Bùi Tín
Vấn đề tìm kiếm nhân tài đang
là vấn đề cấp bách. Đây là vấn đề quyết định nhất trong những vấn đề quyết định
của đất nước.
Cơ chế để tuyển mộ nhân tài cho đất
nước, cho bộ máy nhà nước dưới chế độ độc đảng toàn trị làm cho việc tuyển mộ
nhân tài bế tắc, bộ máy cầm quyền ở trên cao không gồm những người tốt nhất,
tài giỏi nhất, có công tâm nhất mà đất nước đang có sẵn. Đây là nguồn gốc của lạc
hậu, của trì trệ, của quan liêu tham nhũng, của bất công xã hội, của tình trạng
pháp luật không nghiêm, lòng dân không yên, tương lai đất nước trôi dạt không
biết đến bao giờ mới ổn định và phát triển phồn vinh như mọi người mong muốn.
Vấn đề tìm kiếm nhân tài đang cấp
bách và nghiêm trọng. Trong 1 năm nữa, ai sẽ là tổng bí thư đảng CS, ai sẽ là
chủ tịch nước, là thủ tướng, là chủ tịch Quốc hội? 16 hay 17 nhân vật trong Bộ
Chính trị - 16 hay 17 nhà vua tập thể toàn quyền cai trị đất nước - sẽ là những
ai? 200 ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương tự coi
là cơ quan lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đất nước sẽ gồm những ai?
Điều đáng lo nhất là tất cả nhân vật
lãnh đạo trên đây đều do bộ máy của đảng CS cùng nhau bàn bạc, quyết định sau
lưng của toàn dân, không qua một lá phiếu, một góp ý nào của công dân, đằng sau
cả Quốc hội “đảng chọn dân bầu” trong đó hơn 90% là đảng viên CS.
Vì vậy những nhân tài có ít nhiều
tư tưởng đổi mới so với tập thể bảo thủ đã bị thải loại giữa đường, như ông Trường
Chinh ở đoạn cuối đời, ông Trần Xuân Bách từng ngấp nghé ghế tổng bí thư, ông
Nguyễn Cơ Thạch dám cảnh báo thời kỳ Bắc thuộc mới, rồi ông Võ Văn Kiệt với
phương án dân chủ - hội nhập…đều lần lượt ngã ngựa. Điều bi đát cho nhân dân là
những kẻ bảo thủ thắng thế trong thực tế đã tỏ ra kém cỏi rõ rệt so với những
hiệp sỹ canh tân đã ngã ngựa, và nhân dân phải è lưng gánh chịu mọi hậu quả thảm
khốc do quan điểm giáo điều, kiên định học thuyết Mác-Lenin một cách lẩm cẩm.
Cũng do đó mà trong bộ máy lãnh đạo
đầy những nhân vật bất tài như Trần Văn Truyền, Tô Huy Rứa, Hồ Xuân Mãn, Nguyễn
Trường Tô, Phạm Quý Ngọ, Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Xuân Phúc,
Phùng Quang Thanh…
Dù sao cũng cần góp ý việc về việc
tuyển lựa nhân tài từ nay đến Đại hội XII - bao gồm việc cử các đại biểu từ chi
bộ, đảng bộ cơ sở lên các cấp trên, cũng như bầu cử các cấp uỷ mới, nên chú ý đến
những tiêu chuẩn đặc biệt mà tình hình đang đòi hỏi. Trước hết cần là những nhân
tài có tư duy độc lập, không a dua, nói theo, am hiểu tình hình trong nước và
thế giới, chịu khó nghiên cứu, thảo luận, tranh luận, dám chịu trách nhiệm, yêu
nước, thương dân. Một tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng là vô tư, trong sáng, tuyệt
đối không vụ lợi, tiền của không tham, danh lợi không mua được. Cần xem xét rất
kỹ tiêu chuẩn này khi chọn người vào những vị trí tổng bí thư, chủ tịch nước,
thủ tướng, chủ tịch Quốc hội, trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, trưởng Ban Tổ chức
Trung ương của đảng, chánh án và viện trưởng kiểm sát, bộ trưởng tư pháp, bộ
trưởng công an…
Nhân Dân Nhật báo (Bắc Kinh) cũng
như Wei Bo (Hong Kong) từng nêu gương 2 viên tướng Lưu Á Châu và Lưu Nguyên,
coi là tiêu chuẩn mẫu mực cho cán bộ của thời kỳ hiện đại. Lưu Á Châu là con rể
Lý Tiên Niệm, từng là phó thủ tướng thời Mao – Chu, hiện là chính ủy của Học viện
Quốc phòng; Lưu Nguyên là con chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, người từng bị đấu tố
đến chết trong Cách mạng văn hóa vô sản, hiện là chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân
Giải phóng TQ; ông vừa được Tổng Bí thư Tập Cận Bình cử vào Quân ủy Trung ương,
thay cho tướng Tư Tài Hậu bị cách chức vì tham nhũng. Theo các báo vừa kể, tướng
Lưu Á Châu và tướng Lưu Nguyên sống rất giản dị trong ngôi nhà tập thể, đi làm
hay đi công tác bằng xe lọai bình thường, mang theo thức ăn cá nhân khi xuống
kiểm tra cấp dưới, không chè chén linh đình. Tướng Lưu Á Châu còn ca ngợi người
dân Mỹ ở New York khi tòa tháp đôi bị tấn công vẫn giữ vững trật tự xã hội khi
sơ tán, nhường đường cho trẻ em, phụ nữ, không xô đẩy nhau; ông còn cho rằng
cai trị bằng pháp luật và 3 quyền phân lập ở Hoa Kỳ là tiến bộ mà Trung Quốc cần
học tập.Mới đây báo Hong Kong đưa tin và ảnh đô trưởng mới được bầu của thủ đô Đài Bắc (Đài Loan) là ông Kha Văn Triết đi làm metro, không có người bảo vệ đi cùng, vẫn theo cung cách như khi ông còn đi làm ở bệnh viện. Ông từ chối xe mở đường, xe hộ tống, người bảo vệ, cho rằng mọi người dân thủ đô là lực lượng bảo vệ ông rồi. Ông là một bác sỹ giỏi, tận tụy, một nhân sỹ không đảng phái, sống liêm khiết, là thân hữu của đảng Dân chủ tiến bộ, được đảng này ủng hộ, giành số phiếu cao nhất trong cuộc bầu đô trưởng Đài Bắc, vượt xa người của Quốc dân đảng.
Việt Nam ta từ xa xưa đã biết trân quý những vị đại thần vẫn chỉ 3 gian nhà đất mái rạ ở quê nhà, cả đời làm quan vẫn thanh bạch, không tham quyền lực và vật chất, được cả xã hội kính trọng.
Trong thời gian 1 năm tới việc lựa chọn nhân tài sẽ diễn ra ở tất cả các cấp từ cơ sở đến trung ương, cử đại biểu các cấp đi dự các đại hội các cấp, tuy theo chế độ toàn trị hiện nay sẽ khó có thể phát hiện và tuyển chọn những nhân tài thật sự của dân tộc, nhất là khi những nhà dân chủ kiệt xuất nhất mà đất nước cần đến lại đang nằm trong các nhà tù khắc nghiệt, một sự mỉa mai độc ác, một sự phi lý oái oăm của lịch sử.
Tuy nhiên nếu như đảng CS vẫn còn
có chút nhân cách và công tâm, những gợi ý về tiêu chuẩn nhân tài nói trên,
cùng với vài kinh nghiệm nóng hổi ở Trung Quốc và Đài Loan có thể phần nào cảnh
tỉnh các đại biểu, để ngăn chặn phần nào những kẻ cơ hội ham quyền, tham lợi
chui vào bộ máy cai trị của đất nước thành những tai họa của dân tộc.
Cách tuyển lựa nhân tài cần cả một
cuộc cách mạng trong nhận thức và thực hiện, không thể theo đường mòn cổ lỗ rất
nguy hiểm../.
Bùi Tín
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire