29/09/2015

MUỐN TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHẢI CẢI CÁCH THỂ CHẾ


Phạm Gia Minh

Phạm Gia Minh: "Với những chi phí không nhỏ từ ngân sách cho bộ máy Đảng- Chính quyền- Tổ chức đoàn thể thì cách hữu hiệu để hàng hóa và dịch vụ Việt nam mang tính cạnh tranh trong toàn cầu hóa đó là nâng cao năng suất. Tuy nhiên trong những năm gần đây tăng trưởng của Việt nam chủ yếu dựa vào vốn mà không chú trọng thay đổi công nghệ – điều kiện tiên quyết để tăng năng suất. Dường như chúng ta đang lặp lại tình trạng năng suất lao động suy giảm của Liên Xô vào những năm 80 thế kỷ trước. "
 



Phần 1 : Vai trò của môi trường thể chế trong phát triển

Chúng ta thường đề cập đến vấn đề hệ trọng là  cải cách và hoàn thiện thể chế nên rất cần một cách hiểu chính thống về khái niệm này.

 Theo cách định nghĩa của Ngân hàng Thế giới thì thể chế không phải là một công trình hay tổ chức mà chính là các quy định theo đó các cá nhân, công ty và nhà nước tác động lẫn nhau . Nói một cách nôm na thì thể chế là luật chơi giữa 3 nhóm chủ thể. Trong hoạt động kinh tế, xã hội loài người đã sản sinh ra và cũng đã thải loại đi nhiều luật chơi - có thứ luật chơi khuyến khích tối đa thị trường, nơi liên kết những cá nhân tự do hành động vì tư lợi của mình và cũng tồn tại những luật chơi bất bình đẳng nhằm  bảo vệ quyền ra quyết định và hưởng lợi cho chỉ một nhóm người .
 
Ngày nay hầu như đại đa số các nền kinh tế trên thế giới đều lựa chọn mô thức kinh tế thị trường tuy với mức độ rất khác nhau do áp dụng những  thể chế không giống nhau đi đôi với việc sử dụng những tổ chức cùng cơ cấu vận hành thị trường cũng khác nhau.

Xét một ví dụ, các nước phát triển phương Tây được đánh giá là những nền kinh tế dẫn đầu không những bởi chỉ số GDP tính theo đầu người mà còn ở năng lực tạo ra những đổi mới cơ bản trong công nghệ và tổ chức – đó là  những đổi mới đòi hỏi cao nhất về tính sáng tạo, tài năng con người và đóng vai trò làm động lực chủ yếu cho việc tăng năng suất lao động xã hội.

Internet, công nghệ vi sinh, công nghệ Nano, năng lượng phản vật chất và các dạng năng lượng sạch khác v.v...là những minh họa sinh động cho khái niệm này. Có một câu hỏi được đặt ra rất tự nhiên: cùng chọn cơ chế thị trường để phát triển nhưng tại sao số đông các quốc gia lại không thể bứt phá để làm nên những đổi mới cơ bản ?

Câu trả lời đơn giản tới mức hơi bất ngờ đối với nhiều người: yếu tố quyết định đối với khả năng tạo ra những đổi mới cơ bản của một nền kinh tế lại nằm trong môi trường thể chế của nó  và như vậy cũng không ngạc nhiên khi Ngân hàng thế giới khẳng định rằng "thể chế được nhìn nhận như là yếu tố chính quyết định sự phát triển lâu dài của một quốc gia .

Số liệu thống kê  trong một giai đoạn dài cho thấy ở những nơi áp dụng thể chế kinh tế- chính trị mang tính dung hợp ( inclusive – dung nạp , chấp nhận sự khác biệt ) thì thường đạt mức độ phát triển cao và bền vững . Ở một thái cực đối lập với thể chế này là  thể chế bất dung hợp ( exclusive )  nơi diễn ra tình trạng độc quyền của một số nhóm người nhằm chiếm đoạt hoặc chiếm dụng một cách bất bình đẳng ( của cải vật chất, các giá trị tinh thần và cơ hội thăng tiến của những người khác …) thì mức độ phát triển được ghi nhận nhìn chung là thấp hoặc đôi khi có thể cao trong ngắn hạn nhưng ẩn chứa những rạn nứt sâu sắc trong xã hội làm hậu thuẫn cho các cuộc khủng hoảng toàn diện và lâu dài bùng phát khiến quốc gia khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

 Thế giới ngày nay ngày một “ phẳng” hơn khi mà sự dịch chuyển thông tin,  vốn tư bản, nhân lực và hàng hóa trở nên dễ dàng với chi phí thấp nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và vận tải. Tuy nhiên đó là một” mặt phẳng nghiêng” bởi lẽ nhân tài và những dòng vốn  có xu hướng đổ dồn về những quốc gia nào có sức hấp dẫn cao xét về phương diện thể chế . Số liệu thống kê cho thấy hầu hết các thể chế mang tính dung hợp ( inclusive) đều có sức hút to lớn đối với vốn tư bản và nhân lực có tay nghề cao. Chính vì lẽ đó cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia hiện nay xét cho đến cùng chính là cạnh tranh về chất lượng thể chế .

Nhiều khi sự thu hẹp khoảng cách thu nhập theo GDP giữa các nền kinh tế lại không đồng nghĩa với sự tương đồng về thể chế và sự khác biệt về thể chế hầu như không thể được khắc phục một sớm một chiều bằng những biện pháp ở tầm vi mô đơn thuần.

Vì là những quy định, ràng buộc , chế tài giữa 3 nhóm chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân nên thể chế bao gồm những quy định thành văn như Hiến pháp, các bộ Luật, Nghị định , nội quy v.v…do Nhà nước ban hành, mang tính bắt buộc phải thi hành và cả những quy định  không thành văn tồn tại từ lâu đời trong xã hội giữa các cộng đồng dân cư , tuy không mang tính cưỡng bức nhưng hàm chứa áp lực mạnh mẽ của dư luận xã hội và lực hấp dẫn vô hình , bền bỉ đến kinh ngạc của những tập quán sinh hoạt, lối nghĩ , cách hành xử trong đời sống thường nhật mà phần lớn được hình thành dưới tác động lâu dài của Lịch sử và Văn hóa bản địa.

Các quy định  thành văn được gọi là thể chế hiện, còn bộ phận không thành văn là thể chế ẩn. Giữa hai bộ phận này có mối tác động qua lại đa chiều , vì vậy một khi Nhà nước hiểu được văn hóa và các đặc điểm lịch sử cùng những minh triết của cộng đồng dân cư trên lãnh thổ của mình thì nhiều khả năng sẽ đưa ra được các quyết sách  phù hợp với nguyện vọng cũng như trình độ phát triển của người dân, tạo được sự đồng thuận và cảm hứng của họ , góp phần nâng cao vốn xã hội - sức mạnh tổng thể của đất nước. Mặt khác, Nhà nước đó sẽ có những chính sách để từng bước đẩy lùi những tập quán bảo thủ, lạc hậu , lối nghĩ , cách làm ( thuộc thể chế ẩn )  có xu hướng kìm hãm tiến bộ xã hội  để  đưa văn hóa quốc gia lên một tầm cao mới. Nếu nhìn nhận như vậy thì quả thực thể chế phù hợp, tiến bộ đúng là một tài sản vô giá. Và ngược lại, khi một thể chế không còn phù hợp nữa thì nó có thể trở thành gông cùm và vòng kim cô giam hãm mọi sáng tạo và lòng nhiệt thành, phung phí nhân tài , vật lực  buộc xã hội phải thải loại.

 Cũng vì sự hiện diện của thể chế ẩn – một sản phẩm của lịch sử và văn hóa nên cải cách thể chế một cách đồng bộ phải được hoạch định trên cơ sở phân tích sâu sắc , toàn diện những thuộc tính cố hữu mang tính kìm hãm trong xã hội và lựa chọn các giải pháp , công cụ nhằm giảm thiểu tận gốc những lực cản bền bỉ đó, đồng thời sử dụng có hiệu quả tính chất  đòn bẩy của những thuộc tính tích cực trong quá trình vận động hình thành và củng cố môi trường thể chế mới.
 

Phần 2 : Những đặc thù của Việt nam và một vài nhận định  góp phần hoàn thiện và cải cách thể chế .

Đã nhiều lần chúng ta chứng kiến  những mô hình quản lý tiên tiến rất thành công  ở nước ngoài nhưng lại thất bại khi áp dụng ở Việt nam. Câu giải thích chéo ngoe thường gặp là “ nước mình nó thế ! “.

Nhìn từ góc độ của thể chế (  hiện  ẩn ) thì xã hội Việt nam hội tụ cả những đặc tính của thể chế dung hợp ( inclusive – dung nạp , chấp nhận sự khác biệt ) và  bất dung hợp ( exclusive – không chấp nhận sự khác biệt trong khi một số nhóm người được ưu ái hưởng các đặc quyền đặc lợi trong sử dụng các nguồn lực và cơ hội thăng tiến một cách bất bình đẳng nếu so sánh với các nhóm cộng đồng dân cư khác ) .

Đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần hiện nay với các quy định pháp luật cụ thể là một phần của thể chế hiện mang tính dung hợp.

Chính sách đoàn kết Lương – Giáo và hòa giải, hòa hợp giữa người Việt ở trong và ngoài nước với chính kiến khác nhau cũng mang hình dáng của một thể chế hiện có tính dung hợp.

Truyền thống tương thân , tương ái “ lá lành đùm lá rách” , thái độ hòa hiếu giữa các cộng đồng dân cư  thờ phụng những tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau  để cùng chung sống hòa thuận làm ăn,  đoàn kết chống ngoại xâm với tinh thần Diên Hồng  hình thành bao đời nay của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Việt nam là minh chứng sinh động của thể chế ẩn mang tính dung hợp có bề dày lịch sử - văn hóa .

Bên cạnh đó trong xã hội Việt nam cũng còn có nhiều biểu hiện đậm nét của thể chế mang tính bất dung hợp

Ví dụ như  chính sách ưu ái doanh nghiệp nhà nước trong việc cấp vốn, sử dụng đất, tiếp cận thị trường v.v…bất chấp khối doanh nghiệp này đạt hiệu quả sử dụng vốn thấp, tạo ra ít việc làm . Trong khi đó  khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh mặc dù tạo ra 45% GDP lại đang hàng ngày phải vật lộn với  muôn vàn khó khăn để vay được vốn ngân hàng,  kiếm mặt bằng sản xuất và đối phó với cả rừng thủ tục thuế và hành chính khác.

Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông , lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 thì tổng số diện tích khối doanh nghiệp nhà nước nay đang quản lý xấp xỉ 7,5 triệu ha tương đương 23,2% diện tích tự nhiên cả nước nhưng tính chung mỗi ha mang lại thu nhập hàng năm  chỉ xấp xỉ 10kg gạo!  (Tuổi trẻ ngày 22/9/2015)

Trong khi đó,  nếu giao đất cho người dân với danh nghĩa là chủ sở hữu đất đai thực sự thì hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi sinh sẽ cao gấp bao nhiêu lần và tình trạng tham nhũng ở các cơ quan quản lý đất đai sẽ giảm được bao nhiêu ?

Cái gốc của vấn nạn này nằm ở khiếm khuyết mang tính thể chế (và là thể chế hiện tức là các quy định pháp luật) .

Những cải cách theo hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nét đặc trưng là kết hợp giữa nhiều hình thức sở hữu tư nhân, tập thể với sở hữu toàn dân là chủ đạo, sử dụng đòn bẩy thị trường dưới sự quản lý của nhà nước trong  hơn 20 năm qua đã gặt hái những thành công bước đầu. Tuy nhiên hiện nay nó cũng đã và đang  đặt xã hội trước những thách thức to lớn mà nguyên nhân sâu xa vẫn là vấn đề sở hữu chưa được giải quyết thấu đáo.

Phần lớn tư liệu sản xuất, cơ hội kinh doanh và đất đai hiện nay thuộc hình thức sở hữu toàn dân nhưng được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Về thực chất, nhân dân đã ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền sở hữu của mình.

Để quản lý khối tài sản toàn dân đó, trên thực tế nhà nước phải phân quyền cho các cấp địa phương, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước trực tiếp kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đáp ứng những quy luật của nền kinh tế thị trường. Hiện nay 54% DNNN do các địa phương , 27% do các Bộ, ngành và 19% do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quản lý ( Tạp chí Tuyên giáo số 4 ngày 22/9/2015).

Một trong những nguyên tắc hàng đầu của qui trình phân quyền là người được giao quyền phải có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức đồng thời chịu sự giám sát khách quan, độc lập của một bên thứ ba và phải định kỳ báo cáo công khai, minh bạch trước công luận.  Điều này trên thực tế đã bộc lộ những bất cập nghiêm trọng làm suy giảm hiệu quả của nền kinh tế, lòng tin của nhân dân và sự ổn định xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà hơn 70% các vụ khiếu kiện trên cả nước trong thời gian qua đều liên quan tới đất đai. Khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai  được quy định trong Luật đất đai hiện nay, với người dân trong nhiều trường hợp đã trở nên mơ hồ và rối rắm, kết cục là các chính quyền địa phương, với chức năng được phân định mới thực sự là các chủ nhân ông của các quỹ đất. Nhiều quan chức địa phương đã trở nên cực giàu trong một thời gian ngắn cũng vì nhờ lỗ hổng hiện nay của Luật đất đai.

 Việc điều lệ đảng cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô đã góp phần giải phóng năng lực nội tại của nền kinh tế, mặt khác những người được nhân dân ủy quyền và nhà nước phân cấp giao quyền quản lý nguồn vật lực và đất đai của toàn dân hiện nay phần lớn đều là đảng viên. Một khi cơ chế giám sát, kiểm tra có vấn đề hoặc phẩm chất đạo đức suy thoái thì khó tránh khỏi xu hướng các đảng viên có chức quyền sẽ lạm dụng vị trí công tác để biến của công thành của riêng một cách chót lọt. Hậu quả nhỡn tiền là nạn tham nhũng có cơ hội bùng phát, nhưng về lâu dài, xu hướng này sẽ tạo nên một nền kinh tế “gần giống thị trường” chủ yếu dựa trên quyền lực, quan hệ thân quen, phe nhóm lợi ích . Trong nền kinh tế kiểu này các chuẩn mực phân phối thu nhập sẽ bị bóp méo, những người giàu nhất sẽ không phải là những người làm việc có năng suất, hiệu quả, sáng tạo và chăm chỉ nhất mà là những ai có cơ may được tiếp cận với những trung tâm quyền lực. Rốt cuộc, trong xã hội hành vi đưa và nhận hối lộ để có các mối quan hệ “cánh hẩu” sẽ phổ biến hơn các hoạt động sáng tạo và  ứng dụng khoa học- công nghệ nhằm phát triển năng lực sản xuất và kinh doanh thực thụ. Trước áp lực phải nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế để hội nhập và toàn cầu hóa thì tình trạng này quả là đáng lo ngại.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng cơ chế giám sát hành chính hiện tại được kế thừa từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sau hơn 20 năm Đổi mới vẫn chưa kịp thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng của kinh tế thị trường và kỷ nguyên thông tin kỹ thuật số nên đã trở nên kém hiệu quả và máy móc, xơ cứng.

Mặt khác việc không tách rời chính quyền với việc quản lý các doanh nghiệp đã không cho chính quyền đóng vai trò khách quan để đạt được các mục tiêu quản trị độc lập của mình. Đây chính là một “ di sản  lịch sử - văn hóa“ của thể chế ẩn bắt nguồn từ  thực trạng nhà nước trong các xã hội truyền thống có thu nhập thấp thường có vai trò chi phối, đặc biệt đối với các xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo.

Do đó  xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển , thu hẹp dần phạm vi chi phối can thiệp hành chính vào doanh nghiệp phải là một trọng tâm của cải cách thể chế .

Để khắc phục những nhược điểm nêu trên, không thể không nghiêm túc cải cách cơ chế ủy quyền và phân quyền quản lý sở hữu toàn dân . Chúng ta cần áp dụng có chọn lọc và sáng tạo các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp mà thế giới đã gặt hái thành công, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách minh bạch bằng cách công khai thông tin trên sàn giao dịch chứng khoán và sớm thông qua những quy định pháp luật về  lập hội , luật tiếp cận thông tin , luật biểu tình và luật trưng cầu dân ý nhằm tạo điều kiện cho người dân thực sự được tham gia giám sát  và phản biện  hoạt động của các cấp chính quyền và doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó  không thể không dựa vào một nền báo chí trung thực, phản ánh đúng, đủ và kịp thời sự thật  để góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động xã hội . Đây cũng là  một đặc tính quan trọng của thể chế  dung hợp.

Mặc dù Quốc hội đã nhiều lần bàn thảo việc xây dựng và lên kế hoạch thảo luận , lấy ý kiến đóng góp để thông qua các Luật nêu trên nhưng cho tới nay, vì nhiều lý do chúng vẫn còn là những quy hoạch treo.

Rõ ràng  đang có một sự không đồng bộ giữa cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị khiến “ các lỗ hổng thể chế” đã hình thành và ngày càng làm trầm trọng thêm nạn tham nhũng , mua bán chức quyền, mất dân chủ , suy giảm lòng tin .

Còn nhiều nét đặc thù mang dấu ấn  văn hóa – lịch sử  trong thể chế ẩn  hiện nay như lối suy nghĩ và hành động tiểu nông :  hạn hẹp thiển cận , vùng miền , địa phương chủ nghĩa, cả nể , coi nặng  tình hơn lý  …kết hợp với những “ lỗ hổng thể chế” khác đã và đang  là lực cản  mạnh mẽ và dẻo dai kìm hãm công cuộc đổi mới và cải cách thể chế .
 

Phần 3. Xây dựng  bộ máy quản lý  xã hội  mang  tính  kiến tạo phát triển .

Nếu như thể chế được hiểu là các quy định , quy tắc mà theo đó nhà nước , doanh nghiệp và người dân tương tác lẫn nhau thì  trong nền kinh tế thị trường có một lĩnh vực tương tác rất quan trọng mà bấy lâu nay các nhà kinh tế theo quan điểm  truyền thống đã bỏ qua. Đó là khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường.

Nền kinh tế càng phát triển thì quá trình chuyên môn hóa càng diễn ra nhanh hơn dẫn đến số lượng các giao dịch và tương tác giữa các chủ thể trên thị trường tăng theo cấp số nhân. Ví dụ như để sản xuất một chiếc i-phone sẽ cần tới vài ngàn linh kiện do hàng chục nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cung ứng, hàng vạn đại lý bán buôn và bán lẻ  trên toàn cầu , các ngân hàng cung cấp vốn , các công ty truyền thông , quảng cáo ,tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới .v.v…Như vậy bên cạnh ngành công nghiệp phụ trợ còn có khu vực dịch vụ giao dịch phụ trợ  rất thiết yếu cho hoạt động phong phú được chuyên môn hóa cao của thị trường hiện đại.

Dường như chúng ta đã quen với thực tế diễn ra từ thời bao cấp là các cơ quan chủ quản, các Bộ, ngành là nơi gánh vác trách nhiệm thực hiện phần lớn các giao dịch đó với chi phí không hạch toán vào sản phẩm của đơn vị sản xuất. Kết quả là kinh tế càng phát triển, khối lượng tương tác tăng thì bộ máy quản lý kinh tế của nhà nước lại càng phình to . Tuy chi phí giao dịch là một con số không nhỏ nhưng nó không được tính đủ vào giá thành của đơn vị kinh doanh khiến bức tranh về hiệu quả kinh tế bị méo mó.

Trong khi đó bộ máy quản lý dù đã phình to vẫn không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch khổng lồ của nền kinh tế vốn đa dạng và phức tạp. Kết cục là tình trạng trì trệ  khi giải quyết các thủ tục , thái độ cửa quyền , nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp …đã trở thành vấn nạn . Tuy vậy ngân sách vẫn phải chi những khoản tiền lớn để vận hành bộ máy kém hiệu năng đó.

Trong đời sống xã hội cũng diễn ra đồng thời quá trình đa dạng hóa các quan hệ , số lượng các tương tác phi sản xuất cũng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong mấy chục năm gần đây dưới tác động của cách mạng truyền thông, Internet và quá trình toàn cầu hóa. Để quản lý những tương tác đó bấy lâu nay chúng ta dựa vào bộ máy khổng lồ gồm các cơ quan chính quyền, Đảng và các tổ chức chính trị- xã hội  với số công chức ăn lương từ ngân sách lên tới 2,8 triệu ( trong khi đó nước Mỹ với dân số  gấp 3,5 lần , năng suất lao động cao gấp nhiều lần Việt nam thì chỉ có 2,1 triệu công chức ). Có tới 35% chi ngân sách là để trả lương và hàng năm cần tới 40.000 tỷ để tăng lương cho bộ máy. (.http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/203225/-khong-dan-nao-dong-thue-nuoi-noi-bo-may-nay-.html)

Với những chi phí không nhỏ từ ngân sách cho bộ máy Đảng- Chính quyền- Tổ chức đoàn thể thì cách hữu hiệu để hàng hóa và dịch vụ Việt nam mang tính cạnh tranh trong toàn cầu hóa đó là nâng cao năng suất. Tuy nhiên trong những năm gần đây tăng trưởng của Việt nam chủ yếu dựa vào vốn mà không chú trọng thay đổi công nghệ – điều kiện tiên quyết để tăng năng suất. Dường như chúng ta đang lặp lại tình trạng năng suất lao động suy giảm của Liên Xô vào những năm 80 thế kỷ trước.

Một giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” là điều động đội ngũ nhân sự đông đảo nhưng kém hiệu quả từ các bộ máy của Đảng- chính quyền và đoàn thể sang xây dựng các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường. Điều này tạo cơ sở để các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể kiện toàn lại bộ máy cho gọn nhẹ, đa năng nhưng hiệu quả cao, đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với khu vực dịch vụ giao dịch phát triển. Nếu Trung Quốc đã học tập hình mẫu Hồng  Kông trước kia thì ngày nay chúng ta có thêm nhiều mô hình kinh tế dịch vụ thành công như Singapore, Malaysia, Israel …để tham khảo. Xin cung cấp một thông tin : ở Mỹ từ năm 1970 đã có tới 46% lực lượng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường và tạo ra hơn 50% GNP (Gross National Product).  

Bộ máy công quyền chuyên cung cấp các dịch vụ công có thể kiện toàn thu nhỏ lại nhưng hiệu năng phục vụ lại cao hơn bằng cách phát triển các hình thức tự phục vụ của các tổ chức cộng đồng . Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã thực hiện thành công mô hình xã hội hóa các dịch vụ công cộng.

Một khi làm được một bước chuyển mang tính cải cách như vậy thì bộ máy của Đảng và chính quyền sẽ có điều kiện tinh giản, tăng tính chuyên nghiệp và cải thiện đáng kể chế độ đãi ngộ ( Singapore là một mô hình để tham khảo ), hạn chế nạn tham nhũng hối lộ và tiến tới đóng vai trò của một bộ máy quản lý mang tính chất kiến tạo phát triển .

Mặt khác, khi đó  khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội và sẽ phát triển mạnh mẽ cả về lượng cũng như về chất,  đóng góp thêm  giá trị gia tăng cho nền kinh tế , tạo thu nhập xứng đáng cho người lao động. Hy vọng rằng khi đó sẽ không còn cái cảnh doanh nhân TQ dùng tiểu xảo đi thu mua nông , lâm , hải sản Việt nam để rồi lại bỏ rơi người nông dân Việt nam với đống hàng hóa ế ẩm khiến sản xuất trong nước đi vào đình đốn. Với khu vực dịch vụ giao dịch phát triển thị trường nội địa và sản xuất xuất khẩu đều được hưởng lợi khi mà các loại hình dịch vụ ngày một phong phú hơn, chất lượng cao hơn và điều có ý nghĩa hơn cả đó là  thể chế kinh tế thị trường của Việt nam sẽ tạo thêm sức hấp dẫn dòng vốn cũng như nhân lực tay nghề cao đến từ trong và ngoài nước .

Hơn bao giờ hết chúng ta cần luôn luôn nhận thức rằng cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia hiện nay xét cho đến cùng chính là cạnh tranh về chất lượng thể chế .

Thăng long- Hà nội 24/9/2015

Phạm Gia Minh


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire