01/03/2014

TƯỜNG THUẬT BUỔI CAFE NHÂN QUYỀN CỦA MẠNG LƯỚI BLOGGER VN

Paulo Thành Nguyễn 

Đúng 9h sáng thứ bảy, 1/3/2014, như đã thông báo trước, một số thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam bắt đầu buổi Cafe Nhân Quyền với chủ đề ''Quyền tự do đi lại của công dân''.

Tham dự có gần 30 blogger, trong đó nhiều người là nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, như: Nguyễn Hồ Nhật Thành (blogger Paulo Thành Nguyễn), Lưu Trọng Kiệt, Huỳnh Công Thuận, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn), Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Hoàng Văn Dũng (Hoàng Dũng CĐVN), Bùi Tuấn Lâm (Peter Lam Bui), Huỳnh Ngọc Chênh... Ngoài ra, thành phần khách mời có hai nhà báo nước ngoài là Aija Salovara (Phần Lan) và Lina Johansson (Thụy Điển).


Đặc biệt, có hơn 10 nhân viên an ninh ngồi bàn kế bên hoặc lượn quanh chụp ảnh, quay phim mọi người. Tuy nhiên chiếc ghế dành cho hai đơn vị PA 67 (An ninh TP.HCM) và PA 72 (Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh) thì lại... vắng chủ. Hai cơ quan đại diện cho phía nhà nước - những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cấm công dân Việt Nam xuất cảnh và thu giữ hộ chiếu của họ một cách tùy tiện - đã không nhận lời mời tới tham dự.

Trước đó, các blogger bị cấm xuất cảnh gần đây (trong đó có Paulo Thành Nguyễn, Mẹ Nấm Gấu, Hoàng Dũng CĐVN) đã gửi thư mời trực tiếp PA 67 và PA 72. Không đơn vị nào hồi đáp, tuy thế lại có rất nhiều an ninh thường phục đến ''theo dõi, nắm bắt tình hình''. Blogger An Đổ Nguyễn tường thuật, khi một trong hai phóng viên nước ngoài xin chụp ảnh mọi người, một nhân viên an ninh mặc thường phục vội rút điện thoại ra gọi ai đó, rồi quay ra ghi hình các blogger. Phóng viên cũng giơ máy ảnh lên chụp lại, vậy là anh ta ''vội vàng dùng hai tay che kín mặt lại''.

Nhà báo - Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, người bị cấm xuất cảnh khi lên đường sang Geneva tham dự phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam tháng 2 vừa qua, cũng có mặt. Ông là một trong những người được đề cập đến trong bản Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2013 của Bộ Ngoại giao Mỹ, như một trường hợp điển hình bị vi phạm nhân quyền - ở đây là quyền tự do đi lại của công dân.

Bắt đầu buổi thảo luận, các blogger Paulo Thành Nguyễn, Mẹ Nấm, Peter Lâm Bùi, Huỳnh Công Thuận, Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Ngọc Chênh, Hoàng Dũng.. đã chia sẻ về việc bị cấm xuất cảnh một cách tùy tiện mà không được thông báo trước.

Những bạn trẻ khác cũng lần lượt chia sẻ các thắc mắc và quan ngại về những thiệt hại sẽ xảy ra về vật chất và thời gian cũng như công việc bị ảnh hưởng nếu không được biết trước vì sao bị cấm và bị ai cấm.

Tất cả các thông báo được đưa ra với các cá nhân bị cấm xuất cảnh hầu như đều chung một lý do "vì lý do an ninh quốc gia, và trật tự an toàn xã hội" theo nghị định 136/NĐ-CP mà không có thời hạn cụ thể, cũng như không có cá nhân nào chịu trách nhiệm cụ thể về quyết định cấm xuất cảnh đã ký.

Trong phần thảo luận và đưa giải pháp tiếp theo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Paulo Thành Nguyễn có đề nghị trước hết công an hãy tuân thủ pháp luật bằng cách thông báo rõ và đưa ra quyết định cụ thể thay vì thông báo chung chung và hướng dẫn người dân đi lòng vòng như trước đây.

Tham gia thảo luận cùng MLBVN, TS. Phạm Chí Dũng đề nghị mọi người cân nhắc chuyện khởi kiện các cá nhân làm sai thẩm quyền sau khi có đầy đủ bằng chứng và cùng nhau đưa vấn đề vi phạm nhân quyền này ra trước toà án quốc tế.

Buổi thảo luận kết thúc với việc thống nhất sẽ ra tuyên bố chung của những người đã bị cấm xuất cảnh trái pháp luật. MLBVN sẽ tiếp tục thúc đẩy các buổi tiếp xúc gặp gỡ cũng như có những hành động thích hợp tiếp theo để bảo vệ quyền con người.

Các nhân viên an ninh tuy không chịu ngồi chung bàn với MLBVN, nhưng vẫn chăm chú theo dõi mọi hoạt động, cử chỉ, lời nói của các blogger. Thái độ của họ khá ôn hòa, lịch sự. Tuy nhiên, họ theo sát hai phóng viên nước ngoài để ghi hình (chĩa ống kính thẳng mặt, chụp trực diện) với vẻ gầm ghè khó chịu. Hai nhà báo chẳng biết phải làm sao ngoài việc nhún vai, lẩm bẩm: ''So weird, so weird!'' (Thật kỳ quặc!). Đỉnh điểm của sự bất lịch sự là họ tác động để nhân viên cửa hàng cafe Starbucks yêu cầu các blogger không chụp ảnh quay phim, và không trả lời phỏng vấn người nước ngoài (?); nhưng riêng an ninh thì cứ thoải mái tác nghiệp.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire