Bài đọc trong lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình
Mênh mông
thế sự để gió cuốn đi số 7 *
Tương
Lai
Đó là ngọn lửa của trí tuệ và lòng quả cảm của người trí thức đích thực, người đấu
tranh cho nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc, giải Nobel Hòa bình 2010.
Bị bắt năm 2008 và bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc
“âm mưu lật đổ nhà nước”, Lưu Hiểu Ba vừa qua đời ở tuổi
62 tại một bệnh viện thuộc thành phố Thẩm Dương sau một thời gian ngắn điều trị
bệnh ung thư gan. Giáo sư Lưu Hiểu Ba là biểu tượng của một nhân cách trí thức
với bản lĩnh “uy vũ bất năng khuất”, bền bỉ và quả cảm đấu tranh cho
khát vọng tự do và dân chủ chống lại chế độ toàn trị phản dân chủ đang thống trị
hơn một tỷ dân Trung Quốc.
Sau khi đã thụ án được 8 năm, ngày 23/5/2017 ông bị chẩn
đoán mắc bệnh ung thư gan và được đưa ra khỏi nhà tù để điều trị tại một bệnh
viện ở tỉnh Thẩm Dương. Chính quyền Bắc Kinh đã khước từ yêu cầu của gia đình giáo sư Lưu Hiểu Ba và một số Chính phủ
cùng với Tổ chức Nhân quyền Quốc tế về việc cho ông sang Mỹ hoặc Đức chữa bệnh.
Lý do sự khước từ đó chẳng có mấy khó hiểu đối với nhà cầm quyền Trung Quốc cũng như với
mọi nhà nước của chế độ toàn trị phản dân chủ khác. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc
thì càng là điều cấm kỵ vì tên tuổi của Lưu Hiểu Ba gắn liền với cuộc đấu
tranh vạch trần vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Vào năm đó, giáo sư Lưu Hiểu Ba đang thỉnh giảng tại Đại
học Columbia ở New York Hoa Kỳ đã không chút do dự mà quyết định bay ngay về Bắc
Kinh để đồng hành với sinh viên và thanh niên Trung Quốc trong cuộc đấu tranh
đòi tự do trong các cuộc biểu tình ôn hòa. Chính ông đã tham gia thương thuyết với quân đội được điều
đến để bắn giết không nương tay những người trẻ tuổi trên quảng trường Thiên An
Môn. Ông đã góp phần cứu hàng trăm người biểu tình thoát khỏi họng
súng của những công cụ chỉ biết bóp cò theo lệnh.
Cũng chính vì vậy,
sau vụ thảm sát Thiên An Môn đến trước năm 2008, nhà trí thức Lưu Hiểu Ba liên tục bị khủng bố, đe dọa và đã từng hai lần bị bắt đi tù. Vào tháng Giêng năm
1993, ông được mời sang Úc tham gia phỏng vấn trong cuộc thực hiện bộ phim tài
liệu biến cố Thiên An Môn. Đã có lời khuyên ông nên ở lại Úc nhưng ông quyết liệt từ chối và khẳng định rằng “cuộc đời tôi là để góp
phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Trung Quốc và điều đó có nghĩa là
tôi phải sống tại quê nhà. Đó là quê hương của tôi”.
Chính trên quê hương mình, ông đã dấn
thân vào cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và nhân quyền trước mọi thủ
đoạn đàn áp khủng bố khốc liệt của nhà cầm quyền Bắc Kinh mà bản án 11 năm tù
vào năm 2009 (sau hơn 1 năm bị tạm giam) đến khi ông qua đời là một minh chứng.
Và cũng như mọi tù nhân chính trị khác, những năm đó bà Lưu Hà, vợ ông, bị nhà
cầm quyền khủng bố, đe dọa, ngăn cản quyền tự do đi lại. Sau khi ra tù lần thứ
ba vào tháng 10 năm 1999, Lưu Hiểu Ba tập trung viết sách với chủ đề chính là
khát vọng dân chủ. Tính đến năm 2008, ông đã viết khoảng 800 bài luận văn có giá trị và xuất bản
nhiều cuốn sách. Ông đã thật sự trở thành nỗi sợ hãi của chính quyền Bắc Kinh.
Họ cấm ông xuất bản sách tại Trung Quốc. Những cuốn sách của ông từ sau năm
2000 chỉ được xuất bản ở Đài Loan và Hong Kong. Song điều ấy không thể ngăn cản
việc ông được bầu làm Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Quốc Tế từ năm 2003 tới
2007.
Năm 2008, Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội Bắc
Kinh, việc kiểm soát các ngòi bút tự do được nới lỏng vì nhà cầm quyền sợ búa
rìu của dư luận quốc tế. Nhân cơ hội này, Lưu Hiểu Ba cùng với một vài trí thức đã soạn thảo và công bố Hiến chương 08 kêu gọi cải cách thể chế toàn diện để đưa Trung Quốc trở thành một
quốc gia dân chủ, văn minh và hiến trị. Hiến chương này là sự tích tụ của một
quá trình tranh luận
trong giới trí thức Trung Hoa từ cuối thập niên 90 khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Sự ra đời của nó trùng hợp với một vài sự kiện lịch sử quan trọng trước thềm năm 2009 như tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, 50
năm lưu đày của Đức Đạt Lai Lạt Ma, 60 năm kỷ niệm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và 90 năm từ ngày khởi động
phong trào Ngũ Tứ.
Hiến chương 08 đúc kết quá trình tranh luận và diễn đạt sự đồng thuận trong giới trí thức về một lộ
trình chuyển đổi từ thể chế độc tài sang dân chủ hiến trị. Mở đầu, Hiến chương
viết: “Cho đến ngày hôm nay, tiến trình cải cách chính trị vẫn còn nằm
trên giấy: có luật pháp nhưng không có pháp quyền
(rule of law), có một bản hiến pháp nhưng không có chính thể lập hiến
(constitutional goverment), đây vẫn là thực tế chính trị mà ai cũng có thể thấy”. Và để kết luận, bản Hiến chương kêu gọi mọi công dân Trung Quốc
tham gia vào tiến trình xây dựng thể
chế dân chủ để hoàn thành trách nhiệm quốc tế của một quốc gia đang là một
trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Thế là Lưu Hiểu Ba lại bị bắt và bị tuyên án 11 năm tù vì tội “xúi giục chống phá
nhà nước”. Trả lời cho sự đê hèn và
nhảm nhí của nhà cầm quyền Bắc Kinh, ngày 8/10/2010, Ban Tổ chức Giải Nobel quyết
định tặng giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba để ghi nhận ý chí đấu tranh ôn hòa bền bỉ cho quyền con người tại Trung
Quốc. Đừng quên rằng trước đó, năm 1991 bà Aung San Suu Kyi cũng đã nhận được giải thưởng danh giá
này khi đang bị chính quyền quân phiệt Myanmar giam cầm.
Đương nhiên, Bắc Kinh đã lồng lộn phản đối gay gắt việc
trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho người bị họ bỏ tù. Họ lo sợ nhân cách và phẩm giá của ông đang là một biểu tượng
sáng ngời thúc giục cuộc đấu tranh vì nhân quyền, đặc
biệt là ảnh hưởng của ông đối với trí thức,
sinh viên và thanh niên tại một đất nước mà quyền con người đang bị chà đạp.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng như mọi chính quyền trong các nhà nước toàn trị phản
dân chủ được Bắc Kinh bảo kê đều hết sức run sợ trước tuyên bố của giáo sư Lưu
Hiểu Ba: “Không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều
hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết”.
Và rồi, giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá ấy được dành cho nhà đấu tranh nhân
quyền nổi tiếng nhất của Trung Quốc đành phải trao cho “một chiếc ghế trống”!
Đây chính là cách vừa lên án sự nhục nhã vô sỉ của chế độ toàn trị phản dân chủ
Trung Quốc, và chắc không chỉ dành cho Bắc Kinh, vừa nhắc nhở lương tri của cả loài người cảnh
giác để đấu tranh chống lại mọi thế lực phản dân chủ, chà đạp lên quyền tự do của
con người trên toàn thế giới.
Vào năm 2011, Tạp
chí Dân Chủ (Journal for Democracy) đã đăng lại và có lời bình luận về
hai bài tiểu luận của Lưu Hiểu Ba năm 2006 mang tựa đề “Có phải người
Trung Quốc chỉ đáng hưởng nền dân chủ do “Đảng dẫn dắt?” (Can it be that
the Chinese People Deserve Only “Party-Led Democracy”) và “Thay đổi chế độ bằng
cách thay đổi xã hội” (Changing the Regime by Changing
Society).
Trong bài thứ nhất,
Lưu Hiểu Ba chỉ rõ rằng kẻ thù lớn
nhất của phong trào dân chủ không phải chỉ là nhà cầm quyền mà là sự thờ ơ của quần chúng. Vì vậy tương lai của một Trung Quốc
tự do phải đến từ nỗ lực tranh đấu của người dân chớ không phải vì sự thoái lui của đảng cầm quyền. Trong bài thứ hai Lưu Hiểu Ba nói lên khát vọng dân chủ qua sự phát triển của sinh hoạt
xã hội dân sự, thực
thi các giá trị dân chủ trong đời sống hàng ngày và chuyển hóa thể chế sẽ là
một quá trình tiệm tiến đầy gian nan từ dưới đi lên.
Giáo sư Lưu Hiểu Ba là người hiểu rõ bản chất ngoan cố của chế độ toàn trị phản dân chủ.
Từng trải nghiệm trong cuộc đấu tranh bền bỉ, từ những cuốn sách và những bài
viết sắc nhọn với một hàm lượng trí tuệ phong phú, ông đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết
điểm, nhược điểm của phong trào dân chủ ở Trung Quốc. Nhà trí thức am hiểu sâu
sắc về nội dung và thực chất của dân chủ đã nhắc nhở những người “chỉ biết đến dân chủ từ sách vở. Họ không có khái niệm gì về việc thực hành nền dân chủ
đó. Họ không hề biết phải xây dựng nền dân chủ như một hệ thống chính trị và một
tòa nhà pháp lý như thế nào và phải đưa những nội
dung gì vào đó”. Theo ông, đúng là “quảng trường Thiên An Môn đã biến thành hòn đá thử lửa. “Tôi đã có mặt ở đó”, “Tôi cũng
từng đến đó”, những
câu nói ấy đã được coi là chứng chỉ của ý thức dân chủ và lương tri xã hội”. Nhưng như thế chưa đủ!
Với ông, “khi
cảm giác về nghĩa vụ gánh vác một sứ mệnh lịch sử bị đẩy lên thái quá, các sinh
viên đã đánh mất khả năng tỉnh táo để tự nhận định và khả năng tự kiềm chế để đạt
hiệu quả cao. Họ không biết rằng những đôi vai mảnh khảnh của họ
không gánh nổi một định mệnh nặng trĩu như vậy. Họ không cưỡng được sự cám
dỗ rằng mình có thể đem lại công lý và tưởng rằng
cứ lấy sinh mạng ra trả giá thì chính quyền sẽ buộc phải nhượng bộ”. Sự thực không hoàn toàn như vậy, Lưu Hiểu Ba vạch
rõ: “Từ trên
bốn thập kỷ nay Trung Quốc không hề có kinh nghiệm gì với dân chủ. Hàng ngày
chúng ta chỉ trải qua và chứng kiến những tranh giành và thủ đoạn tàn bạo của hệ
thống chuyên chế”.
Dẫn ra lời tự bạch
của một cô sinh viên từng có mặt ngày 4.6 đẫm máu: “trên Quảng trường Thiên An Môn khi đó, quan trọng nhất là đức hy sinh và lòng dũng cảm chứ không phải đầu óc
và lý trí”, nhà đấu tranh
cho nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc đặt ra câu hỏi: “Mạng người có gây
nổi một ấn tượng nào với chính quyền không? Có đánh thức nổi đám đông đang ngủ
vùi không? Cái chết có đem đổi lấy công lý được không?”.
Cách đặt vấn đề của
Lưu Hiểu Ba, các ý kiến phê phán của ông không phải là không gây sóng gió trong
phong trào dân chủ Trung Quốc, đặc biệt là với những gia đình nạn nhân của vụ
thảm sát 4-6. Tuy vậy, cả sự nghiệp, nhân cách và bản lĩnh của người trí thức quên mình dấn thân vì
nghĩa lớn không mảy may khuất phục trước bạo quyền đã là một đảm bảo vững chắc cho
cách đặt vấn đề rất trí tuệ và hết sức tường minh của Lưu Hiểu Ba:
“Vì sao một công lý
trên giấy thì được săn lùng cuồng nhiệt, còn công lý tỉnh táo của hiện thực thì
bị gạt ra ngoài”.
Ông đòi hỏi sự tỉnh
táo của những người dấn thân cho sự nghiệp dân chủ mà khí phách của người chiến sĩ đấu
tranh cho tự do của ông đã chứng minh cho
lập luận đó. Điều này không hề mâu thuẫn với sự quên mình vì “khát vọng
dân chủ qua sự phát triển của sinh hoạt xã hội dân sự, thực thi các giá trị dân
chủ trong đời sống hàng ngày và chuyển hóa thể chế sẽ là một quá trình tiệm tiến
đầy gian nan từ dưới đi lên” như ông đã viết ra từ năm 2006 mà tờ Journal
for Democracy năm 2011 đăng tải như đã dẫn.
Ông không phủ nhận
cái “chứng chỉ của ý thức dân chủ và lương tri xã hội” mà những sinh viên và thanh niên
Trung Quốc tự hào vì họ có mặt tại Thiên An Môn trong ngày 4 tháng 6 đẫm máu.
Hình ảnh một người đơn độc đứng hiên ngang trước mũi xe tăng đang chực chồm lên nghiền nát
những người có mặt trên quảng trường Thiên An Môn buổi ấy mãi mãi đi vào lịch sử. Không chỉ lịch
sử của Trung Quốc, mà là lịch sử của tất thảy mọi con người sống trên
quả đất này dám quả cảm đối mặt với bạo quyền, dám hy sinh mạng sống của mình cho tự do.
Tuy nhiên, người trí thức quả cảm và đầy bản lĩnh ấy có một quan niệm sống và đấu tranh
rất đáng suy ngẫm: “Với cái chế độ đã cướp đoạt tự do của tôi, tôi muốn nói với họ rằng tôi vẫn giữ vững niềm tin
mà tôi đã biểu thị trong
tuyên bố tuyệt thực ngày 2 tháng sáu hai mươi năm về
trước: tôi không có kẻ thù và cũng không căm thù… Bởi vì căm thù có thể làm biến chất trí
khôn và sự sáng suốt; hệ tư tưởng địch-ta có thể làm
nhiễm độc đầu óc của nhân dân, kích động những sự tranh giành vô độ, hủy hoại sự
khoan hòa và lý trí của
xã hội, ngăn cản không cho dân tộc vươn tới tự do và dân chủ. Vì thế mà tôi
mong muốn vượt qua số phận cá nhân mình để chú tâm trước hết vào sự
phát triển của đất nước, vào tiến trình của xã hội, ứng phó với sự thù nghịch của
chính quyền bằng tấm lòng đại lượng để hóa giải căm thù trong tình thương”.
Có thể ai đó chưa
hoàn toàn đồng ý với ông. Điều ấy không quá khó hiểu. Mỗi người cần giữ cho
mình một chính kiến để chọn lựa cách thế ứng xử và phương thức
hành động khi tin rằng đó là đúng. Đồng thời cũng phải tôn trọng chính kiến của
người khác mà họ cho là đúng, tuy không giống với mình. Điều quan trọng là mục tiêu
cùng hướng tới. Và Lưu Hiểu Ba dõng dạc nói lên điều đó ngay trong tình trạng cực kỳ bi đát của thân phận
mình: “Tôi thực sự lạc quan về sự xuất hiện một nước Trung Quốc tự do trong tương lai, bởi vì không một sức mạnh nào có thể
ngăn chận được khát vọng tự do của con người. Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành
một Nhà nước pháp quyền, đặt quyền con người lên hàng đầu”.
Thưa các bạn,
Chúng ta hôm nay
có mặt tại đây để tưởng niệm ông, chân thành chia sẻ với ông niềm tin mãnh liệt
của người chiến sĩ đã dấn thân vì mục
tiêu cao cả, con người cao đẹp đó đã vĩnh viễn nằm xuống. Chia sẻ với ông, bởi chúng ta
cũng đang dấn thân vào cuộc chiến đấu cam go vì khát vọng dân chủ và tự do, vì
quyền con người trên đất nước đau thương của chúng ta. Vì khát vọng ấy mà những con người quả cảm và kiên cường đang dấn thân, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, tỉnh
táo đối diện với đàn áp và khủng bố của bạo quyền.
Tên tuổi của những
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) và biết bao người khác nữa đang quằn quại trong tù với những
bản án phi lý, tàn nhẫn và bất
công làm tim ta đau nhói. Đó là các bản án đã “đi ngược lại với Tuyên
ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, việc kết tội này cũng đặt ra những câu hỏi
nghiêm trọng đối với cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách” như thông cáo của đại diện Hoa Kỳ đã thẳng thắn chỉ ra. Còn Bộ Ngoại giao Anh thì bày tỏ
quan ngại: “Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ
quan điểm của mình một cách hòa
bình”. Chẳng những thế,
“những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng
nói là bị buộc tội và nhận án tù, phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý” như thông cáo của
Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ ra.
Cho dù vậy, những
người đang phải gánh chịu những bản án phi luân vẫn vững tin vào sự nghiệp
chính nghĩa mà họ đang dấn thân. Tù đày, kìm kẹp và những đối xử vô nhân tính trong nhà tù không
khuất phục được họ. Trên Facebook ngày 14.7 lúc 9g50, tôi bắt gặp mấy dòng sau
đây của Trần Huỳnh Duy Thức: “Vĩnh biệt ông Lưu Hiểu Ba, ở cuộc đời ông,
qua kho tàng hàng trăm bài viết ông để lại, tôi tìm thấy những điều thật quen
thuộc. Cuối cùng không ai còn có thể cầm giữ ông, cả thể xác lẫn tư tưởng. Rồi đây xã hội Trung Quốc sẽ phải có cái nhìn chính xác hơn về ông”.
Nếu vào những
phút bi thương Lưu Hiểu Ba vẫn thắm thiết tình cảm dành cho vợ
Dùng máu của chính mình
Viết ra một từ bí ẩn
Giúp cho anh đinh ninh
Mỗi chữ đều là con chữ sau rốt…
Trong tia mắt của đao phủ
Phẫn nộ biến thành khối đá
Hai thanh đường sắt đột ngột chập
lại lớp lớp triền miên
Thiêu thân bay bổ vào ánh đèn
Để tư thế vĩnh hằng
Kề cận cùng bóng em.
thì trong thân phận người tù của một chế độ mà do chính cha mẹ của anh xây đắp lên từ buổi ban đầu,
rồi bị phản bội bởi những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất cam tâm
chịu phận chư hầu từ mật ước Thành Đô để được bảo kê cái ghế quyền lực, Ba Sàm
Nguyễn Hữu Vinh đã da diết nói với
mẹ:
Mười năm trước đưa Cha
Nước mưa hòa nước mắt
Nay tiễn Mẹ đi xa
Trời nhòa người lệ ứa
Nước mưa hòa nước mắt
Nay tiễn Mẹ đi xa
Trời nhòa người lệ ứa
Mưa ơi lất phất thôi
Đỡ ướt người tiễn biệt
Gió Đông xin nhẹ thổi
Mẹ giá buốt lắm rồi.
Đỡ ướt người tiễn biệt
Gió Đông xin nhẹ thổi
Mẹ giá buốt lắm rồi.
Người thân vơi bi lụy
Nhẹ lòng người ra đi
Cha mải chờ Chín Suối
Sắp vui đón Mẹ rồi.
Nhẹ lòng người ra đi
Cha mải chờ Chín Suối
Sắp vui đón Mẹ rồi.
Chắc các cụ thân
sinh của Ba Sàm cũng được ngậm cười nơi chín suối vì biết con trai út của mình
đang dấn thân cho một sự nghiệp cao cả mà sinh thời các cụ đã cống hiến hết
mình vì lý tưởng giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho tổ quôc, tự do và hạnh phúc
cho nhân dân.
Chính vì lý tưởng cao đẹp đó mà “Mẹ Nấm”, người mẹ trẻ của hai con nhỏ đã dũng cảm đấu tranh chống lại sự
phản bội của chế độ toàn trị phản dân chủ đang chà đạp lên tự do, dân chủ và
quyền con người đã thắm thiết và dõng dạc nói với mẹ của mình: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con
tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận, mà sẽ tự hào vì con”. Và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với mọi người: “Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu
tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước
tươi đẹp hơn”.
Thưa các bạn,
Chúng ta tìm
trong những dòng tâm huyết ấy ngọn lửa bất diệt của những người dấn thân vì dân chủ và tự
do cho quê hương đất nước mình, ở Trung Quốc,
ở Việt Nam và ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này dân
chủ, tự do và quyền con người đang bị chà đạp. Chúng ta gửi đến những
người con dũng cảm quật cường của dân tộc chúng ta đang bị giày vò cả thể xác lẫn tinh thần trong
nhà tù nghiệt ngã lời biết ơn vì họ đang ở tù thay cho chúng ta.
Gửi đến họ niềm kính phục sâu sắc và cố gắng cùng tiếp sức cho họ trong những
thử thách cam go mà họ đang phải đương đầu.
Trên ý nghĩa đó,
chúng ta nghiêng mình kính cẩn tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, giải Nobel
Hòa bình, người chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền hàng đầu của dân tộc Trung Hoa vĩ đại
vốn có một nền văn hóa lâu đời đã từng cống hiến cho nhân loại những tác phẩm lớn, những
tài năng văn hóa lớn và nay đang sản sinh ra những người như Lưu Hiểu Ba và nhiều
trí thức khác đang góp phần xứng đáng cho văn minh, cho hòa bình, dân chủ và
quyền con người.
Lưu Hiểu Ba sống mãi trong sự nghiệp
đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tự do và quyền con người ấy. Xin
dành một phút mặc niệm.
Sài Gòn
ngày 16.7.2017
•
Bài Mênh mông thế sự số 7
này đáng lý là để hầu chuyện ông Chủ tịch Hà Nội về “Sự kiện Đồng Tâm”
như đã nói trong bài số 6, nhưng xin chuyển sang số sau để ký này kịp viết về
sự kiện Lưu Hiểu Ba. Xin cáo lỗi với bạn đọc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire