Mar 22, '12 6:29 AM for everyone |
Trưa ngồi ở quán cà fe số 27 Trần Bình Trọng, quán trước có tên là quán Việt Văn giờ đổi chủ thành tên quán gì không nhớ. Không gian quán hẹp hơn, gam chủ đạo màu xám thay cho màu đỏ trước kia. Nhìn sang bên khách sạn Công Đoàn thấy một nhóm các thiếu nữ đứng chờ ai, có cô tay lăm lăm máy quay phim , có cô thì cầm những tấm khẩu hiệu. Họ cứ đừng chờ ở đó đến cả tiếng đồng hồ, chốc lại ngó vào trong sân khách sạn hò reo, vỗ tay và lại ngẩn ngơ tắt lịm. Mình nhìn thì thấy các cô thiếu nữ ngóng chờ rất tội nghiệp, đứng bao lâu, chả ăn uống gì.
Mãi sau có một tốp lính mặc áo rằn ri, nhìn như quân đội Hàn Quốc đi ra ô tô, chủ quán bảo. Chắc là bọn trẻ đón sao Hàn rồi.
Mình cứ nghĩ là sao Hàn thuê một đống quân lính Hàn đi theo để bảo vệ. Ngồi thêm lúc lâu thấy nhao nhao , bèn chạy sang xem. Chả biết ai ra ai, chụp bừa. Thấy có em gào
- Ôi anh Boi roong ơi, sao anh trắng thế
Em khác gào.
- Anh Roang ơi, em ở đây này, anh đẹp trai quá anh ơi
Cái từ Roong hay roang hay rang rang mẹ gì đó mình nhớ không chính xác, đại khái là rổn roảng , loảng xoảng như vậy. Thế là chụp các em Việt nhà ta cầm khẩu hiệu, xô đẩy, chen lấn đòi đến gần thần tượng. May thế nào bọn bảo vệ nó tưởng minh là phóng viên, lên nó cho mình vào vòng trong để quay ra chụp các em Việt đang trong cơn hưng phấn, em thì cười rạng rỡ, em thì nghẹn ngào rớm lệ.
Lúc này mình mới quay sang xem nhân vật chính mà các em trông ngóng đấy là ai, mù tịt. Mình chỉ thấy đám lính Hàn và mấy em gái. Mình nghĩ chắc em gái nào đứng với đám lính Hàn đó là sao điện ảnh Hàn Quốc. Cứ chụp bừa mấy nhát.
Khi quay lại quán cà fe, em nhân viên bảo đó là Bi Rain đấy. Mình phải bảo em ý viết ra giấy cho mình biết tên, chứ đọc thì mình chịu không biết viết thế nào. Mình hỏi thế thằng Bi này làm gì, em kia cho biết là ca sĩ ngôi sao Hàn Quốc, giờ đang đi lính nghĩa vụ.Em chỉ Bi Rain cho mình biết mặt.
Nhìn lại sang bên đường, các em thiếu nữ Việt vẫn đứng ngóng chờ, dù sao đã quay vào trong khách sạn. Một ông già ngoài tám mươi lưng còng vác bao tải đựng rác nhặt được băng qua đường, ông cụ không ngóc nổi đầu lên, như con rùa lụ khụ mò mẫm từng bước.
Và một chiếc xe máy chở ba người không đội mũ bảo hiểm đi qua, họ có dáng là những công chức.
Rồi một xe chở đầy công an.
Tiếp tục lang thang, đi qua Ngô Quyền thấy bà con nông dân khắc khổ, quần áo nhàu nhĩ ngồi lê la ở vìa hè số nhà 36 Ngô Quyền. Ánh mắt họ nhìn sang tòa nhà 35 bên kia đường ngóng đợi rất thê lương. Những người phụ nữ lam lũ, mệt mỏi và đầy vẻ nhẫn nhục, cam chịu hướng về phía tòa nhà quốc hội để ngóng trông.
Ngẫm nghĩ về những cô thiếu nữ Việt rạng rỡ chờ ngóng đón sao Hàn, các cô nhìn thấy được thần tượng của mình dù chờ đợi hơn tiếng đồng hồ. Còn góc đằng kia không xa, những người dân nghèo nhếch nhác mỏi mệt này cũng chờ ngóng các siêu sao của ban nhạc quốc hội suốt từ sáng đến chiều mà chưa thấy siêu sao nghị nào xuất hiện.
Báo chí sẽ đưa hình ảnh về các thiếu nữ Việt đón sao Hàn.
Nhưng báo nào sẽ đưa bà con nông dân nghèo chờ đón sao nghị.
Cũng là chờ, cũng là băng rôn. Trong cùng một ngày, cách nhau có vài phút đi xe máy. Sự chờ đợi nào đáng được ưu tiên lên mặt báo hơn, nhất là một nền báo chí để phục vụ nhân dân như vẫn tuyên truyền.?
Hay quá ! Tác giả so sánh hay quá ! Từ đó nêu bật lên nét ưu việt của chế độ ta !
RépondreSupprimerĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÔNG CẦN LÁ PHIẾU CỦA NHÂN DÂN, NHÂN DÂN KHÔNG GIÚP ÍCH GÌ CHO ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, NÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÔNG THÈM TIẾP NHÂN DÂN. ĐÓ LÀ DÂN CHỦ KIỂU PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN THỊ DOAN.
RépondreSupprimerThật là khắm khú quá mức, nền văn hóa VN và 1 bộ phận tuổi trẻ VN đang đi vào vũng lầy khó thoát ra nổi. Họ đã quá bế tắc trong lối sống nên quay ra hâm mộ đến phát rồ mọi thứ của một nền văn hóa xa lạ.
RépondreSupprimerHãy nhìn những bộ quân phục này hơn 40 năm trước ở miền Nam nước ta thì khi đó ít kẻ vẫy gọi ngóng trông mà là bằng dao găm và lựu đạn.
Nguyenmucar: Cần cho lớp trẻ thanh niên sống như vậy ! Bọn nó sẽ quên đi tất, cả những đồng bào khốn khổ của họ!
RépondreSupprimerĐịnh hướng như vậy,còn những người làm công ăn lương thi lo lắng việc tăng phí, tăng giá, tăng xông.......
Còn các nhà hoạch định vĩ mô đang nghiên cứu xem đi hướng nào? Đông ,tây ,nam, bắc?
Một xã hội trẻ không có lý tưởng. Già không được chăm sóc.
RépondreSupprimerXã hội chủ nghĩa này đáng vứt đi
Nhân nói về các ông nghị( ĐBQH)tôi có mấy nhời thế này:
RépondreSupprimer1-Trong các kì họp quốc hội( nghị trường)các ông nghị bà nghị có mấy ai dám nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật. có chăng chỉ đếm trên đầu ngón tay được( cụ Thước,bác Thuyết, bác Quốc,hay chị Loan)
2- Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, nhưng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CS việt nam.Nên khi thông qua dự án mở rộng thủ đô năm 2008, khi họp trù bị thì 85% đại biểu bấm nút không tán thành. Khi họp chính thức quyết định có hay không mở rộng thủ đô, Trước khi các đại biểu bấm nút, thì ông NPT chủ tịch QH đã tuyên bố trong hội nghị là: " việc mở rộng thủ đô là nghị quyết của bộ chính trị, yêu cầu các đại biểu QH là đảng viên phải chấp hành". Và thế là 95% bấm nút tán thành việc mở rộng thủ đô!
bởi lẽ các đại biểu QH hầu hết là Đảng viên, chỉ có mấy vị thượng tọa " thích nhà sư" là không phải ĐV !!!Như vậy Đảng ta là đảng cầm quyền nên lãnh đạo QH và hành xử trên hiến pháp, pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã yêu cầu QH thành lập ban kiểm tra với vụ "chìm con tàu Vinasin - với thất thoát 80.000 tỉ ", nhưng rồi chủ tich QH đã kết luận: Việc này không cần thiết!đó thôi.
Vậy thì dân ta có bị thu hồi tí đất , tí cát, bị oan sai khi bị cưỡng chế mà tụ tập mong được gặp các " Sao nghị" thì quả là tìm ánh bình minh công lí giữa đêm 30 tết!!!
Còn lớp trẻ, chúng bây giờ rất thực dụng và thức thời, nên chúng đi tìm " sao Hàn" thì để được giải trí cũng là lẽ hợp thời cuộc mà !
Lớp trẻ bây giờ hay dùng từ thần tượng. Thời của mình chỉ là những gương danh nhân, gương những người đáng tôn trọng thế thôi
RépondreSupprimerLớp trẻ luôn luôn nhìn vào gương những người đi trước. Ngoài cuộc sống gia đình lớp trẻ luôn luôn nhìn và tìm bạn, tìm nhóm ở ngoài xã hội. Điều đó sẽ làm cho lớp trẻ năng động sau này khi ra đời. Nhưng hôi nhóm ngoài đời có gì ? Ngoài đội thiếu niên tiền phong và Đoàn thanh niên cộng sản thì gần như các tổ chức hoạt động khác không tồn tai hoặc có tồn tại thì hoạt động một cách què quặt hoặc không được chăm bón. Mà sự chăm bón luôn cần thiết cho tất cả, từ cây cối, đạo đức, niềm tin tôn giáo.., tình yêu.Chưa nói những người có tâm huyết với các tổ chức đó : Thanh niên hướng đạo, sinh hoạt gia đình phật tử, thanh niên công giáo, tin lành…có thể gặp tai họa bất cứ lúc nào. Không nói đâu xa nhìn tình trạng Pháp Luân Công của Trung Quốc khi lớn mạnh thì sẽ hút nguồn lực , nhân tài, niềm tin…và chính vì thế mà bị tiêu diệt và đàn áp…dầu không làm chính trị.
Lớp trẻ cũng khó nghe lời cha mẹ. Cha mẹ dạy con thành thật, trung thực, thẳng thắn, dám nói và dám chịu trách nhiệm…những đức tính tốt cần thiết để hình thành nên nhân cách một con người thì thử hỏi khi đứa con đó gia nhập xã hội hiện nay nó sẽ ra sao ? Để tồn tại thì chắc là nó phải suy nghĩ và hành động khác. Có thể trong suy nghĩ nó còn nghe lời cha mẹ nhưng hành động nó sẽ khác
Hơn nữa lớp trẻ luôn luôn năng động và tìm tòi khám phá. Lớp tuổi già đã có sức ỳ. Và thế hệ trẻ ngày nay luôn luôn sử dụng tối đa phương tiện vi tính, internet. Ví dụ sống và học tập theo gương …chỉ vài cái click chuột là sẽ ra một trời thông tin mà ngày xưa gọi là bí ẩn nơi chốn cung đình. Thông tin trên mạng thật có, ảo có nhưng với lớp trẻ có đầu óc suy xét thì qua lập luận logich sẽ biết cái nào đúng nào sai.
Viết tới đây mình lại nhớ chuyện Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Dùng chuyện ma nói chuyện người hay người là ma :
Nói láo mà chơi nghe láo chơi
Giàn thưa lún phuns hạt mưa rơi
Chuyện đời chắc hẳn không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời
Khi nói chuyện với nhiều bạn trẻ, rất nhiều bạn không biết Nguyễn Hiến Lê là ai tự nhiên tôi thấy hơi buồn. Những ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương .. gần như trở thành thần tượng trong giới trẻ. Chắc do họ làm ra tiền nhiều, sống hào nhoáng …nhưng thiển ý của riêng tôi để cho các bạn trẻ không biết những người như Nguyễn Hiến Lê, Trần Trọng Kim, Vương Hồng Sển …những người góp phần rất nhiều cho văn hóa Việt Nam là một thiếu sót của những người lớn tuổi
Dầu khi vào nhà sách gần như những quyển sách của cụ Nguyễn Hiến Lê trong thời đại ngày nay vẫn tiếp tục phát huy tác dụng tích cực của nó. Nó vẫn hiện diện suốt từ Bắc vào Nam vì thể loại của cụ viết rất đa dạng. Và tương lại vẫn sẽ hiện diện những tác phẩm của cụ nhiều. Vì thế tôi muốn góp thêm một tiếng nói về cụ Nguyễn Hiến Lê để lớp trẻ được biết