10/10/2014

Giới trẻ và « Mùa xuân Ả Rập » ở Hồng Kông

Những chiếc dù giương lên để đối phó với hơi cay. Những chiếc dù được dựng trên mặt đường để chống chọi với mưa gió trong những ngày « Chiếm lĩnh Trung Hoàn ». Một chiếc dù màu vàng thách thức, do một dân biểu giương cao giữa đám đông trong khi trên khán đài ban lãnh đạo Hồng Kông đang hát quốc ca mừng Quốc khánh Trung Quốc 1/10, như một cái tát vào mặt chế độ Bắc Kinh. Một rừng dù đủ màu sắc tập trung lại với nhau, bày tỏ tình đoàn kết và quyết tâm đòi cho được một nền dân chủ đã từng hứa hẹn cho Hồng Kông. 



Một sáng tạo đã làm nên tên gọi « Cuộc cách mạng những chiếc dù ». Những cuộc cách mạng có tên gọi thường kéo dài và đáng ngại đối với những chế độ toàn trị. Những cuộc cách mạng sắc màu như Cách mạng Hoa hồng ở Grudia, Cách mạng Cam ở Ukraina, Cách mạng Uất kim hương ở Kyrgyzstan cho đến mới đây là Cách mạng Hoa hướng dương ở Đài Loan, đều gây ra được những tác động không nhỏ.

Thế giới ngạc nhiên và thú vị trước những người trẻ đã làm nên cả một « Mùa xuân Ả Rập » ở Hồng Kông, mảnh đất mà người dân tưởng chừng chỉ quan tâm đến việc kinh doanh. Họ quyết không cam tâm cúi đầu chấp nhận vòng kềm tỏa của chính quyền Bắc Kinh. Đặc biệt là tính chất bất bạo động của phong trào và cách xử sự văn minh, lịch sự của những con người còn rất trẻ. Những khuôn mặt lãnh đạo như thủ lĩnh học sinh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) năm nay chỉ mới 17 tuổi, thủ lĩnh sinh viên Alex Chow (Chu Vĩnh Khang)…đã chứng tỏ bản lĩnh của mình khi dẫn dắt phong trào lôi cuốn hàng chục ngàn người xuống đường.

Sức trẻ của phong trào đấu tranh đòi dân chủ của Hồng Kông không làm ngạc nhiên Phó giáo sư Hoàng Dũng ở Saigon, vì theo ông, tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, sinh viên học sinh cũng đã đi đầu trong những phong trào phản kháng, với khát vọng thay đổi. Nhưng bây giờ thì khó thể tìm thấy không khí ngày đó, trước sự thụ động đặc biệt là đối với tình hình đất nước, trong một số không nhỏ thanh niên, mà ông cho là trách nhiệm trước hết ở nơi chính quyền.

So sánh môi trường trước 1975 và hiện nay, Phó giáo sư Hoàng Dũng cho rằng một xã hội bền vững là một xã hội dám chấp nhận khác biệt.

Phiên bản tiếng Anh mang tên « Do You Hear The People Sing? » đã trở nên phổ biến hơn cả bài hát gốc mang tựa đề “A la volonté du peuple” trong vở nhạc kịch « Những người khốn khổ » (Les Misérables), và trong cuộc « Cách mạng những chiếc dù » ở Hồng Kông đã trở thành bài hát tranh đấu của phong trào, với phiên bản tiếng Quảng Đông. Dù trong mỗi ngôn ngữ, lời hát có khác nhau, nhưng đều nói lên khát vọng tự do của người dân. Như lời bài tiếng Pháp: « Tôi nguyện cống hiến cho ý nguyện nhân dân. Nếu phải hy sinh, tôi muốn là cái tên đầu tiên được khắc lên tượng đài hy vọng… »

Còn Giáo sư Jonathan London ở Hồng Kông, người đã theo dõi rất sát tình hình tại đây cũng như thông thạo tình hình Việt Nam, không đồng tình trước nhận xét của nhiều người là phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông có nguy cơ bị « chìm xuồng ». Ông nhận định phong trào chỉ tạm lắng sau một tuần đấu tranh quyết liệt :

Giáo sư London cho biết thêm, báo chí Hồng Kông dưới ảnh hưởng của những nhà tư bản thân Bắc Kinh không bỏ qua một cơ hội nào để bôi xấu phong trào đòi dân chủ. Chỉ trừ các tờ báo như Apple Daily của một nhà tỉ phú Jimmy Lai thì không ngần ngại ra mặt ủng hộ.

Ông Jonathan London phân tích thế mạnh của phong trào đòi dân chủ của giới trẻ Hồng Kông là tính lịch sự, văn minh; bên cạnh đó là quyết tâm và ý thức tổ chức dù còn thiếu kinh nghiệm. Giới trẻ đã chứng minh được rằng họ có khả năng gây ảnh hưởng ít nhiều đến những tiến trình chính trị nơi mảnh đất mình đang sống.

Còn về những điểm yếu, giáo sư Jonathan London nhận định trước hết là thiếu thống nhất, thiếu thông điệp cụ thể. Theo ông, phe đối lập Hồng Kông từ lâu cũng đã bị chia rẽ, và chưa nhấn mạnh được những vấn đề như bất công xã hội chẳng hạn, để thuyết phục được người dân thường ủng hộ tối đa. Giáo sư lạc quan khẳng định, câu chuyện « Cuộc cách mạng những cây dù » chưa thể chấm dứt ở đây.

Cũng theo giáo sư London, không chỉ người Hồng Kông ở các nơi mà cả những người Việt mong muốn một chế độ dân chủ có lẽ đều đồng cảm với người dân cựu thuộc địa Anh, nhất là đều là nạn nhân của việc nói một đằng làm một nẻo của Bắc Kinh.

Dư luận nhiều nơi trên thế giới đều ủng hộ cuộc cách mạng của giới trẻ Hồng Kông đáng mến – tất nhiên không phải ở Hoa lục, nơi mọi thông tin bị bưng bít - và đang mong chờ một hồi kết không đến nỗi quá bi quan. Đối đầu với chế độ toàn trị Bắc Kinh, tuy là « trứng chọi đá », nhưng những hình ảnh hào hùng (và văn minh) của những người trẻ Hồng Kông, dù thành công hay thất bại, cũng sẽ đi vào lịch sử, mang lại dấu son cho vùng đất này.

Cũng như câu nói của người anh hùng Nguyễn Thái Học, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930: « Không thành công thì thành nhân ». Những sinh viên học sinh hôm nay ngủ vạ vật trên đường phố, đối đầu với những chiếc khiên và lựu đạn cay, sát cánh hóa giải một cách thông minh những trò phá hoại của bọn côn đồ…mai này sẽ nhớ mãi những ngày tháng xuống đường đấu tranh cho dân chủ. Người dân Hồng Kông sẽ nhớ mãi đã từng có một « Mùa xuân Ả Rập » trên mảnh đất yêu mến của mình.

Nếu Mao Trạch Đông đã áp đặt cuộc Cách mạng văn hóa lên Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình xuống tay tàn sát sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, thì liệu Tập Cận Bình, người đang nắm quyền sinh quyền sát ở Hoa lục liệu có dám đàn áp « Mùa xuân Ả Rập » ở Hồng Kông? Theo nhiều nhà phân tích, giả thiết này vẫn có thể xảy ra, nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả là rất đắt! Và người dân Hồng Kông đã nhận ra được kẻ thù đích thực của họ không ở đâu xa, mà chính là chế độ độc tài lớn nhất hành tinh.
 Theo RFI

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire