18/11/2013

LŨ DỮ NÓI GÌ?

Lũ dữ nói gì?


18-11-2013
Thanh Như
a
Miền Trung lại vừa tan hoang trong lũ dữ. Trận lũ kinh hoàng này làm 33 người chết và mất tích, lớn hơn tổng số người thiệt mạng trong trận siêu bão Haiyang vừa qua, theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tính đến sáng 17-11. Lũ lên nhanh bất ngờ do các hồ chứa xả lũ ào ạt khiến cả trăm ngàn ngôi nhà bị ngập, bị sập và tốc mái, ruộng vườn bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng vạn người dân thức trắng chống chọi với những con nước điên cuồng từ thượng nguồn đổ về dâng nhanh ngoài  sức tưởng tượng.

“Giải trình” muôn thuở có thể vẫn là mức lũ bất ngờ lớn, xả lũ đúng quy trình nhưng lượng mưa rất to vượt quá tầm kiểm soát, quá tầm thiết kế hồ đập, tất cả là do biến đổi khí hậu, khiến không ai trở tay kịp? Lối giải trình đổ lỗi cho trời đất đó khiến trận lũ nào cũng hóa “lịch sử”, ứng phó lúng túng mà hệ lụy nặng nề từ sự vô trách nhiệm của nhân tai mỗi ngày một trầm kha. 
 
Đây thực ra là hệ quả tất yếu của phá rừng và thủy điện. Sử dụng thông tin khí tượng thủy văn phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương cũng kém hiệu quả khi lần nào, mất mát trắng tay cũng đổ lỗi do thiên tai bất ngờ, vượt quá tầm kiểm soát. Chưa thấy ai ra tòa vì để mất rừng đầu nguồn, vì xây thủy điện tác động xấu tới dân sinh và môi trường. Cũng chưa có công trình thủy điện bê bối tai tiếng nào phải tháo dỡ để trả lại đất rừng và sự thông suốt cho dòng sông…
 
Trong khi các tỉnh quản lý rừng kém quá rõ, các công trình thủy điện vượt quá tầm kiểm soát khi quá nhiều hồ đập không an toàn. Thủy điện có ở khắp nước, song vì sao ở miền Trung thủy điện vận hành xả lũ lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ du, tác oai tác quái đến người dân lớn vậy? Xả lũ “đúng quy trình” kiểu gì mà khi mưa lũ lớn là vỡ tiếp hàng loạt đập thuỷ điện, các tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh thành, liên huyện, liên xã bị chia cắt cô lập? Nhiều công trình thủy điện rõ ràng không giúp gì cho việc điều tiết tưới tiêu trong mùa khô, không giúp chống lũ mà nhiều khả năng còn làm lũ nặng thêm. 
 
Các mạng lưới quan trắc, thiết bị viễn thông, các trung tâm xử lý dữ liệu và dự báo để cung cấp thông tin khí tượng và môi trường cần thiết phỏng có ích gì, khi thủy điện luôn vận hành kiểu mưa lớn “không xả thì vỡ đập”. Thiết kế và qui hoạch các nhà máy thủy điện của miền Trung hẳn có vấn đề. Quy trình xả lũ có vấn đề. Nhiều hồ đập thủy điện và thủy lợi đều đã tê liệt chức năng điều tiết nước. Đó là điều người dân thấy rất rõ, nhưng khi các nhà chức trách và cả nhà khoa học vào cuộc, tất cả lại “êm ro” đâu vào đấy. 
 
Vấn đề càng trầm kha khi nhiều nhà máy thủy điện chỉ báo xả lũ trước mươi phút hoặc một vài giờ, nghĩa là thiên tai có cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, nhưng nhân tai “bất chấp” dự báo. Trận lũ này cũng vậy, Truyền hình Gia Lai cho biết, từ khi thủy điện An Khê Ka Nác thông báo xả lũ đến khi chính thức xả lũ chỉ có… 10 phút. Người dân miền Trung dù kinh nghiệm tránh lũ bão đầy người thì trước cách thông báo xả lũ có tính “ma đuổi” như vậy cũng chỉ biết bó tay. Tất cả đều chỉ biết bàng hoàng đau xót – “nước lên nhanh quá, tài sản lợn gà bị nước cuốn sạch rồi…”.
 
Rất nhiều con số mất mát và kỷ lục thoát chết trong gang tấc được nêu sau mỗi trận thiên tai. Nhưng khó mà hình dung được cụ thể những số phận và nỗi đau người dân vùng lũ gánh chịu, chưa nói tương lai của họ qua những con số đó. Chúng ta cũng không che khuất được hiện thực là đa số người dân không được tập dượt những bài học ứng phó thiên tai, nên có nghe được “nhạc hiệu” – nghe dự báo thời tiết, biết mười mươi bão, lũ, tố, lốc đang đến, nguy cơ sạt lở đất liền kề, cũng không biết phải ứng phó cách gì tối ưu? Cũng không che khuất được thực tế nhiều nông dân không chết ngay trong lũ dữ, nhưng cuộc sống không gượng dậy được sau đó, cũng là sống mòn mỏi.
 
“Lũ lên nhanh ngoài sức tưởng tượng” đã không có trong các kịch bản ứng phó, hàng vạn hec ta rừng đã bị hủy diệt một cách hợp pháp chưa trồng lại, cùng với nhân tai rình rập triền miên, đang khiến hàng triệu người dân vùng có nguy cơ thiên tai có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
 
“Theo dõi thời tiết để bảo vệ tính mạng và tài sản” mới quan trọng, bao trùm làm sao. Nó phải được xem là nguyên tắc trước hết cho các cơ quan hữu trách, đặc biệt là các đơn vị vận hành hồ chứa, giảm thương vong và thiệt hại do các hiểm họa  liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước gây ra. Cũng chính vì theo dõi thời tiết mà trước khi cơn lũ hung hãn kịp quét qua các tỉnh miền Trung, gần 18 ngàn hộ gồm hơn 63 ngàn người các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên được di dời ở ra khỏi khu vực nguy hiểm, các vùng bị cô lập và ngập úng, đến nơi an toàn. 
 
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần phải sớm thành hiện thực và được hợp tác gắn bó xây dựng từ nhiều phía.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire