29/03/2015

Ông Lý Quang Diệu: ‘Không thể sống bằng cái bát đi ăn xin’

Trần Đình Long

Lý Quang Diệu
“Thế giới không nợ chúng ta sinh kế. Chúng ta không thể sống bằng cái bát đi ăn xin”, trong cuốn hồi ký Bí quyết hóa rồng do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2001, ông Lý Quang Diệu đã kể lại câu chuyện ông thuyết phục cấp dưới của mình "không chìa bát ăn xin" và làm cách nào để Singapore “sinh tồn không nội địa”.


Năm 1965, sau khi độc lập, Singapore đối mặt với một tương lai ảm đạm, tình thế nguy ngập mà không có kim chỉ nam dẫn tới đích kế tiếp.

Ông Lý Quang Diệu viết: “Chúng tôi đã đối mặt với những xung đột ghê gớm mà cơ hội tồn tại là vô vọng. Singapore không phải là một đất nước tự nhiên, mà là một đất nước do con người tạo nên, một trạm mậu dịch mà người Anh đã phát triển thành một điểm nút trong một đế quốc có biển khắp thế giới. Chúng tôi thừa hưởng một hòn đảo mà không có phần nội địa, một trái tim không thể xác”.

Tài sản lớn nhất, quý giá nhất mà Singapore có được, theo ông Lý Quang Diệu là "sự tín nhiệm và lòng tin cậy của nhân dân". Một tài sản quý giá khác là người dân cần cù, tiết kiệm và ham học hỏi. Chính vì vậy, không được để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do cai trị tồi và tham nhũng.

"Vào ngày 9.8.1965, tôi bắt đầu một cuộc hành trình trên một con đường không rõ rệt đến một nơi không được biết với nỗi lo to lớn”, ông hồi tưởng lại.

Trong cuốn hồi ký này, ông Lý Quang Diệu kể, sau khi vật lộn với khó khăn của tình trạng thất nhiệp kể từ khi nắm chính quyền vào năm 1959, tất cả những thành viên trong nội các, đều biết rằng cách duy nhất để tồn tại là phải tiến hành công nghiệp hóa. "Chúng tôi đã đi đến cái giới hạn cuối cùng của mậu dịch tái xuất khẩu. Viễn cảnh là một cuộc suy thoái xa hơn".

Đang đứng trước những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi, nhưng ông thuyết phục mọi người không nên có một tinh thần phụ thuộc vào viện trợ vì "phụ thuộc vào viện trợ nuôi dưỡng ý thức phụ thuộc chứ không phải là một tinh thần tự lực".

Thậm chí trước khi bắt đầu cuộc thương lượng về viện trợ của Anh, ông Lý Quang Diệu phát biểu tại nghị viện vào ngày 9.9.1967: "Nếu chúng ta bắt tay xây dựng đất nước bằng óc thông minh và tấm lòng tận tụy thì sẽ có một Singapore lớn mạnh hơn nữa và tự ực hơn về kinh tế sau khi các căn cứ bị cắt giảm”.

Sau đó, ông tuyên bố trước toàn dân: "Nếu chúng tôi là một xã hội yếu đuối, hẳn chúng tôi sẽ diệt vong. Một xã hội yếu đuối sẽ bỏ phiếu cho những người hứa hẹn một lối thoát nhân nhượng, khi sự thật đã không xảy ra điều đó. Singapore không nhận bất kỳ cái gì miễn phí, thậm chí chi trả ngay cả nguồn nước chúng tôi sử dụng…Sẽ có một trung tâm công nghiệp, giao dịch và thương mại hoạt động mạnh mẽ và nhộn nhịp sau khi người Anh ra đi".

Ông tin tưởng chắc chắn rằng niềm tin và ý chí của người dân là yếu tố quyết định sự sinh tồn của Singapore.

“Tôi đã tường thuật chi tiết bằng cách nào mà Singapore đã phát triển từ một ngôi làng với 120 ngư dân vào năm 1819 thành một thủ phủ có hai triệu dân sinh sống. Triết lý là phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn và tốt hơn bất kỳ ai khác, hoặc là chịu diệt vong", ông nhấn mạnh.

Sau nhiều năm với phương pháp thử sai, Singapore rút ra được một kết luận rằng niềm hy vọng lớn nhất của Singapore nằm ở chính các công ty đa quốc gia Mỹ. Các công ty đa quốc gia của Mỹ mang đến công nghệ cao, hoạt động ở quy mô rộng lớn và tạo ra nhiều việc làm. Họ có uy tín và niềm tin. Họ tin rằng chính phủ của họ sẽ dừng lại ở Đông Nam Á và như vậy công việc kinh doanh không bị quốc hữu quá hoặc tổn thất do chiến tranh.

"Dần dần tôi hình thành nên những ý tưởng mới và đề ra một chiến lược có hai hướng để khắc phục thế bất lợi của chúng tôi”, ông bật mí trong hồi ký.

Hướng đầu tiên là thực hiện chiến thuật "nhảy khu vực", như người Do Thái từng làm. Do các nước láng giềng quyết định đứng ngoài cuộc để rủ bỏ bớt sự ràng buộc với Singapore, buộc Singapore phải liên kết với thế giới đã phát triển như Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản; thu hút các nhà kinh doanh của họ đặt cơ sở sản xuất tại Singgapore và xuất khẩu sản phẩm sang các nước phát triển.

Ông Lý Quang Diệu nói các lãnh tụ Thế giới thứ ba tin vào học thuyết về sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân mới, nhưng ông thì không lấy gì làm ấn tượng cho lắm.

“Chúng tôi có những vấn đề thực tiễn cần giải quyết và cũng không có đủ các điều kiện để bị bắt làm tín đồ của bất kỳ học thuyết hay giáo điều nào…Nếu các công ty đa quốc gia có thể cung cấp việc làm cho lực lượng lao động và dạy họ các kỹ năng ứng dụng kiến thức khoa học và kỹ thuật cũng như bí quyết quản lý, chúng tôi sẽ chào mời họ", ông bày tỏ quan điểm.

Hướng thứ hai trong chiến lược của ông là tạo ra một ốc đảo Thế giới thứ nhất trong địa hạt Thế giới thứ ba. Theo đó, nếu Singapore có thể kiến tạo những tiêu chuẩn Thế giới thứ nhất đối với nền an ninh cá nhân và cộng đồng cũng như đối với nền y tế, giáo dục, bưu chính viễn thông, vận chuyển và dịch vụ, nó sẽ trở thành mảnh đất dừng chân của các doanh nghiệp, kỹ sư, nhà quản lý và những nhà chuyên môn trong khu vực. Điều này có nghĩa là Singapore phải đào tạo được lực lượng lao động và trang bị cho họ nhằm cung cấp những dịch vụ tiêu chuẩn Thế giới thứ nhất.

"Chúng tôi có một nguyên lý chỉ đạo đơn giản cho sự sinh tồn, đó là đất nước Singapore phải cần lao hơn, được tổ chức tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Nếu chúng tôi chỉ ngang bằng với các nước láng giềng, không có lý do nào các doanh nghiệp phải xây dựng cơ sở tại đây. Chúng tôi phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động thành công và thu về lợi nhuận trên đất nước này cho dù chúng tôi thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên và một thị trường nội địa", ông viết.

Một ví dụ nhỏ là để khắc phục sự nghi ngờ của các nhà đầu tư từ các nước tiên tiến về chất lượng lao động, ông đã yêu cầu người nhật, Đức, Pháp và Hà Lan thành lập những trung tâm tại Singapore và cho họ tự tiến cử ra những người giảng dạy để đào tạo thợ máy giỏi. Một số trung tâm được chính phủ tài trợ, số khác được thành lập liên kết. Singapore cũng đã chọn những sinh viên xuất sắc hàng đầu tư những nhóm học viên ưu tú nhất mỗi năm và gởi họ đến các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, Anh, Canada, Úc, New Zealand, Đức, ý, Nhật Bản.

“Nếu tôi phải chọn một từ để giải thích lý do thành công của Singapore, đó chính là niềm tin. Chính yếu tố này khuyến khích những nhà đầu tư ngoại quốc xây dựng các xưởng và nhà máy máy sản xuất tại đây".

Theo ông Lý Quang Diệu, chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Singapore xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các khu công nghiệp đã được quy hoạch chu đáo, góp vốn cổ phần vào các ngành công nghiệp, hỗ trợ tài chính và đẩy mạnh xuất khẩu. Quan trọng nhất là hình thành mối quan hệ lao động tốt cùng với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và những yếu tố nền tảng có thể giúp doanh nghiệp tư nhân hoạt động mang lại hiệu quả cao. Cuối cùng, doanh nghiệp Singgapore đã tìm thấy nội địa mới của mình ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản.

Ông Lý Quang Diệu thừa nhận mình chưa bao giờ là tù nhân của bất kỳ học thuyết nào. "Những gì dẫn dắt tôi chính là lý luận và thực tiễn. Thử nghiệm đầy cam go mà tôi đã áp ụng cho mỗi lý luận hay kế hoạch là, nó có hoạt động tốt không? Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt những năm đương nhiệm của tôi. Nếu kế hoạch này không thực tế, hoặc cho ra kết quả tệ hại thì tôi sẽ không tiếp tục phí nhiều thời gian và tiền của cho nó. Hầu như tôi không bao giờ phạm sai lầm lần thứ hai và cố học hỏi qua những sai lầm mà người khác đã mắc phải".

Trong cuốn hồi ký này, ông Lý Quang Diệu cũng chia sẻ, trong thời gian đương nhiệm, ông sớm phát hiện ra rằng ít có rắc rối nào mà chính phủ ông gặp phải lại chưa được các chính phủ khác gặp phải và giải quyết. Do vậy, ông thực hiện một chuyến đi thực tế xem chính phủ nào đã gặp phải khó khăn mà chính phủ ông đang phải đương đầu, cách họ giải quyết vấn đề và đã thành công ra sao. Dù đó là việc xây dựng một sân bay mới hay thay đổi phương pháp giảng dạy thì cũng sẽ gửi một đội ngũ viên chức ở những quốc gia đã làm tốt việc này để học hỏi và nghiên cứu.

"Tôi thích bám vào vai những người đã đi trước chúng tôi", ông Lý Quang Diệu thừa nhận trong cuốn hồi ký.

Đình Long (lược trích)

Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire