Nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan Thái Anh Văn. |
Đúng vào lúc các đại biểu
đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) trên cả nước tập trung về Hà Nội thì một tin vui
vang lên từ đảo Đài Loan. Ngày Thứ Bảy 16/1 vừa qua hơn 8 triệu cử tri Đài Loan
đã đi bỏ phiếu bầu Tổng thống nước Cộng hòa Đài Loan. Hai đảng lớn nhất là Quốc
Dân Đảng và Đảng Dân Tiến tranh cử rất quyết liệt vì có hai quan điểm chính trị
trái nguợc nhau đối với Trung quốc lục địa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ)
cai trị.
Quốc Dân Đảng là đảng kỳ cựu chống Cộng bị thua trận rút về cố thủ trên đảo Đài Loan từ năm 1949, mấy năm nay đã thay đổi thái độ là dần dần chịu khuất phục đảng CSTQ, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với Bắc Kinh. Đảng này có số đông đảng viên già nua, bảo thủ đã có thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh năm 1992, với nội dung đồng thuận: Trung Quốc và Đài Loan là một quốc gia thống nhất tạm thời có 2 chế độ khác biệt, và «Bắc Kinh sẽ đình chỉ quan hệ với chính quyền Đài Loan nào không thừa nhận đồng thuận trên» .
Mấy năm nay từ khi chuẩn bị cuộc bầu Tổng thống đầu năm 2016, quan hệ giữa
2 bên eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng. Tổng Bí thư Tập Cận Bình và cận
thần của ông ta đang lo ngày lo đêm về kinh tế suy giảm, nợ quốc gia chồng
chất, dự trữ ngoại tệ vơi đi quy mô lớn từng tháng một, chiến dịch chống tham
nhũng «diệt ruồi, săn hổ» còn dở dang, thì tình hình Hồng Kông và Đài Loan,
cùng theo «một nước, 2 chế độ» trở nên cực kỳ bấp bênh, nguy hiểm. Phong trào
«Hoa Hướng Dương», rồi phong trào «Ô Dù» chưa dứt, thì trong những ngày đầu
năm, hàng mấy ngàn thanh niên Hồng Kông lại xuống đường đòi thả các nhân viên
hiệu sách bị mất tích, chỉ vì các hiệu sách này đã bày bán cuốn sách kể lại
những cuộc phiêu lưu tình ái của Tổng bí thư Tập Cận Bình vốn nổi tiếng là
nghiêm chỉnh về mặt vợ con.
Tuy vậy cuộc bầu Tổng thống Đài Loan vẫn là mối lo to lớn nhất. Chả vậy mà
ngày 7/11/2015, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp lịch sử với nguyên Tổng thống,
Chủ tịch Quốc Dân Đảng Mã Anh Cửu tại Singapore sau hàng nửa thế kỷ gián đoạn,
chỉ với mục đích tăng thêm sức nặng cho ông Chu Lập Luân, chủ tịch mới của Quốc
Dân Đảng đồng thời là ứng cử viên Tổng thống khi bầu cử đã đến nơi. Báo chí Bắc
Kinh không chút ngượng ngùng nhắc lại là hiện có hơn 1 ngàn tên lửa tầm trung
chĩa vào Đài Loan nhằm đe dọa các cử tri của đảo quốc này. Gần cuối năm trước,
Trung Quốc còn huy động 2 quân đoàn thực hiện một cuộc tập trận, đối tượng tiến
công để tiêu diệt là mô hình Phủ Tổng thống Đài Loan giữa thủ đô Đài Bắc, dựng
lên lớn như thật.
Nhân dân Đài Loan không hề sợ hãi. Họ tin tuởng ở quân đội được trang bị
hiện đại, huấn luyện tốt, lại có Hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ với nội
dung bên nào bị tấn công thì bên kia sẽ tận lực hỗ trợ (theo đạo Luật Taiwan
Relations Act). Hoa Kỳ cũng luôn bán vũ khí và trang bị quân sự hiện đại cho
Đài Loan, tàu chiến Hoa Kỳ thường có mặt ở các quân cảng Đài Loan và gần eo
biển này.
Kết quả bầu cử là Bà Thái Anh Văn, từng tốt nghiệp Đại Học Cornell, Hoa Kỳ,
và Tiến sỹ Kinh tế Đại học London, Anh quốc, Giáo sư Đại học Đài Loan, đã trúng
cử với đa số áp đảo là 58,1%, ông Eric Chu được 32,5 %. Ngay tối 16/1 ông Eric
Chu đã cúi đầu xin lỗi những cử tri đã bỏ phiếu cho ông, đồng thời gửi điện
chúc mừng bà Thái Anh Văn. Theo Tân Hoa Xã, sáng 17/1 Nhân dân Nhật báo
Bắc Kinh ra xã luận đe dọa bóng gió xa xôi «Con tàu phát triển hòa
bình có thể gặp sóng lớn và gặp biển động dữ dội». Hoàn cầuThời báo của
Bắc kinh cũng hòa giọng răn đe: «Trung Quốc sẽ kiên quyết chống lại mọi
mưu toan độc lập của đảo Đài Loan».
Được các báo hỏi về quan hệ với Bắc Kinh ngay sau khi trúng cử, bà Thái Anh
Văn cho rằng lúc này cần giữ sự «ổn định trong quan hệ», nhưng về chính sách
vẫn để ngỏ cho nguyện vọng của nhân dân, theo đúng một chế độ dân chủ.
Báo Đài Loan nhận xét bà Thái Anh Văn rất kiên định, từ tốn,
có suy tư chính trị sâu sắc riêng của một học giả có bản lĩnh. Đảng Dân Tiến
rất trẻ, cả về thành viên và tư duy; nhiều đảng viên thuộc thành phần học sinh,
sinh viên, nhà kinh doanh vừa và nhỏ, rất năng động, hoạt bát, luôn có sáng
kiến bền bỉ vận động dư luận.
Thế là ở châu Á gần đây, có 2 phụ nữ được cử tri tín nhiệm bầu vào chức vụ
cao nhất. Tháng 11/2015, bà Aung San Suu Kyi , lãnh đạo của Liên Minh Dân chủ,
thắng cử sau 15 năm bị giam cầm và quản chế, tham gia chính sự trên tư cách là
thủ lãnh của đảng đa số trong Quốc hội .
Việt Nam đâu thiếu những phụ nữ vừa có tài vừa có tâm. Trong hơn 30 tổ chức
xã hội dân sự đã xuất hiện không ít nữ lưu kiên cường, thông minh. Đó là Lê Thị
Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Bùi thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Hồ
Thị Bích Khương, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Thà, nữ nghệ sỹ Kim Chi... Trong những
ngôi sao ấy rồi sẽ xuất hiện những Aung San Suu Kyi, những Thái Anh Văn của
Việt Nam.
Cũng xin nói thêm là 2 nhà lãnh đạo nữ trên đây đều nung nấu tinh thần
thoát Trung rất kiên định. Bà Aung San Suu Kyi từng không cho Trung Quốc xây
đập lớn làm hại môi trường và đất của nông dân, ngăn chặn không cho «Con đường
tơ lụa», giấc mộng hão của Tập Cận Bình, chạy qua Myanmar, xuống Vịnh Tích Lan
để ra Ấn Độ Dương.
Bà Thái Anh Văn cho rằng hiện có một nước Trung Quốc với 2 chế độ chính
trị, nhưng không bao giờ Đại Lục có thể thôn tính được Đài Loan, trái lại chính
Đài Loan đang nêu tấm gương sáng rất sinh động, hấp dẫn về Tự do, Dân chủ cho
lục địa, để rồi sẽ chỉ có một nước Trung Quốc Dân chủ và Thống nhất phi cộng
sản mà thôi. Nhất định điều đó sẽ thành sự thật.
Mong rằng tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, kiên định thoát Trung, gắn bó
với thế giới Dân chủ của 2 nhà lãnh đạo nữ ở rất kề cận VN ta ở hai phía Tây và
Đông, sẽ làm cho 1510 đại biểu Đại Hội XII suy nghĩ sâu rộng để phát biểu lên
chính kiến riêng của mình mà mỗi người cho là đúng đắn, theo lẽ phải, theo quy
luật phát triển của tự nhiên và xã hội.
Xin các vị nhớ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê, chủ nghĩa xã hội kiểu mác-xít,
chủ nghĩa cộng sản ảo vọng xa xăm, chế độ độc đảng phản dân chủ…mà các dự thảo
văn kiện do Bộ Chính trị cổ lỗ cũ áp đặt cho Đại hội này đều là những rác rưởi,
cặn bã bị gần hết cả loài người đào thải, đã thối rữa.
Bui Tin
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire