn”.
. Ở cuối bài GS tổng kết : “Phải có bản lĩnh để thắng được kẻ thù vô hình luôn thay hình đổi dạng. Làm cách nào để có bản lĩnh đó? ….. Nếu không tôn trọng tài năng, coi nhẹ kỹ năng thì khó có được bản lĩnh đích thực. Muốn thế phải tạo ra một thể chế dân chủ, tạo ra một môi trường tự do để kích thích sự sáng tạo. Làm sao để tạo ra một thể chế dân chủ, tạo điều kiện cho khát vọng tự do để thúc đẩy sự sáng tạo? Một câu hỏi còn bỏ ngỏ”.
Vì câu hỏi còn bỏ ngỏ nên tôi xin lạm bàn thêm vài điều, chủ yếu là làm cách nào để có bản lĩnh.
Từ điển Tiếng Việt ( của Viện Ngôn ngữ học, GS Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa: Bản lĩnh là đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm.
Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 1- xuất bản năm 1995) có mục từ Bản lề, Bản lưu, Bản mặt cầu…nhưng không có mục từ bản lĩnh ( ? ).
Bản lĩnh thường được ghép với Ý chí và Nghị lực, tạo nên một trong ba thành tố của Nội lực mỗi con người. Ba thành tố đó là Kiến thức (hoặc Trí tuệ), Đạo đức và Bản lĩnh. Cơ thể năng lượng của con người có ba trung tâm. Trung tâm trí tuệ ở não, trung tâm đạo đức và tình cảm ở vùng ngực, trung tâm ý chí và bản lĩnh ở vùng rốn.
Bản lĩnh là cái nền gốc của nhân cách. Đây là một nhận xét đúng (chứ không hẳn là một định nghĩa khái niệm), Nhưng cho rằng bản lĩnh do tài năng mà có thì e rằng không chính xác. Vấn đề là bản lĩnh cần kết hợp với tài năng và đạo đức thì mới tạo nên nội lực tốt. Có bản lĩnh mà không có tài năng thì dễ làm điều ngang trái. Có bản lĩnh và tài năng mà thiếu đạo đức thì sẵn sàng làm những điều tồi tệ, độc ác.
GS TL cho rằng “Khi không trọng trí tuệ và tài năng, lấy lập trường và sự trung thành ý thức hệ làm điểm tựa để lựa chọn cán bộ, thì chỉ có thể chọn những “ngu trung” và những kẻ cơ hội bất tài”. Điều này là chí lý, nó liên quan đến những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học trong đường lối cán bộ của Đảng, nhưng ít liên quan đến bản lĩnh.
Trên đời chỉ có một số người có bản lĩnh đáng kể. Một số khác không có bản lĩnh hoặc bản lĩnh rất yếu kém.
Với những người có bản lĩnh đáng kể thì bản lĩnh từ đâu sinh ra?. Nó có sẵn từ Tiên thiên dưới dạng hạt giống tinh thần, chứa trong tiềm thức. Hạt giống này có từ trong bào thai do hấp thụ được khí thiêng sông núi. Hạt giống đó được phát triển và tôi luyện trong cuộc sống để trở nên bản lĩnh vững chắc.
Những người có bản lĩnh kém là do hạt giống tiên thiên quá yếu hoặc có hạt giống khỏe nhưng bị thui chột, bị vùi dập, do tác động bất lợi của hậu thiên, khi con người bị đàn áp đến mức quá sợ hoặc phải dẹp bỏ bản lĩnh để mưu cầu một vài quyền lợi nào đó.
GS TL nhận xét: Nguyễn Phú Trọng không đủ bản lĩnh, do anh ta chưa từng được thử thách và rèn luyện trong hoạt động thực tiễn”.
Về điều này tôi nghĩ hơi khác. Ông Trọng đúng là không đủ bản lĩnh, nguyên nhân chưa từng được thử thách và rén luyện là đúng nhưng đó chỉ là nguyên nhân phụ. Nguyên nhân chính là hạt giống tinh thần về bản lĩnh thuộc tiên thiên của ông ta quá yếu và trong thời gian hình thành tính cách cậu bé Trọng bị nhồi sọ quá nhiều. Điều này tôi đã đề cập đến ở mục VII trong bài “Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng”.
Những con người bình thường cần có bản lĩnh để sống cho ra sống, không bị biến thành nô lệ, như vịt, như cừu. Đối với người phương diện quốc gia thì bản lĩnh là vô cùng cần thiết để làm tròn sứ mệnh. Trong lịch sử Việt Nam đã từng có nhiều vị vua quan, tướng lĩnh, nhiều sứ thần có đầy bản lĩnh cao cường. Trong bài “Nghĩ về hai chữ bản lĩnh” GS TL đã kể ra một số người như vậy. Xin kể thêm vài người làm ngoại giao với Trung quốc, thời xưa như Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, thời gần đây như Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Trọng Vĩnh.
Trước đây trong Đảng CSVN nhiều người có bản lĩnh. Nhưng bản lĩnh của họ không phải do Chủ nghĩa Mác Lê đem lại mà nhờ đã có sẵn trong tiên thiên và tự bản thân họ trui rèn trong hậu thiên trước khi trở thành đảng viên. Họ vào Đảng và đem theo bản lĩnh vốn có. Nhiều người nhìn vào họ và tưởng nhầm rằng Đảng tốt, nhưng không phải. Đó là những cái tốt do một số người đem vào Đảng chứ không phải do bản chất của Đảng.
Xã hội VN hiện nay, trong nhân dân không hiếm những người tài năng và có bản lĩnh, nhưng chính cái bản lĩnh ấy lại làm cho họ không nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo Đảng. Ngược lại trong đội ngũ cán bộ của Đảng từ thấp lên cao lại có nhiều người bản lĩnh rất kém, kể cá một số Tổng bí thư, ủy viên Bộ Chính tri, ủy viên Ban chấp hành trung ương.
Tại sao có hiện trạng trên? Đó là do nền độc tài vô sản chuyên chính theo Mác Lê, do đường lối cán bộ với nhiều sai lầm. Sự nguy hiểm của độc tài, sự sai lầm của đường lối mặc dầu đã được nhiều người chỉ ra, nhưng trong ĐCSVN, từ cao xuống thấp, vẫn không nhận ra được, vẫn hết lòng kiên trì Mác Lê, vẫn ra sức ca ngợi đường lối là quá hay, quá đúng. Họ không nhận ra được vì đầu óc đã bị đầu độc đến u mê hay là cố tình bưng tai, bịt mắt.
Ngoài hai điều trên thì lãnh đạo ĐCSVN còn bị lãnh đạo ĐCS Trung quốc khống chế và lừa bịp. Trong khi ĐCSTQ có đường lối đầy mưu lược, chọn được những người có tài năng và bản lĩnh cao làm lãnh đạo thì họ lại tìm cách dựng lên ở Việt Nam những kẻ kém bản lĩnh để dễ sai khiến và bày mưu cho những kẻ đó triệt hạ những người có tài năng và bản lĩnh do khí thiêng sông núi nước Việt tạo nên. Điều này đã có từ thời nhà Đường với thái thú Cao Biền ra sức tìm và trấn yểm địa linh của Đại Việt.
GSTL viết: “:”Hệ lụy của việc thiếu nhân tài do không trân trọng trí thức, không trân trọng người có tài năng”. Hỏi rằng AI không trân trọng. Trả lời, đó là các lãnh đạo cao cấp. Nhưng chính họ không phải là những người thực sự có tài năng, họ được dựng lên vì những lý do khác ngoài việc có thực tài. Những người như thế thường không biết thế nào là tài năng và không biết tôn trọng tài năng, họ lại rất ghét những người có bản lĩnh, xem những người bất đồng chính kiến là thế lực thù địch.
Để một đất nước có được nhiều người tài năng và bản lĩnh thì đồng thời phải có những tác động vào tiên thiên và hậu thiên. Điều GSTL viết: “Muốn thế phải tạo ra một thể chế dân chủ, tạo ra một môi trường tự do để kích thích sự sáng tạo” là chỉ mới tác động vào hậu thiên. Nó rất quan trọng nhưng chưa phải là quyết định. Còn cần có nhiều hạt giống tốt. Đây lại thuộc lĩnh vực tâm linh mà những người tôn sùng học thuyết duy vật không quan tâm mà còn bài bác.
Vài lời thô thiển, kính mong đươc các bậc cao minh, các bạn đọc phản biện và chỉ giáo.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire