Võ Văn Tạo
Đại tá Phùng Quang Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty quốc phòng 319, con trai Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thời “vàng son” dập dìu “chân dài”. Ảnh: internet |
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Những cái trái khoáy, ngang ngược đến trơ trẽn của sân golf Tân
Sân Nhất, sân golf Gia Lâm, của những khu đất khoác áo “quốc phòng” cho thuê
mấy chục năm qua đã phơi bày rõ ràng đến mức có thuê cả ngàn luật sư giỏi nhất
thế giới biện hộ cũng thất bại.
Làn sóng công luận bức xúc đang rộ lên, làm người đứng đầu chính
phủ, dẫu muốn hay không, không thể không lên tiếng. Nhiều quan chức, tướng
lĩnh, đã nghỉ hưu hay đương chức, cũng tỏ thái độ không đồng tình trước trào
lưu tướng tá quân đội, núp danh nghĩa “làm kinh tế”, đang trở thành những con sâu
ngày đêm đục khoét đất nước, chạy chức chạy quyền, mua lon bằng mọi chiêu trò,
làm mất thanh danh quân đội, suy yếu sức mạnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin,
ngày 23/6, tại cuộc làm việc của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với TP HCM, thượng
tướng, ủy viên TW đảng, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm tuyên bố: “Hiện nay đã có một chủ trương của Bộ
Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân
đội chính quy hiện đại”. Và “chúng tôi đang cho thanh tra
toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM”. Tuyên bố trên của ông Chiêm phần
nào xoa dịu cơn bức xúc của công chúng.
Những tưởng, Bộ Quốc phòng sẽ nghiêm túc tiếp thu dư luận xã xội
cũng như chỉ đạo của thủ tướng chính phủ. Nào ngờ, chỉ mấy hôm sau, ngày 7/7,
tại cuộc làm việc với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Đại tướng, ủy viên
Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch lại khẳng định: “tham gia phát triển kinh tế, xây
dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân
Việt Nam”. Và ông Lịch còn chỉ đạo:“trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải
phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp như Viettel”. Chưa hết, ngày
12/7, làm việc với Tổng công ty quân đội Tân Cảng, ông Lịch lại nhấn mạnh: “Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc
phòng với kinh tế là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân ủy
Trung ương, Bộ Quốc phòng”; “Nhiệm
vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là một chức năng, nhiệm
vụ của quân đội”…
Con ngáo ộp “chủ trương”
Vâng, cái gì không thể biện minh thuyết phục thì cứ đem “con
ngáo ộp” “chủ trương” của đảng ra mà diễn trò cả vú lấp miệng em. Chương trình
khai thác bô xít Tây Nguyên bán cho Trung Quốc bị hàng trăm trí thức, trong đó
có đại tướng Võ Nguyên Giáp, phân tích thiệt hơn, mổ xẻ lỗ lãi, can gián, Quốc
hội và nhân dân cả nước băn khoăn thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “dán băng keo
miệng” Quốc hội xanh rờn “đây
là chủ trương lớn của Bộ Chính trị”. Vậy là Quốc hội, cơ quan quyền
lực cao nhất trên danh nghĩa, cũng “tắt đài”. Và hậu quả của cái chương trình
chết tiệt ấy ra sao thì mấy năm qua, cả nước đã rõ.
Và đấy mới là làm thử trên quy mô nhỏ. Nếu triển khai đại trà từ
đầu thì sự thể còn thê thảm đến đâu!
Xa hơn, những cái gọi là “cải cách ruộng đất”, “hợp tác hóa nông
nghiệp”, “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”, “đánh tư sản”, “xóa bỏ
tư hữu, công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất cơ bản”, “ngăn sống cấm chợ”,
“kinh tế kế hoạch hóa”, “kinh tế nhà nước là chủ đạo”… chẳng phải những “chủ
trương lớn” của đảng đó sao? Hậu quả, di hại của những “chủ trương lớn” ấy ra
sao, thiết tưởng khỏi cần nêu.
Bệnh kiêu ngạo cộng sản
Lê Nin, cha đẻ nước Nga – Xô viết là người đầu tiên bắt đúng căn
bệnh kinh niên mãn tính của tuyệt đại đa số những người cộng sản: bệnh kiêu
ngạo. May mắn giành được quyền lực nhờ bạo lực vũ trang, những người nhìn chung
là thất học hay ít học, hoàn toàn xa lạ với quản lý và xây dựng kinh tế – xã
hội, nhưng lại luôn dương dương tự đắc và ngạo mạn, tự huyễn có thể làm được
tất cả. Họ liên tiếp phạm sai lầm nghiêm trọng, nhưng rất hiếm khi nhìn nhận.
Thời người viết bài này còn mài đũng quần trên giảng đường Đại
học Ngoại thương Hà Nội, đã thuộc nằm lòng câu kinh điển: “chủ trương của đảng
luôn luôn đúng, nhân dân ta anh hùng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất,
mọi sai lầm là do cấp trung gian” trong các giáo trình đại học. Sau kỳ thi tốt
nghiệp đại học 1979, khóa chúng tôi phải qua 3 tháng huấn luyện sĩ quan dự bị.
Tại khóa huấn luyện, vị trung tá giảng viên chính trị đến từ Học viện Hậu cần
cũng lặp lại luận điểm cũ rích ấy. Nhưng những cái đầu biết suy nghĩ của sinh
viên không thụ động tiếp thu. Một số học viên nêu thắc mắc: “Xin hỏi giáo viên, trước đây trong
chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, đảng chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Chính trị,
trung ương đảng đến thẳng các binh nhất, binh nhì, hay cũng phải qua các cấp
chỉ huy trung gian, từ tướng đến tá, đến úy? Tại sao trong chiến tranh, ta
thành công, mà hòa bình, xây dựng kinh tế lại thất bại?”. Vị trung
tá giáo viên “chết đứng”, tảng lờ câu hỏi ấy, bèn về hậm hực báo cáo Giám đốc
Học viện Hậu cần – thiếu tướng Hoàng Kiện. Tại lễ tốt nghiệp và trao quân hàm
khóa sĩ quan dự bị, tướng Hoàng Kiện khai hỏa: “Con người ta chỉ cần 3 năm để
học nói, nhưng 60 năm chưa chắc đã học được cách im lặng”. Rồi ông dành hơn 10
phút để công kích gay gắt các học viên thắc mắc, cho rằng như vậy là các sinh
viên – sĩ quan dự bị hậu cần thiếu tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường
lối, chính sách, nghị quyết của đảng…
Sức mạnh của quân đội là ở đâu?
Có lẽ, trên thế giới, chẳng quốc gia nào quan niệm sức mạnh quân
đội có được là nhờ làm kinh tế, trừ Việt Nam (!). Ngay Trung Quốc, một “khuôn
mẫu” mà chóp bu Việt Nam luôn học hỏi, từ lâu cũng chủ trương nghiêm cấm quân
đội, công an làm kinh tế.
Lợi hại của việc quân đội “làm kinh tế” thì đã rõ, nhiều chuyên
gia, nhà quản lý đã phanh phui mổ xẻ. Đó là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng,
tiêu cực, bè cánh, mất đoàn kết, bất công và lãng phí nguồn lực đất nước.
Không phải không có ẩn ý, khi tướng Lê Chiêm nói “quân đội sẽ
không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy, hiện đại”.
Có nghĩa là, nếu quân đội cứ làm kinh tế, sẽ không tránh khỏi sao nhãng xây
dựng chính quy, hiện đại.
Chức năng của quân đội là đánh giặc. Giặc nào ngán sợ một quân
đội mà tướng tá lúc nào cũng chúi mũi vào tiền bạc?
Thời thế hệ chúng tôi ra trận, quân đội không làm kinh tế. Phải
chăng vì thế chúng tôi không đủ sức mạnh để buộc Hoa Kỳ phải rút quân, thu
giang sơn về một mối?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire