Chuyện cơ trưởng và tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines bị cảnh sát Hàn Quốc tóm vì tội buôn lậu 6 thỏi vàng không hề mới. Điệp khúc này cứ lập đi lập lại, từ năm nay sang năm khác đối với ngành hàng không.
Ông tổng giám đốc Vietnam Airlines có lần nói với tôi rằng, phải tăng thu nhập cho đội ngũ phi công, tiếp viên để dưỡng liêm, để họ phải hiểu rằng khi khoác lên mình bộ áo phi công, niềm kiêu hãnh sẽ không cho phép họ có những hành vi phi pháp.
Ông còn nói rằng, đã tăng lương mà còn vi phạm thì sẽ kỷ luật rất nặng, cắt bay hoặc cho nghỉ việc.
"Làm ở hàng không mà cho nghỉ việc thì chỉ có chết, không biết xin việc ở đâu" - vị sếp tổng nói.
Thế nhưng, đó là câu nói cách đây đã 4 năm, giờ có vẻ đã lỗi thời. Phi công không còn biết sợ. Lý do xin sẽ đề cập phần sau.
Lương phi công từ câu nói của lãnh đạo Vietnam Airlines năm ấy đến nay cứ tăng vèo vèo. Thấp nhất cho phi công lái ATR72 cũng tròm trèm 80 - 100 triệu, cao hơn cho các đội bay Boeing 777 đầy kiêu hãnh hay Airbus 333, bay xuyên lục địa thì có người thu nhập lên đến 200 triệu mỗi tháng.
Và khi dàn Airbus 350 và Boeing 787 do ông Phó tổng giám đốc Dương Trí Thành đang chỉ huy việc tiếp đón với tiếp nhận chưa về đến Việt Nam thì cánh phi công đã đổ nhau "chạy" cho bằng được để đầu quân vào các đội tàu bay "oách xà lách" này.
Nghe nói có "chạy", rồi cũng có được hứa và rồi cũng không ít anh phi công khóc hận.
Vì thế, tôi không thấy có lý do gì để anh chàng cơ trưởng nọ lại khai đi cầm thuê 4 thỏi vàng cho ai đó qua cửa khẩu để đổi lấy tiền công 250 đô la mỗi thỏi.
Vì ở ngành hàng không, sờ đâu cũng thấy tiền. Việc gì phải làm thuê với giá công rẻ mạt ấy.
Chỉ cần anh cơ trưởng nọ, hay tiếp viên trưởng kia len lén upgrade khách từ hạng E lên khoang C trong những chuyến bay dài thì họ đã có vài ba trăm đô la trong túi.
Tương tự như việc kết hợp làm ăn cùng các trưởng đại diện của Vietnam Airlines ở nước ngoài, đưa khách đi dạng này dạng nọ, rồi hàng hóa... ối, đủ chỗ lách ra tiền, nói ra chỉ tổ đụng chạm các anh hàng không. Vậy thì, việc gì phải xách thuê hàng lậu.
Chỉ có thể giải thích được hành vi "cầm nhầm vàng qua cửa khẩu", theo lời một quan chức trong ngành, là: "Chắc nó (hải quan bạn) thấy cứ mang đi mang lại hoài nên nó ghét, lâu lâu bắt một lần cho biết".
Nghĩa là chuyện "cầm nhầm" này cứ diễn ra như cơm bữa, đến mức dường như là chuyện thường ngày đối với những cô, cậu phi công và tiếp viên.
Rồi Vietnam Airlines sẽ xử phạt như thế nào? Cắt bay, cho nghỉ việc? Ngày trước thì họ sợ, giờ thì có còn sợ không.
Ngày ông tổng giám đốc Vietnam Airlines ra "sắc lệnh" đó thì Vietnam Airlines dường như độc quyền trong ngành hàng không.
Ngày đó Viet Jet chỉ lèo tèo 2 chiếc máy bay, cùng cái chết đột tử của Mekong Air mà nguyên Tổng giám đốc Jet Star Pacific Lương Hoài Nam vừa về cầm trịch vài tháng đã bỏ chạy.
Lúc đó cắt bay thì chỉ có nước ở nhà múa quạt, hoặc cho nghỉ việc thì chỉ có nước ở nhà đi bán nước mía.
Nhưng giờ thì Viet Jet đã hùng hậu, số máy bay tăng dần theo từng tháng, nghe đâu đã lên 25 chiếc và họ đang phải mua hay thuê khô, thiếu ướt.
Họ đang cần nguồn nhân lực khổng lồ và đã rất nhiều lần, lãnh đạo Cục Hàng không Dân dụng phải vào cuộc để dàn xếp các trò lãn công của nhân viên Vietnam Airlines, thoạt đầu là giới kỹ thuật VAECO, sau đến giới phi công.
Thế thì cắt bay anh cơ trưởng nọ hay cậu tiếp viên kia, họ có còn sợ Vietnam Airlines khi mà đã có một hãng hàng không khác sẵn sàng giang tay chào mời với mức lương cao hơn nhiều họ đang thụ hưởng.
Sự việc có vẻ như đã vượt khỏi tầm quản lý của Vietnam Airlines. Có lẽ phải chờ đến Cục Hàng không Dân dụng ra tay.
Làm sao để người dân Việt Nam đừng để xấu hổ khi đọc những dòng tin buôn lậu đáng xấu hổ, xấu hổ còn hơn cả nạn trộm cắp vặt ở siêu thị.
Dân Nhật, dân Hàn chắc hẳn sẽ ngạc nhiên. Nghèo ăn trộm siêu thị đã đành, giàu như phi công cũng có những hành vi như "ăn trộm" là như thế nào?
Võ Song Hoài
Nguồn: Theo Một Thế Giới
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire