Vũ Đức Sao Biển
"Các nhà kinh tế chính trị học cho rằng cái sai lầm lớn nhất của hai đời tổng thống Hugo Chavez và Maduro Moros là đã quá ỷ lại vào hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô, vốn chiếm đến 80% thu nhập của nền kinh tế đất nước.
Cái sai lầm thứ hai của họ là đã giao quyền quản lý tài chính và kinh tế cho giới quân nhân - vốn không đủ tài năng và kỹ năng để điều hành các hoạt động trên."
Đầu tháng 5.2016, cả thế giới đón nhận một thông tin
không lấy gì làm vui: Người dân Venezuela đã thực sự rơi vào nạn đói.
Venezuela
có gần 27 triệu dân, diện tích rộng đến trên 912.000 km2, hơn 2.800 km bờ biển, nhiều hải đảo và thắng cảnh
xinh đẹp, từng là một đất nước có nền kinh tế thịnh vượng bậc nhất ở Nam Mỹ
trong ba thập niên 1950 - 1980. Ấy vậy mà bây giờ, nhân dân họ đang rơi vào nạn
đói.
Đói
- được hiểu theo nghĩa đen, là tình trạng mà con người ăn thiếu bữa, bữa ăn vừa
không ngon, vừa không đủ no bụng và tất nhiên là thiếu dưỡng chất. Phóng sự của
các hãng truyền hình quốc tế đưa hình ảnh các siêu thị ở Venezuela trống hốc,
không còn hàng hóa và thực phẩm để bán.
Những
đoàn người chen lấn xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm nhưng vẫn không mua được thứ
gì, những chiếc tủ lạnh gia đình không còn thức ăn và những gia đình thiếu ăn
một hoặc hai bữa trong ngày. Người lớn thì còn chịu được chứ trẻ con thì rất
đáng thương.
Con
số thống kê cho biết 80% dân số Venezuela sống ở các thành phố, nghĩa là lực
lượng lao động sản xuất ra lương thực và thực phẩm của họ rất mỏng. Cuộc khủng
hoảng giá dầu thô xuất khẩu trong ba năm qua đã đẩy nền kinh tế của Venezuela
tụt giảm đến mức nghiêm trọng cộng với tốc độ phá giá quá nhanh đến mức chóng
mặt 720% của đồng bolivar đã khiến nền kinh tế của họ không gượng dậy nổi. Vậy
là nạn đói xảy ra.
Nạn
đói ở Venezuela thật sự đáng lo ngại bởi ai cũng biết thiên nhiên nước này rất
tươi đẹp, phố xá hiện đại, nơi đây lại nổi tiếng là có nhiều hoa hậu thiên kiều
bá mị bậc nhất thế giới. Báo chí truyền thông quốc tế đưa thông tin một cách
hài hước rằng ngay những băng cướp hung hãn nhất ở đô thị cũng hoàn toàn dửng
dưng trước nhan sắc phụ nữ trẻ và đồng bolivar bởi vì họ... không đủ sức để nài
hoa ép liễu và biết nếu có lấy được tiền bolivar cũng chẳng mua được cái gì! Họ
chỉ chăm chăm cướp đồng đô la Mỹ vì chỉ có đô la mới mua được các thứ cần mua!
Phân
tích nguyên nhân của tình trạng sụp đổ đáng buồn này, các nhà kinh tế chính trị
học cho rằng cái sai lầm lớn nhất của hai đời tổng thống Hugo Chavez và Maduro
Moros là đã quá ỷ lại vào hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô, vốn chiếm
đến 80% thu nhập của nền kinh tế đất nước.
Cái
sai lầm thứ hai của họ là đã giao quyền quản lý tài chính và kinh tế cho giới
quân nhân - vốn không đủ tài năng và kỹ năng để điều hành các hoạt động trên.
Cái sai lầm thứ ba là nền tài chính nước này đã bị đô la hóa, tất cả mọi giao
dịch đều dùng đồng đô la Mỹ, đẩy vai trò đồng tiền quốc dân bolivar trở thành
phụ thuộc. Và sau cùng, một sai lầm nữa là Venezuela dường như chẳng quan tâm
đến sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, phát triển chăn nuôi, du lịch.
Nói
cách khác, hậu quả đáng buồn ngày nay bắt nguồn từ nguyên nhân là một nền kinh
tế thiên lệch, mất cân đối.
Ngoài
Venezuela, nạn đói cục bộ đang diễn ra ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ
toàn thế giới.
Hạn
hán mùa hè ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đang đẩy một bộ phận người nghèo ba
quốc gia này vào nạn đói. Các cuộc chiến tranh khủng, bố đang khiến một bộ phận
người dân các nước châu Phi lâm vào nạn đói. Dễ thấy nhất là nạn đói đang diễn
ra trong các trại tị nạn dành cho người Syria và các nước Trung Đông ở các quốc
gia châu Âu.
Dù
có cố gắng đùm bọc, chia sẻ đến đâu đi nữa thì các quốc gia châu Âu cũng chỉ có
thể lo cái ăn chừng mực cho những người tị nạn. Trong các thông tin về người tị
nạn chết trên thuyền, ta hiểu phần lớn đó là những cái chết vì đói, vì kiệt sức
chứ không hẳn là vì bức hại.
Cái
đói không dừng lại ở chỗ làm kiệt quệ thân xác khiến thân thể con người ốm o
gầy mòn rồi tử vong. Nó còn gây ra một hiệu ứng đáng sợ là làm xói mòn, thậm
chí tiêu diệt phẩm giá con người.
Lịch
sử Trung Quốc cho biết rằng vào những năm thiếu đói do nạn xâm lược của Đại Kim
và Mông Cổ đời nhà Tống, người Trung Quốc đã ăn thịt lẫn nhau; cha mẹ đổi con
cái với nhà khác để làm thịt! Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung đã có hẳn hai
chương viết về bọn cường đạo bắt hai đứa bé Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối, nấu
sẵn chảo nước sôi định làm thịt thì được bọn Từ Đạt và Chu Nguyên Chương giải
thoát.
Thật
không cường điệu chút nào khi nhà văn Lỗ Tấn viết truyện ngắn Nhật ký người
điên, kết luận xã hội Trung Quốc (trước năm 1921) là “xã hội người ăn thịt
người”, hiểu từ nghĩa đen đến nghĩa bóng.
Tôi
đã xem một cuốn phim tư liệu về một trại tập trung của Đức Quốc xã giam giữ
những người tù là trí thức cao cấp như bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ của nhiều nước
châu Âu. Họ chỉ được ăn mỗi ngày một bữa và đôi khi bị bỏ đói vài ngày. Buổi
sáng, họ được mở cửa trại giam cho ra sân vận động. Một lính phát xít đứng trên
chòi canh cao, vứt xuống một miếng bánh mì. Vậy là những bác sĩ, giáo sư, tiến
sĩ đói khát ấy lăn xả vào nhau, đánh nhau để giành một mẩu bánh. Tất nhiên,
chẳng ai giành được mẩu bánh cả nhưng người ta phải giành nhau vì đó là quán
tính trước cái đói.
Hình
ảnh trong phim làm cho những khán giả trẻ sinh sau thời Thế chiến thứ 2 vừa tủi
hổ, đau đớn, vừa xót thương cho thân phận con người. Nhà văn Jean Paul Sartre
(Pháp) nói một câu thật chí lý: “Trước một người đang đói thì những tác phẩm
của tôi không có giá trị bằng một mẩu bánh mì”.
Đất
nước ta sống nhờ nền sản xuất nông nghiệp, lấy lúa gạo làm lương thực chính,
lấy sản phẩm cá, thịt, rau nuôi trồng được hay khai thác tự nhiên làm thực phẩm
chính. Lúa gạo đã đưa vị thế đất nước ta tiến lên bậc nhất, bậc nhì trong xuất
khẩu lương thực của thế giới ngày nay. Một đất nước may mắn như vậy thì không
bao giờ xảy ra nạn đói được. Nếu có một số bộ phận, một hộ gia đình nào đó
thiếu gạo thì đã được hàng xóm hoặc địa phương giúp đỡ ngay. Truyền thống đùm
bọc ấy đã có ngàn đời nay và đang phát huy mạnh mẽ trong thời đại chúng ta.
Trong
năm 2016 này, đồng bằng sông Cửu Long đã bị tác động rất lớn của hiện tượng
biến đổi khí hậu, hạn hán và sự xâm thực mặn đã làm bà con nông dân thất thu
hàng trăm ngàn héc ta lúa, hoa màu và trái cây, hàng vạn héc ta mặt nước nuôi
trồng thủy sản.
Tổn
thất kinh tế ấy là lớn nhưng với tinh thần lao động hăng say, với trình độ khoa
học kỹ thuật cao, với tình yêu nước nồng nàn, bà con nông dân đồng bằng sẽ có
những vụ mùa bội thu. An ninh lương thực sẽ vẫn được đảm bảo; xã đảm bảo xã,
huyện đảm bảo huyện, tỉnh đảm bảo tỉnh; chẳng những đủ cho tiêu dùng nội địa mà
còn cho cả xuất khẩu.
Ước
mơ của nhân dân ta là ăn no, mặc ấm tiến lên ăn ngon, mặc đẹp. Thế nhưng, chúng
ta vẫn không quên nhiệm vụ tiết kiệm lương thực, thực phẩm cho gia đình và cho
cả xã hội. Nước Pháp đã có những hội đoàn thiện nguyện đi thu nhặt các thực
phẩm dư thừa trong nhà hàng, khách sạn giúp cho người nghèo, người lang thang
có cái ăn. Nước ta cũng có những tổ chức từ thiện nấu cháo, nấu cơm tặng cho
người bệnh và người nuôi bệnh, bữa cơm từ thiện giá 2.000 đồng cho người lao
động nghèo.
Cái
ăn no làm nên phẩm giá con người, phẩm giá dân tộc. Chúng ta cố thực hiện cho
được việc tiết kiệm, chia sẻ đầy tính nhân văn ấy, nhân danh phẩm giá dân tộc.
Vũ
Đức Sao Biển
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire