Lính Trung Quốc thả
bộc phá và khí ngạt vào hang khiến gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng, chỉ
vài người sống sót, trở thành nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở
pháo đài Đồng Đăng.
LTS: Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ
để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài
học trong ứng xử bang giao.
Từ ngày 17/2 đến 16/3/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã điều động một lượng
lớn quân đội và vũ khí hiện đại nhất tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía bắc
nước ta. Trong cuộc tấn công này, họ đã phá hoại hoàn toàn 4 thị xã, hơn 20 thị
trấn, huyện lỵ, nhiều làng xóm, nhà máy, hầm mỏ, nông trường, cầu đường, nhà
cửa… của nhân dân ta tại những nơi lính Trung Quốc đi qua. Sau đó, TQ tuyên bố
đã đạt mục đích, bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam.
Tuần Việt Nam khởi đăng loạt bài Chiến tranh biên giới 1979: nhân chứng
và những nấm mồ nhằm cung cấp thêm tư liệu để mọi người cùng ghi nhớ, không
được phép lãng quên.
Thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn giờ đã là
một trong những trung tâm thương mại sầm uất. Đây là cửa ngõ biên giới giữa
Việt Nam – Trung Quốc. Nhìn người dân hai nước qua lại buôn bán tấp nập, ít ai
còn nhớ chính nơi này đã diễn ra cuộc tập kích bất ngờ từ phía bên kia biên
giới.
Ngay tại vị trí hiện nay là chợ Đồng
Đăng, dưới chân pháo đài Đồng Đăng là nấm mồ chung của gần 300 dân thường, một
đại đội bộ đội biên phòng và nhiều dân quân, công an địa phương khác.
Cuộc giằng co mốc biên giới giữa một bên
cố gắng bảo vệ chủ quyền, một bên cố gắng cưỡng chiếm đã nung nấu từ năm 1977.
Những báo hiệu về chiến tranh từ Trung Quốc và tin tức nóng hôi hổi dội về từ
biên giới Tây Nam hồi đó đã khiến cho người dân vùng biên ải phía Bắc càng thêm
căng thẳng. Người dân Lạng Sơn khi đó đã chuẩn bị các căn hầm trú ẩn. Thóc ngô
thu hoạch xong được chuyển lên hang đá cất giữ. Dầu vậy, cuộc tập kích xảy ra
vẫn quá bất ngờ, về quy mô và độ tàn khốc.
Bà Chu Ngọc Lan. Ảnh: Hoàng Hường |
Theo lời kể của nhiều nhân chứng, cuộc
tấn công tổng lực vào Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam bắt đầu
từ khoảng 4h sáng ngày 17/2/1979, khi người dân vẫn đang chìm sâu trong giấc
ngủ. Tiếng pháo và ánh sáng chói xé rách màn đêm. Người dân miền biên viễn bị
đánh thức bồng bế nhau người chui xuống hầm trú ẩn, người chạy lên hang tìm chỗ
lánh nạn.
Ở tuổi 70, bà Chu Ngọc Lan, hiện sống
tại phố Nam Quan, Đồng Đăng không thể quên ngày bà mất đi người chồng thương
yêu cùng hàng trăm bà con họ hàng làng xóm tại Đồng Đăng. Đúng sáng hôm Trung
Quốc tấn công, bà đưa hai con về nhà ngoại gần đó. Ba quả đạn pháo rơi trúng
nhà, chồng bà chưa kịp xuống hầm trú ẩn đã tử nạn. Bà cùng hai đứa con và mấy
người họ hàng chia nhau một căn hầm ở nơi khác. Pháo rơi như mưa, nhưng sau đó
họ được dân quân giải cứu và đưa đến nơi an toàn.
Bà Hà Thị Hiển. Ảnh: Hoàng Hường |
Một người dân Đồng Đăng khác là chị Hà
Thị Hiển, hiện là GĐ Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang tại TP Lạng Sơn, phải chứng
kiến mẹ chết ngay trước mắt. Lúc đó chị Hiển 14 tuổi. Khi quân Trung Quốc ập
vào Lạng Sơn, chị cùng cả nhà xuống hầm trú ẩn được một ngày.
Sau đó trước nguy cơ bị ngạt và bị phát
hiện, cả gia đình quyết định chui lên và bỏ chạy tứ tán. “Chúng tôi vẫn được nghe những câu chuyện rùng rợn về cách Polpot đối xử với
phụ nữ và trẻ em. Tôi tâm niệm thà chết còn hơn là bị rơi vào tay giặc”. Vừa lên khỏi hầm,
bố chị Hiển bị lính Trung Quốc bắn bị thương ngất đi. Sau hai ngày nằm đó ông
tự tỉnh lại và được dân quân tìm thấy.
Mẹ chị Hiển kém may mắn hơn. Hai mẹ con
chạy cùng nhau và bà dính đạn mất tại chỗ. Chị Hiển tiếp tục chạy. Dọc đường,
chị gặp một người phụ nữ bị thương cụt cả hai chân cầu cứu. “Suốt cả đời tôi không quên được hình ảnh mẹ tôi bị bắn, và ánh mắt người
phụ nữ ấy. Cô ấy khẩn cầu tôi cứu giúp, nhưng lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ, và
cũng đang chạy nạn, chẳng giúp được gì”, chị Hiển không bao giờ quên.
Còn trong tâm trí anh Hoàng Hữu Dư vẫn
còn nguyên cảm giác hoảng sợ tột cùng khi tận mắt thấy “nguyên một dòng sông đầy xác người” ở quê anh, thị trấn Thất Khê, huyện
Tràng Định, Lạng Sơn.
Anh Dư lúc đó 17 tuổi, đang tham gia dân
quân thị trấn. Khi lính Trung Quốc ồ ạt kéo sang tấn công “trong vài tiếng buổi
sáng đã thấy lính Trung Quốc tràn ngập thị trấn”, anh Dư cùng hỗ trợ bà con đi
tìm nơi trú ẩn. Lính Trung Quốc tràn vào Tràng Định bắn giết và bắt 5 người dân
làm tù binh, sau đó mấy năm những người dân này được trở về.
Cửa vào pháo đài Đồng Đăng, nơi chôn vùi gần 400 người. Ảnh: Hoàng Hường |
Khúc bi tráng trên
pháo đài Đồng Đăng
Sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ ở
phố núi Bình Gia, Lạng Sơn. Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hoàng Văn Liên giờ đã
là một người đàn ông trung niên tóc bạc. Ông là một trong hai người sống sót
tại pháo đài Đồng Đăng, nấm mồ chung của gần 400 người cả dân thường và bộ đội
Việt Nam.
Nhập ngũ năm 1978, ông Liên được điều
động về đội cảnh sát cơ động tỉnh Lạng Sơn. Vào thời điểm này, tình hình biên
giới nhiều biến động, ông Liên và đồng đội thường xuyên phải đi tuần biên giới.
Sáng sớm 17/2/1979, sau phiên tuần như thường lệ, ông thấy pháo từ phía Trung
Quốc bắn sáng rực bầu trời, người dân cuống quýt tìm nơi trú ẩn. Ông cùng đồng
đội chống trả và bảo vệ người dân, nhưng sau đó đơn vị của ông hy sinh gần hết,
ông cùng 3 người nữa rút lên pháo đài Đồng Đăng, nơi có một đại đội biên phòng
Việt Nam đang chiến đấu, và gần 300 người dân đang trú ẩn trong hầm.
|
||
Nhóm của ông cùng lực lượng biên phòng
chiến đấu quyết liệt. Sau ba ngày, bộ đội tại các lực lượng đã hy sinh gần hết.
Những người còn lại rút vào cố thủ trong pháo đài và bắn qua lỗ châu mai. Pháo
đài có 3 cửa, một cửa đã bị lấp từ trước, 2 cửa còn lại bị lính Trung Quốc
chiếm giữ. Đến ngày thứ 4, lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang
khiến toàn bộ gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng. Ông và một đồng đội khác
lợi dụng đêm tối đã lên khỏi hang rút đi, trở thành 2 nhân chứng cuối cùng cho
câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng.
Với chiến công diệt 34 tên giặc, bắn
cháy một ô tô chở vũ khí của Trung Quốc, chiến đấu kiên cường bảo vệ người dân
và chủ quyền lãnh thổ, ông Hoàng Văn Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Pháo đài Đồng Đăng vẫn ở đó, trở thành
chứng tích của một sự kiện lịch sử, là nấm mồ chung của gần 400 người Việt Nam.
(Còn tiếp)
Hoàng Hường
Nguồn: Tuần Việt Nam
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire