27/09/2016

Dẹp Formosa là thượng sách !



Thiện Tùng

Để trả lời câu hỏi “Khi nào ăn cá được?”, Sáng 20/9/2016, tại cuộc họp giao ban giữa bộ Y Tế, bộ Tài - Môi, bộ Nông - Phát với các cơ quan Báo Chí để thông tin những việc liên quan sau thảm họa môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Hướng dẫn vùng đánh bắt, sử dụng và không sử dụng các loại hải sản, ba Bộ kết luận như sau:

Minh họa - Ảnh Dân Làm Báo
 

                      



1/ Vùng biển tính từ bờ ra 13 hải lý (tương đương 25km) chưa thật sự an toàn – do nước biển từng trên hết độc, từng  dưới còn độc. 

2/ Các loại hải sản ở tầng nổi (trên) an toàn,  được dùng làm thực phẩm như: cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác.  

3/ Các hải sản ở tầng đáy (dưới) chưa an toàn như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác.
 

Các loại hải sản ba Bộ vừa kê ra ở phần 2 à 3  (chữ nghiêng) là loài động vật chớ đâu phải thực vật, chúng luôn di chuyển lên xuống, tới lui để thở và kiếm ăn, tránh sao khỏi lộn xộn, gây nhiễm cho nhau ? . Ngay cả nước biển cũng luôn bị xáo trộn do thủy lưu và sóng gió?. Thế thì sự an toàn hay không an toàn mà 3 Bộ đưa ra cũng chỉ tương đối ?. Nếu thấy chưa an toàn tuyệt đối, tốt hơn hết là cấm – cấm cả ăn hải sản và tắm biển. Đây là lĩnh vực thuộc về đạo đức, là người lãnh đạo và cũng là những nhà khoa học không được làm “cò mồi, xúi dại”, đem sinh mạng người dân ra làm trò đùa. 

Qua kết luận không đáng tin cậy,thiếu tính khả thi của 3 Bộ, khiến lời ra tiếng vào nghe riết nhức tai. Trong cuộc trà đàm mà người viết là một thành viên trong số đàm tiếu như sau: 

-          Phải tổ chức quản lý các loài hải sản. 

-            Bằng cách nào? 

-            Làm giấy chứng minh, hộ khẩu cho ít nhất từng chủng loại hải sản. 

-  Không được! – Để đủ giấy làm việc nầy phải xây dựng nhiều nhà máy giấy, xả độc ra môi trường chết nữa?! 

-            Chưa đủ, chúng di chuyển rồi sao?  

-    Phải khoanh vùng cư trú, phải thành lập cơ quan chuyên trách xuất nhập cảnh, ra ngoài vùng phải có visa. 

-            Lại không được! -  Nợ nần chồng chất, đẻ thêm tổ chức lấy tiền đâu trả?!. 

-            Đừng lo, các loài thủy hai sản thuộc lĩnh vực quản lý của Diêm Vương – mọi việc giao cho Diêm Vương là ổn mọi bề ?. 

-    Chưa chắc Diêm Vương chịu, bởi từ lâu Diêm Vương đã đổi mới thể chế chính trị, cai quản theo lối đa nguyên, các loài thủy  sản tự do di chuyển tìm thức ăn. Nếu Diêm Vương vị bụng ta, ràng buộc bên dưới của mình, binh tôm tướng cá sẽ kéo về hỏi tội ông ấy thì ai chịu trách nhiệm ?. 

-            Vậy thì còn nước làm rào ngăn ra từng khu vực và ngăn tầng trên, tầng dưới ở biển. 

-            Cũng không được, chi phí khủng, di họa khiếp – chẳng những không có tiền chi, loài hải sản thiếu ăn, bị gò bó không sinh sản sẽ tiệt chủng. Hải sản tiệt giống, ngư dân cũng tiệt dòng?. 

-            Vậy tốt nhất là dẹp Formosa và những nhà máy gây ô nhiễm môi trường – Thầy thuốc hết muốn nghe đàm nhảm vừa đứng dậy vừa nói.
 

Hoan hô sáng kiến của thầy thuốc - “Dẹp Formosa là thượng sách” !!!. 

 

27/09/2016

    T.T

1 commentaire:

  1. Đọc xong bài báo này, Thủ tướng N.X. Phúc quyết:
    1. Bộ Nội vụ và Bộ CA kết hợp với các Bộ Y, Môi - Tài, Nông - Phát tổ chức lập hồ sơ cư trú cho tất cả các loại Thủy - hải sản ở ùng biển bị ô nhiễm;
    2. Bộ Nội vụ nghiên cứu trình CP và QH ban hành Quy chế Cư trú cho các loài Thủy, hải sản Việt Nam, trong đó có điều khoản cấm các loài thủy - hải sản di cư, đi lại giữa các vùng biển bị đầu độc và chưa bị đầu độc, giữa tầng nổi (trên) và tầng đáy (dưới); quy định phạt nặng và nghiêm đối tượng vi phạm (!).
    3. Bộ KH-CN nghiên cứu gắn chíp chứng nhận an toàn cho thủy - hải sản ở ngoài vùng biển bị đầu độc, cấm sử dụng chíp có xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan!

    RépondreSupprimer