24/09/2011

AI TIẾP KIẾN AI?

Tôi vốn lờ mờ về chữ nghĩa, văn phạm và chính tả do hồi bé học trường làng thời đói nghèo những năm tiểu học, học không đến nơi đến chốn. Thú thật sau nầy viết không sai lắm về văn phạm Tiếng Việt là nhờ vào học ngoại ngữ. Nhân đây cũng xin lỗi mọi người bỏ qua cho khi đọc những bài viết trên blog của tôi thỉnh thoảng có chỗ sai chính tả. Do vậy khi có ai bàn chuyện chữ nghĩa tôi hay quan tâm để học hỏi. Cái vụ "tiếp kiến" là nội dung chính của bài viết dưới đây, tôi khá lờ mờ. Qua anh Phạm Viết Đào rồi sau đó là Chị Phương Anh trên Blog Anh Vũ bàn qua tán lại làm tôi sáng ra. Tôi đồng ý với chị Phương Anh nhiều điểm nhưng cái vụ "ông nhỏ mà tiếp kiến ông lớn" thì tôi còn thấy hơi lờ mờ và cái vụ bỏ chữ Hán Việt thì tôi không đồng ý lắm. Tôi chép lại bài viết của chị Phương Anh và cả những phản hồi để tiện việc tra cứu chứ không có ý gì khác.

Nói chuyện chữ nghĩa (1): Ai “tiếp kiến” ai?

Entry này của tôi lấy “cảm hứng” từ một entry trên blog của nhà văn Phạm Viết Đào, viết về một mẩu tin đã đăng trên trang web của Đảng Cộng Sản Việt Nam liên quan đến việc đoàn đại biểu quân sự Việt Nam sang thăm Trung Quốc và được ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch nước của TQ tiếp đón. Chỉ là một mẩu tin nho nhỏ, nhưng điều đáng nói ở đây là cách dùng từ trong cái tựa đề của mẩu tin ấy. Nguyên văn cái tựa ấy như sau:
“Đoàn đại biểu chính trị quân sự nước ta tiếp kiến Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.” Entry ấy ở đây.

Điều đáng nói (tranh luận, phê phán?) ở đây là cách dùng của hai từ “tiếp kiến”. Theo nhà văn Phạm Viết Đào thì dùng từ “tiếp kiến” như vậy là sai, vì đoàn đại biểu nước ta là khách, còn phía TQ là chủ, vậy phải viết là TQ tiếp kiến ta, chứ không phải là ngược lại.

Tôi đọc, thấy cũng có lý. Nhưng trước hết, cứ phải đi tra từ điển cái đã. Theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa-Thông tin (1999) – là cuốn từ điển tôi hay dùng vì có sẵn ở nhà – thì từ này có nghĩa là “gặp và nói chuyện”. Định nghĩa như thế này thì còn sơ sài quá phải không, vì mới giải thích nghĩa Hán Việt sang nghĩa “nôm”, nhưng chưa cho ta biết cách dùng.

Tôi bèn lên mạng tìm tiếp. May quá, còn nhiều cách giải thích khác nữa, giúp tôi hiểu rõ cách dùng từ “tiếp kiến” hơn.

Ví dụ ở đây: http://www.baochivietnam.com.vn/trao-doi/chu-nghia/229. Một lời giải thích rất hay, dành cho những người làm nghề viết lách chuyên nghiệp (vd như nhà báo ở trang web của ĐCSVN). Xin chép nguyên văn dưới đây:

Nói tóm lại: “yết kiến” là ông nhỏ với ông to, “tiếp kiến” thì ngược lại, ông to với ông nhỏ, còn “hội kiến” thì là hai ông vỗ vai nhau. Chấm hết.

Nhắc lại nhé: Ông (bà) to “tiếp kiến” ông (bà) nhỏ; ông (bà) nhỏ “yết kiến” ông (bà) to; còn hai ông (bà) ngang cấp với nhau thì dùng từ “hội kiến”. Nhớ cho rõ để mà dùng đúng nhé.

Lời giải thích nói trên cũng đúng với định nghĩa của wiktionary. Theo wiktionary thì tiếp kiến có nghĩa là từ dùng để nói về một nhân vật quan trọng đón rước người đến thăm chính thức. Có thể đọc ở đây:
http://vi.wiktionary.org/wiki/ti%E1%BA%BFp_ki%E1%BA%BFn

Như vậy, entry của nhà văn PVĐ khi phê phán cách dùng từ “tiếp kiến” trên trang web của ĐCSVN là theo nghĩa ở trên. Tức phân biệt chủ, khách, và thứ bậc to nhỏ. Ông to đứng ra tiếp người khác thì ông ấy là chủ ngữ của động từ tiếp kiến.

Cách dùng này có thể thấy rõ qua những tựa báo sau đây:

Chủ tịch nước tiếp kiến những nhà khoa học được trao giải thưởng, ở đây: http://tintuc.xalo.vn/001082883708/Chu_tich_nuoc_tiep_kien_cac_nha_khoa_hoc_duoc_trao_Giai_thuong_Nhan_tai_dat_Viet_2009.html

Tổng thống Indonesia tiếp kiến Thủ tướng VN, ở đây: http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/indonesia-vietnam-09-14-2011-129795473.html.

Nhưng hình như cũng còn một cách dùng khác, không phân biệt là ai chủ ai khách, mà chỉ phân biệt to, nhỏ mà thôi. Theo cách dùng này, người nào nhỏ thì phải “tiếp kiến” người to, tức là ngược lại với cách dùng ở trên (và không phân biệt ai chủ, ai khách, nhớ nhé).

Cách dùng này không hề kém phổ biến, mà thậm chí còn phổ biến hơn thì phải. Này nhé, thử đọc các tựa báo dưới đây:

Tổng giám đốc công ty dầu khí của ta tiếp kiến lãnh đạo cấp cao của chính phủ Lào, ở đây (nhớ là ông TGĐ ấy đến Lào, tức là khách, chứ không phải là chủ): http://www.pvep.com.vn/Default.aspx?pageid=32&mid=79&breadcrumb=138&intSetItemId=138&action=docdetailview&intDocId=737

Trên trang Đại sứ quán VN tại Thổ Nhĩ Kỳ thì có Đại sứ Nguyễn Sỹ Xung tiếp kiến Phó TTg Thổ Nhĩ Kỳ, ở đây: http://www.vietnamembassy-turkey.org/vi/nr070521165843/nr070801003815/ns080314161230.

Công thần số một Microsoft tiếp kiến thủ tướng VN: http://www.quantrimang.com.vn/tintuc/tin-trong-nuoc/38012_Cong-than-so-1-Microsoft-tiep-kien-Thu-tuong-VN.aspx

Gặp sinh viên được tiếp kiến Tổng thống Nga: http://www.zing.vn/news/teen-viet/gap-sinh-vien-viet-duoc-tiep-kien-tong-thong-nga/a73586.html

Bộ trưởng tư pháp Campuchia tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: http://moj.gov.vn/ct/tintuc/lists/thongtinkhac/view_detail.aspx?ItemID=4255

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tiếp kiến Quốc vương và hội kiến Thủ tướng Campuchia: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=73&NewsId=223701

A ha, ở đây ta thấy rõ sự khác biệt về “đẳng cấp” giữa tiếp kiến và hội kiến. Ông NSH gặp quốc vương người ta thì phải tiếp kiến, gặp thủ tướng (ngang hàng) thì hội kiến.

Trên trang web Hoa Trạng nguyên thì có tin 125 Hoa Trạng nguyên tiếp kiến Chủ tịch nước, ở đây: http://hoatrangnguyen.vn/home/THONG-TIN-GIAI-THUONG/125-Hoa-Trang-nguyen-tiep-kien-Chu-tich-nuoc/2010/11/channel352/article10627/topic-1/View.htm.

Cô nữ sinh viên người Chu Ru tiếp kiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, tin ở đây: http://www.dhts.edu.vn/nu-sinh-vien-nguoi-dan-toc-chu-ru-dau-tien/06/08/

Ông Lý Kim Nguyên thì tiếp kiến Phó chủ tịch nước, còn PCT nước thì tiếp ông Nguyên, ở đây: http://unicore.net.vn/Chu-tich-tap-doan/Ong-Ly-Kim-Nguyen-tiep-kien-Pho-chu-tich-nuoc

Quay trở lại trang web của Đảng Cộng sản VN. Tựa của mẩu tin thì viết Đoàn đại biểu quân sự tiếp kiến Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, ở dưới có tấm hình ghi là Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp ông gì đó, nhớ nhé, chỉ có “tiếp” thôi, không có “kiến”, ở đây: http://www.cpv.org.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=479322

Như thế cũng không sai, phải không, vì ông PCT nước TQ thì to hơn đoàn đại biểu quân sự của ta mà?

Cũng là một bài học về dùng tiếng Việt, và nhất là tiếng Hán – Việt. Mà này, bây giờ mối đe dọa TQ đang ngày đêm rình rập, thì liệu mình có nên dùng tiếng Hán – Việt như vậy nữa không, hay là … quay trở lại phong trào dùng chữ nôm (thuần Việt), như HCT đã từng có một thời thực hiện không nhỉ? Ví dụ: không nói là xạ thủ, mà nói là người bắn, chẳng hạn?
Được đăng bởi Vũ Thị Phương Anh vào lúc Thứ tư, tháng chín 21, 2011
Phản ứng: 


3 nhận xét:



Gốc Sậy nói...
Gửi bác ý kiến NGUỒN cho bài của bác Đào. Rõ rồi nhé ! đã nói 19/09/2011 lúc 10:26 http://anhbasam.wordpress.com/2011/09/19/tin-th%E1%BB%A9-hai-19-09-2011/ Đọc lại báo điện tử ĐCSVN: Đoàn đại biểu chính trị quân sự cấp cao nước ta TIẾP KIẾN Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ………………. Theo dân gian thì TIẾP KIẾN có nghĩa RẤT HÈN HẠ: thường là “xin được tiếp kiến” Nhưng, Tiếp kiến tiếng Tàu là 接見, tiếng Anh là Receive a hearing, tiếng Pháp là Recevoir en audience (nhận một phiên điều trần). Từ điển tiếng Việt cũng giải thích từ này có nghĩa là “Gặp và nói chuyện” NHƯNG dùng trong trường hợp một nhân vật quan trọng “gặp và nói chuyện” với người đến thăm chính thức. Ví dụ: Chủ tịch nước tiếp kiến đoàn ngoại giao. Nghĩa là để cho ĐÚNG TIẾNG VIỆT thì cái tai-tồ kia phải đảo lại, thành “Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình TIẾP KIẾN Đoàn đại biểu chính trị quân sự cấp cao nước ta” Báo ĐCSVN đang tâp tọng học tiếng Tàu nên dùng SAI cả từ Hán Việt. Ối dời ơi, đúng tiếng Tàu phải dùng TRIỀU KIẾN, BỆ KIẾN 陛見 , yết kiến 謁見, bái kiến 拜見mới đúng các bố ạ. Liếm cũng phải cho ra liếm chứ. Nhục quá, trong khi website Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc-CRI giật tít “Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Đoàn cán bộ Chính trị quân sự cấp cao Việt Nam”- http://vietnamese.cri.cn/421/2011/09/16/1s161499.htm
Nặc danh nói...
Cuối bài VTPA đặt câu hỏi có nên theo gương HCT dùng chữ Việt tất cả, bỏ từ Hán Việt.. Tôi xin hỏi, có nên viết như HCT "Thư gửi các cháu dân quân gái" ở khu Bốn bắn máy bay Mỹ giỏi hồi trước 1975 không? Ai có thể chủ trương và bằng cách nào thay thế 40 % từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt ? Giang Nam lãng tử
Nặc danh nói...
Cái cách dùng từ tiếp kiến này cũ quá. Tui chỉ biết là bên Đức chỉ dùng từ Audienz khi được Đức Giáo Hoàng tiếp. Còn lại là gặp và làm việc. VN chắc vẫn còn cái đuôi phong kiến.

2 commentaires:

  1. "xạ thủ" không thể thay bằng "người bắn". Xạ thủ là người bắn giỏi,chuyên trách."Người bắn" là bất cứ ai cầm súng/cung nỏ trong tay bắn ra một phát. Tuy nhiên dùng từ ngữ còn tùy hoàn cảnh, ngữ pháp.
    "Tiếp kiến" là từ ngữ thường dùng, chả khó gì hết. Ai là chủ của của động từ đó thì là chủ nhân. Ai là tân ngữ (tân nghĩa là:khách) thì là người đến thăm/gặp và nói chuyện. Nhìn chung nghĩa từ "tiếp kiến" bình đẳng, không phân cao thấp nhưng dùng theo cách trang trọng khi cần thiết.Hàng xóm, bạn hữu thăm nhau thì không cần dùng. Thế thôi. À, nói chuyện tiếng Anh có đến khoảng 40% tiếng gốc Pháp, người Anh có phàn nàn việc này không. Chắc là không. Thực ra dnâ Việt bây giờ nói đến đám lãnh đạo cộng sản TQ là căm ghét rồi, chẳng trách ghét cả tiếng gốc Tàu.
    Giang Nam lãng tử

    RépondreSupprimer
  2. Cám ơn Giang Nam Lãng Tử đã chỉ giáo

    RépondreSupprimer