Thiện Tùng
Truyền thông Việt Nam vừa công bố bộ sách “Lịch sử Việt Nam”, do Viện Sử
học VN soạn thảo và hoàn thành sau 9 năm, với hơn 30 nhà nghiên cứu Sử học tham
gia. Bộ sách hơn 10 ngàn trang, chứa đựng trong 15 tập. Đây được xem là bộ
“Thông sử” quy mô lớn chưa từng thấy từ trước đến nay ở VN. Bộ sách phản ánh
lịch sử nước VN từ khi khởi thủy cho đến năm 2000.
Chưa được đọc, tôi chỉ nghe dư luận đồn đoán, Bộ sử nầy đặc biệt có đề
cập đến 2 vấn đề lớn mang tính lịch sử: Chiến
tranh biên giới phía Bắc VN và thừa
nhận Chính phủ “Việt Nam Cộng hòa” (VNCH) – một thực thể cầm
quyền ở Nam Việt Nam suốt 20 năm từ 1955
đến 1975 (1)
.
Về chiến tranh biên giới phía Bắc VN: Vì chưa đọc, chẳng
biết Sử mới lý giải thế nào về cuộc chiến tranh biên giới Việt Bắc khởi đầu
tháng 2/1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo quan điểm cá nhân tôi, phải gọi
cuộc chiến tranh nầy là “cuộc chiến tranh chống xâm lược”. Vì thực chất,
Trung Quốc xua 60 vạn quân tràn sang nội địa VN, giết cả dân thường , tàn phá
các tỉnh biên giới phía Bắc VN, Việt Nam chỉ chiến đấu tự vệ.
Về thừa nhận Chính phủ VNCH: Thừa nhận một thực
thể chính trị vốn có và đã cầm quyền ở Nam Việt Nam suốt 20 năm (1955-1975) là
hoàn toàn đúng sự thật, không còn gì để tranh cãi. Vì chưa đọc đại tiết nên
chưa thể tham kiến, bài viết nầy tôi đề cập đến những tiểu tiết mà dư luận đang
tranh cãi:
1/ Trong chiến tranh ở Nam VN, bên nào cũng giành
phần phải (chính nghĩa) về mình. Tuy không phải tất cả, nhưng đa số người ở mỗi
phía biểu cảm mang tính chất miệt thị đối phương: phía VNCH gọi phía Chính phủ
“Cộng hòa Nam Việt Nam” (CHNVN) là “Cộng
phỉ, tay sai Bắc Việt”; Phía CHNVN gọi VNCH là “Ngụy quân,Ngụy quyền, tay sai Mỹ” – vậy là huề ?.
2/ Nếu nói VNCH được thế giới công
nhận thì CHNVN cũng được thế giới công nhận – có khác gì đâu?. Có điều cần nói
rõ: những nước công nhận VNCH phần lớn thuộc phe Tư bản; những nước công nhận
CHNVN phần lớn thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa và các nước không liên kết ( lực
lựợng Thứ ba) ?.
3/ Tại hội nghị 4 bên ở Paris, về
danh chính ngôn thuận: 2 phía đối đầu đều ở Nam Việt Nam là VNCH và CHNVN; 2 phía can thiệp là Mỹ và Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa (VNDCCH) Mỗi bên đều có vị thế riêng của mình, với những tên
gọi chính danh của từng bên như vừa nêu, tuyệt nhiên không có “Cộng phỉ…” hay
“Ngụy…” gì ở đậy ?. Chiến tranh đã kết thúc, lối đánh giặc miệng, dùng từ ngữ
không chính danh để tiếp tục miệt thị nhau là điều không thể chấp nhận?.
4/ Chiến tranh ở Nam Việt Nam thực
chất là cuộc Nội chiến giữa 2 phía đều ở Nam VN (Mỹ và Bắc VN thủ vai can
thiệp). Như 2 đội bóng trên sân cỏ, rốt cuộc
có bên thắng bên thua, đó là điều tất nhiên. Cuộc nội chiến chưa tàn,
phía VNCH bị can thiệp Mỹ bỏ rơi, phải chấp nhận thua trận. Phía CHNVN được Bắc
VN trợ sức đến kỳ cùng, giành thắng lợi chung cuộc, nhưng sau đó cũng bị Bắc VN
hất hủi. Không như ở Mỹ, ở Đức…khi kết thúc nội chiến, thống nhứt đất nước
người ta tiến hành ngay việc “hòa giải,
hòa hợp” dân tộc, còn ở Việt Nam thực tế như thế nào mọi người tự tìm hiểu lấy,
không cần nói ở đây.
5/ Những người cực đoan, thù dai…
ở cả 2 phía đều có. Đã 42 năm sau khi cuộc chiến đã tàn, vẫn còn một số người
cả phía thua và thắng cuộc vẫn còn hầm với nhau – ngoài chõ mõ về, trong chõ mõ
ra chưởi nhau – còn nỗi đau nào hơn ?!. Đơn cử: tôi vui vẻ thông báo với một cán
bộ lão thành: “Ông Nguyễn Cao Kỳ đã về
nước”. Ông nầy trừng mắt nhìn tôi nói: “Sao
là ông Kỳ, phải gọi thằng Kỳ mói đúng chớ ? ”- Tôi cụt hứng trước “lập trường” của ông ta !
.
6/ Đành rằng, theo hiệp định
Genève, Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía
Nam vĩ tuyến 17, thuộc quyền quản lý của Chính phủ VNCH. Trong thời gian cầm
quyền ở Nam VN, VNCH có nghĩa vụ và quyền hạn sử dụng chủ quyền tại hai quần
đảo nầy theo luật pháp Quốc tế. Nếu ai
đó cho rằng: Việc thừa nhận chính thể
VNCH chẳng qua là vụ lợi, để kế thừa 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Lập
luận như vậy không mấy thuyết phục, bởi vì: năm 1974 Trung Quốc đã chiếm toàn
bộ quần đảo Hoàng Sa, năm 1975 Việt Nam Cộng hòa mới thua cuộc. Về pháp lý, bên
thắng cuộc chỉ được kế thừa những gì còn thuộc về bên thua cuộc ?. Nếu Việt Nam
lấy việc thừa nhận VNCH để hưởng kế thừa thì chỉ đối với Trường Sa . Hoàng Sa
đã mất về tay Trung Quốc trước khi VNCH mất – phải dùng cứ liệu xa xưa hơn mới
có thể đòi lại được Hoàng Sa, kể cả việc phải phủ định cho kỳ được Công hàm của
thủ tướng Phạm văn Đồng gửi Trung Quốc hồi năm 1958, vì Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VNCH, VNDCCH không có tư cách
chuyển nhượng.
Đứng góc độ Giai cấp, Đảng phái…, vì mang yếu tố Cục bộ, xem những sự
kiện lịch sử bao giờ cũng hạn hẹp hơn đứng góc độ Dân tộc. Vì đứng góc độ Đảng
phái nên, cho đến giờ nầy, Đảng CSVN chưa công nhận những trường hợp sau đây là
yêu nước:
- Nếu không yêu nước
sao vua Bảo Đại lại tự nguyện làm cố vấn cho Hồ Chí Minh, và nếu không yêu nước
sao Nam phương Hoàng hậu (vợ Bảo Đại) vét hết nữ trang của mình ủng hộ Tuần lễ
vàng do Việt Minh phát động ? .
- Nếu không yêu nước
sao anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm không chấp nhận cho Mỹ đổ quân vào Nam Việt
Nam và có ý định thương thuyết với đối phương, để rồi, nhận lấy cái chết thê
thảm dưới bàn tay Mỹ ?.
- Nếu không yêu nước
sao 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa quyết tử chiến với quân Trung Quốc để bảo vệ
quần đảo Hoàng Sa năm 1974 do Tổ tiên để lại ? – đáng lý ra, phải phong cho
những người nầy danh hiệu “Anh hùng liệt sĩ” mới phải đạo ?
- Nếu không yêu nước
sao, trong những ngày giờ hấp hối, cả Chính phủ VNCH và Tổng thống Dương văn
Minh lại từ chối sự cứu giúp của Trung Quốc; ra lịnh cho người Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam
trong 24 tiếng đồng hồ; và “tháo ngòi nổ” cuộc nội chiến bằng cách ra lịnh cho
binh sĩ VNCH ngưng chiến đơn phương vô điều kiện?.
..v.v…
Lịch sử như bản lý lịch quốc gia, dân tộc. Thử nghĩ: Nhờ có sự kiện nhỏ
mới biết sự kiện kia lớn hơn và ngược lại. Đã là lịch sử thì những sự kiện lớn,
sự kiện đặc biệt của quốc gia, dân tộc, không sớm thì muộn, cũng sẽ được ghi
vào lịch sử dân tộc. Đã là lịch sử thì không có chuyện “xấu che, tốt khoe”. Đã
là lịch sử nếu thiếu thì bổ sung, sai thì phải điều chỉnh cho ngày một hoàn
hào, chính xác hơn. Nếu vì lý do nào đó, chế độ nầy không ghi, không điều chỉnh
thì những chế độ kế tiếp sẽ ghi, sẽ điều chỉnh. Những người làm sử không được
cố/đồng tình nói/viết sai sự thật; phải thay phiên nhau luôn có mặt “trên từng
cây số”, dõi theo từng bước đi thăng trầm của dân tộc.
Lịch sử đòi hỏi phải xác thực. Lúc nào tìm/nhận ra đích xác sự thật mang
tính lịch sử thì mới được phép ghi nó vào sử sách, không nên câu nệ về thời
gian ?. Hấp tấp, vội vàng, không cẩn trọng dễ bị “lệch sử”?.
25/08/2017
T.T
Chú thích
(1)
Năm
1955 ông Ngộ Đình Diệm mới về nước. Qua trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại, Ông
mới lên làm Tổng thống, thiết lập thể chế chính trị ở Nam Việt Nam, với danh
xưng “Việt Nam Cộng hòa”. Việt Nam Cộng hòa tồn tại 20 năm 1955 – 1975,
trải qua 2 thời đoạn: Đệ nhứt 1955 -
1963 (thời Tổng thống Ngô Đình Diệm) và Đệ
nhị 1963 - 1975 (nhiều Tổng thống, Dương văn Minh là Tổng thống cuối cùng)
.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire