Tổng
thống Barack Obama phát biểu chia tay Nhà Trắng tại thành phố quê nhà Chicago
vào tối ngày 10/1, tức sáng ngày 11/1 giờ Hà Nội. Dưới đây là nội dung bài phát
biểu của ông.
“Xin
chào Chicago
Thật
vui khi trở về nhà. Cảm ơn tất cả mọi người.
Michelle
và tôi cảm thấy rất xúc động vì những lời chúc mà các bạn đã gửi tới chúng tôi
trong hai tuần qua. Nhưng tối nay, đến lượt tôi nói lời cảm ơn. Dù chúng ta đã
từng nhìn hòa thuận hay không hề đồng tình với nhau, những cuộc trao đổi giữa
tôi với các bạn – người dân nước Mỹ, trong các phòng khách, nông trại, nhà máy,
các bữa tiệc hay những tiền đồn quân sự xa xôi, đã giúp tôi trung thực, giúp
tôi có nguồn cảm hứng và tiếp tục công việc. Mỗi ngày tôi đều học được từ các
bạn.
Các
bạn đã giúp tôi trở thành tổng thống tốt hơn, một người đàn ông tốt hơn.
Tôi
lần đầu tiên đến Chicago khi mới ngoài 20 tuổi, đang cố tìm hiểu xem mình là
ai, vẫn đang tìm kiếm mục đích của đời mình. Tôi bắt đầu làm việc trong một
nhóm nhà thờ, gần một nhà máy thép đã đóng cửa ở gần đây. Trên những con phố
đó, tôi đã chứng kiến sức mạnh của lòng tin, cùng phẩm chất thầm lặng của những
người lao động khi đối mặt với khó khăn, mất mát.
Đây
chính là nơi tôi học được rằng thay đổi chỉ có thể diễn ra khi những người bình
thường được tham gia, cùng nhau đòi hỏi điều đó. Sau 8 năm làm tổng thống của
các bạn, tôi vẫn tin tưởng vào điều đó.
Đó
không chỉ là niềm tin của tôi, đó là nhịp đập của lý tưởng Mỹ chúng ta, trải
nghiệm của chúng ta về chế độ tự quản.
Đó
là niềm tin rằng chúng ta đều sinh ra bình đẳng, tạo hóa ban cho chúng ta quyền
bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh
phúc.
Cần
phải thừa nhận rằng những quyền đó dù là hiển nhiên nhưng không thể tự nhiên mà
có. Chúng ta – người dân, thông qua công cụ của nền dân chủ, có thể tạo nên một
thể thống nhất hoàn hảo hơn.
Đó
là món quà lớn mà những bậc khai quốc đã trao cho chúng ta. Quyền tự do theo
đuổi những giấc mơ của bản thân bằng mồ hôi, lao động và trí óc, cùng nghĩa vụ
phải phấn đấu cùng nhau, nhằm đạt được những điều tốt đẹp hơn.
Trong
240 năm, lời kêu gọi của đất nước với người dân đã mang lại công việc và mục
đích cho mỗi thế hệ mới. Đó là điều khiến những người yêu nước chọn nền cộng
hòa chứ không phải sự chuyên chế, khiến những người tiên phong đi về phía Tây,
những người nô lệ lên những đường sắt tạm bợ để đến với tự do. Đó là những điều
khiến người nhập cư và tị nạn vượt đại dương và sông Rio Grande. Đó là điều
thúc đẩy phụ nữ yêu cầu quyền bầu cử, thôi thúc người lao động làm việc và
những người lính Mỹ sẵn sàng hiến dâng cuộc sống tại bãi biển Omaha, Iwo Jima,
Iraq và Afghanistan và lý do đàn ông và phụ nữ từ Selma đến Stonewall cũng sẵn
sàng làm vậy.
Vì
vậy, đó là những gì chúng tôi ám chỉ khi nói rằng nước Mỹ rất đặc biệt. Không
phải là đất nước này hoàn mỹ ngay từ đầu mà chúng ta đã thể hiện được năng lực
thay đổi và làm cho cuộc sống tốt hơn . Đúng, sự tiến bộ của chúng ta đã không
đồng đều. Công việc của nền dân chủ luôn khó khăn và gây tranh cãi, đôi khi còn
đẫm máu. Cứ bước hai bước về phía trước, chúng ta lại có cảm giác có một bước
lùi. Nhưng lịch sử dài của Mỹ đã được xác định bởi nỗ lực tiến về phía trước,
được xác định bởi sự tiếp nối tín điều lập quốc là nước Mỹ mở rộng vòng tay với
tất cả mọi người chứ không chỉ là một số.
Nếu
tôi đã nói với bạn cách đây 8 năm rằng nước Mỹ sẽ đảo ngược cuộc suy thoái lớn,
khởi động lại ngành công nghiệp ôtô và mở ra nhiều việc làm nhất trong lịch sử.
Nếu tôi đã nói với các bạn rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với người dân
Cuba, chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không phải nổ một phát
súng nào và tiêu diệt kẻ chủ mưu vụ 11/9. Nếu tôi nói với các bạn rằng
chúng ta sẽ thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng trong kết hôn và
đảm bảo quyền được chăm sóc y tế cho thêm 20 triệu đồng bào.
Nếu
tôi nói với các bạn rằng, các bạn có thể nghĩ tầm nhìn của chúng ta hơi cao.
Nhưng đó là những gì chúng ta đã làm, các bạn đã làm. Các bạn chính là sự thay
đổi. Các bạn đáp lại niềm hy vọng của người dân, và chính nhờ các bạn cùng gần
như tất cả những biện pháp đó, nước Mỹ là đã trở nên hùng mạnh hơn trước đây,
khi chúng ta khởi đầu.
Trong
10 ngày nữa, thế giới sẽ chứng kiến một bước ngoặt trong nền dân chủ của chúng
ta. Việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sẽ diễn ra giữa một tổng thống
dân bầu cho người kế nhiệm. Tôi cam kết với Tổng thống đắc cử Trump rằng chính
quyền của tôi sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao thuận lợi nhất có thể, giống như
những gì Tổng thống Bush đã từng làm cho tôi.
Bởi
vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo cho chính phủ có thể đối phó được
với những thách thức mà chúng ta vẫn đang đối mặt. Chúng ta có những thứ cần
thiết để làm như vậy. Chúng ta có mọi thứ để đáp lại những thách thức đó.
Rốt
cuộc, chúng ta vẫn là quốc gia giàu có nhất, hùng mạnh nhất, được tôn trọng
nhất trên thế giới. Sức trẻ, động lực, sự cởi mở và đa dạng, khả năng chấp nhận
mạo hiểm và tái tạo vô tận của chúng ta đồng nghĩa với việc tương lai sẽ thuộc
về chúng ta. Nhưng ý chí đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi nền dân chủ của
chúng ta hoạt động, nếu nền chính trị của chúng ta phản ánh tốt hơn nguyện vọng
của nhân dân.
Chỉ
khi tất cả chúng ta, bất kể đảng phái hay lợi ích, cùng góp tay vào mục tiêu
chung, chính là thứ mà chúng ta đang rất cần đến. Đó chính là điều mà tôi muốn
tập trung đề cập tối nay. Tình trạng nền dân chủ của chúng ta.
Dân
chủ không có nghĩa là tất cả đều có ý kiến như nhau. Những bậc khai quốc của
chúng ta cũng đã tranh luận, cãi nhau, nhưng cuối cùng họ đã thỏa hiệp, họ kỳ
vọng chúng ta cũng làm như vậy. Nhưng họ biết rằng nền dân chủ cần đến nền tảng
cơ bản của sự đoàn kết, với niềm tin rằng dù có những khác biệt, tất cả chúng
ta đều cùng chung một đất nước. Dù trỗi dậy hay đi xuống, chúng ta luôn đồng
hành cùng nhau.
Có
những thời khắc trong lịch sử, sự đoàn kết đó đã bị đe dọa. Thời kỳ đầu của thế
kỷ này là một trong những thời khắc như vậy. Một thế giới suy thoái, sự bất
bình đẳng gia tăng, thay đổi nhân khẩu học và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng
bố. Những thế lực đó không chỉ thử thách an ninh, thịnh vượng của chúng ta, mà
còn thách thức nền dân chủ.
Cách
chúng ta đối phó với những thách thức của nền dân chủ sẽ quyết định khả năng
giáo dục con em, tạo ra công ăn việc làm, và bảo vệ đất nước. Nói cách khác, nó
sẽ quyết định tương lai của chúng ta.
Nền
dân chủ của chúng ta sẽ không hoạt động nếu không có niềm tin rằng mọi người
đều có cơ hội về kinh tế. Tin tốt là kinh tế chúng ta đang tăng trưởng trở lại,
lương, thu nhập, giá trị nhà đất và tiền hưu trí cũng tăng, trong khi đói nghèo
đang giảm bớt.
Người
giàu đang phải trả một khoản thuế công bằng. Thị trường chứng khoán đang phá vỡ
các kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong 10 năm. Tỷ lệ người
không có bảo hiểm chưa bao giờ thấp hơn thế.
Chi
phí y tế đang tăng với tốc độ chậm nhất trong 50 năm. Nếu ai có thể vạch ra kế
hoạch tốt hơn so những cải tiến chúng tôi đã làm được với hệ thống y tế – đáp
ứng được nhiều người với chi phí ít hơn – thì tôi sẽ công khai ủng hộ nó.
Bởi
vì sau tất cả, đó là lý do chúng tôi phục vụ đất nước, không phải để ghi điểm
hay được kể công, mà là để cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Nhưng với tất
cả các tiến bộ thực sự mà chúng tôi đã làm được, chúng tôi biết như thế là chưa
đủ. Nền kinh tế không thể hiệu quả và phát triển nhanh khi sự giàu có của một
vài người lại gây ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và nấc thang cho những người
muốn được vào tầng lớp trung lưu.
Đó
là lý luận về mặt kinh tế, nhưng sự bất bình đẳng rõ rệt cũng làm xói mòn tư
tưởng dân chủ. Trong khi nhóm 1% tích lũy được lượng của cải và thu nhập lớn
thì rất nhiều gia đình, các khu vực nghèo khó, cộng đồng thiểu số và vùng nông
thôn bị bỏ lại phía sau.
Những
công nhân nhà máy, bồi bàn hay nhân viên y tế bị sa thải gặp quá nhiều khó khăn
để xoay xở cuộc sống tin rằng cuộc chơi chống lại phía họ, rằng chính phủ chỉ
phục vụ cho lợi ích của những người quyền lực và điều đó càng làm tăng thêm sự
hoài nghi và phân cực chính trị.
Không
có cách nhanh chóng để sửa chữa xu hướng đã kéo dài này. Tôi đồng ý rằng thương
mại của chúng ta nên công bằng chứ không chỉ tự do. Nhưng làn sóng tiếp theo
của sự phân rã kinh tế sẽ không đến từ nước ngoài, nó sẽ đến từ tốc độ tự động
hóa không ngừng khiến rất nhiều công việc của tầng lớp trung lưu trở nên lỗi
thời.
Vì
vậy, chúng ta phải có một sự sắp xếp xã hội mới để đảm bảo tất cả trẻ em đều
nhận được sự giáo dục chúng cần, để cho người lao động đấu tranh yêu cầu thu
nhập cao hơn, để củng cố lưới an toàn xã hội, để phản ánh cách chúng ta sống và
tiến hành nhiều cải cách thuế hơn, nhằm khiến các công ty và cá nhân hưởng lợi
nhiều nhất từ nền kinh tế mới này không trốn tránh được nghĩa vụ của họ với
đất nước đã giúp họ làm nên thành công.
Chúng
ta có thể tranh luận về cách để đạt được những mục tiêu đó tốt nhất.
Nhưng
chúng ta không thể tự mãn về những mục tiêu đó, bởi nếu chúng ta không tạo cơ
hội cho tất cả mọi người, sự bất mãn và chia rẽ cản trở tiến bộ sẽ chỉ càng sâu
sắc hơn trong những năm tới.
Nền
dân chủ của chúng ta còn phải đối mặt với mối đe dọa thứ hai, mối đe dọa có từ
ngày đầu lập quốc. Sau khi tôi đắc cử, đã có nhiều tranh luận về một nước Mỹ
không còn nạn phân biệt chủng tộc. Viễn cảnh đó, dù rất được kỳ vọng, đã không
trở thành hiện thực.
Chủng
tộc vẫn là một thế lực gây chia rẽ trong xã hội chúng ta. Tôi đã sống đủ lâu để
biết rằng quan hệ giữa các sắc tộc hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với 10 hay
20 năm trước, dù ai nói gì đi chăng nữa.
Bạn
có thể thấy điều đó qua các con số thống kê, qua thái độ của thanh niên Mỹ
thuộc các trường phái chính trị. Nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu mong
muốn.
Tất
cả chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Nếu tất cả vấn đề kinh tế đều được quy về như
cuộc đấu tranh giữa tầng lớp trung lưu da trắng lao động miệt mài và cộng đồng
thiểu số không xứng đáng thì người lao động thuộc mọi sắc tộc sẽ phải giành
nhau từng miếng ăn, trong khi giới nhà giàu rút sâu thêm vào những ốc đảo của
họ.
Nếu
chúng ta không muốn đầu tư vào con cái của người tị nạn chỉ vì họ không giống
chúng ta, chúng ta sẽ tước bỏ sự thịnh vượng của chính con em mình, bởi những
đứa trẻ da màu kia sẽ gánh vác một phần ngày càng lớn trong lực lượng nhân công
của Mỹ.
Chúng
ta đã cho thấy nền dân chủ của mình không phải là trò chơi “người thắng hưởng
tất”. Năm ngoái, mức thu nhập tăng lên với mọi chủng tộc, mọi lứa tuổi, giới
tính. Thế nên nếu chúng ta nghiêm túc về vấn đề chủng tộc, chúng ta phải củng
cố những điều luật chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong tuyển dụng lao động,
trong cung cấp chỗ ở, giáo dục và trong hệ thống tư pháp.
Đó là
điều Hiến pháp và những lý tưởng cao nhất của chúng ta đòi hỏi.
Nhưng
chỉ luật pháp thôi là chưa đủ. Trái tim cũng phải đổi thay. Chúng không thể
thay đổi chỉ trong một đêm. Thái độ xã hội thường phải mất nhiều thế hệ mới đổi
khác.
Nhưng
nếu nền dân chủ của chúng ta hoạt động theo đúng đường đi của nó trong một quốc
gia ngày càng đa dạng, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực lưu tâm đến lời khuyên của
nhân vật Atticus Finch (trong tác phẩm “Giết con chim nhại”), người nói rằng
bạn không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi bạn nhìn nhận sự việc từ
quan điểm của người đó, cho đến khi bạn “khoác trên mình tấm da của người đó”.
Đối
với người da màu và các nhóm thiểu số khác, điều đó có nghĩa là gắn kết cuộc
đấu tranh cho công lý với những thách thức mà rất nhiều người dân ở nước này
phải đối mặt, không chỉ là người tị nạn, di dân, người nghèo nông thôn hay
người chuyển giới Mỹ mà còn cả những người nam giới da trắng trung niên. Bên
ngoài họ có vẻ có lợi thế nhưng họ lại thấy thế giới của mình đảo lộn bởi sự
thay đổi về kinh tế, văn hóa và công nghệ.
Đối
với người Mỹ da trắng, điều đó có nghĩa là thừa nhận rằng những ảnh hưởng của
chế độ nô lệ và Jim Crow (chế độ giai cấp đặt cơ sở trên màu da) không đột
nhiên biến mất trong những năm 1960. Đó là nhờ các nhóm thiểu số đã cất tiếng
nói bất mãn, tham gia vào việc đảo ngược nạn phân biệt chủng tộc hay thực hành
chính trị đúng đắn. Khi họ tiến hành biểu tình ôn hoà, họ không đòi hỏi được
đối xử đặc biệt mà họ muốn sự đối xử công bằng mà những bậc khai quốc đã hứa
hẹn.
Đối
với người Mỹ bản địa, điều đó có nghĩa là nhắc nhở mình rằng những thành kiến
giờ họ nói về người nhập cư cũng giống như những thành kiến năm xưa được quy
chụp cho những người gốc Ireland, Italy hay Ba Lan – những người được cho là sẽ
hủy hoại giá trị cơ bản của Mỹ. Cuối cùng thì nước Mỹ không bị suy yếu bởi sự
hiện diện của những người mới đến, họ chấp nhận tín điều của dân tộc này và nó
càng được củng cố.
Thế
nên dù ở đâu chăng nữa, chúng ta đều phải nỗ lực hơn. Chúng ta phải khởi đầu
với tiền đề rằng mỗi công dân đều yêu mến đất nước này nhiều như chúng ta, họ
cũng trân trọng giá trị của lao động và gia đình như chúng ta. Con em của họ
cũng tò mò, tràn đầy hy vọng và đáng được yêu thương như con em chúng ta.
Đó
không phải là điều dễ dàng. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy an toàn hơn với
việc rút vào bong bóng của riêng mình, dù là ở khu phố hay trường đại học, nơi
thờ tự hay trên mạng xã hội, nơi được bao quanh bởi những người có ngoại hình
giống chúng ta, cùng chia sẻ quan điểm chính trị và không bao giờ chất vấn
những giả thuyết của chúng ta. Sự trỗi dậy của lòng trung thành trần trụi với
đảng chính trị, sự gia tăng phân tầng kinh tế và khu vực, sự phân mảnh của
truyền thông để đáp ứng mọi thị hiếu – tất cả khiến thái độ phân loại này trở
nên tự nhiên, thậm chí là không thể tránh khỏi.
Chúng
ta ngày càng trở nên an toàn trong bong bóng của mình đến mức bắt đầu chỉ chấp
nhận những thông tin phù hợp với quan điểm của mình, dù thông tin đó có đúng sự
thật hay không, thay vì xây dựng quan điểm dựa trên những bằng chứng thực tế.
Xu
hướng này tạo nên mối đe dọa thứ ba cho nền dân chủ. Chính trị là cuộc chiến về
ý tưởng. Trong cuộc tranh luận lành mạnh, chúng ta ưu tiên những mục tiêu khác
nhau, cùng những biện pháp khác nhau để đạt được các mục tiêu đó. Nhưng khi
không có nền tảng cơ bản dựa trên sự thật, không có thái độ sẵn sàng tiếp nhận
thông tin mới, cùng sự thừa nhận rằng đối thủ của bạn đang đưa ra quan điểm
đúng, không dựa trên khoa học và lý lẽ, chúng ta sẽ liên tục cướp lời nhau,
khiến quan điểm chung và sự đồng thuận trở nên vô vọng.
Đó
có phải là một phần nguyên nhân khiến mọi người nản chí vào chính trị? Làm sao
các quan chức được bầu lại nổi giận về thâm hụt ngân sách khi chúng tôi đề xuất
chi tiền cho trẻ em học mẫu giáo, nhưng lại không nói gì khi chúng tôi cắt giảm
thuế doanh nghiệp? Làm sao chúng ta có thể bỏ qua những sai sót về đạo đức
trong đảng của mình, nhưng lại sửng cồ khi đảng khác làm như vậy? Đó không chỉ
là không trung thực, việc tự chọn lọc thực tế này chính là hành động tự đánh
bại mình. Mẹ tôi thường nói với tôi rằng, sự thật luôn có cách để bám theo bạn.
Về
thách thức của vấn đề biến đổi khí hậu. Chỉ trong 8 năm qua, chúng ta đã giảm
một nửa sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái
tạo, dẫn dắt thế giới tới một thỏa thuận có thể cứu lấy hành tinh này. Nhưng
nếu không có hành động quyết liệt, con em chúng ta sẽ không có thời gian để
tranh luận về sự tồn tại của biến đổi khí hậu, chúng sẽ phải đối phó với hậu
quả của nó: thảm họa môi trường, suy thoái kinh tế, cùng những làn sóng tị nạn
khí hậu tìm nơi trú ẩn.
Chúng
ta giờ đây nên tranh luận về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Việc phủ nhận
vấn đề một cách giản đơn không chỉ là hành động phản bội các thế hệ tương lai,
nó còn đi ngược lai tinh thần đổi mới, giải quyết vấn đề một cách thực tế mà
các bậc khai quốc đã đề ra.
Chính
tinh thần đó đã biến chúng ta thành một cường quốc kinh tế, tinh thần đã giúp
chúng ta chinh phục không gian, chữa trị các căn bệnh nan y và biến máy tính
thành những thiết bị bỏ túi.
Tinh
thần đó – lòng tin vào lý lẽ, vào doanh nghiệp và sự thắng thế của lẽ phải
trước cường quyền, đã cho phép chúng ta chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa phát
xít và tài phiệt trong thời kỳ Đại Suy thoái, xây dựng một trật tự hậu Thế
chiến II cùng các nền dân chủ khác, một trật tự không dựa trên sức mạnh quân sự
hay kéo bè kết cánh, mà dựa trên các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nhân
quyền và các quyền tự do khác.
Trật
tự đó giờ đây đang bị thử thách, đầu tiên là bởi những kẻ cuồng tín tự cho mình
đại diện cho đạo Hồi, gần đây hơn là bởi những kẻ coi thị trường tự do, dân chủ
cởi mở là những mối đe dọa đối với quyền lực của họ. Mối đe dọa đối với nền dân
chủ của chúng ta không dừng lại ở một quả bom xe hay tên lửa. Nó thể hiện nỗi
sợ phải thay đổi, nỗi sợ của những người nhìn, nói hay cầu nguyện khác nhau, sự
phớt lờ quy tắc thượng tôn pháp luật vốn buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách
nhiệm, và sự thiếu khoan dung với những tư tưởng tự do, bất đồng. Cùng với đó
là niềm tin rằng súng gươm, bom đạn hay bộ máy tuyên truyền là kẻ phán xử cuối
cùng cho sự thật và lẽ phải.
Nhờ
lòng dũng cảm phi thường của những người lính, các sĩ quan tình báo, lực lượng
thực thi pháp luật, các nhà ngoại giao, không tổ chức khủng bố nước ngoài nào có
thể lên kế hoạch và thực hiện thành công một vụ tấn công trong lòng nước Mỹ
suốt 8 năm qua. Dù vụ tấn công ở Boston và Orlando nhắc nhở chúng ta về mối
nguy hiểm của sự cực đoan hóa, các cơ quan hành pháp Mỹ đang hoạt động hiệu quả
và cảnh giác hơn bao giờ hết.
Chúng
ta đã tiêu diệt hàng chục nghìn kẻ khủng bố, trong đó có Osama bin Laden. Liên
minh toàn cầu chống IS mà chúng ta dẫn đầu đã lấy lại khoảng một nửa vùng kiểm
soát của chúng. IS sẽ bị tiêu diệt và những kẻ đe dọa nước Mỹ sẽ không bao giờ
được an toàn. Với những người lính phục vụ cho đất nước, việc tôi được làm Tổng
Tư lệnh của các bạn là niềm vinh dự cả cuộc đời.
Nhưng
để bảo vệ cuộc sống của chúng ta, quân đội là chưa đủ. Nền dân chủ có thể bị
khuất phục khi chúng ta sợ hãi. Thế nên chúng ta, những công dân của nước Mỹ,
cần phải duy trì cảnh giác với những mối đe dọa từ bên ngoài, đề phòng sự suy
giảm những giá trị đã đưa chúng ta đến ngày hôm nay.
Đó
là lý do trong 8 năm qua, tôi đã nỗ lực đặt cuộc chiến chống khủng bố trên nền
tảng pháp lý vững chắc. Đó là lý do chúng ta chấm dứt tình trạng tra tấn tù
nhân, nỗ lực đóng cửa nhà tù Gitmo, cải cách các điều luật về do thám để đảm
bảo quyền tự do cá nhân và dân sự.
Đó
là lý do tôi bác bỏ sự phân biệt chống lại người Mỹ theo Hồi giáo. Đó là lý do
chúng ta không thể rút khỏi các cuộc chiến khắp toàn cầu – để mở rộng nền dân
chủ, quyền con người, quyền phụ nữ, quyền của cộng đồng LGBT. Nếu tự do và
sự tôn trọng pháp luật suy giảm trên khắp thế giới, nguy cơ nổ ra chiến tranh
giữa các nước và trong lòng mỗi quốc gia sẽ tăng lên, khiến tự do của chúng ta
cuối cùng sẽ bị đe dọa.
Vậy
nên hãy cảnh giác, nhưng đừng sợ hãi. IS sẽ tìm cách giết hại người vô tội,
nhưng chúng không thể đánh bại được nước Mỹ, trừ phi chúng ta phản bội lại
chính Hiến pháp và các nguyên tắc của mình trong cuộc chiến. Các đối thủ như
Nga và Trung Quốc không thể sánh được với chúng ta về tầm ảnh hưởng toàn cầu,
trừ phi chúng ta từ bỏ những gì đang bảo vệ, tự biến mình thành một nước lớn
khác chuyên đi bắt nạt những quốc gia láng giềng nhỏ hơn.
Tất
cả chúng ta, dù thuộc đảng phái nào, cũng cần tham gia nỗ lực xây dựng lại các
thể chế dân chủ của mình. Khi tỷ lệ đi bỏ phiếu xuống đến mức thấp nhất trong
các nền dân chủ tiến bộ, chúng ta cần phải làm cho việc bầu cử trở nên dễ dàng
hơn, chứ không phải khó khăn đi. Khi niềm tin vào thể chế xuống thấp, chúng ta
cần phải giảm bớt ảnh hưởng của đồng tiền trong chính trị, bám vào các nguyên
tắc minh bạch và đạo đức trong các cơ quan nhà nước. Khi quốc hội bị tê liệt,
chúng ta cần khuyến khích các chính trị gia tuân theo giá trị chung chứ không
phải những quan điểm cực đoan cứng rắn.
Tất
cả những điều đó phụ thuộc vào sự tham gia của chúng ta, vào việc mỗi chúng ta
chấp nhận trách nhiệm công dân của mình, dù cán cân quyền lực có nghiêng về bên
nào đi chăng nữa.
Hiến
pháp Mỹ là món quà tuyệt vời, nhưng nó cũng chỉ là một tấm giấy da dê. Nó không
hề có quyền lực của riêng mình. Chúng ta, người dân Mỹ, trao quyền lực cho nó,
với sự tham gia của mình, với những lựa chọn chúng ta đưa ra. Nó tùy thuộc vào
việc chúng ta có đứng lên cho tự do của mình hay không, có tôn trọng và thực
thi pháp luật hay không. Nước Mỹ không hề mong manh, nhưng những thành tựu của
chúng ta trên hành trình tự do lâu dài vẫn chưa được đảm bảo.
Trong
diễn văn từ biệt của mình, George Washington viết rằng chế độ tự quản là xương
sống cho sự an toàn, thịnh vượng, tự do, nhưng “vì những lý do khác nhau, chúng
ta thường phải chấp nhận đau đớn để làm suy yếu tư tưởng bác bỏ sự thật này”,
rằng chúng ta cần phải bác bỏ “ngay từ trong trứng nước những nỗ lực nhằm tách
bất cứ bộ phận nào của đất nước ra khỏi phần còn lại hay làm suy yếu mối ràng
buộc thiêng liêng” đã giúp nước Mỹ là một thể thống nhất.
Chúng
ta làm suy yếu những mối ràng buộc đó khi chúng ta cho phép những cuộc tranh
luận chính trị trở nên tai hại khiến người tốt phải im lặng, những lời lẽ đầy
hận thù đến mức những người Mỹ mà chúng ta không có cùng ý kiến không chỉ bị
lầm lạc mà còn trở nên hận thù. Chúng ta làm suy yếu những ràng buộc đó khi
chúng ta tự cho rằng mình “Mỹ” hơn những người khác, khi chúng ta coi toàn bộ
hệ thống là sự thối nát không thể tránh khỏi, khi chúng ta đổ lỗi cho các lãnh
đạo do mình bầu ra mà không tự xem lại vai trò của mình khi bỏ phiếu cho họ.
Mỗi
chúng ta phải là những người bảo vệ chặt chẽ cho nền dân chủ, chấp nhận sứ mệnh
mà chúng ta được trao để không ngừng nỗ lực cải thiện quốc gia vĩ đại này. Bởi
vì dù tồn tại bất cứ bất đồng nào, chúng ta đều có chung một danh hiệu đáng tự
hào: Công dân Mỹ.
Trên
hết, đó là những điều nền dân chủ của chúng ta yêu cầu. Chúng tôi cần các bạn,
không chỉ khi có bầu cử, không chỉ khi lợi ích riêng bạn bị đe dọa mà trong
suốt toàn bộ cuộc đời. Nếu bạn đã phát chán tranh cãi với người lạ trên
Internet thì hãy cố gắng nói chuyện với một người trong cuộc sống thực. Nếu có
gì cần sửa chữa, hãy đứng dậy và làm việc đó. Nếu các quan chức dân cử làm bạn
thất vọng thì hãy tự ra ứng cử. Hãy thể hiện. Nhiệt huyết. Kiên trì.
Đôi
khi bạn sẽ thành công, đôi khi lại thất bại. Tin tưởng rằng người khác sẽ đối
tốt với mình có thể là rủi ro và sẽ có những lúc quá trình làm bạn thất vọng.
Nhưng đối với những người đủ may mắn để tham gia đóng góp vào công việc này,
nhìn nó thật cận cảnh thì hãy để tôi nói với bạn, nó sẽ tiếp thêm sinh lực và
truyền cảm hứng, niềm tin của các bạn vào nước Mỹ và người Mỹ sẽ được củng cố.
Và
thực sự, niềm tin của tôi đã được củng cố. Trong suốt 8 năm qua, tôi đã nhìn
thấy những gương mặt đầy hy vọng của sinh viên trẻ tốt nghiệp và những người
lính mới. Tôi đã chia buồn với những gia đình đau khổ tìm kiếm câu trả lời và
cầu nguyện ở nhà thờ Charleston (nơi xảy ra một vụ thảm sát năm 2015). Tôi đã
nhìn thấy các nhà khoa học giúp một người đàn ông bị liệt lấy lại cảm giác và
khiến các thương binh bước đi trở lại. Tôi đã nhìn thấy các bác sĩ và tình
nguyện viên xây dựng lại cơ sở vật chất sau những trận động đất và ngăn chặn
dịch bệnh. Tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ chăm
sóc cho người tị nạn, làm việc trong hòa bình và trên tất cả là quan tâm đến
nhau.
Từ
lâu tôi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của những người Mỹ bình thường rằng họ có
thể mang lại thay đổi và niềm tin đó đã được đáp lại bằng nhiều cách mà tôi
không thể tưởng tượng. Tôi hy vọng các bạn cũng như vậy. Một số bạn ở đây tối nay
hoặc đang xem truyền hình ở nhà đã đồng hành với chúng tôi trong năm 2004, năm
2008, năm 2012 và có lẽ các bạn vẫn không thể tin rằng chúng ta lại làm được
những điều đó.
Em
không phải là người duy nhất nghĩ vậy, Michelle. Trong 25 năm qua, em không chỉ
là người vợ và mẹ của các con mà còn là người bạn thân nhất của anh. Tuy em
chưa từng yêu cầu phải được đảm nhận trọng trách này, em đã thực hiện nó với sự
tinh tế, táo bạo, phong cách và sự hài hước. Em khiến Nhà Trắng trở thành nơi
thuộc về tất cả mọi người. Thế hệ mới có tiêu chuẩn cao hơn bởi vì họ coi em là
hình mẫu. Em đã làm anh tự hào. Em đã làm cho đất nước tự hào.
Malia
và Sasha, trong một hoàn cảnh sống đặc biệt nhất, hai con đã trở thành những
thiếu nữ tuyệt vời, thông minh, xinh đẹp và quan trọng hơn là tốt bụng, chu đáo
và đầy đam mê. Các con đã gánh vác gánh nặng trở thành tâm điểm chú ý trong
nhiều năm thật dễ dàng. Trong tất cả những điều bố đã làm trong đời, điều bố tự
hào nhất là làm bố của các con.
Còn
Joe Biden, cậu bé hay gây gổ ở Scranton trở thành người con đáng mến của
Delaware – anh là lựa chọn đầu tiên và tốt nhất tôi đã quyết định khi làm ứng
viên tổng thống. Không chỉ vì anh là một phó tổng thống tuyệt vời và còn bởi vì
tôi đã có thêm một người anh em. Chúng tôi yêu quý anh và Jill giống như gia
đình, tình bạn của anh là một trong những niềm vui lớn nhất trong cuộc sống của
chúng tôi.
Gửi
đến những nhân viên tuyệt vời của tôi, trong 8 năm qua tôi đã được truyền năng
lượng từ các bạn và cố gắng phản ánh lại những gì các bạn thể hiện hàng ngày:
nhiệt huyết, nghị lực và lý tưởng. Tôi theo dõi các bạn trưởng thành, lập gia
đình, sinh con và tự bắt đầu hành trình tuyệt vời của mình. Ngay cả vào những
thời điểm khó khăn và mệt mỏi, bạn không bao giờ để Washington khiến bạn đánh
mất bản thân. Điều duy nhất khiến tôi tự hào hơn tất cả những điều tốt đẹp
chúng tôi đã làm là suy nghĩ về những điều tuyệt vời các bạn sẽ làm được sau
này.
Và
với tất cả mọi người – những nhà tổ chức đã chuyển tới sống tại một thị trấn xa
lạ và những gia đình tốt bụng đã chào đón họ, những tình nguyện viên đã gõ cửa
từng nhà, những thanh niên đi bỏ phiếu lần đầu tiên, những người Mỹ đã sống và
cảm nhận được những nỗ lực thay đổi – các bạn là những người ủng hộ và nhà tổ
chức tốt nhất bất cứ ai có thể mong muốn và tôi sẽ mãi mãi biết ơn các bạn. Bởi
vì các bạn đã thay đổi thế giới.
Đó
là lý do khi tôi rời khỏi sân khấu này tối nay, tôi thậm chí còn lạc quan hơn
về đất nước này khi tôi mới bắt đầu lãnh đạo đất nước. Bởi vì tôi biết công
việc của chúng tôi không chỉ giúp đỡ mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều người
Mỹ, đặc biệt là những người trẻ, để tin rằng bạn có thể tạo ra sự khác biệt, để
cố gắng cống hiến cho điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình.
Thế
hệ sắp tới – những người không ích kỷ, vị tha, sáng tạo, yêu nước – tôi đã nhìn
thấy các bạn trong mọi ngõ ngách đất nước. Các bạn tin vào sự công bằng, tin
vào nước Mỹ bao dung, bạn hiểu rằng sự thay đổi liên tục đã là dấu ấn của nước
Mỹ – đó không phải là điều đáng sợ hãi mà là điều phải dang tay đón nhận. Các
bạn sẵn sàng thực hiện công việc khó khăn này để đưa nền dân chủ của chúng ta
tiến về phía trước. Thế hệ các bạn sẽ sớm vượt qua chúng tôi và tôi tin tương
lai sẽ nằm trong tay những người tài giỏi.
Những
đồng bào Mỹ của tôi, niềm tự hào của đời tôi là được phục vụ các bạn. Tôi sẽ
không dừng lại, tôi sẽ luôn ở bên các bạn với tư cách là một công dân trong
những ngày sau này. Hiện giờ, cho dù các bạn tuổi còn trẻ hay tâm còn trẻ, tôi
cũng có một đề nghị với các bạn với tư cách tổng thống.
Tôi
đề nghị các bạn tin tưởng, không phải tin tưởng vào khả năng mang lại thay đổi
của tôi mà là chính các bạn.
Tôi
đề nghị các bạn giữ vững đức tin đã được viết thành văn bản lập quốc, những ý
tưởng được thì thầm bởi những nô lệ và người theo chủ nghĩa bãi nô; những tinh
thần được hô vang bởi những người nhập cư, những người sống trên đất nhà nước
cấp và những người tuần hành đòi công lý; những tín điều đã được tái khẳng định
bởi những người cắm cờ tại các chiến trường nước ngoài cho đến trên bề mặt mặt
trăng – tín điều cốt lõi của mọi câu chuyện Mỹ còn chưa được viết.
Đúng
vậy, chúng ta có thể làm được.
Đúng
vậy, chúng ta có thể làm được.
Đúng
vậy, chúng ta có thể làm được.
Xin
cảm ơn. Chúa phù hộ các bạn và xin Chúa tiếp tục phù hộ nước Mỹ”.
....................................
PHƯƠNG VŨ – TRÍ DŨNG dịch
Nguồn: Theo VHNA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire