23/12/2015

Giờ G đã điểm


Nguyễn Trung Chính

 

Hội nghị Trung ương 13 vẫn không giải quyết được cái gốc của sự tranh giành quyền lực: đó là trong tứ trụ triều đình hiện nay, giữa Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Tấn Dũng ai sẽ ở lại trong Bộ chính trị tương lai và ai sẽ phải khoác áo ra đi. 

Đây không còn là vấn đề cá nhân nữa mà ít nhất thể hiện hai đường lối đối với Bắc Kinh: "Không đổi toàn vẹn lãnh thổ lấy hữu nghị viển vông" và "Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Trung sống bên cạnh nhau bao giờ cũng là thật, không khi nào viển vông ". Bên cạnh đó cũng là giữa hai đường lối "bảo thủ triệt để" hay "đổi mới toàn diện".


Nếu  "Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị  không phải ngụy tạo thì chứng tỏ rằng qua hội nghị nói trên có kẻ hạ màn đánh lén trong bóng tối và người bị đánh lén đã trả lời công khai trước bàn dân thiên hạ.  

Có hai điều nổi bật trong thông cáo chính thức bế mạc Hội nghị Trung ương 13 đã diễn ra từ ngày 14 đến 21/12 

1/ "giao Bộ Chính trị tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định." 

Ai cũng biết rằng ông Nguyễn Tấn Dũng yếu thế trong Bộ chính trị, nên sẽ bất lợi cho ông Dũng nếu tương lai của ông do bộ này quyết định. Ông Trọng có vẻ yếu thế không dám để Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu về việc chọn lãnh đạo trực tiếp của mình. 

2/ "Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thông qua dự thảo Quy chế làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn chỉnh dự thảo các Quy chế nói trên để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng." 

Phải làm lại quy chế bầu cử có nghĩa là quy định về bầu cử do ông Nguyễn Phú Trọng ban ra trong đó cấm đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử, nhằm cắt hết cỏ dưới chân ông Dũng đã bị phản đối nên phải làm lại. Quy định này vi phạm điều lệ của đảng một cách nghiêm trọng, nhưng ông Trọng túng thế làm bừa. Nó cho thấy ban chấp hành trung ương khóa XI đang phân hóa dữ dội, ông Trọng không áp đặt được quan điểm của ông trong Ban chấp hành hiện nay nên dằng dai thời gian bằng cách để Ban Chấp hành Trung ương XII tương lai quyết định.  

Đại Hội XII được tổ chức vào ngày 20/1/2016 tức là chỉ còn một tháng thì dù cho có tổ chức được Hội nghị Trung ương 14 cũng sẽ không giải quyết được vấn đề cốt tử của tứ trụ muốn nắm mãi trong tay vận mệnh của đảng và qua đó của đất nước.

Cùng lắm là phe ông Trọng trong Bộ chính trị áp đặt để quyết dành phần thắng nhưng thái độ của Ông Dũng và những người ủng hộ đổi mới triệt để sẽ như thế nào vẫn là một ẩn số. Trong cuộc chiến một mất một còn này, ông Dũng và phe của ông chưa chắc đã cúi đầu cam chịu. Và khi đó Đại Hội XII chắc chắn sẽ là một đại hôi cực nóng, nóng, nóng.  

Ông Bùi Đức Lại, một chuyên viên cao cấp của Ban tổ chức trung ương trong một bài nhận xét góp ý cho văn kiện đại hội đảng đã cảnh báo một cách đáng sợ rằng: "Giai đoạn tới cuộc đấu tranh giữa các thế lực sẽ có thể diễn biến gay go hơn, quyết liệt hơn, công khai hơn. Không loại trừ một số hành vi cực đoan đối với nhau và đối với những người khác chính kiến (bị đe dọa trong 2 đoạn của Dự thảo)." 

Ra tay đầu tiên là phe Nguyễn Phú Trọng với sự bắt bớ LS Nguyễn Văn Đài. Đặc biệt thời điểm bắt ông Đài cho phép truyền thông trong nước và quốc tế hô hoán lên và đây lại là chủ ý tuyên truyền hăm dọa của phe ông Trọng.  Ông Bùi Đức Lại đã chuẩn đoán đúng. Chỉ còn lại câu hỏi bao giờ đến lượt ra tay với ba người con ông Dũng và ngay cả ông Dũng để giúp Trung Quốc yên lòng về "Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Trung sống bên cạnh nhau bao giờ cũng là thật, không khi nào viển vông" 

Chỉ còn một tháng nữa thôi, sẽ biết VN có được vực dậy hay không hoặc là tiếp tục xuống bùn đen với XHCN. Giờ G đã điểm.

 

Nguyễn Trung Chính

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire