Trịệu Vân
Ngày 15/7/2017 vừa qua, Blog Hiệu Minh đăng bài “ Nhị sư Bảo
Châu “ có viết : Năm ngoái vào dịp kỷ niệm ngày sinh cụ Hồ, một số người trương
cao khẩu hiệu Cụ Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, còn nhà
Nobel Toán học, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp là Ngô Bảo Châu thì viết
“ Có quý mến ai thì mong cho họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ
sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta “, Học viện an ninh nhân
dân ( C500) cho là GS Châu đã xúc phạm cụ Hồ nên đã chửi rủa ông với mọi lời
bẩn thỉu. Thực ra cụ Hồ đã có Di chúc để lại dặn hỏa táng Cụ, để Cụ đi gặp cụ
Mác và cụ Lê chứ Cụ không để lại lời hứa nào sẽ mãi mãi đi theo sự nghiệp của
chúng ta. Vì vậy, tôi tìm và giới thiệu bài viết của ông Lữ Phương đăng cách
đây khoảng 10 năm, để dư luận liên hệ, so sánh và phán xét việc C500 vu cáo và
chửi rủa GS Châu như thế có công bằng không.
Giới thiệu tóm tắt về tác giả :
Lữ Phương sinh năm 1938 tại tỉnh Hà Nam Ninh, theo gia đình vào
Saigon, định cư từ năm 1945. Năm 1960, ông tốt nghiệp Trường Đại học Saigon,
sau đó làm việc cho Tạp chí Tin Văn Saigon. Năm 1968 Lữ Phương tham gia Mặt
trận giải phóng miền nam Việt Nam, vào Chiến khu R, gia nhập Đảng cộng sản lúc
đó đã đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, rồi giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hoá
thông tin của Chính phủ lâm thời cách mạng miền nam Việt Nam. Sau năm 1975,
Chính phủ lâm thời cách mạng miền nam Việt Nam giải tán, Lữ Phương nghỉ hưu.
Ông tiếp tục nghiên cứu triết học và chính trị, kể cả Chủ nghĩa Mác-Lenin.
Từ năm 2007, Lữ Phương đã công bố những kết quả nghiên cứu của
ông, trong đó có các tác phẩm :
1- Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh ( đăng trên Talawas )
2- Suy nghĩ về Huyền thoại Hồ Chí Minh ( đăng trên Việt Nam thư
quán ),
3- Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội,
4- Chủ nghĩa Mác-xít và chủ nghĩa xã hội hiện thực,
5- Về “ Một bóng ma của Marx “.
Cuốn “ Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh “ có 5 chương :
Chương 1 : Ra đi tìm đường cứu nước
Chương 2 : Đến với Chủ nghĩa cộng sản
Chương 3 : Từ Nga sang Trung Quốc
Chương 4 : Việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam
Chương 5 : Nguyễn Ái Quốc trở thành Hồ Chí Minh
Dưới đây là bài “ Suy nghĩ về Huyền thoại Hồ Chí Minh “ của tác
giả Lữ Phương :
***
Hồ Chí Minh là một nhân vật quan trọng trong phong trào cộng sản
quốc tế và giải phóng dân tộc thuộc thế kỷ 20. Ông lập ra Đảng cộng sản Việt
Nam, tổ chức cuộc chiến đấu bền bỉ chống lại các thế lực thực dân hiện đại,
hoàn thành độc lập thống nhất, tạo cơ sở quyền lực để thiết lập chế độ mà ông
gọi là chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam.
Trên thế giới và trong nước đã có khá nhiều ý kiến nhận định,
đánh giá sự nghiệp của ông với nhiều quan điểm khác nhau. Riêng ở quốc gia cộng
sản Việt Nam, từ một nhân vật lịch sử, ông đã bị biến thành một nhân vật huyền
thoại, để gây tác dụng rất huyền hoặc trong dân chúng.
Những người nghiên cứu về Việt Nam cho rằng hiện tượng huyễn
hoặc này sinh ra từ 3 nguồn gốc :
1- Tự ông Hồ cố ý tạo ra để lôi kéo dân chúng,
2- Đảng cộng sản đã dầy công biến ông thành một “ biểu tượng thờ
phụng của chế độ “,
3- Một số người Việt hy vọng vào ông như một người cứu độ, giúp
họ thực hiện những mong mỏi từ ngàn đời của đất nước và của bản thân.
Huyền thoại Hồ Chí Minh đã cho Đảng cộng sản Việt Nam uy
tín hầu như quyết định để chiến thắng trong thời chiến giành độc lập nhưng đã
thất bại hoàn toàn trong xây dựng thời hòa bình. Vì thế, huyền thoại Hồ Chí
Minh đã dần dần tan vỡ trong lòng nhân dân và cả trong Đảng nên chúng ta cần có
một cái nhìn công bằng về ông, một nhân vật lịch sử trong thế kỷ đã qua.
Vẽ Rồng chỉ thấy đầu không thấy đuôi :
Trong một thời gian dài, ông Hồ thường xuyên hoạt động bí mật
nên lý lịch của ông cũng là điều bí mật. Sau cách mạng 1945, nhiều người chưa
biết ông là ai. Nhiều đoạn đời của ông đã bị các nhà viết tiểu sử cho ông để
trống, chẳng hạn sau vụ thất bại Xô Việt Nghệ Tĩnh 1930 ông đi đâu không ai
biết, cho đến năm 1941 mới xuất hiện và về nước. Về phần ông thì ông lại không
chịu viết hồi ký, không chính thức công bố lý lịch đầy đủ của mình. Nếu viết
thì ông không ký tên thật. Trong “ Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch “ với
bút danh Trần Dân Tiên, ông chỉ tự giới thiệu là một người cách mạng nay đây
mai đó, không có cuộc sống riêng tư. Người ta cho rằng ông cố ý tạo ra hình ảnh
bí hiểm như vậy.
Trong một cuốn sách nhỏ, ông Hồ đã khen cái tài vẽ Rồng của một
họa sĩ Trung Hoa. Ông khen cái tài đó là làm cho người xem chỉ thấy đầu rồng,
chứ không thấy rõ đuôi rồng vì đã vẽ đuôi bị mây che khuất. Rồi ông đã dùng thủ
thuật đó để tự họa mình. Với khuôn mặt xương xương, dáng người gầy, 50 tuổi đã
để râu dài, ông đã tự tạo ra một cốt cách thanh thoát mờ ảo, xuất thế hơn so
với một số lãnh tụ cộng sản Châu Á khác, chẳng hạn so với Mao Trạch Đông. Do
vậy, hình ảnh của ông trước công chúng chẳng những là một lãnh tụ cộng sản mà
còn là một nhà hiền triết Phương Đông. Không chỉ có vậy, trong thời kháng chiến
chống Pháp, bộ máy tuyên truyền của Việt Minh đã tôn ông lên là “ Cha già dân
tộc “. Ông dùng hình ảnh này tự đề cao mình. Chính ông đã viết trong “ Những
mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch “ rằng “ Nhân dân gọi Hồ Chủ tịch là Cha già dân tộc, vì Chủ tịch là người con
trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam “. Về sau, có lẽ thấy tự xưng Cha của dân
tộc là quá lố, ông không nhắc lại nữa. Trong tiếng Việt, từ ngữ “ Bác “ dùng để
chỉ anh của cha mình. Ban đầu, ông dùng để xưng hô với các cháu thiếu nhi
nhưng rồi ông cũng vui vẻ chấp nhận để mọi người, kể cả người cao tuổi gọi ông là Bác. Ông không chấp nhận ai xưng hô
với ông bằng “ đồng chí “. Tôi ( Lữ Phương ) được nghe kể lại là ông Trần Văn
Giàu và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có lần gọi ông bằng “ đồng chí “ bị ông
chỉnh rất nghiêm khắc. Suốt 7 năm chiến khu R, cứ đến ngày 19 tháng 5 tôi lại
được nghe giảng về tấm gương giản dị, cần kiệm, thân dân của ông, lo cho dân từ
tương cà mắm muối và những câu chuyện kể về ông, đại loại như sau :
- Bác Hồ đi dép râu thì ai cũng biết. Nhưng có chuyện đặc biệt
là đôi dép của Bác đã mòn. Cậu bảo vệ đề nghị Bác thay đôi mới nhưng Bác không
chịu. Nài nỉ không được, cậu bèn lén lấy đôi dép mòn đi đổi lấy đôi dép râu
khác tốt hơn. Khi phát hiện ra Bác nhất quyết bắt cậu ta đi lấy lại đôi dép cũ.
- Cứ mỗi lần đến đến Tết Nguyên Đán, Bác Hồ lại gọi điện thoại
cho Chủ tịch thành phố Hànoi Trần Duy Hưng hỏi xem đã lo đủ lá giong cho dân
gói bánh chưng chưa. Bác còn làm nhiều việc lặt vặt, tủn mủn khác như thế nữa
và để người ta tha hồ dùng nhạc, dùng thơ ca ngợi đức tính như vậy của cụ Chủ
tịch nước họ Hồ.
Cứ như thế, từ một anh hùng giải phóng dân tộc, ông trở thành
ông tiên trong truyện thiếu nhi và trở thành hình tượng người đi cứu độ chúng sinh.
Năm 1975, ngay giữa bùng binh Saigon, tấp nập người qua lại, người ta còn lập
bàn thờ của ông với khói hương luôn luôn nghi ngút.
Thần thánh hóa cả cuộc sống riêng tư.
Người ta ai cũng có thể có một cuộc sống bình thường, có gia
đình, vợ con, do đó chuyện tình ái, vợ con của ông được dư luân rất quan tâm,
nhưng sách báo của Đảng cộng sản Việt Nam lại né tránh không nói đến. Người ta
cố ý tạo ra một tấm gương thanh cao khác với dưới trần thế : Bác Hồ đã cả một
đời vì nước vì non thì màng chi đến vợ con là cái hệ lụy nhân gian ấy ! Nhưng
người ta đã làm một việc không đúng : có lần chính ông đã cho rằng sai lầm lớn
nhất đời ông là không lấy vợ. Trong cuộc sống thực, đã có nhiều chuyện kể rằng
ông đã có nhiều nhân tình trên đường ông đã đi qua: từ Pháp, đến Nga, đến
Trung Quốc.
Bà Kim Hạnh khi là Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, chỉ vì đăng tin ở
trang nhất, lộ ra bài thơ của ông ( mang bí danh Lý Thụy khoảng năm 1925 khi từ
Liên Xô sang Trung Quốc ) gửi người vợ Tầu mà bị đuổi khỏi làng báo. Một nhà
nghiên cứu người Mỹ, sau khi Liên Xô sụp đổ, tìm trong hồ sơ mật của Đệ tam
quốc tế lưu trữ tại Moskva đã phát hiện ra tài liêu ghi
lại rằng khi đi dự một Đại hội quốc tế cộng sản ở Nga, ông Hồ
khai đã có vợ và người đó là Nguyễn Thị Minh Khai. Chuyện tình của ông ở trong
nước lại còn mang những tình tiết bi thảm. Từ lâu, ở Hànoi đã có dư luận về
chuyện ông ăn ở với cô Xuân, do Trần Quốc Hoàn lúc đó là Bộ trưởng công an đưa
đến phục vụ ông. Cô Xuân đã có một con trai với ông, được Vũ Kỳ là thư ký riêng
của ông đem về nuôi, đặt tên là Trung, nay vẫn còn sống. Sau này Hoàn cho người
giết cô Xuân để không còn nhân chứng về chuyện ông Hồ có vợ. Tại Đại hội 9 của
ĐCS vào tháng 4/2001, nhiều hãng thông tấn Phương Tây nói đến chuyện năm 1941,
khi từ Trung Quốc về nước, ông đã có con với một nữ cần vụ người dân tộc thiểu
số, nay có tên là Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư ĐCS. Có người hỏi Mạnh về việc này
thì Mạnh trả lời bâng quơ “ cà nước ta ai cũng là con cháu bác Hồ “. Thực hư ra
sao, đến nay chưa được chứng minh nhưng đã để lại nhiều dư luận trong xã hội.
Đáng lẽ không đáng có những dư luận như vậy. Các lãnh tụ cộng sản cũng là con
người, có tình ái, có vợ con, Đó là bình thường. Nhưng Đảng không muốn như vậy,
Đảng phải tô vẽ hình ảnh của ông Hồ trở thành phi thường, lý tưởng, tạo ra thần
tượng cho guồng máy của Đảng. Đảng cần thay cái bình thường bằng những sự tích
của thần thánh, để giáo dục đảng viên : Anh muốn có đảng tính cao thì anh phải
biết tuân phục cái guồng máy lý tưởng của Đảng, phải cố gắng làm tròn vai kịch
mà Đảng đã xếp vai cho anh. Càng tạo ra được nhiều truyền thuyết phi thường thì
lá cờ Đảng càng thắm màu đỏ máu, sự nghiệp của Đảng càng huy hoàng, không gì
thay thế được, anh sẽ được Đảng ban cho nhiều đặc quyền đặc lợi. Không biết ông
có cảm thấy những bất ổn cho chính ông, do chót giao vở kịch cho cái đám âm
bịnh đội lốt cách mạng của ông thủ vai hay không, khi ông bị mang tiếng thất
đức trong cuộc cải cách ruộng đất miền bắc năm 1953-1956, rồi dần dần bị cô lập
cùng với tướng Giáp, chỉ còn lại vai trò một ngọn cờ tượng trưng, với một bài
thơ Xuân để lại năm 1968 “ Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua “. Ông qua đời ngày
mồng 2 tháng 9 nhưng đệ tử của ông lại không cho ông chết vào ngày đó mà bắt
ông phải qua đời chính thức vào ngày hôm sau mồng 3 tháng 9. Họ cũng không cho
ông được hỏa táng theo Di chúc để đi tìm cụ Mác, cụ Lê mà còn đem ông trưng bày
cho thiên hạ ngắm nhìn.
Sự lựa chọn chính trị của ông Hồ có thể coi là cẩm nang để
chuyển giao cho các thế hệ sau không ?
Đảng cộng sản Việt Nam thần thánh hóa con người của ông Hồ Chí
Minh chỉ nhằm mục đích thần thánh hóa sự lựa chọn chính trị của ông cho Đảng và
nhằm khẳng định một điều rằng: Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị
duy nhất thực hiện được cái tất yếu của lịch sử, vì thế quyền
lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc sẽ là vĩnh viễn và tuyệt đối.
Có thật như vậy không ?
Hãy xem lại từ việc ông Hồ ra đi tìm đường cứu nước ( viết trong
chương 1 cuốn Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh ).
Hồ Chí Minh lúc đó là Nguyễn Tất Thành chỉ là một trong rất
nhiều những thanh niên yêu nước vào lúc bấy giờ. Từ đó mà cho rằng vì yêu nước
mà ngay từ đầu Tất Thành đã có ý định ra nước ngoài để tìm giải pháp cứu nước
thì không hẳn là tất yếu. D. Hemery, một người Pháp nghiên cứu về Việt Nam đã
tìm ra được một tờ đơn của Tất Thành đề ngày 15/9/1911 từ thành phố Marseille,
ký tên là Paul Tất Thành gửi cho Chính phủ Pháp xin vào học trường Ecole
Coloniale là loại trường đào tạo công chức cho các thuộc địa của Pháp, nhưng đã
bị từ chối. Paul Tất Thành còn nhiều lần gửi thư về nước, nhờ quan Khâm sứ
Trung Kỳ hỏi tin tức và chuyển tiền cho cha. Những bằng chứng này xác nhận một
điều hiển nhiên rằng : tại lúc bỏ nước ra đi, Nguyễn Tất Thành chưa hẳn đã có ý
định đi để tìm đường cứu nước, để qua đó lý tưởng hóa cuộc đời của ông ngay từ
khi còn trẻ tuổi. Ý định tìm đường cứu nước có thể đã đến với Tất Thành, nhưng
là đến sau khi những dự định khác đã thất bại ( chẳng hạn sau khi bị từ chối
vào học trường đào tạo công chức thuộc địa ). Lập luận rằng sau khi bôn ba khắp
nơi để nghiên cứu, ông Hồ thấy Chủ nghỉa Mác – Lênin là tuyệt vời và chọn lựa
cũng rất ít thuyết phục. Không có bằng chứng rằng ông Hồ đã tiếp thu được những
tinh hoa của nhân loại để đến với chủ nghĩa Marx. Ông không giống với những
lãnh tụ Châu Á khác như Gandhi, Tôn Dật Tiên đã được chuyển giao kiến thức từ
các trường đại học. Ông trở lại nước Pháp khá lâu ( 6 năm, từ 1917 đến 1923 )
nhưng hầu như ông chỉ làm những công việc thực hành,như quan hệ tiếp xúc, vận
động, viết báo … Ông chỉ đọc những loại sách phổ thông, không có chiều sâu về
tư duy để có thể nghiêm chỉnh tiếp thu chủ nghĩa Marx. Dẫn lại vài đoạn ông đã
kể về Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp năm 1920 để chứng minh điều này :
- Người ta thảo luận rất sôi nổi, người ta nhắc đi nhắc lại nào
là chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghĩa xã hội, cách mạng,
không tưởng, khoa học, nào là Saint Simon, Fourrier, Marx, chủ nghĩa vô chính
phủ, chủ nghĩa cải lương, sản xuất, luận đề, giải phóng, chủ nghĩa tập thể, chủ
nghĩa cộng sản, khách quan, chủ quan …
Nguyễn Ái Quốc ( tức Tất Thành và sau này là Hồ Chí Minh ) chăm
chú lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm. Rồi Đại hội biểu quyết gia nhập Đệ tam
quốc tế ( Cộng sản ) hay ở lại Đệ nhị quốc tế ( Xã hội ). Có điều lạ, tuy không
hiểu rõ lắm nhưng lúc biểu quyết thì Nguyễn bỏ phiếu gia nhập Đệ tam Quốc tế.
- Rô-dơ nữ thư ký của Đại hội rất ngạc nhiên hỏi Nguyễn : Đồng
chí Nguyễn. Bây giờ thì đồng chí đã hiểu tại sao ở Paris chúng tôi đã bàn cãi
nhiều như thế rồi chứ ?
- Nguyễn : Không, chưa thật hiểu đâu.
-Rô-dơ : Thế tại sao đồng chí bỏ phiếu cho Đệ tam quốc tế ?
- Nguyễn : Rất đơn giản. Tôi không hiểu thế nào là chiến lược,
chiến thuật vô sản và nhiều điều khác nữa. Nhưng tôi hiểu rõ một điều là Đệ tam
quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Đệ tam quốc tế nói sẽ giúp
các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Còn Đệ nhị quốc tế thì không
hề nhắc đến vận mạng của các thuộc địa. Vì vậy tôi bỏ phiếu tán thành Đệ tam
quốc tế. Tự do cho đồng bào tôi. Độc lập cho Tổ quốc tôi. Đấy là những điều tôi
muốn. Đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Đồng chí đồng ý với tôi chứ.
- Rô-dơ cười và nói : Đồng chí đã tiến bộ.
Từ những đoạn do chính ông Hồ kể lại, cho chúng ta được biết mấy
điều quan trong liên quan đến vận mệnh tương lai của đất nước chúng ta :
- Nguyễn Ái Quốc ( sau là Hồ Chí Minh ) chưa biết gì về Chủ
nghĩa Marx với tư cách là một học thuyết triết học – chính trị
Ông còn chưa hiểu rõ những khái niệm rất tầm thường có khuynh
hướng thiên tả như đấu tranh giai cấp là gì, bóc lột, sản xuất là thế nào, nói
gì đến những tự biện của Marx về tha hóa, giá trị thặng dư, sứ mệnh giải phóng
của giai cấp vô sản.
- Nguyễn cũng chỉ biết hời hợt về Chủ nghĩa Lê nin, ngoại trừ
đọc bài :” Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về các vấn đề dân
tộc và thuộc địa “ đăng trên báo L' Humanité tháng 7/1920 trước khi họp Đại hội
Tours.
- Ông đã chọn lựa con đường đi theo Lênin chỉ
vì thông qua Đệ tam quốc tế, Lê nin hứa giúp các dân tộc bị áp bức giành lại tự
do và độc lập. Sự lựa chon của ông do vậy là hoàn toàn cảm tính, vội vàng và
phiến diện, không phải là thái độ nghiêm chỉnh về sự lựa chọn chính trị. Trong
những thời gian hoạt động về sau này, ông có được tiếp cận thêm về lý thuyết
cách mạng nhưng vẫn đi theo con đường đã chọn. Ông đến Liên Xô sau khi Lê nin
đã qua đời. Chủ nghĩa Mác- Lê nin đã bị Stalin hóa. Về thực chất, Chủ nghĩa xã
hội ở Liên Xô là chủ nghĩa tư bản nhà nước, còn chủ nghĩa vô sản quốc tế đã trở
thành chiếc bình phong để bảo vệ Liên Xô và bảo vệ sự bành trướng của chủ nghĩa
dân tộc Xô Viết. Thể chế chính trị ở Liên Xô là sự nối dài của chế độ phong
kiến, độc tài. Nó từng là vũ khí hiệu nghiệm để cướp chính quyền ở nước Nga lạc
hậu nhưng lại bất lực trong phát triển.Vì thế sự lựa chọn chính
trị của ông Hồ là sự lựa chọn bất toàn, không thề coi là sự lựa chọn tuyệt
đối đúng để chuyển giao cho các thế hệ sau phải trung thành đi theo. Người
ta có câu hỏi: nếu các thế hệ sau từ chối không tiếp nhận sự chuyển giao cái
cẩm nang ấy thì Hồ Chí Minh còn đi theo họ làm gì ?
Áp dụng sự lựa chọn của ông, Việt Nam đã giành được độc lập cho
dân tộc với các hình thức đấu tranh bạo lực, chiến tranh nhưng đã thất bại toàn
diện trong quá trình xây dựng trong hòa bình từ hơn một nửa thế kỷ nay. Sự lựa
chọn của ông rõ ràng không phải là cái cẩm nang thần kỳ chỉ đường cho nhân dân
ta đến được thiên đàng hạ giới như những bức tranh đẹp lộng lẫy, do những nhà ảo thuật tuyên giáo cộng sản vẽ ra,
càng không thể dựa vào đó để nói bừa là con đường do nhân dân ta đã tự chọn.
Bình tâm suy nghĩ, chúng ta có thể nhận ra nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn bất
toàn của ông Hồ đã được quy định bởi chính cái tạng văn hóa của ông :
- Ông là người rất ưa thực tế, không thích lý luận. Được thúc
đẩy bởi vấn đề bức xúc của đất nước là độc lập dân tộc, ông cảm thấy lời hứa
hẹn của Đệ tam quốc tế là rõ rệt và triệt để, khác với các thế lực khác như Mỹ,
Nhật nên ông chấp nhận. Chủ nghĩa Lê nin lúc đó thu hút ông chủ yếu vì nó đồng
nghĩa với giải phóng dân tộc, ngoài ra ông không suy nghĩ thêm điều gì tiềm ẩn
xâu xa ở chủ nghĩa này. Sau này, khi làm Chủ tịch nước VNDCCH, cách lãnh đạo
của ông, kể từ nói năng đến hành động cũng luôn luôn cố tránh những vấn đề phải
lập luận, đụng đến các học thuyết trìu tượng.
- Ông cũng là người giàu tình cảm. Đọc bài báo của Lê nin nói về
vấn đề thuộc địa, ông cho biết đã khóc lên vì sung sướng và tin ngay lời hứa
của Lê nin. Sau này được biết thêm chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn sẽ chấm dứt những
khốn khổ của người lao động bị áp bức ông càng tin chủ nghĩa Mác- Lê nin hơn.
Tuy vậy, ở ông Hồ, khát vọng độc lập cho dân tộc được gắn với mong mỏi đấu
tranh cho một xã hội công bằng, nhân đạo mà ông đã chịu ảnh hưởng ở nước Pháp
nên đầu óc thực tế của ông không trở thành đầu óc thực dụng tầm thường. Ông
chọn theo Lê nin còn vì nhu cầu có một người thầy tinh thần kiểu Phương Đông.
Tất cả những thuộc tính nói trên ở ông đã quy định sự lựa chọn
của ông với tất cả ưu điểm và nhược điểm của sự lựa chọn đó. Những người ca
tụng ông chỉ nói đến những cái ưu trong sự lựa chọn đó mà không nói đến những
cái nhược của ông :
+ Cái Trí của ông đã không đi theo kịp cái Tâm của ông,
+ Ông chưa có tinh thần tự phản tỉnh để can đảm nhìn lại toàn
diện con đường mà ông đã chọn và đi theo.
Trong thời gian hoạt động bí mật, phải sống trong Dân, cần được
Dân che chở thì cái ưu của ông đã phát huy hiệu quả
và cái nhược chưa có dịp bộc lộ. Tính chất trong sạch lý tưởng,
hy sinh cho nghĩa lớn của ông và những học trò lớp đầu tiên của ông là có thật.
Nhờ đó mà Đảng do ông lập ra đã được đại đa số nông dân ủng hộ, góp sinh mạng
và tài sản cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là nguyên nhân chủ yếu đưa
đến chiến thắng những đế quốc hùng mạnh đã đến thống trị ở Việt Nam, không chỉ
là những nguyên nhân về thủ đoạn và chiến thuật. So sánh một cách công bằng, vì
nguyên nhân đó, Đảng do ông lập ra đã vượt trội so với những lực lượng chính
trị yêu nước khác cùng hoạt động trong cùng thời kỳ đó
Nhưng trong thời kỳ xây dựng trong hòa bình thì cái nhược đã bộc
lộ ra ngày càng rõ rệt : Đấu tố, cải cách ruộng đất đi kèm chỉnh đốn tổ chức đã
phá hoại tận nền tảng đạo lý của dân tộc. Hợp tác hóa, phản bội nông dân về
ruộng đất. Chỉnh huấn cán bộ, bơm màu đen vào cơ thể Đảng. Đàn áp yêu cầu tự do
ngôn luận của giới trí thức văn nghệ sĩ. Khoác lác về cái dân chủ xã hội chủ
nghĩa nhưng đối xử với dân tệ hơn cả cường hào ngày trước. Nhà nước hóa toàn bộ
hoạt động kinh tế của đất nước làm triệt tiêu hoàn toàn động lực phát triển
kinh tế và đẻ ra tham nhũng trong bộ máy nhà nước đến mức bó tay vì đánh tham
nhũng là đánh vào Đảng. Những sai lầm này có nguyên nhân nằm ngay trong
sự lựa chọn chính trị của ông Hồ. Đó là ông đã vội vàng hợp nhất 2 vấn đề
hoàn toàn khác nhau về bản chất là giải phóng dân tộc và cách
mạng xã hội. Cái ý thức hệ mácxit-lêninit mà ông Hồ đem ghép vào chủ
nghĩa dân tộc của ông đã bộc lộ hết tính không tưởng và bất lực của nó. Buộc
thực tế phải uốn theo cái ông đã chọn cho Việt Nam, cả ông và Đảng
cộng sản của ông đã biến sự lựa chọn đó thành vật cản đường đối với sự phát
triển tự nhiên của đất nước.
Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là gì ?
Sau khi xảy ra sự tự sụp đổ ở các nước XHCN Đông Âu ( 1989 ) và
ở Liên Xô ( 1991 ) thì mô hình Lêninit dùng cho các nước nghèo nàn lạc hậu tiến
tới thiên đàng đã tỏ ra hoàn toàn thất bại. Đảng cộng sản của ông Hồ buộc phải
điều chỉnh đường đi, chuyển nền kinh tế bao cấp, mệnh lệnh sang kinh tế thị
trường, mở cửa làm ăn với thế giới tư bản. Trong tình hình đó, khái niệm tư
tưởng Hồ Chí Minh ra đời để thích ứng. Đây là sự ứng phó tình thế chứ không
phải là sáng kiến hay ho gì. Khi còn sống, ông Hồ từng tự nhận là ông không có
tư tưởng gì. Ông nói nếu có một người Châu Á xứng đáng nhận là nhà tư tưởng thì
không phải là ông mà là Mao Trạch Đông, vì thế trong Điều lệ ĐLĐVN ở Đại hội 2
đã ghi Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Mao Trạch Đông là nền tảng tư tưởng của
Đảng. Gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh, gán cho ông cái mà ông không có và không
muốn nhận, rõ ràng không phải là thượng sách. Nó chẳng làm cho Chủ nghĩa Mác-
Lênin phát triển hay được bổ sung. Nó chỉ đánh dấu một bước lùi về ý thức hệ đi
cùng với bước lùi về đường lối kinh tế của Đảng cộng sản, mang ý nghĩa thực
dụng, bỏ bớt những giáo điều đã bị thời gian chứng minh là không tưởng và bất
lực mà ai cũng đã biết, như xóa bỏ tư hữu, công hữu hóa tư liệu sản xuất, đấu
tranh giai cấp, chuyên chính vô sản … có sẵn trong Chủ nghĩa Lênin mà ông Hồ đã
đem về Việt Nam. Thay vào đó là nhấn mạnh đến lòng yêu nước, truyền thống dân
tộc, độc lập tự chủ, nhân ái, hòa hợp …là những khẩu hiệu của chủ nghĩa dân tộc.
Nhưng đây chỉ là thủ đoạn thao tác. Trước đây ông Hồ hợp nhất chủ nghĩa Lênin
với chủ nghĩa dân tộc thì nay Đảng tách ra, đưa chủ nghĩa dân tộc lên trước,
chủ nghĩa Lênin vẩn còn đó nhưng xếp ở phía sau. Còn theo chủ nghĩa Lênin tức
là Việt Nam vẫn phải đi tới chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa
cộng sản. Vậy thì Đảng không thể từ bỏ ngón nghề của Stalin và Mao Trạch Đông
từng làm là chuyên chế khắc nghiệt, xảo quyệt, giả dối với dân. Vì thế, Đảng hô
hào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là dùng ông Hồ Chí Minh làm cái bung
xung chứ tuyệt nhiên không phải thực lòng. Nếu Đảng thực lòng thì phải thay đổi
triệt để phương thức lãnh đạo của Đảng, từ bỏ hẳn đường lối nửa vời, từ bỏ hẳn
chuyên chính vô sản, thay đổi thể chế, thực hiện dân chủ cho tương xứng với
chính sách mở cửa và kinh tế thị trường. Chỉ có làm như thế mới khắc phục được
những những ruỗng nát nội tại trong Đảng và trong xã hội, thúc đẩy đất nước
phát triển nhanh chóng.
Một Hồ Chí Minh đích thực là một người Việt Nam yêu nước nhưng
đồng thời là một người Việt Nam yêu nước kiểu Lênin. Ông đã có
công lãnh đạo, đem lại sự tự chủ và thống nhất cho đất nước nhưng ông cũng có
tội đã du nhập vào đất nước một học thuyết ngoại lai là chủ nghĩa Mác- Lênin để
tác hại của nó còn kéo dài đến tận ngày nay chưa gỡ bỏ được.
Mặc dầu trong những năm 1945-1948, Hồ Chí Minh đã nói đến Tự do,
Dân chủ nhưng nếu vẫn đi theo chủ nghĩa Lênin thì Hồ Chí Minh không thể là ngọn
cờ dân chủ. Vì sao ?. Quả thật, Hồ Chí Minh có nói nhiều đến dân chủ nhưng quan
niệm về dân chủ của ông rất xa lạ với nội dung dân chủ của thời hiện đại, đặc
biệt xa lạ với tính chất giao ước trần tục của sự phân chia và kiểm soát quyền
lực, căn cứ vào đó để tổ chức và quản lý đời sống công cộng. Ông không biết đến
tính chất độc lập của xã hội công dân đối với nhà nước. Ông cũng không hiểu
tính chất quyết định làm nên nhà nước hiện đại là nhà nước phi thiên mệnh, là
nhà nước sinh ra từ pháp luật và tồn tại bằng pháp luật. Quan điểm của ông Hồ
về mối tương quan giữa nhà nước và nhân dân vẫn là quan điểm của Nho giáo. Cái
loại nhân dân mà ông Hồ yêu mến vẫn chỉ là loại xích tử cần được ông dạy dỗ về
Luật Trời và phép nước. Đồng thời ông phải lo cho họ cả về những cái vặt như
tương cà mắm muối chứ không để họ được tự do và khuyến khích họ sáng tạo. Quan
điểm của ông về nhà nước vẫn là thứ nhà nước của những người hiền, của những
minh quân như Vua Nghiêu, Vua Thuấn ở nước Trung Hoa cổ đại. Ông có nói đến
Pháp chế xã hội chủ nghĩa và nói cán bộ là đầy tớ của dân cũng là nói theo quan
điểm ấy. Chúng chỉ là những ý định tốt ban phát từ đấng bề trên. Ông Hồ chọn
chủ nghĩa Lênin nhưng ông lại không biết vì sao ban đầu Lênin là một nhà dân
chủ, hiểu học thuyết của Marx nhưng rồi Lênin lại làm ngược lại tất cả những gì
mà Marx đã hình dung về xã hội tương lai và cuối cùng Lênin thừa nhận rằng ông
ta đã làm theo gương một ông Vua Nga độc tài của thế kỷ 18 là Pierre Đại Đế.
Ông Hồ chọn chủ nghĩa Lênin còn vì ông cho rằng hành động độc tài của Lênin là
trách nhiệm tự nhiên như những minh quân thời trước, nay được thay đổi
với khái niệm chuyên chính vô sản của Đảng cộng sản và đó là nền chuyên chế
nhân đức và cách mạng từ trên ban xuống. Thần dân muốn được giải
phóng, muốn có quyền lực thì phải hết lòng theo Đảng cộng sản vì Đảng là đại
biểu cho quyền lợi lâu dài của họ. Đảng được phép làm mọi việc để tạo dựng cuộc
đời mới cho họ. Đó là sự chuyên chính của Đảng, của cách mạng. Vì vậy, phải tập
trung quyền lực cho Đảng tuyệt đối, vĩnh viễn, không thể chia sẻ quyền lực với
ai, không nhân nhượng với ai về chân lý. Kẻ nào có ý định đi ngược lại thì đó
là lý lẽ của bọn thù đich, phải thẳng tay trừng trị. Với quan niệm sắt thép về
quyền lực như vậy, Lênin đã mở đường cho Stalin vắt cạn kiệt sức lực của người
dân Nga, nhằm nhanh chóng công nghiệp hóa nước Nga, còn Hồ Chí Minh thì cùng
với Đảng của ông dùng chuyên chính như thế để tích tụ được những hy sinh vô bờ
bến của người dân nhằm chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống thực dân, giành
độc lập thống nhất cho dân tộc. Nhưng còn về dân chủ và bao nhiêu lời hứa khác
như bình đẳng, tự do, hạnh phúc … mà Đảng cộng sản đã hứa đem lại cho nhân dân
thì tất cả vẫn chỉ là lời hứa, thậm chí còn tệ hơn là đã biến thành những lời
dối trá trắng trợn. Chuyên chính vô sản đã trở thành chuyên chính với chính
giai cấp vô sản và chuyên chính với nhân dân, Lênin đã mơ hồ nhận ra những hiện
tượng suy đồi này vào cuối đời của ông, còn ở Hồ Chí Minh thì mọi việc đều như
đã êm xuôi như ván đã đóng thuyền, kéo dài đến tận hôm nay.
Người anh hùng đã để lại cho chúng ta bài học gì ?
Đã trải qua ba phần tư thế kỷ, kể từ ngày Hồ Chí Minh giành được
quyền lực tối cao, trở thành Chủ tịch nước VNDCCH.
Cùng với những biến chuyển lớn trên thế giới và đất nước, hình
ảnh Hồ Chí Minh đối với đất nước đã không còn sáng ngời như khi mới giành được độc
lập.Tính chất lý tưởng, cao cả, tuyệt vời mà Đảng cộng sản cố sức tô vẽ cho một
Hồ Chí Minh thần thánh đã không chống đỡ nổi những lầm lỗi và những sự việc tầm
thường của một Hồ Chí Minh thực tế. Đảng càng thần thánh hóa ông bao nhiêu thì
càng gây phản tác dụng bấy nhiêu. Vì vậy, thỏa đáng hơn cả là nên nhìn ông với
những gì ông có một cách hiện thực, không phóng đại, không tô vẽ thêm, cũng
không thêm bớt và cũng không nên đồng hóa tên ông với toàn bộ chế độ này. Thế
giới đã có kinh nghiệm : Tuy rằng Karl Marx có liên quan đến cái thực thể gọi
là chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô nhưng đổ mọi sai lầm của Liên Xô cho Karl Marx là
không thỏa đáng. Đánh giá mối quan hệ giữa Lênin và Stalin cũng nên như vậy. Ở
trường hợp Hồ Chí Minh, đừng quên hình ảnh của ông đã từng bị chế độ này tô vẽ
bằng mọi cách để huyễn hoặc dân chúng. Và cũng không nên bỏ qua điều tạo nên
đặc trưng của Hồ Chí Minh là vai trò của ông trong lịch sử chống ngoại xâm,
trong một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của thế kỷ 20, một thế kỷ đầy đổ vỡ,
hy vọng và ảo tưởng. Đó là một giai đoạn mà cuộc đấu tranh giành độc lập dân
tộc không tách khỏi việc lựa chọn ý thức hệ, hoặc bên này, hoặc bên kia. Thái
độ nhìn nhận như thế thích hợp để có những tiếp cận khách quan về lịch sử.
Trong thế kỷ thứ 20, thế giới biết đến Việt Nam chủ yếu vẫn là do Việt Nam dưới
sự tổ chức và lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã đánh bại các thế lực xâm lược, giành
lại được độc lập dân tộc. Đối với nhiều người Việt Nam, điều ấy là một trong
những lý do để được tự coi là đáng sống.
Nhìn tổng quát thì Hồ Chí Minh là một anh hùng của dân tộc Việt
Nam trong thời kỳ chống các thế lực thực dân. Ông là một nhân vật lịch sử.
Nhưng đất nước là chuyện của muôn đời. Bài học quan trọng nhất của Hồ Chí Minh
để lại là sự lựa chọn của ông về ý thức hệ cho đất nước. Sự lựa chọn chính trị
của ông cho đất nước là sự lựa chọn bất toàn. Ông có ý định tốt đẹp muốn đưa
nhân dân đến thiên đàng nhưng sự lựa chọn bất toàn đó của ông lại dẫn nhân dân
xuống địa ngục. Vì thế không thể để ai cột chặt vận mệnh của đất nước vào sự
lựa chọn bất toàn như thế. Bài học này không những để cho những người đang xưng
tụng ông suy ngẫm mà còn đáng để cho cả những người đang chống ông cùng suy
ngẫm. Họ chống ông nhưng rồi họ có làm như ông không./.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire