14/01/2017

Xây dựng sự đồng cảm trong xã hội

Lê Học Lãnh Vân: "Thảm họa do Formosa gây ra hẳn nhiên là một sự kiện rất lớn của Việt Nam trong năm 2016. Đây là thảm họa môi trường, gây ô nhiễm vùng biển dọc bờ 4 tỉnh, gây thiệt hại ước tính 0.3% tổng GDP của Việt Nam, gây thất nghiệp vài chục ngàn người, gây thua lỗ các ngành thủy sản, du lịch… trên nhiều tỉnh. Theo như cách nhìn nhận của thế giới, và của đa số dân chúng thông thường, thì thảm họa Formosa hiển nhiên phải có vị trí đầu bảng trong danh sách các sự kiện của Việt Nam năm 2016."


Cá chết sau thảm họa Formosa ở miền Trung.


 Việc thảm họa Formosa không được Bộ TN-MT chọn là một sự kiện môi trường của năm 2016 khiến một phần không nhỏ người dân cảm thấy cách họ nhìn sự kiện, các tiêu chuẩn lựa chọn của họ khác của chính quyền. Tôi e rằng càng có những câu hỏi nổi lên từ việc này! 




Những ngày qua dư luận ồn ào việc Bộ Tài Nguyên - Môi Trường (Bộ TN-MT) công bố 10 sự kiện trong năm mà không có sự kiện thảm họa môi trường khiến cá chết dọc bờ biển miền Trung mà Formosa đã công khai nhận trách nhiệm.



Theo Tuổi Trẻ Online ngày 5.1.2017, Bộ TN-MT cho rằng thảm họa do Formosa gây ra không có tên trong danh sách 10 sự kiện vì không đáp ứng được các tiêu chí bình xét như sau:

1) Thứ nhất, phải là những sự kiện có tính chất tiêu biểu, xuất sắc, điển hình, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển ngành và đất nước.

2) Thứ hai, được tổ chức thực hiện với quy mô lớn, có ý nghĩa chính trị và phạm vi tác động sâu rộng, ảnh hưởng toàn ngành, toàn quốc, có ý nghĩa to lớn, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.

3) Thứ ba, sự kiện diễn ra lần đầu, được cộng đồng xã hội đánh giá cao.

4) Thứ tư, tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá hoặc tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong khi đó, dư luận theo suy nghĩ thông thường lại cho rằng sự kiện là việc đã xảy ra có ảnh hưởng lớn hay sâu xa trên cộng đồng. Ảnh hưởng đó có thể là ảnh hưởng xấu hay tốt (xin hiểu xấu hay tốt theo nghĩa thông dụng [common sense]).

Các thí dụ về sự kiện bi thảm trên thế giới như thảm họa nguyên tử Chernobyl (Nga) xảy ra vào ngày 26.4.1986, sự kiện khủng bố ngày 9.11.2001 giết chết 2.996 người (Mỹ), vụ khủng bố Nhà hát Moscow (Nga) năm 2002 giết chết 129 người, vụ đánh bom khủng bố năm 2004 tại nhà ga Madrid giết 191 người và làm bị thương trên 2.000 người, vụ tấn công Nhà hát Bataclan (Paris) năm 2015 giết 132 người và làm bị thương 352 người… đều được bình chọn là sự kiện nổi bật trong năm.

Một số tờ báo Việt Nam cũng chọn các sự kiện đó làm sự kiện trong năm của thế giới. Điều này chứng tỏ giới báo chí, giới học thuật Việt Nam cũng đã quen hiểu “sự kiện” không khác gì thế giới hiểu, cũng không khác gì đa số dân chúng Việt Nam hiểu.

Thảm họa do Formosa gây ra hẳn nhiên là một sự kiện rất lớn của Việt Nam trong năm 2016. Đây là thảm họa môi trường, gây ô nhiễm vùng biển dọc bờ 4 tỉnh, gây thiệt hại ước tính 0.3% tổng GDP của Việt Nam, gây thất nghiệp vài chục ngàn người, gây thua lỗ các ngành thủy sản, du lịch… trên nhiều tỉnh. Theo như cách nhìn nhận của thế giới, và của đa số dân chúng thông thường, thì thảm họa Formosa hiển nhiên phải có vị trí đầu bảng trong danh sách các sự kiện của Việt Nam năm 2016.

Vậy mà theo Bộ TN-MT thì thảm họa Formosa không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ để được xếp hạng trong 10 sự kiện! Tất nhiên, Bộ có quyền có tiêu chuẩn của Bộ, tuy nhiên kết quả cuối cùng là 10 sự kiện do Bộ chọn khác với suy nghĩ và mong chờ của người dân!

Chú ý rằng sự khác biệt là rất lớn, vì không phải chỉ khác biệt trong thứ bậc được lựa chọn, mà là khác biệt giữa được chọn và bị loại ra ngoài danh sách! Đáng chú ý hơn nữa là tác hại của thảm họa Formosa rất rộng lớn, được người dân cả nước hướng mắt vào với những câu hỏi vẫn chưa được trả lời thỏa đáng về nguyên nhân và hậu quả của nó đối với môi sinh, về cách khắc phục sự ô nhiễm, về cách xử lý những người chịu trách nhiệm…

Trong trường hợp tế nhị và được sự quan tâm rộng rãi đến như vậy, việc thảm họa Formosa không được Bộ TN-MT chọn là một sự kiện mội trường của năm 2016 càng khiến một phần không nhỏ người dân cảm thấy cách họ nhìn sự kiện, các tiêu chuẩn lựa chọn của họ khác của chính quyền. Tôi e rằng càng có những câu hỏi nổi lên từ việc này!

Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn rất lớn, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Hoàn cảnh này rất cần cả nước chung tay, góp sức tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Để được vậy, trước hết cần sự đồng tâm. Để đạt sự đồng tâm, trước đó nữa cần sự đồng cảm. Nếu cách hiểu, cách nhìn nhận các sự việc và sự kiện trong xã hội giữa chính quyền và người dân khác nhau như vậy thì có giúp vào tạo sự đồng cảm trong xã hội hay không? 

Tôi nghĩ chính quyền có nguồn lực và trách nhiệm kiến tạo sự đồng cảm rộng khắp. Điều này sẽ giúp vào việc xây dựng một “chính phủ kiến tạo” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, và rộng hơn nữa, một xã hội kiến tạo. 


Lê Học Lãnh Vân




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire