Người dân Việt Nam biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam. Ảnh chụp tại Hà Nội, ngày 01/05/2016.REUTERS/Kham |
Mặc dù chính quyền
Việt Nam đã thông báo sẽ kỷ luật những quan chức chịu trách nhiệm trong vụ công
ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiểm biển khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh
miền Trung vào tháng 4 năm ngoái, nhưng hồ sơ này tiếp tục gây xáo trộn ở một
số địa phương, do ngư dân vẫn bất bình về chuyện đền bù thiệt hại cho họ.
Ngày 22/02/2017, Uỷ ban Kiểm tra
Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông báo sẽ xem xét, thi hành kỷ luật
11 quan chức bị coi là có những “sai phạm” trong vụ Formosa gây ô nhiễm. Bị xem
là chịu trách nhiệm chính trong vụ này là ông Võ Kim Cự, nguyên chủ tịch Uỷ ban
Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Trong số 11 quan chức bị kỷ luật, còn có một cựu bộ
trưởng Môi trường, ông Nguyễn Minh Quang.
Hiện giờ chưa biết là các quan
chức nói trên sẽ bị kỷ luật như thế nào, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền
nêu rõ tên tuổi các quan chức chịu trách nhiệm về vụ Formosa, 11 tháng sau khi
xảy ra vụ này.
Qua việc thông báo xem xét kỷ
luật các quan chức nói trên, giới lãnh đạo Hà Nội hy vọng sẽ làm dịu phần nào
nỗi bất bình của dư luận về vụ Formosa, thảm họa môi trường trầm trọng nhất từ
trước đến nay ở Việt Nam. Chính bộ Môi trường Việt Nam đã nhìn nhận rằng phải
mất ít nhất một thập niên nữa môi trường biển của những vùng bị ảnh hưởng mới
có thể trở lại như trước.
Đây còn là một thảm họa về kinh
tế vì nó ảnh hưởng đến đời sống của biết bao ngư dân các tỉnh miền Trung bị ô
nhiễm biển. Công ty Formosa Hà Tĩnh đã buộc phải chấp nhận đền bù tổng cộng 500
triệu đôla. Thế nhưng, việc đền bù vẫn chưa được thỏa đáng đối với nhiều ngư
dân và họ tiếp tục kiện công ty Formosa Hà Tĩnh.
Tháng 9 năm ngoái, ngư dân huyện
Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nộp đơn kiện Formosa lên Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh,
nhưng tòa án này sau đó đã trả lại các đơn kiện, với lý do là những người “
khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại
thực tế “ do vụ ô nhiễm Formosa.
Ngày 14/02 vừa qua, hàng trăm ngư
dân giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, dưới sự hướng dẫn của
linh mục quản xứ Nguyễn Đình Thục, đã đi đến Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh để
nộp đơn kiện công ty Formosa một lần nữa. Nhưng trên đường đi, các ngư dân này
đã bị công an tỉnh Nghệ An ngăn cản và đàn áp thô bạo. Hàng chục người dân đã
bị công an đánh đập và bắt giữ. Văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Vinh ngày
20/02 vừa qua đã ra một thông báo lên án vụ đàn áp này là một sự “vi phạm
nghiêm trọng quyền của con người, quyền công dân đã được Công ước Quốc tế, Hiến
pháp và Pháp luật Việt Nam bảo vệ.”.
Cũng trong ngày 20/02/2017, tổ
chức Ân xá Quốc tế đã ra một thông cáo kêu gọi có hành động khẩn cấp về vụ nói
trên, yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra và đưa ra tòa những kẻ đã tấn công
ngư dân khiếu kiện, yêu cầu chấm dứt sách nhiễu những người biểu tình ôn hòa,
đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân nộp đơn kiện Formosa.
Báo chí chính thức thì cho rằng
chính giáo dân Quỳnh Lưu đi khiếu kiện đã bị kích động, xúi giục, gây mất trật
tự công cộng, gây cản trở giao thông, thậm chí một số người, bị xem là “phần tử
quá khích”, đã ném đá vào lực lượng an ninh, buộc họ phải giải tán đám đông,
bắt tạm giũ một số người. Nhưng trả lời RFI Việt ngữ ngày 24/02 vừa qua, linh
mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, khẳng định là các ngư dân trên đường
đi nộp đơn kiện đã di chuyển rất ôn hòa:
“ Việc làm của
chúng tôi là đúng theo Hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi đi kiện Formosa là vì
họ đã xả thải và gây ô nhiễm biển nặng nề và điều đó gây thiệt hại cho những
người dân ở đây, là những người làm nghề biển. Chúng tôi đã gởi đơn lên chính
phủ đòi bồi thường cho chúng tôi sau khi chính phủ nhận 500 triệu đôla ( tiền
đền bù của Formosa ).
Từ mấy tháng nay
,chúng tôi vẫn chờ, nhưng chính phủ không trả lời và chính phủ đã ra quyết định
chỉ bồi thường cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào, còn Nghệ An thì không được bồi
thường, cho nên người dân rất bức xúc và họ đi đòi sự công bằng.
Khi kiện thì chúng
tôi phải đến thị xã Kỳ Anh để kiện, vì đó là do pháp luật quy định: nơi có thẩm
quyền thụ lý vụ án phải là nơi mà tội phạm gây ra tội ác. Kỳ Anh chính là nơi
mà Formosa ở đó và gây ra thảm họa. Bảo rằng chúng tôi đi đông người, đó cũng
là vì pháp luật quy định điều đó, nghĩa là không được khiếu kiện tập thể, mà
mỗi người phải viết đơn, 619 hộ gia đình viết đơn kiện thì phải có ít nhất 619
người đi nạp đơn kiện.
Chúng tôi đã thuê
xe ôtô, nhưng công an đã ngăn chận bằng mọi cách, vừa dọa dẫm, vừa làm rất
mạnh, thành ra chủ xe không thể nào đến với chúng tôi để đưa dân chúng tôi đi
được. Vì không thuê được ôtô, nên chúng tôi phải đi xe máy. Một số người không
có xe máy thì phải đi bộ. Chúng tôi đi rất là ôn hòa, không cản trở giao thông
mà cũng không có một hành động bạo lực nào.”
Theo báo chí chính thức thì sau
vụ này Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại cho biết ban lãnh đạo tỉnh này sắp
tới sẽ làm việc với Tòa Giám mục để vận động các chức sắc và giáo dân trong
toàn Giáo phận “tin tưởng vào chủ trương giải quyết sự cố môi trường biển miền
Trung của Đảng, Nhà nước”, không để tái diễn sự việc như vừa qua.
Phó chủ tịch Nghệ An cũng cam kết
rằng lãnh đạo tỉnh Nghệ An sẵn sàng mời đại diện những người có đơn vào trụ sở
tiếp công dân của UBND tỉnh để nộp đơn và bản thân ông “sẽ làm trung gian nhận
đơn để trực tiếp gửi tới Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, đồng thời theo dõi kết
quả xử lý từ phía TAND thị xã Kỳ Anh để truyền tải tới cho công dân thông qua
Tòa giám mục”.
Vấn đề là không biết đơn kiện của
ngư dân có sẽ được thụ lý hay không và nếu được thụ lý thì tòa sẽ giải quyết ra
sao. Ngư dân Song Ngọc vẫn không chấp nhận việc họ không được chính phủ chia
tiền đền bù, vì tuy không nằm ở những vùng biển bị ô nhiễm nặng, họ vẫn bị
thiệt hại lây, như giải thích của cha Nguyễn Đình Thục:
“ Ở Nghệ An, chúng
tôi cũng thiệt hại nặng nề như những nơi khác là bởi vì khi người dân đánh bắt
về thì hải sản không bán được. Trong một thời gian dài, hàng mấy tháng trời họ
mất công ăn việc làm, phải bán đi những chiếc thuyền của họ, được mua với giá
rất cao nhưng được bán với giá rẻ mạt. Những người còn giữ lại thuyền thì cũng
không làm gì được, thì nghề nghiệp của họ bất ổn, không có thu nhập như trước
đây nữa.
Ngoài những người
đi đánh cá, những người làm những công việc liên quan, như buôn cá hay làm đá
để ướp cá, may vá lưới và cả những người làm nghề muối, đều bị thiệt hại rất là
nặng, cho nên họ đã đi kiện vì không nhận được sự bồi thường nào hết.
Cả một thời gian
dài ngư dân Nghệ An không bán được cá. Bây giờ tuy bán được, nhưng rất khó
khăn. Số người ăn cá biển bây giờ rất ít. Những người có điều kiện thì chẳng
còn dám ăn cá biển, vì họ thừa biết là cá biển không an toàn, chẳng biết là cá
đó được bắt ở vùng biển nào.
Chính phủ Việt Nam
không quan tâm là cá đó bắt từ vùng nào và họ sẳn sàng cấp phép cho bán, thậm
chí khuyến khích ngư dân trong vùng bị ô nhiễm biển đi đánh cá và cấp giấy
chứng nhận cá sạch. Chính vì thái độ vô trách nhiệm như thế mà những người ở
những nơi khác cũng bị vạ lây, tức là cá đánh bắt ở những nơi khác khi được đem
đi bán thì người dân cũng nghi ngờ, không biết là cá này được bắt ở vùng biển
không bị ô nhiễm, nên họ ngại, không dám mua về ăn.
Chúng tôi làm theo
sự hướng dẫn của ban hỗ trợ các nạn nhân ô nhiễm biển, do giám mục giáo phận
thành lập để hướng dẫn chúng tôi. Về mặt pháp lý, chúng tôi đang chờ sự hướng
dẫn tiếp, nhưng người dân ở đây rất quyết tâm, vì cuộc sống của họ bất ổn và
bây giờ họ cần đấu tranh để có sự công bằng. Điều mà họ mong muốn nhất đó là
Formosa phải rời khỏi Việt Nam để trả lại cho họ môi trường biển trong sạch,
lành mạnh, để cuộc sống và nghề nghiệp của họ được ổn định.”
Như vậy là bên cạnh việc giải quyết những hậu quả về
môi trường của vụ Formosa làm ô nhiễm biển, chính quyền Việt Nam đang phải đối
đầu với sự bất bình của những ngư dân các vùng không bị ảnh hưởng trực tiếp,
cũng muốn được đền bù vì những thiệt hại gián tiếp của thảm họa này.
Nguồn: Theo RFI
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire