Hồng Thủy
(GDVN) - Hàng ngàn năm đấu tranh bảo vệ độc lập
dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, người Việt đủ tỉnh táo, bản
lĩnh và trí tuệ vượt qua...
Giàn khoan 981 Trung Quốc, ảnh: Nhân Dân nhật báo Trung Quốc. |
Đa Chiều ngày 9/4 bình luận, lần thứ nhất trong
năm 2016 Trung Quốc cố tình kéo giàn khoan 981 ra vùng chưa đàm phán
phân giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở cửa vịnh Bắc Bộ mà họ gọi
là "giếng Lăng Thủy 24-1-1", diễn ra từ ngày 28/12/2015 kéo
dài đến 10/2/2016, thì ngày 19/1 Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản
đối yêu cầu rút giàn khoan.
Sau đó ngày 22/1 Cục Cảnh sát biển Trung Quốc
ra thông báo về vùng cấm tàu thuyền hoạt động quanh giàn khoan 981 ở
khu vực Trung Quốc gọi là "giếng Lăng Thủy 25-2-1" từ 20/1
đến 10/3. Từ đó đến nay Cục Cảnh sát biển Trung Quốc không ra thông
báo nào điều chỉnh.
Đa Chiều cho rằng, điều đó có nghĩa là dư luận
quốc tế chỉ biết giàn khoan 981 lại kéo ra vùng tranh chấp chưa phân
định ở cửa vịnh Bắc Bộ lần này thông qua kháng nghị chính thức của
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 7/4. Tuy nhiên tại sao Trung Quốc lại cố ý
diễn lại vở kịch 981 lúc này đã trở thành tâm điểm chú ý của dư
luận. Theo Đa Chiều có 3 mục đích chính.
Một là thăm dò thái
độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam sau Đại hội 12
Thời gian 2 lần Trung Quốc cố ý kéo giàn khoan
ra khu vực tranh chấp ở cửa vịnh Bắc Bộ năm nay rất đặc biệt. Lần
thứ nhất diễn ra đúng 5 ngày trước thềm khai mạc Đại hội 12 Đảng
Cộng sản Việt Nam hôm 21/1.
Lần thứ 2 ngay sau khi Chủ tịch nước Trần Đại
Quang nhậm chức và tuyên thệ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
quốc gia trước quốc dân đồng bào hôm 2/4, ngày 3/4 Trung Quốc kéo giàn
khoan 981 ra cửa vịnh Bắc Bộ.
Đa Chiều cho rằng, sự "trùng hợp" về
thời gian của các sự kiện này không thể không khiến dư luận hoài
nghi. Giàn khoan 981 liên tục được kéo ra khu vực tranh chấp giữa Trung
Quốc với Việt Nam ở cửa vịnh Bắc Bộ là do Bắc Kinh cố ý, nhằm thăm
dò thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam khóa mới về Biển Đông.
Nói cách khác, giàn khoan 981 đã trở thành công
cụ Trung Quốc thường xuyên dùng để thăm dò Việt Nam.
Trước đó các phát biểu mạnh mẽ của một số
nhà lãnh đạo Việt Nam trước các hành vi leo thang bành trướng, xâm
phạm chủ quyền Việt Nam và chà đạp luật pháp quốc tế, phá hoại
hòa bình ổn định ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra đã khiến Bắc Kinh
chú ý.
Họ muốn biết thái độ của các nhà lãnh đạo
Việt Nam sau Đại hội 12 như thế nào trước các hành động của Trung
Quốc trên Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.
Hai là dùng giàn
khoan 981 làm công cụ khẳng định "chủ quyền" đường lưỡi bò
và tạo ra "trạng thái bình thường mới"
Việc thỉnh thoảng lại kéo giàn khoan ra khu vực
tranh chấp ở cửa vịnh Bắc Bộ cho thấy Trung Quốc hoàn toàn chủ
động, có chủ ý trong mỗi bước tiến thoái khi tranh chấp với Việt Nam
ở Biển Đông. Giàn khoan 981 được Trung Quốc kéo ra khi cần, và rút về
khi cần.
Điều này khác hoàn toàn với việc năm 1994 tàu
Trung Quốc kéo vào khu vực bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam
Việt Nam (không có tranh chấp) định thăm dò khai thác, nhưng vấp phải
phản ứng quyết liệt của Việt Nam nên Trung Quốc phải rút và dừng
các hoạt động quấy phá ở đây từ năm 1996.
Gần 20 năm sau, Trung Quốc lại lặp lại chước cũ
nhưng với bộ máy và công cụ quy mô, nguy hiểm hơn nhiều, đó là vụ
cắm giàn khoan 981 bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm
lục địa Việt Nam tháng 5 năm 2014. Bất chấp quan hệ Việt - Trung đã
trở nên căng thẳng tồi tệ, Trung Quốc vẫn không dừng tay.
Năm ngoái, Trung Quốc 2 lần kéo giàn khoan 981 ra
khu vực tranh chấp với Việt Nam ở cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng, lần 1
từ ngày 25/6 đến 20/8, lần 2 từ ngày 24/8 đến 20/10 và đặt cách vị
trí hạ đặt bất hợp pháp tháng 5/2014 rất gần.
Năm nay, Trung Quốc tiếp tục kéo giàn khoan 981
ra khu vực này rõ ràng cho thấy, ý đồ dùng nó làm công cụ để âm mưu
hiện thực hóa đường lưỡi bò, vở kịch giàn khoan 981 sẽ trở thành
một "trạng thái bình thường mới". Dù Việt Nam có phản đối
cũng khó ngăn chặn được quyết tâm (dã tâm) này của Trung Quốc.
Bắc Kinh sẽ quan sát thái độ của các nhà lãnh
đạo và dư luận người dân Việt Nam để tạm thời rút giàn khoan 981,
nhưng việc cắm rồi lại rút sẽ diễn ra thường xuyên hơn, và hoàn toàn
chủ động trong chủ trương chung của Trung Quốc.
Thứ ba là nghi
binh để dư luận bớt chú ý hành động Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Đa Chiều cho rằng, vụ kéo giàn khoan ra khu vực tranh
chấp ở cửa vịnh Bắc Bộ lần này cần phải đặt trong bức tranh tổng
thể ở Biển Đông. Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa
Biển Đông mà Bắc Kinh tiến hành (bất hợp pháp) đã thay đổi cơ bản
cán cân lực lượng trong khu vực.
Bài học Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988 luôn luôn nóng hổi, day dứt trong lòng người Việt Nam. Bức tranh "Vòng tròn bất tử Gạc Ma" của họa sỹ Bùi Lệ Trang. |
Mỹ, Việt Nam, Philippines rất lo ngại trước hành
vi quân sự hóa của Trung Quốc và khiến dư luận quốc tế đang tập trung
chú ý vào điểm này. Việc Trung Quốc liên tục kéo giàn khoan 981 ra
vùng tranh chấp ở cửa vịnh Bắc Bộ còn nhằm mục đích nghi binh, thu
hút sự chú ý của dư luận khỏi các hành vi xây dựng và quân sự hóa
bất hợp pháp của họ.
Cá nhân người viết cho rằng, việc các lực
lượng chức năng Việt Nam bắt giữ tàu chở dầu Trung Quốc vi phạm trên
vùng biển Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ hay đuổi tàu cá Trung Quốc xâm
nhập trái phép vào sâu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở khu vực
Quảng Bình là rất đáng hoan nghênh.
Nhưng khác với thông lệ, Trung Quốc hoàn toàn im
lặng trước những vụ việc này. Cá nhân người viết cho rằng, Bắc Kinh
đang cố tình muốn tạo ra một sự "hả hê" cho dư luận Việt Nam
để tạm thời quên để mắt đến các hành vi leo thang thực chất quân sự
hóa bất hợp pháp Biển Đông nguy hiểm hơn mà Trung Quốc tiến hành ở
Hoàng Sa và Trường Sa.
Còn tờ Đa Chiều thì nói toẹt ra rằng, hiện
tại Trung Quốc đã khống chế (bất hợp pháp) toàn bộ Hoàng Sa (Đà
Nẵng, Việt Nam), và đã xây dựng cơ bản đảo nhân tạo (bất hợp pháp)
ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), trong khi Việt Nam vẫn không thể vì
Biển Đông mà cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Do đó Bắc Kinh sẽ chủ
động tạo ra ma sát, mâu thuẫn với Việt Nam để dư luận khỏi chú ý
đến hành vi quân sự hóa (phi pháp) Trường Sa.
Đây chính là mục đích chính của vụ Trung Quốc
kéo giàn khoan vào hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh
tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014. Đa Chiều khẳng định, 981 đã
trở thành bình phong nghi binh cho các hoạt động thực sự (nguy hiểm
và phi pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa.
Ngày nay, Trung Quốc lại tiếp tục giở chước cũ
giương đông kích tây cũng là một nước cờ nghi binh, bởi lẽ dù sao
việc quân sự hóa một số thực thể ở Trường Sa vẫn chưa hoàn thành.
Trung Quốc chưa đủ sức đối phó với Mỹ nên 981 lại trở thành con bài
Bắc Kinh dùng để nghi binh.
Vài lời nhận
xét
Cá nhân người viết cho rằng, những điều Đa Chiều
nói ra và cả những điều giới phân tích bình luận Trung Quốc không
nói ra về vụ kéo giàn khoan ra vùng tranh chấp ở cửa vịnh Bắc Bộ,
hay hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông, người Việt Nam đều hiểu
rất rõ. Hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt
thừa hiểu bản chất láng giềng.
Có điều về mặt nguyên tắc, tất cả hành vi
hoạt động nào của phía Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác xâm phạm
đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hay lợi ích hợp
pháp của Việt Nam, Việt Nam đều phải và đều đã lên tiếng phản đối,
đồng thời có hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi
ích hợp pháp của mình.
Còn câu chuyện Trung Quốc leo thang nguy hiểm,
quân sự hóa Biển Đông ở quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa
đúng là bài toán nan giải mà Việt Nam, cũng như khu vực và cộng
đồng quốc tế đang phải hợp sức tìm cách ngăn chặn, hóa giải.
Hành động tuần tra 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng
Sa mà Hoa Kỳ tiến hành ngày 31/1 năm nay hay đá Xu Bi, Trường Sa ngày
27/10 năm ngoái cho thấy, cộng đồng quốc tế và Hoa Kỳ ý thức rất rõ
về tầm quan trọng của tự do hàng không hàng hải và chống bành
trướng trên Biển Đông.
Nhưng ở đời, càng dùng trò tiểu nhân thì càng
lộ mặt tiểu nhân. Dù có đem cả quỹ Con đường Tơ lụa hàng chục tỉ
USD ra làm mồi nhử, Trung Quốc cũng không bịt được mắt thế gian.
Và đặc biệt nội dung "Đồng thời phản bác lại những luận điệu xuyên tạc
sai trái của các thế lực thù địch về những vướng mắc, bất đồng trong quan hệ
giữa hai nước thời gian qua" trong chuyến thăm
Việt Nam của ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn
càng trở nên buồn cười, kệch cỡm.
Người viết tin rằng với hàng ngàn năm đấu tranh
bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, người Việt đủ
tỉnh táo, bản lĩnh và trí tuệ vượt qua thách thức này. Xung quanh
Việt Nam còn nhiều bạn bè quốc tế đang chung sức duy trì hòa bình
ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế và hòa bình ổn định ở Biển
Đông.
Dường như Trung Quốc đang coi họ là "thế
lực thù địch" và tìm cách ngăn cản hợp tác giữa Việt Nam và
bạn bè quốc tế, nhưng mọi âm mưu và nỗ lực ấy sẽ trở nên vô ích,
buồn cười và quay ngược lại vạch mặt những dã tâm bành trướng.
Hồng
Thủy
Nguồn:
Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire