06/05/2015

Cát cứ, sứ quân và “không ai chịu trách nhiệm”


XUÂN DƯƠNG

 (GDVN) - Khi ở nhiều nơi, nguyên tắc tập thể lãnh đạo rơi vào hình thức thì có nghĩa là vai trò lãnh đạo của tập thể bị vô hiệu hóa. Vậy quyền lãnh đạo rơi vào tay ai?
Về năng suất lao động, trong phạm vi châu Á, Việt Nam không thể so sánh với Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Ngay trong ASEAN, năng suất lao động của Malaysia gấp 5 lần, Thái Lan gấp 2,5 lần Việt Nam, đây là đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế.
Trong khi đó tình trạng tham nhũng của Việt Nam lại chiếm vị trí cao, xếp thứ 119 trong số 175 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Tài liệu học tập “Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI”  (KL3) do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành, mục “Hệ thống các giải pháp chủ yếu” (trang 18-19) ghi: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”. [1]

Chỉ trong một câu kết luận liên quan đến “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư” Trung ương đã đề cập đến hai vấn đề “tư tưởng cục bộ” và “lợi ích nhóm”.

Đây mới là cảnh báo nguy cơ hay là chỉ ra một thực trạng?

Câu trả lời có thể tìm thấy trong Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TƯ khóa XI (NQ4): “…Có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng…

Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm…”. [2]

Nguyên nhân khiến niềm tin của dân với Đảng bị suy giảm đã được Trung ương chỉ rõ, không phải là do chủ trương, đường lối, mà là do chính con người, cụ thể là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với biểu hiện cụ thể là “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. [2]

Một khi hiện tượng “cục bộ, lợi ích nhóm” được nhấn mạnh trong các hai văn bản chính thức của Đảng thì đó không còn là nguy cơ, đó là những sự thật hiện hữu trong đời sống chính trị nước nhà.

Các biểu hiện “cục bộ”, “lợi ích nhóm” không phải là bây giờ mới có. Lịch sử Việt Nam cho thấy ít nhất từ một nghìn năm trước đã tồn tại hiện tượng này, các nhà viết sử gọi sự “cục bộ, lợi ích nhóm” dưới cái tên “cát cứ”, những thủ lĩnh “cát cứ” được gọi là “sứ quân”.

Hơn một nghìn năm trước, Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh (924-979) dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của quốc gia mang tên Đại Cồ Việt sau 1000 năm Bắc thuộc.

Nhờ có sự thống nhất ấy mà nước Đại Cồ Việt sau đó dưới sự lãnh đạo của Vua Lê Đại Hành bắc phá quân Tống, nam bình quân Chiêm.

Cũng nhờ sự thống nhất ấy mà Thái Tổ Lý Công Uẩn (974-1028) xây dựng nên triều Lý tồn tại được tám đời, thiên hạ thái bình,  dân lành chí thú làm ăn, ngày càng no ấm.

Một nghìn năm sau, đất nước trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, với số dân đông tới 90 triệu người, đứng thứ 14 thế giới, thứ 8 ở châu Á, tài nguyên khoáng sản dồi dào, con người cần cù thông minh nhưng vì sao kinh tế của chúng ta lại thua kém nhiều nước lân bang, vì sao đến khẩu súng trường bộ binh chúng ta cũng phải nhập khẩu công nghệ từ quốc gia Do Thái?

Xuất khẩu gạo, hạt tiêu, hạt điều, cá da trơn… đứng hàng đầu thế giới nhưng vì sao chúng ta chưa sản xuất được nguyên vẹn một chiếc xe gắn máy, một chiếc ôtô, các trang thiết bị công nghệ cao như máy bay, tên lửa, xe tăng, tàu ngầm… tất cả đều phải nhập khẩu?

Khi “ở nhiều nơi, nguyên tắc tập thể lãnh đạo rơi vào hình thức” thì có nghĩa là vai trò lãnh đạo của tập thể bị vô hiệu hóa. Vậy quyền lãnh đạo rơi vào tay ai?

Quyền lực luôn tồn tại, không nằm trong tay giai cấp này thì nằm trong tay giai cấp khác, không nằm trong tay người này thì nằm trong tay người khác.

Khi vai trò lãnh đạo của tập thể chỉ còn là hình thức thì đương nhiên cá nhân phụ trách sẽ trở thành người nắm quyền quyết định tất cả.

Câu hỏi đặt ra là “không ai chịu trách nhiệm” về cái gì và trước ai?

Như đã dẫn, Kết luận của Hội nghị TƯ3 khóa XI nói đến những vấn đề vĩ mô như “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách”, nghĩa là hiện tượng “cục bộ”, “lợi ích nhóm” gắn với các vấn đề mang tính quốc gia đại sự.

Trong khi phần quan trọng của Nghị quyết TƯ4 lại đề cập về con người, cụ thể là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, có biểu hiện “cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Cụm từ “vô nguyên tắc” trong NQ4 cho thấy một số cán bộ đang dần thoát ly sự chỉ đạo của cấp trên, coi thường kỷ cương, phép nước, không xem mình là một thành viên có trách nhiệm của tổ chức và dân tộc.

Đó chính là biểu hiện rõ nét của các “sứ quân” thời đại mới.

Trở thành “lãnh chúa một phương”, lợi dụng danh nghĩa tập thể để vun vén cho lợi ích cá nhân, dòng tộc, khi có khuyết điểm thì “không ai chịu trách nhiệm” là một trong các nguyên nhân khiến quốc gia đội sổ về lao động nhưng lại đứng trong nhóm đầu về tham nhũng. Đó cũng là nguyên nhân thủ tiêu đấu tranh, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, làm suy giảm sức mạnh dân tộc.

Nếu lãnh đạo một đơn vị có tư tưởng “cục bộ, tùy tiện, vô nguyên tắc” được giao chịu trách nhiệm về “chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách” thì đương nhiên việc đầu tiên người đó nghĩ tới phải là gia đình mình, nhóm của mình, địa phương mình, ngành mình…

Khi có sai sót về những vấn đề lớn, trong phạm vi ngành hoặc địa phương mà lại “không ai chịu trách nhiệm” thì hậu quả tai hại không chỉ đến với đơn vị đó mà là toàn xã hội.

Nhưng tại sao lại tồn tại tình trạng “không ai chịu trách nhiệm” về sai sót, khuyết điểm? Câu trả lời nằm ở các phân tích phía sau.

Còn về sự “không ai chịu trách nhiệm” trước ai thì rất dễ tìm câu trả lời: trước Dân, trước Đảng, trước tiền đồ và vận mệnh đất nước.

Khi mà người ta làm sai nhưng lại “không chịu trách nhiệm” trước Dân, trước Đảng thì hậu quả không dừng ở mức tai hại mà trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. [3]

Cả hai văn bản KL3 và NQ4  đều đề cập đến vấn đề “cục bộ”, cục bộ theo địa phương, cục bộ theo ngành và cục bộ theo “người”.

Sự “cục bộ” đi kèm “tùy tiện, vô nguyên tắc…” cho thấy các “sứ quân” mới đang tự cho mình những quyền trên cả điều lệ, luật pháp. Phải chăng một số người cho rằng thời của các “sứ quân” đã đến?

Có thể chỉ ra vô số dẫn chứng về hiện tượng “cát cứ” và các “sứ quân” thời đại mới.

Thủy điện xả lũ gây chết người: không liên quan, không đền bù [4].

Thừa Thiên-Huế cho thuê đất trên địa bàn chiến lược đèo Hải Vân dù Đà Nẵng phản đối.

Đồng Nai cho lấp sông bất chấp ảnh hưởng đến dòng chảy và nguồn nước sinh hoạt của các tỉnh hạ lưu, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. 

Cơ quan nhà nước thuộc nhiều lĩnh vực như Tài chính, Y tế, Giáo dục, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông,… cùng đồng loạt đòi quyền  xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí về hành vi “thông tin sai sự thật” trong khi Nghị định 159/2013 quy định quyền xử phạt báo chí thuộc về Bộ Thông tin &Truyền thông.

Xuất khẩu than không theo kế hoạch đến mức cạn kiệt nguồn tài nguyên và nay ngành Điện phải chuẩn bị nhập khẩu than.

Chính quyền (hoặc cơ quan nhà nước) một vài địa phương không ngại ngần khi phản bác cơ quan trung ương là “ngộ nhận” (TP. Hồ Chí Minh), hay “áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý” (Hà Tĩnh)…

Tình trạng mặc sức tung hoành của các “sứ quân” cũng không khác gì tình trạng “cát cứ”.

Ông Hoàng Trọng Soạn, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái bị kỷ luật vì “không chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng cơ bản ở một số công trình; tác phong lãnh đạo, chỉ đạo thiếu dân chủ...”. [5]

Ông Trương Tấn Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước bị kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy. [6]

Đầu năm 2010, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND Bình Thuận về khuyết điểm giao đất không qua đấu thầu và  nhiều chuyện “lùm xùm” khác. [7]

Bí thư và Chủ tịch Ninh Bình đều bị kỷ luật vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ,…, ban hành một số văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cho chủ trương, chỉ đạo giải quyết nhiều việc thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của UBND tỉnh, dẫn đến bao biện, làm thay, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. [8]

Vì sao một số vị lãnh đạo cấp tỉnh nêu trên sẵn sàng “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”, nói cách khác vì sao họ đều tự cho mình cái quyền như các “sứ quân”?

Câu trả lời nằm ở chỗ dù có gây hậu quả nghiêm trọng thì thì hình thức xử lý thường là cảnh cáo hoặc khiển trách chứ ít khi bị xử lý hình sự!

Thống kê của Chính phủ cho thấy sau 5 năm kể từ khi Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp (nghĩa là chưa đến 15%), kỷ luật 577 trường hợp. [3]

Xây dựng một nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân không thể dựa vào những người chỉ biết sùng bái triết lý, lợi ích của riêng họ, hoặc nhóm của họ mà quên đi lợi ích của đông đảo nhân dân, của quốc gia, dân tộc.

Hiện tượng “cục bộ, lợi ích nhóm” ngày nay cần phải bị tiêu diệt như Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh đã làm với sự cát cứ của các sứ quân.

Tài liệu tham khảo:









XUÂN DƯƠNG
 
Nguồn: Theo GDVN


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire