I-Lời giới thiệu
Nhật Bản và Thái Lan, hai nước Á Châu có nền
quân chủ lập hiến [1] vừa làm lễ đăng
quang cho quốc vương của xứ mình vào đầu tháng 5 vừa qua. Điều làm
mọi người chú ý là một bên (Nhật) làm lễ một cách giản dị ngắn
gọn, một bên khác (Thái) hào nhoáng xa hoa kéo dài trong ba ngày. Tân
Nhật hoàng Naruhito lên ngôi sau khi vua cha Akihito tự nguyện thoái vị
ở tuổi 85 trong khi tân quốc vương Thái Maha Vajiralongkorn lên nối ngôi
sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej băng hà năm 2016 sau 70 năm trị vì.
Tân Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Ảnh: REUTERS |
Hai
tân quốc vương cùng ở tuổi ngoài trung tuần, từng du học ngoài nước
thời niên thiếu nhưng về đức độ con người thì hoàn toàn khác biệt.
Nhật hoàng Naruhito thành hôn với Masako Owada một thiếu nữ thường dân
tốt nghiệp đại học Harvard Mỹ và Oxford Anh trong khi quốc vương Maha
Vajiralongkorn đã ba lần từ hôn với tất cả bảy con và vừa cưới thêm
bà Suthida Tidjai, một cựu tiếp viên hãng hàng không Thái và phong làm
hoàng hậu trước ba ngày lễ đăng quang.
Tân quốc vương Maha Vajiralongkorn và tân hoàng hậu Suthida Tidjai. |
II-Hai triều đại lâu đời
1-Triều đại Nhật hoàng
Triều đại Nhật hoàng là một trong những triều
đại lâu đời nhất trên thế giới với ngoài 2600 năm bắt đầu từ Thần
Vũ Thiên hoàng 660-585 TCN.
Nếu tính từ Minh Trị Thiên hoàng Meiji
(1868-1912) trở̉ đi, hoàng đế thứ 122 với niên hiệu Mutsuhito, thì đã
có 4 triều đại tiếp sau là:
-Đại Chính Thiên hoàng Taisho (1912-1926), hoàng
đế thứ 123 với niên hiệu Yoshihito,
-Chiêu Hoà Thiên hoàng Showa (1926-1989), hoàng đế
thứ 124 với niên hiệu Hirohito,
-Bình Thành Thiên hoàng Heisei (1989-2019), hoàng
đế thứ 125 với niên hiệu Akihito,
-Lệnh Hoà Thiên hoàng Reiwa (2019-), hoàng đế
thứ 126 với niên hiệu Naruhito.
Như vậy, tân Nhật hoàng Naruhito là hoàng đế
thứ 126 vừa lên ngôi ngày 1-5 vừa qua. Ông sinh ngày 23-2-1960 và được
phong hoàng thái tử năm 1991. Đặc điểm của ông là sống chung với cha
mẹ và em trai, hoàng tử Fumihito (Akishimo) đến năm 30 tuổi trong khi
các Thiên hoàng Đại Chính, Chiêu Hoà và Bình Thành đều bị tách khỏi
cha mẹ để được nuôi dạy trở thành quân vương từ sớm. Ông tốt nghiệp
khoa lịch sử Đại học Gukushuin Tokyo và tiến sĩ luật dân sự Đại học
Oxford Anh.
Về chế độ thừa kế, luật pháp hiện hành từ
thời Minh Trị giới hạn phụ nữ trong việc kế vị dù trước đó đã
từng có 8 nữ Thiên hoàng mà người cuối cùng là nữ Thiên hoàng thứ
117 Go-Sakurama (1762-1771). Do tân hoàng đế Nahurito chỉ có một công
chúa Aiko sinh năm 2002 nên hoàng tử Fumihito sinh năm 1968 là người
đứng hàng đầu thừa kế ngai vàng, kế tiếp là Hisahito sinh năm 2006,
con của Fumihito. Do đó, có nguồn dư luận kêu gọi thay đổi lại Hiến
pháp như trước đây. Theo một thăm dò gần đây, 80% người Nhật không
chống đối việc một nữ hoàng lên
ngôi.
2-Triều đại Thái Lan
Thái Lan trước thế kỷ XIV có nhiều tỉểu quốc
và bị đế chế Khmer xâm chiếm trong hai thế kỷ XI và XII. Kể từ 1350
chỉ có ba triều đại là:
-Triều đại Ayutthaya (1350-1767) với thủ đô
Ayutthaya,[2]
-Triều đại ngắn ngủi Taksin (1767-1782) với thủ
đô Thonburi,
-Triều đại Chakri từ năm 1782 cho đến nay với
thủ đô Bangkok.
Triều đại Ayutthaya kéo dài hơn 400 trăm năm do
vua Ramathibodi sáng lập. Triều đại này trải qua nhiều biến cố lớn
như việc đánh chiếm thủ đô Angkor của đế chế Khmer đương thời suy
thoái năm 1431 nhưng sau đó bị lân bang Miến Điện cướp phá thủ đô năm
1569 rồi cuối cùng thiêu huỷ năm 1767.
Vua Yodfa Chulaloke (1737-1809) là người sáng lập
triều đại Chakri năm 1782 lấy Bangkok làm thủ đô. Triều đại này ra đời
cùng lúc với triều đại anh em Tây Sơn Quang Trung Nguyễn Huệ của Việt
Nam và tiếp theo đó là nhà Nguyễn của vua Gia Long.
Theo truyền thống, các vua Chakri giữ danh hiệu
Rama, đại diện của thần Vishnu trong sử thi Ramayna của Ấn Độ. Kể từ
khi thành lập từ 1782 tới nay, vương triều Chakri đã qua 9 đời vua.
Trong các vua của triều đại Chakri, vua Bhumibol Adulyadej (Rama IX) là
vua trị vì lâu nhất với 70 năm và cũng là vua được quần chúng sùng
bái nhất. [3]
Tân quốc vương Vajiralongkorn sinh ngày 28-7-1952
và được phong hoàng thái tử năm 1972. Từ lúc 13 tuổi, ông du học ở
Anh quốc trong 5 năm rồi sau đó được đào tạo tại trường quân sự hoàng
gia Duntroon ở Canberra Úc Châu trong bốn năm. Sau đó, ông tiếp tục được
đào tạo quân sự cấp cao ở nhiều nước Âu Mỹ. Truyền thông nói rằng
ông không phải là một sinh viên thuộc loại ''suất sắc''. Lại còn có
tin đồn rằng ông là người lăng nhăng, cờ bạc và kinh doanh phi pháp.
Truyền thông cũng nói ông ''giống'' TT Mỹ Donald Trump về tính không
thể dự kiến thậm chí ngông cuồng. Chẳng hạn như ông thăng hàm ''nguyên
soái'' binh chủng không quân cho con chó cưng Fu-Fu của mình hay phong
người tình nhân Suthida Tidjai, một cựu tiếp viên hãng hàng không Thái
hàm ''đại tướng'' bốn sao trước khi phong làm hoàng hậu. Trong thời
gian làm thái tử, ông thường sống ngoài nước đặc biệt ở vùng
Bavière của Đức. Trong những lần đi nước ngoài, ông tự lái máy bay
Boeing 737 của mình. Ngoài ra, tuy là một quốc vương biểu tượng, ông
là người chỉ huy đoàn vệ binh hoàng gia với 5000 quân và có tiếng
nói quyết định đối với Cục quản lý bất động sản hoàng gia được
ước tính khoảng 30-40 tỷ USD và tạo cho hoàng cung khoảng 300 triệu
USD thu nhập hàng năm.
Về việc thừa kế, hoàng gia Thái Lan, từ năm
1978, chấp nhận nữ giới trong trường hợp không có nam giới thừa kế.
Đây cũng là vấn đề ''gay go'' cho vị tân quốc vương có cuộc sống sóng
gió và hào nhoáng này. Như trên có nói vị quốc vương 67 tuổi này đã
ba lần từ hôn với tất cả bảy con và vừa kết hôn với một cựu nữ
tiếp viên của hãng hàng không Thái 40 tuổi. Dù hai người đã sống
chung từ năm 2007 nhưng vẫn không có con.
Với người vợ đầu là công nương Soamsawali từ năm
1977-1993, ông có một công chúa sinh năm 1978. Tuy nhiên, vào lúc đó ông
dan díu với một nữ diễn viên trẻ Yuvadhida và có 4 trai và một gái
với bà này từ năm 1979 đến năm 1987. Hai người chính thức kết hôn năm
1994 nhưng đến 1996 thi ông công khai từ bỏ bà này cùng 4 người con trai
của mình. Năm 2001, ông kết hôn với người vợ thứ ba Srirasmi và có một
trai tên Dipangkorn sinh năm 2005. Tuy nhiên, bà Srirasmi bị tước danh hiệu
hoàng gia cùng 9 người họ hàng của mình năm 2014 vì bị cáo buộc lợi
dụng danh nghĩa thái tử.
Như vậy, ai sẽ là người thừa kế khi vị tân
quốc vương này băng hà?. Trong 5 hoàng nam của ba người vợ từ hôn trong
đó có 4 người mà ông đã công khai từ bỏ, chỉ còn hoàng nam Dipangkorn
mà người ta thấy có mặt ở buổi lễ đăng quang có khả năng trên lý
thuyết lên kế vị? hoặc người em gái công chúa Maha Chakri Sirindhorn
sinh năm 1958 được hoàng gia và quần chúng yêu chuộng nhưng không được
vua anh ưu ái.
Tương truyền còn nói rằng vua cha Bhumibol, lúc
còn sinh thời, không mấy ''hài lòng'' về người con kế vị của mình
trong khi ông Prem Tinsulanonda, người đứng đầu Viện Cơ Mật cũng tỏ ra
rất dè dặt và có lúc muốn ''hạn chế'' quyền lực của vị tân vương
này.
III-Lễ đăng quang
1-Nhật hoàng Lệnh Hoà Naruhito
Cảnh tân Nhật hoàng Naruhito được dâng ba báu vật trong buổi lễ đăng quang ngày 1-5-2019. |
Do Nhật hoàng Bình Thành Akihito tự nguyện
thoái vị sau đúng ba thập niên trị vì nên thái tử Naruhito lên kế vị.
Việc Nhật hoàng Akihito tự nguyện thoái vị là một động thái chưa
từng có từ trước đến nay.
Theo quy định của hoàng gia Nhật Bản, giới phụ
nữ hoàng gia bao gồm Hoàng hậu Masako và công chúa Aiko không được tham
dự buổi nghi lễ đăng quang. Họ chỉ được tham gia khi tân Nhật hoàng
đọc diễn văn trước khoảng 300 quan khách.
Thái tử lên ngôi xuất hiện trong trang phục thân
áo đuôi tôm (en queue de pie), mang một chuỗi dài và huân chương. Do
hoàng gia Nhật không có vương miện (crown) nên thái tử lên ngôi được
trao ba báu vật thiêng liêng còn gọi là tam chủng thần khí bao gồm
thanh kiếm, tấm gương và một viên châu báu được người Nhật tin là
truyền từ các vị thần. Ba báu vật này tượng trưng cho lòng dũng
cảm, sự sáng suốt và lòng nhân từ và được coi là biểu tượng của
quyền lực hoàng đế.
Trong buổi đăng quang, tân Nhật hoàng Naruhito
hứa:'' Tôi sẽ sát cánh với người dân Nhật Bản, hành động theo Hiến
pháp và luôn hướng tới suy nghĩ của người dân''. Toàn nghi lễ chỉ
kéo dài trong 6 phút. Tuy nhiên, nghi lễ lớn và long trọng sẽ diễn ra
ngày 22-10 tới.
2-Quốc vương Maha Vajiralongkorn
Vua Vajiralongkorn mặc vương phục và đội vương miện trong ngày lễ đăng quang 4-5-2019. |
Lễ đăng quang kéo dài trong ba ngày từ 4 đến
6-5. Ngày đầu, nhà vua được binh sĩ trong quân phục lộng lẩy khiêng
bằng xe kiệu đi qua các phố cổ lịch sử để nhận lời chúc tụng của
khoảng 200 ngàn quần chúng đứng dọc theo tuyến đường diễn hành dài 7
cây số từ hoàng cung đến các chùa lớn đặc biệt là chùa Watt Pho nơi
có tượng Phật nằm nổi tiếng dài 46 thước. Ngày cao điểm là ngày 5-5
khi có tới 700-800 ngàn người đổ về các khu vực xung quanh hoàng cung.
Cuộc lễ có sự tham dự của hơn một ngàn binh sĩ được tuyển chọn và
bắt đầu bằng 21 loạt súng đại bác. Lễ đăng quang được ước tính tốn
kém khoảng 30 triệu USD.
IV-Thay lời kết
Như trên đã thấy, lễ đăng quang của hai tân vương
Nhật Bản và Thái Lan diễn ra như hai thái cực. Một bên tuy đơn giản
nhưng không kém long trọng, một bên xa hoa hào nhoáng tốn kém ngân quỹ
quốc gia. Việc thừa kế trong tương lai ở Nhật đã được qui định rõ
rệt trong khi ở Thái Lan còn là một ẩn số lớn. Nếu tình hình chính
trị ở Nhật Bản không có gì đáng nói thì tình hình chính trị ở
Thái Lan sau tổng tuyển cử trong tháng ba vừa qua vẫn còn bấp bênh.
Đảng thân quân đội đang tìm đồng minh để tiếp tục cầm quyền. Do đó,
không ít người nghĩ rằng triều đại Chakri sẽ không bền vững với vị
tân vương có cuộc sống không bình thường này.
Paris 12 tháng 5-2019
Chú thích
[1] Hiện nay ở Á Châu còn có 6 nước giữ nền
quân chủ lập hiến là: Bhutan, Brunei, Campuchia, Mã Lai, Nhật Bản, Thái
Lan.
[2] Ayutthaya nằm trên phía bắc Bangkok còn nhiều
di tích lịch sử là nơi được du khách ưa thích đến tham quan.
[3] Xem thêm cùng tác giả: ''Thái Lan- Sau tổng
tuyển cử, viễn tượng đi đến dân chủ còn xa'', trên DQVN ngày 23-4-2019.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire