“Dân chủ là để làm sao cho dân được mở
miệng ra, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là
khiến dân không thiết mở miệng” (Hồ Chí Minh).
Điều cụ Hồ nói năm 1945, đến nay (sau 72
năm) dường như vẫn chưa hề thay đổi. Gần đây, dư luận lại ồn ào tranh cãi về
vấn đề đối thoại. Trong bài này, tôi không muốn phân tích liệu ý định đối thoại
đó là thực hay ảo, mà chỉ bàn về văn hóa đối thoại và đồng thuận quốc gia. Tôi
cũng không muốn so sánh ý định đối thoại mà ông Võ Văn Thưởng (trưởng ban Tuyên
Giáo TW) vừa đề cập, với ý định tổ chức “Hội nghị Hòa hợp Văn học Dân
tộc” mà ông Nguyễn Hữu Thỉnh (chủ tịch Hội Nhà Văn VN) đã nói đến, mà
chỉ điểm lại mấy nét chính trong bức tranh phác họa về đối thoại đang là tâm
điểm gây tranh cãi hiện nay. Tuy sự kiện trên gây ồn ào thế giới mạng, nhưng vì
lý do gì đó báo chí chính thống hầu như không đề cập.
Bức tranh đối thoại
Ngày 16/12/2016, tại “Hội nghị Văn học
2016” do Hội Nhà văn Viêt Nam tổ chức, ông Nguyễn Hữu Thỉnh cho biết sắp tới
Hội sẽ xin ý kiến để tổ chức một “Hội nghị Hòa hợp Văn học Dân tộc” với
sự tham gia của các nhà văn trong nước với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống
tại nước ngoài. Ông Thỉnh còn nói rằng cho đến nay, việc hòa hợp dân tộc trong
lĩnh vực văn nghệ vẫn dè dặt và lạc hậu nhất so với các lĩnh vực khác. Tuy dư
luận cho rằng tổ chức một hội nghị như vậy là chưa từng có tiền lệ trong lịch
sử, nhưng chắc không phải là vô cớ mà ông Thỉnh đề xuất như vậy (khi Hội không
còn kinh phí hoạt động). Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy
việc đó sẽ thành hiện thực. (Tuổi Trẻ, 17/12/2016).
Ngày 18/5/2017, tại hội nghị trực tuyến
sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn
Thưởng cho biết “Ban Tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua văn bản
hướng dẫn tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan
điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà
nước”. Theo ông Thưởng, đây là vấn đề rất quan trọng. “Chúng ta
không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận
và học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và
cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. ông
Thưởng cũng cho rằng cần có quy định rõ ràng để từng cấp, từng ngành, từng cơ
sở, từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi,
đối thoại. (Pháp Luật, 18/5/2017).
Tuy chưa biết ý định đối thoại đó thực
hư thế nào, là dấu hiệu đổi mới hay chỉ là bánh vẽ, nhưng phản ứng của dư luận,
nhất là của giới trí thức phản biện, rất sôi nổi và trái chiều, thậm chí tranh
cãi như mổ bò. Trong khi một số người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng cơ hội chưa đến
và nên chờ thêm, thì nhiều người khác lại tỏ ra quá sốt sắng, “vội vã,
sốt ruột, cuống quýt” để “chớp thời cơ” như sợ mất
lượt (Phạm Chí Dũng, 24/5/2017). Đó là một bức tranh phản cảm so với bài học
Đồng Tâm. Khi những người nông dân đồng tâm nhất trí, đấu tranh quyết liệt, thì
họ buộc chính quyền phải đối thoại, trong khi giới trí thức hô hào đối thoại,
thì chỉ nhận được sự im lặng. Có lẽ họ cần đối thoại với nhau trước khi đối
thoại với chính quyền. Vậy cái gì mở cửa đối thoại (như “vừng ơi mở cửa ra!”) và
quan trọng hơn là cái gì làm cho đối thoại thực chất và kết quả? Có lẽ giới trí
thức cần học hỏi kinh nghiệm “đối thoại Đồng Tâm” (22/4/2017).
Đối thoại hay độc thoại
Về nguyên lý truyền thông
(communication), thông tin phát ra chỉ có ý nghĩa và hiệu quả khi nó được phản
hồi trở lại (feedback), hình thành tương tác hai chiều. Hay nói cách khác, có
người nói thì phải có người nghe. Nếu chỉ nói mà không có phản hồi là độc thoại
(một chiều), không có giá trị truyền thông. Đối thoại (hai chiều) là một cách truyền
thông hiệu quả, và độc thoại là ngược lại nguyên lý truyền thông. Theo
Aristotle (384-322 BC), truyền thông muốn có hiệu quả thường dựa trên nguyên
lý “Ethos – Logos – Pathos”, theo đó người nói và người nghe
phải tương tác và giao hòa (rapport), để quá trình phản hồi hay phản biện có ý
nghĩa. Trong đối thoại, nhất là trong tranh luận (debate), “tư duy phản biện”
(critical thinking) là cần thiết để thuyết phục lẫn nhau, trên cơ sở hai bên
phải ôn hòa và lắng nghe lẫn nhau.
Vì nhiều lý do, người ta cho rằng đa số
người Việt Nam yếu kém về năng lực truyền thông, do thiếu văn hóa đối thoại và
tư duy phản biện như các dân tộc khác, vì xã hội Việt Nam vốn khép kín, do chịu
nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng (trước đây) và chủ nghĩa Mao (sau này). Từ nhỏ,
chúng ta được dạy bảo trong nhà trường và gia đình về đạo lý ứng xử là phải
“ngoan”, vâng lời cha mẹ và không được cãi cấp trên. Năng lực truyền thông yếu
kém (về đối thoại và phản biện) bị thể chế chính trị làm cho vô hiệu hóa và
thui chột. Hầu như chúng ta không có thói quen tranh luận và thiếu văn hóa đối
thoại. Trong bối cảnh người Việt Nam nay cần tranh luận để đổi mới, thì những
tổ chức dân sự có vai trò phản biện xã hội hầu như trống vắng. Viện IDS
(Institute of Development Studies) vừa mới thành lập đã bị giải thể (9/2009).
Tại sao phải đối thoại
Hiện nay, nhu cầu đối thoại và phản biện
xã hội nhằm đóng góp cho đổi mới “vòng hai” đang trở nên cần thiết hơn bao giờ
hết. Nhưng đáng tiếc là lúc này văn hóa đối thoại và tư duy phản biện trong
giới lãnh đạo cũng như trong dân lại bị thui chột và tụt hậu như trình độ phát
triển kinh tế. Nói cách khác, khi yêu cầu đổi mới cao, thì năng lực đáp ứng lại
thấp. Năng suất lao động thấp vì chất lượng nhân lực không cao. Năng lực chém
gió không thể thay thế năng lực tư duy và hành động. Lãnh đạo và người dân hầu
như chưa sẵn sàng, giống như khi con tàu Titanic bị nạn sắp chìm thì rất nhiều
người không biết bơi, và không biết đối phó thế nào. Chưa biết mục đích đối
thoại là nhằm tìm kiếm đồng thuận quốc gia để cứu con tàu, hay chỉ nhằm PR để
tìm kiếm một cái xuồng cứu hộ nào đó, khi đối thoại Việt-Mỹ về nhân quyền đang
diễn ra, trước khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ (29-31/5/2017).
Như đã đề cập nhiều lần, những động lực
đổi mới “vòng một” đã hết đà, không còn tác dụng. Vì vậy cấp thiết phải đổi mới
“vòng hai” nhằm tháo gỡ thể chế, đặc biệt là thể chế chính trị và những rào cản
của hệ thống cũ, để giải phóng năng lượng sáng tạo và động lực phát triển còn
tiềm ẩn. Nói cách khác, lúc này đổi mới thể chế chính trị là cái chìa khóa (như
nguyên lý Pareto) để tháo gỡ nút thắt cổ chai về thể chế đang làm ách tắc cả hệ
thống. Về thể chế chính trị, yêu cầu quan trọng nhất là đổi mới hiến pháp, để
từng bước dân chủ hóa, thay thế dần chế độ độc quyền độc đảng bằng tam quyền
phân lập. Về thể chế kinh tế, yêu cầu cấp bách hiện nay là cắt bỏ cái
đuôi “định hướng XHCN” để giải phóng kinh tế thị trường.
Vì lòng tin của dân chúng đã xuống đến
mức thấp nhất, nên nhiều người nghi ngờ mục đích đối thoại lúc này cũng không
phải để tìm kiếm sự đồng thuận nhằm đổi mới, mà chỉ để đối phó với Mỹ về hồ sơ
nhân quyền, thậm chí những người bất đồng chính kiến vẫn sợ bị gài bẫy như trò
chơi “trăm hoa đua nở” trước đây. Thái độ không lắng nghe dân, im lặng không
thèm trả lời các kiến nghị tâm huyết, chứng tỏ chính quyền không thực tâm tôn
trọng trí thức. Vì vậy, muốn đối thoại trước hết phải xây dựng lòng tin
(confidence building), vì khủng hoảng lòng tin và nỗi lo sợ nghi ngờ trong tiềm
thức (của cả hai phía) là một rào cản tâm lý.
Đối thoại về cái gì
Người ta hay nói nhà nước ta là “của
dân, do dân, vì dân”. Đó là một khẩu hiệu dân túy rất hay nhưng vô nghĩa,
vì chính quyền toàn làm ngược lại. Nay người ta lại nói chính quyền “không sợ
đối thoại, không sợ tranh luận…”. Đó cũng là một tuyên ngôn dân vận hay,
nhưng phản ánh tâm thức bị động đối phó như “hội chứng soi gương” (mirror
image) muốn phủ định tâm trạng vừa lo sợ vừa kiêu ngạo, nay bí cờ nên buộc phải
tìm nước cờ khác. Nước cờ đối thoại đã được thử nghiệm tại Đồng Tâm, không phải
do tự nguyện mà do tình thế bắt buộc. Tuy Đồng Tâm đã “biến điều không
thể thành có thể”, nhưng hãy còn quá sớm để cho rằng “giải pháp Đồng
Tâm” là không thể đảo ngược. Trong binh pháp, mọi cái đều có thể.
Có hai tình huống và kịch bản có thể xảy
ra. Thứ nhất, khi xảy ra tình huống như Đồng Tâm, (hay Formosa), nếu phái ôn
hòa và cải cách cầm trịch thì có thể dẫn đến đối thoại và hòa giải (như
Myanmar). Thứ hai, nếu phái cực đoan và bảo thủ cầm trịch thì có thể dẫn đến
đàn áp và bạo lực (như Thiên An Môn). Giữa hai thái cực đó là một khoảng xám
bất định (uncertain gray area) có thể “diễn biến” trái chiều, tùy thuộc vào cán
cân lực lượng. Nhiều người Việt hay ngộ nhận và nhầm lẫn, nên dễ bị ảo
tưởng vì tự huyễn hoặc. Ngộ nhận là một căn bệnh khó chữa, nhưng còn khó chữa
hơn nếu ngộ nhận bị bội nhiễm bởi cực đoan, dẫn đến biến chứng rất nguy hiểm.
Nếu những người cực đoan và ngộ nhận tham gia đối thoại thì rất khó đi đến đồng
thuận để có kết quả, vì họ giống như những người “điếc chuyên nghiệp”.
Muốn đối thoại phải tránh cực đoan.
Những người chống cộng cực đoan cũng nguy hiểm không kém gì những người cộng
sản cực đoan. Họ sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ
là “việt cộng”, cũng như những người cộng sản cực đoan sẵn sàng chụp mũ cho
những người không cùng quan điểm với họ là “phản động”. Thực ra, chính
những người cực đoan của cả hai phía mới là “phản động”, vì họ làm cản trở cơ
hội hòa giải và hòa hợp dân tộc để chung tay đổi mới và phát triển theo hướng
dân chủ hóa.
Đối thoại với ai?
Tuy có nhiều kênh đối thoại khác nhau,
nhưng nên bắt đầu bằng ba diễn đàn chính. Thứ nhất là diễn đàn chuyên về cải
cách thể chế (trên cơ sở Báo Cáo VN 2035) với các cựu quan chức cấp cao như ông
Bùi Quang Vinh (nguyên bộ trưởng bộ KH-ĐT), bà Phạm Chi Lan (nguyên TTK VCCI,
thành viên Ban NCTT), ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên phó ban Tuyên giáo TW), ông
Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), v.v.
Thứ hai là diễn đàn cải cách mở rộng,
với “Nhóm 72” (gồm các nhân sỹ trí thức) và “Nhóm 61” (gồm các vị lão thành
cách mạng), về những kiến nghị họ đã từng đề xuất (nhưng vẫn chưa được lãnh đạo
hồi âm). Đại diện nhóm này có thể gồm những vị như ông Nguyễn Trung (nguyên thứ
trưởng, trợ lý Thủ tướng, thành viên Ban NCTT), ông Chu Hảo (nguyên thứ trưởng
bộ KH-CN), ông Lê Đăng Doanh (nguyên trợ lý bộ trưởng bộ KH-ĐT, thành viên Ban
NCTT), ông Tương Lai (nguyên viện trưởng Viện Xã hội học, thành viên Ban NCTT),
ông Nguyễn Quang A (nguyên Viện trưởng Viện IDS), ông Trần Đức Nguyên (nguyên
thành viên Ban NCTT), ông Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia cao cấp Văn phòng
Chính phủ), v.v.
Thứ ba là diễn đàn xã hội dân sự, với
đại diện các hội đoàn XHDS độc lập như nhà báo Phạm Chí Dũng (chủ tịch Hội Nhà
báo Độc lập), nhà văn Nguyên Ngọc (chủ tịch Văn đoàn Độc lập), và các đại diện
của giới bất đồng chính kiến (trong nước và ngoài nước).
Đối thoại như thế nào?
Thực ra Việt Nam có khá nhiều cơ chế và
kênh đối thoại. Ngoài Quốc hội, còn có Mặt trận và Ban Dân Vận TW, v.v. Về
nguyên tắc, các đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân, có quyền và nghĩa vụ
thay mặt dân chất vấn Chính phủ trong các phiên chất vấn/điều trần. Nếu Quốc
hội, Mặt Trận, Ban Dân Vận, làm tốt chức năng đối thoại, thì chắc ông Thưởng
không phải đặt ra vấn đề đối thoại, như một biện pháp nhằm giải cứu con tàu
đang sắp chìm, nếu không phải là PR để đối phó tình huống nhằm tìm kiếm một cái
xuồng cứu hộ nào đó.
Điều kiện tiên quyết trong đối thoại là
trước hết hai phía phải ôn hòa, thực tâm lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Nếu
đối thoại với thái độ cực đoan và ngạo mạn, không lắng nghe và tôn trọng lẫn
nhau, thì sớm muộn cũng thất bại. Thứ hai, phải có chính danh (legitimacy), đối
thoại với thái độ xây dựng và nghiêm túc. Thứ ba, phải khiêm tốn để hòa hợp và
hòa giải. Những người cực đoan thường khó hòa hợp do không chịu lắng nghe, như
“đối thoại giữa những người điếc”, hay giữa những người máy “có hệ điều hành hoàn
toàn khác nhau”.
Đã đến lúc chính quyền cần tổ chức đối
thoại và tranh luận công khai về những vấn đề bức xúc của đất nước (như đổi mới
thể chế), không phải chỉ để “hạ nhiệt” mà để đồng thuận quốc gia, với giới trí
thức và các tổ chức xã hội dân sự, trên các diễn đàn được báo chí đưa tin để
dân chúng theo dõi. Tuy vấn đề nào “quá nhạy cảm” thì hai bên có thể trao đổi
nội bộ, nhưng hầu hết các vấn đề nóng bỏng của đất nước cần được tranh luận
công khai.
Gót chân A-sin
Điều đáng mừng là chính quyền đã ngỏ ý
đối thoại với những người khác quan điểm (sau khi “quả bom dân sự đồng Tâm” đã
được tháo ngòi bằng đối thoại). Nhưng điều đáng buồn là tuy chưa biết ý định
đối thoại thực hư ra sao, nhưng một số đại diện cho tiếng nói phản biện đã
tranh cãi như mổ bò và “bất đồng chính kiến với nhau”. Trong khi Ls Cù Huy Hà
Vũ muốn “Đối thoại trực tiếp”, thì Ls Lê Công Định lại muốn “đối thoại gián
tiếp”.
Nếu Đảng “nát như tương” và đất nước
“nát như cám” (lời ông Phạm Chí Dũng) nên “không có nổi một cuộc đối
thoại cho ra hồn”, thì phong trào dân chủ cũng nát như cháo, vì chia
rẽ. Điều đó lý giải tại sao chính quyền vẫn coi thường giới trí thức và phong
trào dân chủ, tại sao họ vẫn tiếp tục “đối thoại với dân trong đồn công
an”. Tuy “bản lĩnh đối thoại” của chính quyền không cao, nhưng bản lĩnh
đoàn kết của giới trí thức cũng thấp. Trong khi kiến nghị tâm huyết của Nhóm 72
& Nhóm 61 “không khiến Đảng mảy may động lòng”, thì tại
sao họ lại “động lòng” chấp nhận đối thoại và nhân nhượng người dân Đồng Tâm?
Theo nhà văn Phạm Thị Hoài, giáo sư Chu
Hảo “lạc quan vô tận”, vì cho rằng “chưa nhất thiết giải thể sự
lãnh đạo của Đảng”. Trong khi “xếp hạng” Gs Chu Hảo là “trí thức phản biện
trung thành” (để phân biệt với “giới bất đồng chính kiến”) nhà văn
gọi “những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng” là những kẻ
“thừa khí phách để chê bai giới trí thức trong nước” xu phụ quyền lực, trong
khi chính họ lại “thiếu một chút can đảm để chính danh”.
Theo ông Phạm Chí Dũng, “lãnh
đạo còn đang phải dành đến 99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ lẫn
nhau trong nội bộ, thì lấy đâu ra hơi sức để đối thoại với mấy ông trí thức”.
Một số quan chức ủng hộ đối thoại có thể vì động cơ thực dụng, muốn lợi dụng
việc này “làm cầu nối” để lấy lòng Mỹ và phương Tây, nhằm “thu xếp cho
hậu sự”. Trong khi bà Phạm thị Hoài cho rằng “giải phẫu thẩm mĩ cho
một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn”, thì ông Bùi quang Vơm
cho rằng những người chủ trương cải cách thật sự có thể lợi dụng trò chơi đối
thoại này để “lật ngược thế cờ” của phe bảo thủ, để “biến
giả thành thật”.
Bi kịch quốc gia
Bức tranh nhiều gam màu đa dạng của xã
hội dân sự Việt Nam thật quá đa nguyên. Phải chăng đây là “gót chân
A-sin” của phong trào dân chủ? Có lẽ tình trạng chia rẽ và bất đồng
trong xã hội dân sự cũng phản ánh bản chất của xã hội Việt Nam (là “ba
người thua một người”). Nhưng bài học phát triển của các quốc gia thành
công ở Đông Á không dựa trên sự đa nguyên đó. Muốn tự cường và thoát Trung, dân
tộc này phải hòa giải và đồng thuận để phục hưng quốc gia, như một dân tộc
thông minh và trưởng thành. Vì vậy, không chỉ giới cai trị phải thay đổi, mà
giới bị trị cũng phải thay đổi để mạnh lên, vì “dân nào thì chính phủ
ấy”.
Một đất nước yếu kém về năng lực kết nối
cộng đồng thường do người ta quá coi trọng “chính sách loại trừ” (exlusive
politics) và quá coi nhẹ “văn hóa dung nạp” (inclusive culture). Để dung nạp,
người ta phải đối thoại và kết nối để đi đến hòa giải dân tộc và đồng thuận
quốc gia. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến “ủy nhiệm” (proxy) bởi
ngoại bang, đã chia cắt và tàn phá đất nước này một cách thảm khốc. Nhưng 42
năm sau chiến tranh, những người Việt cực đoan và cuồng tín (của cả hai phía)
dường như vẫn chưa tỉnh ngộ.
Phải chăng họ vẫn muốn tiếp tục cuộc nội
chiến trong cộng đồng, với tâm thức và não trạng như “tù binh của quá khứ”? Và
“bóng ma Viêt Nam” đã ám ảnh họ suốt hai thế hệ, đến tận bây giờ vẫn chưa chấm
dứt. Dù thời thế đã thay đổi, nhưng dường như họ vẫn chưa từ bỏ cuộc chiến ý
thức hệ vì “cờ đỏ-cờ vàng”. Thậm chí họ còn tiếp tục cuộc nội chiến mới ngay
trong lòng cộng đồng của mình, dù cùng màu cờ sắc áo, dù ở Hà Nội/Sài Gòn, hay
ở Little Saì Gòn. Họ chống lại và chụp mũ bất kỳ ai không giống họ, hay không
nghe theo họ. Đó là nghịch lý Việt Nam, và là bi kịch quốc gia, như một “nghiệp
chướng” (karma). Nếu không thể đồng thuận quốc gia bằng đối thoại, thì đất nước
có thể trở thành một “Công viên Khủng Long”.
Thay lời kết
Trong những năm qua, không gian xã hội
dân sự đã được mở rộng, với 54 tổ chức XHDS trong đó có 16 hội đoàn độc lập
(tính đến 6/2014). Nhưng các tổ chức này chưa thực sự lớn mạnh vì họ còn nhiều
bất đồng, hay tranh cãi và chia rẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có
công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Hiện nay, đổi mới thể chế (vòng hai) là
yêu cầu cấp bách nhất, để tháo gỡ những ách tắc của hệ thống chính trị đã lỗi
thời, nhằm giải phóng năng lượng sáng tạo, và những động lực của kinh tế thị
trường, để đổi mới và phát triển. Trong quá trình này, đối thoại và tranh luận
nhằm tìm đồng thuận quốc gia và hội nhập quốc tế là một yêu cầu cấp thiết, để
thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kép về kinh tế (nợ công chồng chất, ngân sách
thâm hụt), về chính trị (tranh giành quyền lực quyết liệt), về môi trường (ô
nhiễm nặng nề) và văn hóa xã hội (xuống cấp trầm trọng) trong khi chủ quyền
quốc gia và lãnh thổ (tại Biển Đông) đang bị đe dọa.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mỹ sắp
tới của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một thách đố (gambit) đối với chính phủ Việt
Nam, không chỉ về tầm nhìn và đối sách ngoại giao (đầy thách thức) mà còn gắn
liền với bức tranh đối nội (đầy bất ổn). Dưới thời Donald Trump, đối thoại
Việt-Mỹ về nhân quyền cũng như về thương mại (FTA song phương) hay về an ninh
(Biển Đông), đòi hỏi chính phủ (cũng như dân) phải đổi mới tư duy và có bản
lĩnh, để đối phó được với những tình huống mới (đầy bất định). Lúc này chơi “lá
bài Mỹ”, hay chơi “lá bài Nhật” như một đòn bẩy (hedging) trong quan hệ với Mỹ,
ngày càng khó.
Chưa bao giờ Việt Nam lại đứng trước các
thách thức và lựa chọn khó khăn như hiện nay, trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc,
và Nhật. Quan hệ “rất phức tạp” giữa Washington và Bắc Kinh vào lúc này là yếu
tố khiến lãnh đạo Việt Nam phải gặp Donald Trump “càng sớm càng tốt”. Theo Muray
Hiebert (CSIS), “Việt Nam không nên chờ, mà hãy đến Washington ngay bây
giờ để trở thành một phần trong cuộc đối thoại”. Vấn đề là ông
Phúc đối thoại thế nào với ông Trump và các quan chức Mỹ (để không mang tiếng
là “Thủ tướng KLMV”).
26/5/2017
Nguyễn Quang Dy/(Viet-studies)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire